(HBĐT) - Một sáng mùa đông, màn sương còn bảng lảng, trắng nhờ nhờ giăng mắc xiên qua những tia nắng vàng tươi, tôi bỗng thấy mình như bé lại, thành cô công chúa nhỏ mang hài đi giữa triền hoa cải vàng rực. Lại thêm một mùa cải, thêm những xuyến xao, bâng khuâng trong lòng của những kẻ xa quê…
Bên bãi bồi dòng sông xanh mát, mẹ đã gieo giống từ độ cái rét còn ấp ủ tận mùa thu, chỉ đợi một cơn mưa rào thôi là mầm non bật nhú. Sông quê cho dòng nước mát, cho bãi bồi những hạt phù sa quý giá để cải lớn lên mà không cần phải kỳ công chăm bón. Lối về ký ức hôm nay, triền cải in đậm dấu hài tuổi nhỏ, một thuở tôi chăn trâu cùng bè bạn, chơi trốn tìm trong lùm cải vàng tươi. Trong ráng chiều quê đỏ ối, cải hiện lên như loài hoa đồng nội kiêu hãnh, thân thuộc và đẹp xinh nhất. Cũng bởi vậy, đám trẻ con ngày xưa luôn thích kết những bông hoa cải làm vương miện đội đầu, chơi trò cô dâu, chú rể. Cải chân chất như chính người dân ở quê, tự vươn lên bằng khí trời, mãnh liệt và khát khao…
Người ta đếm đời người bằng những cái xuân xanh, còn tôi đếm tuổi mình qua những mùa cải quê nhà. Mẹ sinh tôi vào một mùa cải rực rỡ. Những mùa sinh nhật xưa, tôi ôm vào lòng cả vùng trời hoa cải, ngồi bên bạn bè nghêu ngao những khúc nhạc chúc mừng. Xung quanh tôi, cây cỏ cũng dường như reo ca chào đón ngày tôi ra đời, cây cải cũng như biết cười, rung rinh gật đầu trong gió. Đám bạn nở nụ cười hỉ hả, tất thảy đều mong muốn mình được sinh vào mùa cải nở rộ để được kiêu hãnh cùng màu vàng quyền lực, huyền diệu. Triền cải bỗng nhiên hóa thân thương, là nhân chứng ngọt ngào cho tình bạn thân thiết.
Tôi yêu hoa cải cũng bởi màu vàng đơn sắc, nhẹ nhàng mà không kém phần tinh tế, khôi nguyên. Những cánh hoa li ti xinh xắn như muôn vàn chiếc cúc, tựa vào nhau tạo nên một triền nhớ vàng ươm. Sắc vàng của hoa cải như dệt thêm vào vẻ đẹp đơn sơ mà sâu lắng của miền quê mộc mạc, chân chất. Cũng chẳng có thể ai ngờ được, thân cải mảnh khảnh lại chống chọi được những cơn gió bấc mùa đông lạnh buốt. Bầu trời mùa đông ảm đạm với màu bàng bạc, lòng người cũng dễ ủ dột theo, thế nhưng màu hoa cải vàng rực thắp sáng xua tan khí lạnh âm u và lòng người vì thế hỉ hoan theo. Sắc vàng ấy đại diện niềm khát khao rực cháy, bừng bừng, mãnh liệt.
Mùa cải còn vẽ những bức chân dung vụng dại, yêu thương. Nhớ biết bao mâm cơm nhà nghèo chỉ có ngồng cải xào mỡ, thèm thuồng, tôi nhón gắp một miếng cho vào miệng, mẹ bắt gặp, tôi ngượng nghịu nói lời xin lỗi. Và cũng không biết bao nhiêu mùa cải với mâm cơm nhà nghèo theo tôi suốt tuổi thơ cho đến khi trưởng thành, bước chân ra ga tàu học tập và lập nghiệp ở thành phố. Bữa cơm ấy dễ gì mà tôi có thể quên được? Nó là hành trang nuôi lớn tôi, đưa tôi vào đời. Mỗi mùa cải về, tôi chỉ mong mẹ bình yên, bớt lo âu, vì những đứa con của mẹ cũng đã sải cánh khắp năm châu, bốn bể, trưởng thành và tự lập.
