Nghệ nhân Hoàng Thị Hậu thực hiện kỹ thuật seo giấy.
Người Mường làm giấy
Thông qua nhiều tư liệu lịch sử, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra nơi
đầu tiên làm giấy dó là làng Nghĩa Ðô ở Cầu Giấy (Hà Nội), sau phát triển đến
làng Bưởi (Yên Thái) - nơi có nghề làm giấy sắc phong nổi tiếng. Chẳng thế mà
nhịp chày giã vỏ dó làm giấy đã đi vào ca dao, dân ca, gợi cảm hứng cho những
tâm hồn thi nhân qua nhiều thế kỷ như: "Mịt mù khói tỏa ngàn sương/Nhịp chày
Yên Thái, mặt gương Tây Hồ” (ca dao) hay "Chày Yên Thái nện trong sương chểnh
choảng/Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co” (Nguyễn Huy Lượng - Tụng Tây Hồ
Phú)...
Sau Yên Thái, làng Ðống Cao ở Bắc Ninh cũng học được cách làm giấy
và phát triển lưu giữ nghề đến tận ngày nay. Vì thế, chúng tôi không khỏi ngạc
nhiên khi thấy ở một nơi như Suối Cỏ của huyện Lương Sơn lại có những nghệ nhân
làm giấy dó người dân tộc thiểu số. Thậm chí, họ đã làm công việc này trong nhiều
năm qua.
Theo chân một chương trình trải nghiệm làm giấy thường kỳ của Zó
Project, một dự án doanh nghiệp xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn và phát
triển làng nghề giấy thủ công truyền thống của Việt Nam theo hướng phát triển bền
vững, chúng tôi đã có dịp tận mắt chứng kiến quá trình làm giấy tại nhà nghệ
nhân Nguyễn Văn Chúc. Thoạt đầu, khó mà nghĩ rằng ở một xã nằm sâu trong huyện
miền núi Lương Sơn lại có nghề làm giấy nhưng ông Chúc cho biết, trong dự án bảo
tồn các làng nghề của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam thì năm 2006, xóm Suối Cỏ, xã
Hợp Hòa được xác định là nơi bảo tồn và phát triển nghề làm giấy nhờ lợi thế có
vùng nguyên liệu và nguồn nước sạch tự nhiên. Có điều, sau 6 năm, khi dự án kết
thúc, làng nghề cũng mai một dần do người dân không thể tìm được đầu ra cho sản
phẩm. Thật may là trong từng đó năm, gia đình ông Chúc vẫn gắng giữ nghề, sản
xuất cầm chừng, trong khi một mình ông Chúc đưa giấy về Hà Nội bán. Chính trong
một lần như vậy, cơ duyên đã đưa ông gặp chị Trần Hồng Nhung, một người tâm huyết
với việc bảo tồn và gìn giữ văn hóa dân tộc. Trước thực trạng đáng buồn là nghề
làm giấy dó thủ công đang dần lụi tàn do không có thị trường tiêu thụ, chị
Nhung và nhóm cộng tác viên đã khởi dựng dự án Zó Project từ tháng 6-2013. Cũng
trong năm này, họ gặp nghệ nhân Chúc tại Hà Nội và năm 2014, hai bên đã kết hợp
để duy trì dự án trong hơn bốn năm qua.
Tổ hợp tác sản xuất giấy dó thủ công xã Hợp Hòa ra đời ở Suối Cỏ,
một xóm có 160 hộ với khoảng 570 nhân khẩu, 90% là người Mường, và đặt ngay tại
nhà ông Chúc. Ngoài ông Chúc và vợ là bà Hoàng Thị Hậu, tổ hợp tác còn bốn hộ
tham gia làm giấy. Ðể làm ra được những tờ giấy có kích thước khác nhau 30 x 40
cm, 60 x 80 cm... thì từ khâu khai thác nguyên liệu, chuẩn bị và sản xuất mất
khoảng 15 ngày. Ban đầu, ông Chúc khai thác cây dó hoặc dướng ở vùng nguyên liệu
cách nhà khoảng 8 km rồi mang về luộc, bóc vỏ. Sau những công đoạn như ngâm với
20% nước vôi, bóc vỏ, giã bằng chày tay cho đến khi thành một dạng bột nhuyễn rồi
lọc và tùy từng loại giấy có thể nhuộm, ông Chúc thu được những thùng bột giấy
mà người ở đây quen gọi là lề.
