(HBĐT) - Ban đầu chỉ là nơi để ông lưu giữ ký ức chiến tranh, kỷ niệm đẹp về đời binh nghiệp. Nhưng chính ông cũng không ngờ, phòng truyền thống - nơi ông lưu giữ kỷ vật chiến tranh lại trở thành "địa chỉ đỏ” để người dân, thậm chí cả những du khách nước ngoài có dịp đến thăm vùng đất Mường Bi quê ông thường ghé lại để được nghe những câu chuyện, được tận mắt thấy những hiện vật chiến tranh tưởng như chỉ có thể thấy trên phim, ảnh...


Thiếu tướng Bùi Đình Phái giới thiệu những kỷ vật chiến tranh với thế hệ trẻ quê hương Mường Bi. 

Không ngạc nhiên khi mỗi lần Thiếu tướng Bùi Đình Phái, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh về nhà ở xóm Kha, xã Địch Giáo (Tân Lạc) đều có rất nhiều "khách”. Mà lạ, "khách” của ông chủ yếu là học sinh và đoàn viên, thanh niên (ĐVTN). Lạ hơn nữa, khi câu chuyện của họ chủ yếu là chuyện kể về chiến tranh được minh chứng bằng hàng trăm kỷ vật ông còn lưu giữ. Ông bảo: "Ở đây có hàng trăm hiện vật, kỷ vật chiến tranh, nhưng mỗi hiện vật đều mang trong mình một câu chuyện. Ví như những chiếc bật lửa Zippo nổi tiếng này. Trên mỗi chiếc đều được người lính Mỹ khắc vào đó nơi mặt trận họ tham chiến và những suy nghĩ của họ về chiến tranh. Khi ra trận đây là vật bất ly thân của người lính Mỹ. Bởi trên đó còn ghi cả những thông tin cá nhân của họ. Hay như khẩu súng Colt là vũ khí phòng thân của một tên Việt gian khét tiếng tàn ác mà bản thân những người lính chúng tôi khi chiến đấu đã từng đối mặt, giành giật nhau giữa sự sống và cái chết. Hoặc "cây nhiệt đới” là thiết bị điện tử vô cùng hiện đại của Mỹ thả xuống tuyến đường Trường Sơn nhằm dựng lên tuyến hàng rào điện tử, theo dõi, phát hiện bộ đội, chỉ thị cho máy bay đánh phá...”.

Câu chuyện về chiến tranh của ông vẫn luôn là thế, thật bình dị nhưng cũng thật ý nghĩa, sâu sắc. Giống như đốm lửa nhỏ được ông khơi lên rồi truyền cho đám trẻ để biết trân quý sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha anh đi trước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nói như cô giáo Nguyễn Thị Bình, Tổng phụ trách liên đội trường TH&THCS Địch Giáo: Đến đây không chỉ được nghe kể lại những câu chuyện cảm động về thời kỳ chiến tranh ác liệt mà cô và trò còn được trải nghiệm thực tế sinh động, trực quan về những kiến thức lịch sử. Qua đó, góp phần giáo dục về nhận thức, nhân cách cho các em. Với ý nghĩa đó, hàng năm, trong dịp khai giảng năm học mới Liên đội tổ chức cho các em đến đây thăm quan và học tập trải nghiệm thực tế. 

Em Bùi Khánh Ngọc, lớp 8B, trường TH&THCS Địch Giáo xúc động: Đến đây, được nghe kể về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của thế hệ cha ông đi trước, chúng em được biết thêm nhiều câu chuyện chiến tranh ác liệt và sự hy sinh anh dũng của các chú, các bác để giành độc lập như ngày hôm nay.

Không đơn thuần là nơi khơi dậy truyền thống, giáo dục truyền thống yêu nước của quê hương. Từ lâu nơi đây đã trở thành "địa chỉ đỏ” của các thế hệ thanh niên vùng đất Mường Bi. Đồng chí Bùi Văn Luận, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Địch Giáo cho biết: Nhiều năm qua, Đoàn Thanh niên xã luôn coi đây là một "địa chỉ đỏ” góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương cho lực lượng ĐVTN trong xã. Hàng năm, Đoàn Thanh niên xã tổ chức cho thanh niên chuẩn bị nhập ngũ đến đây để thăm quan, giáo dục truyền thống. Từ đó, mỗi ĐVTN ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Góp phần hoàn thành nhiệm vụ giao quân của địa phương luôn đảm bảo 100% chỉ tiêu với chất lượng ngày càng cao. 

Trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tướng Bùi Đình Phái kể, bản thân ông sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đất nước còn chịu nhiều thương đau, mất mát do chiến tranh gây ra. Năm 1970, khi vừa mới 16 tuổi ông đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Ngay trận chiến đầu tiên tham gia trong Chiến dịch đường 9 - Nam Lào ông đã tiêu diệt được 1 xe tăng và được tặng danh hiệu "Dũng sỹ diệt xe tăng”. Trưởng thành trong chiến đấu, năm 1974, ông được kết nạp Đảng ngay tại trận địa; được tặng thưởng danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ (cấp 1, 2, 3), tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhì, 2 Huân chương Chiến công hạng ba, 3 Huân chương Chiến sỹ giải phóng hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhì... Ông chia sẻ: Ngay từ khi còn chiến đấu, tôi đã hình thành những ý tưởng ban đầu về việc lưu giữ các kỷ vật theo mình trong suốt cuộc chiến vừa để làm kỷ niệm, vừa để giáo dục cho con cháu sau này biết được những hy sinh, gian khổ mà cha ông đã vượt qua để có được ngày hôm nay. Mỗi lần được thấy các cháu đến thăm quan, say sưa tìm hiểu, lắng nghe những câu chuyện về chiến tranh, về sự hy sinh của của các thế hệ cha ông đi trước ra sao, tôi thấy vui và phấn khởi. Từ những cuộc thăm quan đó, nhiều cháu đã nỗ lực vươn lên, có ý thức phấn đấu vươn lên và biết trân trọng những giá trị lịch sử mà cha ông đã phải hy sinh xương máu. Đó là những điều đáng quý.


 Mạnh Hùng


Các tin khác


Ngỡ ngàng thành phố hoa hồng

Cái tên thành phố Hoa Hồng xuất hiện trong thi ca và âm nhạc viết về Đồng Hới nhưng theo năm tháng nó như rơi dần vào... cổ tích. Nhưng hôm nay, hoa hồng đã thực sự hồi sinh.

Gạc Ma - ngày ấy, không quên

Những ngày này, các cựu binh Trường Sa tại miền Trung lại tất bật đến nhà đồng đội - những chiến sĩ đã ngã xuống trên đảo Gạc Ma bởi nòng súng của quân Trung Quốc ngày 14-3-1988. Có người đến tận nhà đồng đội thắp nén hương. Có nơi làm lễ giỗ vọng cho 64 đồng đội như một lời tri ân những người nằm lại Gạc Ma.

Ký ức những chuyến đi biên giới

Mỗi chuyến đi biên giới là một lần để lại ấn tượng sâu sắc. Chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến hành trình giúp dân lập bản, gieo chữ của các cán bộ chiến sỹ bộ đội biên phòng, các giáo viên cắm bản. Dù hành trình đến với vùng đất ấy còn nhiều khó khăn nhưng không có gì là không thể.

Gắn kết tình quân dân, đắp vun tình hữu nghị

Tháng 3, đường tuần tra biên giới phủ vàng những vạt hoa cải. Tham gia tuần tra biên giới cùng bộ đội biên phòng, Lù Thị Yên và Sùng Thị Thu bước thoăn thoắt giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng. Trước mắt Yên và Thu là những cột mốc từ 197 đến 199 ở độ cao gần 2.000m so với mực nước biển.

Chuyện chưa kể về cánh rừng thiêng dưới chân đèo Đá Trắng

(HBĐT) - Từ hàng trăm năm qua, cánh rừng dưới chân đèo Đá Trắng (xã Phú Cường, Tân Lạc) vẫn là rừng nguyên sinh. Dù nghèo đói thế nào cũng không ai dám vào rừng đốn củi, lấy măng. Dù rằng ngay phía dưới là quốc lộ 6 chạy qua...

Thành phố trẻ nơi biên giới Lào Cai

Vượt lên mọi khó khăn gian khổ chồng chất sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc tháng 2-1979, 40 năm qua, quân và dân tỉnh Lào Cai đã nỗ lực xây dựng TP Lào Cai trở thành đô thị hiện đại, văn minh, là cửa ngõ giao thương quốc tế ở vùng biên giới phía bắt đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục