(HBĐT)-Đăk Tô - Tân Cảnh là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ở mảnh đất Tây Nguyên nắng gió. Trong chuyến công tác về tỉnh Kon Tum, chúng tôi có dịp thăm di tích lịch sử này, nơi mà nửa thế kỷ về trước đã diễn ra những trận đánh anh dũng, kiên cường với những chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 


Cán bộ, phóng viên Báo Hòa Bình tìm hiểu thông tin về chiếc xe tăng mang số hiệu 377 được trưng bày ngay trước đài tưởng niệm khu Di tích lịch sử Quốc gia Đăk Tô - Tân Cảnh.

Những ngày trung tuần tháng 8 năm ngoái, chúng tôi có chuyến công tác về mảnh đất Tây Nguyên ruột thịt. Đến mảnh đất nắng gió này, ai cũng thể hiện sự háo hức vì với nhiều người, đây là lần đầu tiên được đặt chân đến Tây Nguyên. Trong những ngày ở Tây Nguyên, chuyến đi lên huyện biên giới Ngọc Hồi (Kon Tum) để lại trong chúng tôi những ấn tượng sâu đậm nhất. Bởi, ở nơi biên viễn xa xôi này, hiện có hàng nghìn người con đất Mường Hòa Bình vào định cư từ 30 năm về trước. Họ là những hộ dân đã di dời, nhường đất để xây dựng công trình thế kỷ - Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Trong hành trình lên vùng biên viễn này, di tích lịch sử Quốc gia Đăk Tô – Tân Cảnh là địa chỉ đỏ mà chúng tôi không thể bỏ qua.

Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh nằm trên một quả đồi có độ cao 600 m, cách thị trấn Đăk Tô 1 km về hướng Tây Nam. Di tích nằm trên quốc lộ 14, đoạn từ thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô) đi Ngọc Hồi. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đăk Tô – Tân Cảnh là một trong những chiến trường ác liệt nhất của khu vực Tây Nguyên. Địch nhận định: "Ai làm chủ được Tây Nguyên thì sẽ làm chủ được miền Nam và cả Đông Dương” nên chúng tập trung quân lực mạnh mẽ, xây dựng nơi đây thành cứ điểm bất khả xâm phạm. Chúng tự tin tuyên bố rằng: "Khi nào nước sông Pô Cô chảy ngược thì Việt Cộng mới đánh được Tân Cảnh”. Thế nhưng, dòng Pô Kô thì vẫn chảy xuôi và những người con đất Việt kiên cường, anh dũng đã lập nên chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh hiển hách vào năm 1972.

Theo sử sách ghi lại: Trận chiến bắt đầu vào 15h, ngày 23/4/1972, khi đó, pháo binh Quân Giải phóng nã đạn dồn dập vào căn cứ Tân Cảnh, cứ điểm mạnh nhất của Quân lực Việt Nam cộng hòa. Tiếp đến, rạng sáng ngày 24/4/1972, xe tăng T-54 xông thẳng qua thị trấn Tân Cảnh, lao lên mở cửa phía Đông căn cứ Tân Cảnh. Với những đòn đánh bất ngờ đã làm cho đối phương hoảng loạn, đến 5h55’, ngày 24/4/1972, Quân Giải phóng đã chiếm được thị trấn Tân Cảnh. Lúc này, cuộc chiến đấu ở căn cứ E42 Tân Cảnh diễn ra dữ dội. Đến 11h, ngày 24/4/1972, Trung đoàn 66 Quân giải phóng đã làm chủ căn cứ Tân Cảnh. Đây là chiến thắng có ý nghĩa quan trọng, làm tan vỡ cứ điểm chiến lược quan trọng của Mỹ - Ngụy ở vùng cực Bắc Tây Nguyên, giải phóng một vùng đất rộng lớn với hàng ngàn dân, làm thay đổi cục diện tình hình giữa ta và địch, buộc Mỹ - Ngụy phải ngồi vào bàn đàm phán Hội nghị Paris ngày 27/1/1973. 