Tiếp đó là công việc ngâm lề trong tàu và seo giấy. Ðây là công đoạn
mà ông Chúc cho biết, bà Hậu làm rất giỏi. Như bất cứ làng làm giấy nào, kỹ thuật
seo giấy ở Suối Cỏ không có gì khác biệt. Sau khi đổ lề vào tàu, bà Hậu cho
thêm một ít nước nhầy vào hòa. Nước nhầy này được gọi là mò, được chế từ vỏ cây
mò có trên tỉnh Tuyên Quang sau khi được bào và ngâm cùng nước. Theo ông Chúc
và bà Hậu, nếu không có nước mò, bột giấy sẽ không dính và tùy theo độ dày của
giấy, tỷ lệ phù hợp nước mò sẽ được cho vào tàu. Nhờ nước mò, các tờ giấy khi
được bóc khỏi liềm seo dù còn ướt, để chồng lên nhau vẫn không dính vào nhau.
Sau ít phút đánh tàu, bà Hậu lấy khuôn và liềm seo. Kích thước
khuôn và liềm seo cũng là kích thước của giấy. Liềm seo ở đây giống như một chiếc
mành nứa hoặc giang chẻ nhỏ như sợi tăm rồi dùng sợi tơ đan lại. Bà Hậu cho biết,
nhìn vậy nhưng một chiếc liềm có giá đến vài triệu đồng. Chiếc liềm sẽ được bà
Hậu chao đi chao lại trong tàu, trước lúc liềm được đặt lên một tấm vải để bóc
giấy ra. Từng chồng giấy như vậy sau đó sẽ được ép hoặc phơi khô. Theo ông
Chúc, cứ 10 kg vỏ tươi hoặc 4 kg vỏ khô nguyên liệu sẽ làm ra khoảng 120 tờ giấy.
Sổ tay, bưu ảnh, thư pháp được làm từ giấy dó.
Ðem lại giá trị gia tăng cho giấy dó
Hỏi ông Chúc về nỗi lo lớn nhất trong nghề làm giấy dó, nghệ nhân
57 tuổi này nói ngay, đấy là đầu ra của sản phẩm. Ông khẳng định, nguyên liệu
luôn sẵn có trong vùng, người làm không thiếu bởi cho dù thanh niên thời nay
thích làm trong Khu công nghiệp Lương Sơn hay đi xa làm ăn thì nghề làm giấy vẫn
rất phù hợp với những người ở tuổi trung niên như vợ chồng ông cùng các nghệ
nhân tại Suối Cỏ. Trong khi đó, do giá thành cao, hiệu quả sử dụng còn hạn chế
và sự phát triển mạnh mẽ của giấy công nghiệp, cho nên thị trường giấy dó khó
được mở rộng. Cũng vì thế, nếu thu nhập từ làm giấy dó thấp, các nghệ nhân sẽ
buộc phải chuyển nghề.
Trao đổi về vấn đề này, chị Phạm Quỳnh Chi làm việc tại Zó Project
cho biết thêm, là một doanh nghiệp xã hội, Zó Project quan tâm đến việc bảo tồn
vùng nguyên liệu, cải thiện quy trình làm giấy thủ công theo hướng bền vững,
thân thiện với môi trường và tạo ra việc làm cho các cộng đồng người dân tộc
thiểu số để họ có thêm thu nhập chứ không đơn giản chỉ là làm giàu cho doanh
nghiệp. Ðáng chú ý, dự án hướng đến việc tạo ra thêm giá trị cho các loại giấy
thủ công của Việt Nam bằng những sản phẩm thủ công có giá trị kinh tế cao. Nhờ
vậy, bên cạnh những tờ giấy được dành cho vẽ tranh trong mỹ thuật dân gian, viết
thư pháp... các sản phẩm mà nhóm chị Chi làm ra rất đa dạng, có tính ứng dụng
cao như sổ tay, bưu ảnh, bưu thiếp, lịch bàn, lịch treo tường, quạt, thậm chí
là những thứ tưởng không thể làm được với giấy dó như vòng tay, khuyên tai...
Ðây đều là những sản phẩm được tiếp thị và bán ra chủ yếu cho khách du lịch nước
ngoài tại các cửa hàng lưu niệm, khách sạn.
Ngoài việc trực tiếp thiết kế, sản xuất các sản phẩm thủ công liên
quan đến giấy dó và giấy truyền thống, Zó Project tổ chức những hội thảo hướng
dẫn sáng tạo cùng với giấy dó và giấy truyền thống ở cả Hà Nội và Hòa Bình. Ðây
là một cách để mang giấy dó vào cuộc sống đời thường, đồng thời giúp mọi người
hiểu và thêm yêu mến giá trị văn hóa truyền thống từ những gì đơn giản nhất như
tờ giấy dó. Cũng vì thế mà trong các chuyến đi trải nghiệm Suối Cỏ, không chỉ
có những vị khách du lịch, chuyên gia nước ngoài muốn tìm hiểu sâu hơn về nghề
làm giấy của Việt Nam mà còn có rất nhiều bạn trẻ Việt Nam. Trong những chuyến
đi như vậy, mọi người đều được nghệ nhân Chúc, nghệ nhân Hậu giới thiệu và hướng
dẫn quy trình làm giấy, được tự mình làm ra sản phẩm đơn giản nhất là một tờ giấy
và thưởng thức những món ăn đặc trưng của địa phương.
Sau đó, mọi người được đi thăm vườn ươm của gia đình ông Chúc. Ðây
là nơi Zó Project và gia đình nghệ nhân trồng các cây nguyên liệu làm giấy như
cây dướng, dó, cây chàm và cây cẩm hồng dùng để nhuộm giấy, cây rau ngót, cây
chuối để lấy sợi thả vào giấy. Theo chị Lê Hồng Kỳ, thành viên dự án, để đa dạng
hoạt động phục vụ cho những tua trải nghiệm, nhóm của chị đang tìm kiếm sự hỗ
trợ và nguồn vốn đầu tư để xây dựng tại đây một nhà sàn, giúp khách du lịch có
thời gian tìm hiểu thêm về nghề làm giấy, được nghỉ ngơi, thư giãn giữa vùng đồi
núi Suối Cỏ thơ mộng cũng như có thể sửa sang khu nhà của nghệ nhân Chúc khang
trang hơn, trở thành một điểm đến hấp dẫn của huyện Lương Sơn nói riêng và tỉnh
Hòa Bình nói chung. Ở đây, việc kết hợp làng nghề và du lịch cũng là một giải
pháp hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập cho chính những nghệ nhân vốn chỉ xem làm
giấy là nghề phụ bên cạnh nghề nông.
Ðều đặn hai chuyến đi trải nghiệm mỗi tháng cho những ai muốn tìm
hiểu nghề làm giấy dó, thế mới thấy thật đáng trân trọng tâm huyết của những
nghệ nhân như ông Chúc, bà Hậu, sự đam mê và gắn bó của các thành viên Zó
Project như Nhung, Chi, Kỳ... trong những năm qua. Họ đã góp một phần công sức
của mình trong việc bảo tồn và phát triển nghề giấy thủ công truyền thống của
Việt Nam theo hướng bền vững.
TheoNhandan