(HBĐT) - Ai như anh XX. Sao dáng đi vội vã và hơi cúi gằm như vậy? Dáng đấy không đúng với anh ấy. Anh sở hữu một tướng mạo và dáng đi đĩnh đạc lắm. Nhưng ánh mắt, không thể khác dù đeo khẩu trang choán gần hết mặt. Vẫn phải gọi… - Anh XX… Phải anh không?

- À, ờ, tôi đây…
Bộ quần áo cũ nhàu, đôi giày da lâu ngày không đánh xi, anh lúng túng trả lời. Đúng anh rồi. Nài mãi, anh cũng nhận lời vào quán cà phê bên đường. Thay cho ánh mắt dò hỏi của bạn cũ, anh thở hắt ra:
-  Ông ngạc nhiên hả, tại sao tôi "xuống cấp” như vậy ư, nhân quả cả thôi. Cũng muộn rồi, không biết có vực lại được không…
Anh XX là bạn học cũ. Do có nghề gia truyền nên việc anh vào làm cơ quan nọ cũng chỉ là "cho vui”. Thời đó, mọi cán bộ, công chức phải chật vật với cuộc sống "cơm áo, gạo tiền” thì gia đình anh đủng đỉnh, thong dong lắm… Thời mở cửa, gia đình anh càng ăn nên làm ra. Tháng trước, gặp bạn, anh "nổ”: vừa đi du lịch 10 ngày ở vùng đất Nê-pan, Ấn Độ… 3 tháng sau bảo vừa có chuyến du lịch châu Âu cùng vợ con kỷ niệm 20 năm ngày cưới. Mà anh nói đâu có sai. Dòng thời gian của anh trên "phây-búc” tràn lan các ảnh, các vi-đê-ô về các điểm du lịch danh tiếng. Nhìn mà ước ao, mà thèm. Anh đã từng nói trong cuộc họp lớp:
- Ở đất này, ai chả biết đến tôi. Cứ hỏi các đại gia có máu mặt xem tôi ở hàng đẳng cấp nào…
Bạn bè thành đạt, phú quý, mừng quá đi chứ. Anh XX bao cho cả lớp một vài cuộc gặp mặt ai cũng cảm kích. Đã thế còn có quà cho một số bạn có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng động thái ném phong bì ủng hộ để thử xem trưởng ban liên lạc bắt trúng không khiến một số người bất bình. Thôi bạn bè, bỏ qua cho nhau, chẳng chấp làm gì. Đôi lần, một số bạn bè đi qua dãy phố trung tâm, có người chỉ tay: Chỗ nhà hàng kia, chỗ tòa nhà cao cao bên phố, trung tâm giải trí đều của gia đình anh XX đó. Còn phía xa kia, vợ con anh XX đang kinh doanh rất được. Nghe nói vợ anh ấy xinh, rực rỡ và chịu chơi lắm…
Mỗi lần thấy anh bước xuống từ chiếc xe ô tô đắt tiền, sải chân bước vào các trung tâm giải trí mà anh là chủ, không ai dám so bì với phong độ sang chảnh đó. Nhưng sao lại thế này? Những đồ trang sức đắt tiền, tinh xảo được mua sắm từ Ý, Pháp đâu rồi. Toàn của độc. Số người ở thành phố này được sở hữu các đồ đó không đầy số đốt một ngón tay…
- Tôi sa cơ thế này cũng có nguyên do đấy ông à… Buồn lắm… Thật không thể lường được…
Theo anh chia sẻ, "sóng dữ” lại từ chính vợ con anh. Anh toàn quản lý tầm xa nên không biết guồng quay mà vợ và ông con anh dính vào: Đa cấp và các hoạt động tín dụng trôi nổi. Đâm lao phải theo lao, nghe nói vợ con anh còn về tận quê nội, ngoại để mời mọc, chèo kéo "khách hàng” gồm anh em, họ hàng… Mọi thứ đội nón ra đi mà chẳng đủ. Họ hàng từ mặt vợ chồng anh. Vợ chồng, con cái lục đục, khéo đường ai nấy đi. Cả nhà bây giờ còn đúng một ngôi nhà 4 tầng. "Chúng nó” mà đến đòi gắt khéo đến nước ra đường. Vợ ơi là vợ, con ơi là con. 5-7 năm nay "dính” vào mấy thứ đó, giờ tay trắng. Lần đâu tiên thấy anh XX khóc trong tiếng nấc: "Tôi thèm được như các ông. Cuộc sống đạm bạc nhưng thanh bình, không bão tố”… Biết nói gì với anh đây. Chỉ vớt vát đôi lời: Hôm nào bạn bè đến chơi. Mình chưa quá già vẫn còn cơ hội làm lại… Ừ, biết thế và cũng hy vọng thế. Tiếng anh XX như gió thoảng mơ hồ bên tai. Sẽ cố gắng làm lại. 
                         

Bùi Huy


Các tin khác


Lạc vào miền cổ tích

(HBĐT) - Giữa dòng đời bộn bề lo toan, những lúc thấy bước chân mình mỏi mệt, tôi chỉ muốn lạc vào miền ký ức tuổi thơ yên bình. Ở đó có bóng mẹ hao gầy, ngồi dưới ngọn đèn dầu hiu hắt, mẹ ân cần kể cho con gái nghe những câu chuyện cổ tích xa xưa. Cả một miền cổ tích bao la nơi lòng mẹ, là khoảng trời ngọt ngào dung dưỡng tâm hồn thơ ấu, để giờ đây lòng tôi lại đau đáu trong nỗi nhớ khôn nguôi...

Những đóa hoa không tàn

(HBĐT) - Cứ đến độ này, anh H. lại thấy mẹ - một bà giáo già về hưu thật vui, sôi nổi hơn dạo trước. Người già hay sống bằng hoài niệm hay sao ấy… Ngăn kệ của bà cơ man là thư, bưu thiếp, hoa khô ép của các thế hệ học trò… được sắp xếp lại. Có lần nắng to, bà mang những kỷ vật ẩm mốc lên tầng thượng hong nắng. Sợ gió thổi bay, bà ngồi ở hiên che, chờ hàng tiếng đồng hồ… Bao lần cả nhà được mẹ khoe, kể về những học trò, những câu chuyện cũ… Nhiều đến nỗi, bố anh, người đàn ông ít nói nhất nhà phải gàn: "Bà để các con, các cháu nghỉ ngơi tý đi…”. Anh lại phải can để nghe hết các câu chuyện của mẹ. Tuổi già mà…

Rét đầu đông

(HBĐT) - Tôi đã vượt 2 km đến với căn phòng ấm áp của mình. Thu mình trong chiếc áo ấm của mùa trước, tôi cứ thấy lần vải cứng queo, dằm dặm. Chắc lâu ngày thiếu hơi người hay làn da quen tiếp xúc với nắng gió, giờ bị bó buộc. Ờ, mà tôi nghĩ khác, hình như rét mới, rét mới quá, chẳng phải rét nào cũng giống nhau, ai bảo giá rét chỉ là tàn tạ, cắt da, cắt thịt và khô hanh.

Về lại mùa đông

(HBĐT) - Tạm biệt mùa thu, tôi về lại mùa đông. Nghe rét mướt, gió luồn qua khe cửa. Thuở đói nghèo, bên mâm cơm chiều muộn, ánh đèn dầu vụt tắt, còn lại bóng tối lặng thinh. Thương mẹ cha, thương những phận người nghèo khó, thương quê nhà, mỗi độ đông sang muôn vàn nỗi sợ. Nằm chắp tay lên trán, lòng tự hỏi bao giờ mới hết mùa đông?

Ký ức chạm mùa đông

(HBĐT) - Những tháng ngày mùa thu rồi cũng trôi qua, tựa như một cơn gió thoảng. Mùa đông cũng vừa chạm như một nỗi nhớ da diết, bên thềm phố mây đã phủ trắng khắp trời.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục