(HBĐT) - Nền văn minh lúa nước, mùa vụ, canh tác… là những thuật ngữ trong sách vở giúp tôi hiểu về nông thôn. Thuở bé, giữa nếp nhà giữa miền non cao, đèo dốc, trong gió rừng mát rượi, nghe lời ru của bà, tôi vẫn mơ mơ hồ hồ về quê hương đồng bằng có gốc gác cha ông. Thế là phải đến khi thành một chàng trai, tôi mới khăn gói về đồng bằng, cảm nhận mộc mạc mà sâu lắng của ngàn đời tổ tiên cấy hái, kháng cự và dung hòa với nắng, mưa, trời, đất. Hơi đất ấm phả vào gan bàn chân giúp bước những bước đi tự tin hơn.
Người đàn ông ngoại ngũ tuần dẫn tôi ra đồng trước đôi mắt tò mò của người trong làng, ngoài xóm. Đó là người đàn ông thứ hai trong đời dạy tôi quen với đất đai mà không phải là những mảnh nương dốc đứng, lổn nhổn đá tai mèo như bố tôi ngày xưa. Lần này, tôi là một chàng rể lơ ngơ về với đồng quê được bố vợ mình dạy bảo từ điều nhỏ nhất.
Nhìn những bờ ruộng hẹp chỉ vừa bàn chân đi, tôi mới thấm thía cái gọi là đất lề, quê thói. Mùa này, ruộng nhà tôi để cạn trồng màu, thửa ruộng khô nằm giữa mênh mông là mặt ruộng nước có những nhánh mạ đang bén rễ thật lạ lẫm bởi tôi cứ quen với điệp khúc chiêm - mùa của đồng bằng. Nhìn ruộng mía, đỗ, lạc… bất ngờ hiện ra, tôi cứ có ấn tượng về sự độc, lạ hay đối phó tình thế. Cái cán cuốc tre chưa chịu rời lưng tôi, chẳng có gì làm mốc nhưng theo bước chân bố, tôi biết ruộng nhà còn xa lắm.
Khi cán cuốc hạ xuống, khoan thai lấy tay che mắt khỏi bị lóa ánh mặt trời, bố tôi bảo:
- Vụ này, ta trồng lạc để giữ giống cho vụ sau. Mùa vụ cũng có khi tiến, khi lui con ạ.
Bởi vậy mới nói cũng có lúc gieo trồng chỉ để giữ sức cho mùa sau, cầm cự với đất đai chứ không mong có dư thừa. Nhưng có lẽ, chỉ cần mai kia, những thân cây họ đậu giàu chất đạm khô mục đi tạo nên lớp mùn hữu cơ bổ dưỡng cho mùa sau. Hóa ra, trồng trọt đâu phải chỉ lo “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” mà còn phải hiểu lẽ nhún nhường, biết hy sinh cái trước mắt để thu về thành quả sau này.
Tiếng là trồng giữ giống nhưng hai bố con tôi cũng đâu có lơ là. Trên cái luống đánh cao (để rễ không bị úng bởi lớp đất ẩm ướt phía dưới), bố tôi cẩn thận bổ từng nhát cuốc tạo thành những hốc đều nhau tăm tắp, mỗi hốc lại chỉ cần độ sâu vừa phải để sau này hạt mầm đủ sức đội đất nhô lên. Nếu nông quá, cây cũng không đủ độ vững chãi. Tuy chẳng phải lội bùn, chẳng phải cấy thẳng tay cho lúa thẳng hàng nhưng làm màu có cái khó riêng, mỗi một loại cây ưa một cách gieo trồng, nhìn những ruộng lạc mầm đã đội đất khoe thùy lá xanh của hàng xóm xung quanh, tôi biết.
Cuối chiều, nắng quái vẫn chiếu xiên từ phía đỉnh đồi xa, nghe tiếng chuông chùa vẳng lại từ làng bên, tôi thấy bố tôi khẩn trương hơn. Mỗi nhát cuốc, nhúm phân lân, hạt lạc vừa tách khỏi vỏ mùa trước còn nguyên màu tươi mới đã vội vã chìm vào lòng đất gánh phận sự duy trì nòi giống cho mùa sau. Tôi theo bố vội bỏ hạt, lấp hốc mau lẹ trước khi trời tối nhưng trong đầu cứ thấy mênh mang một nỗi niềm như thế.
Trước khi về đây, tôi đã từng nghe kể, vụ màu đôi khi lại là khúc đệm, là phao cứu sinh cho nhà nông sau một mùa lúa thất bát, chẳng thế mà câu hát “được mùa thóc lúa chớ phụ ngô, khoai” lúc này cứ văng vẳng bên tai. Hạt gạo bao giờ ăn vào cũng mát ruột (cơm tẻ là mẹ ruột) nhưng dân gian cũng từng có câu: “Sảy cha còn chú, sảy mẹ bú dì”, vụ lúa năm rồi thất thu thì hoa màu cũng giúp ta đỡ đói lòng. Chắc hẳn, mỗi câu ca dao, tục ngữ cũng hàm ý cả triết lý nhân sinh của mùa màng như thế chứ đâu chỉ là quan hệ giữa con người với nhau.
Trồng màu có lẽ là cánh tay trái của nhà nông nhưng chưa bao giờ bị khinh bạc. Bằng chứng là chiếc kẹo lạc, kẹo dồi vẫn là món quà quê ở quán nước ngay bến đò mỗi khi người dân quê tôi đi xa trở về, món quà đón tay của lũ trẻ khi mẹ đi chợ về. Hạt đậu thổi xôi, bát chè kho ngày tết, chum tương… cũng từ mảnh ruộng trồng màu ấy. Nếu vụ lúa chính như người con gái đẹp kiêu sa với màu xanh “thì con gái”, thơm hương đòng sữa, vàng óng chắc mẩy… đã đi vào thơ ca, nhạc, họa thì vụ màu phụ như cô gái quê mùa nhưng tần tảo, lấm lem cứ lặng lẽ với cái duyên thầm mà say lòng người.
Sớm nay, tôi lại khoác ba lô trở về thành phố sau mấy ngày nghỉ, sương sớm còn phủ mịn màng trên cỏ, phương đông ửng một màu hồng rực rỡ. Người làng tôi đã ra đồng, mỗi người một việc, mỗi thửa ruộng một cảnh, tôi không được đồng hành cùng họ suốt dịp này nữa. Nhưng có lẽ, trong tôi vẫn còn bâng khuâng về những nỗi niềm của vụ màu năm nay.
Bùi Việt Phương
(Tổ 4, phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình)
(HBĐT) - Chiến tranh đã lùi xa, những vết thương trên thân mình Tổ quốc đang liền da, kín miệng nhưng vẫn còn lại nỗi đau không thể nguôi ngoai của những thân nhân liệt sỹ, nhất là những gia đình chưa biết con em của mình hiện nằm lại ở nơi nào. Tôi và gia đình mình cũng không thể nguôi ngoai trước nỗi đau này. Người anh hy sinh thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước, mặc dù hàng chục năm qua, gia đình đã cất công tìm kiếm khắp nơi mà không có manh mối gì.
(HBĐT) - Đất là người bạn tri kỷ luôn đồng hành suốt bao mùa vụ với người dân miền núi. Để đất nghỉ ngơi qua dịp Tết, tháng giêng đánh thức đất dậy trong mùa gieo hạt mới, gửi vào trong đất bao hỵ vọng của thời vụ làm đổi thay cuộc sống từng ngày.
(HBĐT) - Nhớ lại, cách đây vừa tròn 20 năm, ông Thành cầm quyết định nghỉ hưu. ông vui vẻ, thanh thản sau gần 40 năm công tác và ra về bàn giao số tài liệu bằng mấy chiếc cặp ba dây.
(HBĐT) - Trời lạnh, khởi hành trên những chiếc xe máy có lẽ không phải là lựa chọn của phái nữ, nhưng đó là một sự lựa chọn thú vị nếu điểm đến của chuyến đi là rừng. Băng qua phố thị ồn ào, qua những cung đường quen thuộc và sau đó là băng qua đường dốc quanh co với sương mù và gió buốt, lên đến lưng chừng núi Ngọc Sơn (Lạc Sơn), chúng tôi ồ lên thích thú. Từ trên cao nhìn xuống mây trắng từng mảng lớn vo tròn hoặc co duỗi đuổi nhau trên những ngọn núi nhỏ xanh rì phía dưới. Ruộng mía, nương ngô vuông vắn như những ô cờ. Hồ, ao lớn nhỏ được bao viền bởi những hàng cây, bờ tre mướt xanh. Cảnh đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình.
(HBĐT) - Sau những tội lỗi tày đình của Thạch phò mã, dù rất thương công chúa nhưng cực chẳng đã vua cha đành “nghiến răng” hạ bút phê chuẩn Quyết định buộc thôi việc đối với chàng rể quý. Vậy là chàng tiều phu lại bìu ríu vợ con trở về vùng rừng xanh, núi đỏ. Đúng vào dịp triều đình ra lệnh đóng cửa rừng nên cung, rìu, búa, nỏ cũng chỉ để Thạch Sanh làm những đồ vật kỷ niệm cho đỡ nhớ một thời oanh liệt.
(HBĐT) - Những năm gần đây, hoạt động liên hoan tất niên khu phố, tất niên xóm khá phổ biến tại các khu dân cư trên địa bàn TP Hòa Bình. Không chỉ là dịp gặp gỡ, tụ họp cuối năm, liên hoan khu phố còn giúp gắn kết cộng đồng, thắt chặt tình cảm láng giếng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở mỗi khu dân cư.