Mùa cải bây giờ triền sông vẫn đang nở rộ, nhưng người năm xưa chẳng về kịp nữa rồi. Tôi luyến tiếc nhớ ngày tuổi thơ, nhớ những lần bên vạt cải vàng hươm. Con nít bây giờ chẳng còn ai mê mẩn như độ xưa chúng tôi đã từng. Cải vẫn lớn lên, đến mùa vẫn bung biếc. Lòng ở phố nhưng tâm tưởng tôi thì đang ở quê. Và những lúc như thế này tôi chỉ ước được chạy giữa cánh đồng hoa cải ngút ngàn, bù đắp cho nỗi nhớ những mùa cải xa quê!
Tăng Hoàng Phi
(Nam Từ Liêm, Hà Nội)
(HBĐT) - Cứ đến độ này, anh H. lại thấy mẹ - một bà giáo già về hưu thật vui, sôi nổi hơn dạo trước. Người già hay sống bằng hoài niệm hay sao ấy… Ngăn kệ của bà cơ man là thư, bưu thiếp, hoa khô ép của các thế hệ học trò… được sắp xếp lại. Có lần nắng to, bà mang những kỷ vật ẩm mốc lên tầng thượng hong nắng. Sợ gió thổi bay, bà ngồi ở hiên che, chờ hàng tiếng đồng hồ… Bao lần cả nhà được mẹ khoe, kể về những học trò, những câu chuyện cũ… Nhiều đến nỗi, bố anh, người đàn ông ít nói nhất nhà phải gàn: "Bà để các con, các cháu nghỉ ngơi tý đi…”. Anh lại phải can để nghe hết các câu chuyện của mẹ. Tuổi già mà…
(HBĐT) - Tôi đã vượt 2 km đến với căn phòng ấm áp của mình. Thu mình trong chiếc áo ấm của mùa trước, tôi cứ thấy lần vải cứng queo, dằm dặm. Chắc lâu ngày thiếu hơi người hay làn da quen tiếp xúc với nắng gió, giờ bị bó buộc. Ờ, mà tôi nghĩ khác, hình như rét mới, rét mới quá, chẳng phải rét nào cũng giống nhau, ai bảo giá rét chỉ là tàn tạ, cắt da, cắt thịt và khô hanh.
(HBĐT) - Tạm biệt mùa thu, tôi về lại mùa đông. Nghe rét mướt, gió luồn qua khe cửa. Thuở đói nghèo, bên mâm cơm chiều muộn, ánh đèn dầu vụt tắt, còn lại bóng tối lặng thinh. Thương mẹ cha, thương những phận người nghèo khó, thương quê nhà, mỗi độ đông sang muôn vàn nỗi sợ. Nằm chắp tay lên trán, lòng tự hỏi bao giờ mới hết mùa đông?
(HBĐT) - Những tháng ngày mùa thu rồi cũng trôi qua, tựa như một cơn gió thoảng. Mùa đông cũng vừa chạm như một nỗi nhớ da diết, bên thềm phố mây đã phủ trắng khắp trời.
(HBĐT) - Mấy bữa nay chị HH. thấy lòng mình lâng lâng lạ. Chưa bao giờ thế. Như thấy tuổi trẻ, như thấy mùa xuân trở lại, dù năm nay cũng cập U50 rồi. Đôi khi vừa tắm, chị hát một mình vu vơ mấy câu tình ca. Nhiều khi đi chợ bảo mua mớ cua nấu bát canh riêu cho con cún, lúc về lại tha mớ cá rô. Lại cười rũ. Ông chồng lầm bầm: "Sao thế, hâm à”? Chị sầm mặt. Bậm bạch bước vào buồng dỗi dằn. Vâng, tôi hâm mới lấy anh. Chả bao giờ được một câu khen ga-lăng… Cứ như khúc gỗ ấy… Đấy, chị vào mạng rồi. Nhìn ra cửa, không thấy ai, chị vào trang của "chàng”. Tim chị đập rộn ràng, như tan chảy. Một loạt tin nhắn của "ấy” từ đêm qua đây rồi: Một đêm quá dài vì không có tin nhắn của em… Muốn tặng em đóa hoa bên cửa sổ nhà anh… Mơ được nắm bàn tay ngọc ngà của em… Đi nửa cuộc đời mới gặp em… Duyên kỳ lạ. Mơ ngày gặp gỡ…