Đến thăm di tích này, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với hai chiếc xe tăng được trưng bày ngoài trời ở hai bên Tượng đài chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh. Chiếc xe tăng với số hiệu 377 và xe pháo tự hành 472 là biểu tượng cho chiến thắng Đắk Tô – Tân Cảnh của gần 50 năm về trước với những chiến tích oai hùng. Trong đó, xe tăng số hiệu 377, thuộc Trung đội 3, Đại đội 7, Tiểu đoàn 297, nay là Đại đội 7, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 273, Quân đoàn 3. Trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên xuân - hè năm 1972, chiếc xe tăng này đã chiến đấu anh dũng, tiêu diệt 7 xe tăng M41 của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Xe pháo tự hành 472 thuộc Bộ Tư lệnh Tăng Thiết giáp đã phối hợp với Tiểu đoàn Tăng 297 và bộ binh tấn công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm E42 của địch, làm nên chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Ngày nay, khi chiến tranh đã lùi vào trong quá khứ, bãi chiến trường khốc liệt ngày nào giờ đã hiện hữu sắc xanh ấm no, trù phú. Còn di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh vẫn mãi là niềm tự hào về ý chí chiến đấu, chiến thắng, chẳng ngại hy sinh xương máu vì nền độc lập của người Việt. Với những ý nghĩa đó, ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2499/QĐ-TTg về xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh. Đây thực sự là một địa chỉ đỏ không thể bỏ qua khi đến với mảnh đất Kon Tum đang từng ngày đổi thay.

Viết Đào


Các tin khác


Gạc Ma - ngày ấy, không quên

Những ngày này, các cựu binh Trường Sa tại miền Trung lại tất bật đến nhà đồng đội - những chiến sĩ đã ngã xuống trên đảo Gạc Ma bởi nòng súng của quân Trung Quốc ngày 14-3-1988. Có người đến tận nhà đồng đội thắp nén hương. Có nơi làm lễ giỗ vọng cho 64 đồng đội như một lời tri ân những người nằm lại Gạc Ma.

Ký ức những chuyến đi biên giới

Mỗi chuyến đi biên giới là một lần để lại ấn tượng sâu sắc. Chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến hành trình giúp dân lập bản, gieo chữ của các cán bộ chiến sỹ bộ đội biên phòng, các giáo viên cắm bản. Dù hành trình đến với vùng đất ấy còn nhiều khó khăn nhưng không có gì là không thể.

Gắn kết tình quân dân, đắp vun tình hữu nghị

Tháng 3, đường tuần tra biên giới phủ vàng những vạt hoa cải. Tham gia tuần tra biên giới cùng bộ đội biên phòng, Lù Thị Yên và Sùng Thị Thu bước thoăn thoắt giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng. Trước mắt Yên và Thu là những cột mốc từ 197 đến 199 ở độ cao gần 2.000m so với mực nước biển.

Chuyện chưa kể về cánh rừng thiêng dưới chân đèo Đá Trắng

(HBĐT) - Từ hàng trăm năm qua, cánh rừng dưới chân đèo Đá Trắng (xã Phú Cường, Tân Lạc) vẫn là rừng nguyên sinh. Dù nghèo đói thế nào cũng không ai dám vào rừng đốn củi, lấy măng. Dù rằng ngay phía dưới là quốc lộ 6 chạy qua...

Thành phố trẻ nơi biên giới Lào Cai

Vượt lên mọi khó khăn gian khổ chồng chất sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc tháng 2-1979, 40 năm qua, quân và dân tỉnh Lào Cai đã nỗ lực xây dựng TP Lào Cai trở thành đô thị hiện đại, văn minh, là cửa ngõ giao thương quốc tế ở vùng biên giới phía bắt đất nước.

Du xuân làng lụa Vạn Phúc

(HBĐT) - Giữa Thủ đô hoa lệ, náo nhiệt, làng lụa Vạn Phúc vẫn giữ được nét cổ kính, thanh lịch với cổng làng, giếng nước, cây đa, sân đình, mái chùa mang đậm nét văn hóa đồng bằng Bắc Bộ. Phố Lụa yên ả, nuột nà mà rực rỡ sắc màu của gấm, của lụa, làm say lòng du khách. Chẳng vậy mà, những ngày đầu xuân, rời xa ồn ào phố thị, không ít người đã về làng cổ Vạn Phúc như tìm về chốn quê nuôi dưỡng giá trị văn hóa đặc trưng của người Việt. Sự kết hợp giữa gìn giữ làng nghề truyền thống và làm du lịch đã khiến nơi đây có sức hút riêng với du khách trong, ngoài nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục