(HBĐT) - Những ngày này, ông chú họ có vẻ tâm trạng, đôi khi thấy ông huýt sáo một bài ca về người lính ở Trường Sơn năm nào, thời mà ông và các đồng đội từng thốt lên: "Tuổi 20 chân đi không bén đất/Đám mây trời bay dưới ba lô” (Anh Ngọc). Ông thuộc thế hệ thấm đẫm hình ảnh của những chiến sĩ Hồng quân Liên Xô qua các bộ phim truyện chiến đấu của Liên Xô, hay các bài hát Nga về người lính hào hùng mà lãng mạn.

Ra trận, trong ba lô thời ấy là những cuốn sách, quyển vở ghi chép các bài hát mà cả nước cùng ca vang… Ông bảo: Có câu chuyện kể trên đường hành quân mà nghe như huyền thoại, có thương binh quên đau đớn khi phẫu thuật chỉ bằng các lời ca như "Bài ca bên cánh võng”, "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, "Lá đỏ”...

Những năm tháng gian khổ, ác liệt, đầy mất mát và hy sinh đó, người chiến sĩ tựa vào, "vịn” vào lời ca về Tổ quốc, về đất mẹ và về chính họ để trụ vững nơi tuyến lửa… Đến nhà chú, thường được "chiêu đãi” bằng nhạc đỏ, mà hầu hết là các ca khúc viết về người chiến sĩ. Từ các bài hành khúc hào sảng (Vì nhân dân quên mình, Bác vẫn cùng các cháu hành quân, Hát mãi khúc quân hành, Tiến bước dưới quân kỳ...) đến những bài bay bổng, lãng mạn và có phần suy tư như "Sông Lô chiều cuối năm”, "Đồng đội”, "Mùa hoa cải”… Dù tiếp cận ở nhiều góc cạnh khác nhau, hoặc không viết về người lính trong các cuộc chiến tranh, nhưng vẫn thấy bóng dáng họ trong mỗi giai điệu, lời ca…

Tư liệu băng đĩa của chú về âm nhạc đầy đủ về lịch sử cách mạng và lịch sử về bộ đội Cụ Hồ. Về Điện Biên Phủ, về Trường Sơn, về miền Trường Sa, Hoàng Sa… Có nghe ông kể mới hiểu hết được tâm tình của người đã một lần khoác ba lô lên đường đánh giặc. Giờ đất nước yên hàn rồi, bài ca về hòa bình vang vọng trong mỗi gia đình, mỗi xóm phố, thôn bản, nhưng khúc ca về người chiến sĩ không bao giờ thôi vang…

Anh Đ.M.T, một tác giả thơ nhưng từng có các kịch bản phim truyện khá nổi tiếng lại là người đam mê, say đắm về các bài hát người chiến sĩ trong giai đoạn "Ngăn bước quân thù phía Nam, phía Bắc” vào cuối những năm 70 và những năm 80 của thế kỷ trước. Anh cũng là người đi qua những ngày tháng gian khổ và ác liệt ở mặt trận biên giới Tây Nam và chiến trường K. Vào trường đại học gặp anh như gặp một "kho bài hát” về những chiến sĩ hay các bài ca cách mạng mà hình ảnh anh bộ đội không thể thiếu trong mỗi lời ca. Thời nhạc sĩ, ca sĩ Thế Hiển đang nổi với ca khúc "Hát về anh”, nhiều người chứng kiến anh từng không kìm nén được cảm xúc khi nghe một nhóm ca khúc chính trị của một trường đại học trình diễn bài này. "Một ba lô, cây súng trên vai, người chiến sĩ quen với gian lao…”. Nếu ai ở thời những năm 80 của thế kỷ trước mới hiểu, thấm thía những cụm từ "điểm tựa”, "chốt”, "biên giới”, "tiền tiêu”…

Những năm tháng biên giới không bình yên, thời các nhạc sĩ: Trần Tiến, Thái Văn Hóa, Tôn Thất Lập, Diệp Minh Tuyền, Phạm Minh Tuấn, Vũ Trọng Hối, Thuận Yến, Minh Quang… có nhiều ca khúc lay động lòng người. Làm sao không thể không có những rung động khi một buổi sáng, Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi bài hát trên loa công cộng đầu xóm, phố với lời ca da diết "Khi còn trong nôi, nghe lời ru, cha đánh giặc cuối trời, khi ta cầm súng ra đi, người thân ta thức cùng sao trời”. Khi đất nước có chiến tranh, lại có lớp lớp người lên đường. Những năm tháng đó, phương tiện nghe nhìn còn ít, nên việc thưởng thức âm nhạc chỉ qua hệ thống của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bao bài ca hào hùng về biên giới, về người chiến sĩ đã khiến người hậu phương yên lòng như "Chiều dài biên giới”, "Tình ca tuổi trẻ”… hay có những xao xuyến, trầm lắng và tha thiết tình yêu biên giới, tình quê hương qua góc nhìn của những người chiến sĩ như "Chiều biên giới”, "Gửi em ở cuối sông hồng”, "Đất nước tình yêu”, "Hoa sim biên giới”… Hoặc thấy "hình ảnh người lính” qua tâm tình người vợ, người yêu với những chờ đợi, chia ly trong chiến tranh (Đợi anh về, Đêm nay anh ở đâu, Thư về cho nhau…) qua những giọng ca gạo cội thời ấy như Tiến Thành, Thanh Hoa, Thúy Lan, Hữu Nội, Vũ Dậu, Thu Hiền… Sau này, "dòng” bài hát về các chiến sĩ hải quân, những chiến sĩ ở Trường Sa cũng vang lên tha thiết mọi miền đất nước như: Nơi đảo xa, Bâng khuâng Trường Sa, Gần lắm Trường Sa…

Mỗi thời điểm, mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước, bài hát về người chiến sĩ luôn chiếm trọn trái tim bao người. Và mỗi người đến với âm nhạc, đến với hình ảnh người chiến sĩ trong mỗi bài ca đều có những cảm nhận riêng, gắn với kỷ niệm riêng về tuổi trẻ, về những người bạn, người thân từng lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc.

 

                                                                                           Tùy bút của Bùi Huy


Các tin khác


Nỗi niềm tháng mười hai

(HBĐT) - Tháng mười hai mang theo hơi lạnh luồn qua khe cửa, khẽ đánh thức nỗi nhớ trong tim những người xa quê. Làn mưa rơi lấm tấm, gốc bàng già chơ vơ khẳng khiu, lặng lẽ trút những chiếc lá cuối cùng, làm lòng ta sao hoang hoải, mông lung đến lạ.

Lạc vào miền cổ tích

(HBĐT) - Giữa dòng đời bộn bề lo toan, những lúc thấy bước chân mình mỏi mệt, tôi chỉ muốn lạc vào miền ký ức tuổi thơ yên bình. Ở đó có bóng mẹ hao gầy, ngồi dưới ngọn đèn dầu hiu hắt, mẹ ân cần kể cho con gái nghe những câu chuyện cổ tích xa xưa. Cả một miền cổ tích bao la nơi lòng mẹ, là khoảng trời ngọt ngào dung dưỡng tâm hồn thơ ấu, để giờ đây lòng tôi lại đau đáu trong nỗi nhớ khôn nguôi...

Những đóa hoa không tàn

(HBĐT) - Cứ đến độ này, anh H. lại thấy mẹ - một bà giáo già về hưu thật vui, sôi nổi hơn dạo trước. Người già hay sống bằng hoài niệm hay sao ấy… Ngăn kệ của bà cơ man là thư, bưu thiếp, hoa khô ép của các thế hệ học trò… được sắp xếp lại. Có lần nắng to, bà mang những kỷ vật ẩm mốc lên tầng thượng hong nắng. Sợ gió thổi bay, bà ngồi ở hiên che, chờ hàng tiếng đồng hồ… Bao lần cả nhà được mẹ khoe, kể về những học trò, những câu chuyện cũ… Nhiều đến nỗi, bố anh, người đàn ông ít nói nhất nhà phải gàn: "Bà để các con, các cháu nghỉ ngơi tý đi…”. Anh lại phải can để nghe hết các câu chuyện của mẹ. Tuổi già mà…

Rét đầu đông

(HBĐT) - Tôi đã vượt 2 km đến với căn phòng ấm áp của mình. Thu mình trong chiếc áo ấm của mùa trước, tôi cứ thấy lần vải cứng queo, dằm dặm. Chắc lâu ngày thiếu hơi người hay làn da quen tiếp xúc với nắng gió, giờ bị bó buộc. Ờ, mà tôi nghĩ khác, hình như rét mới, rét mới quá, chẳng phải rét nào cũng giống nhau, ai bảo giá rét chỉ là tàn tạ, cắt da, cắt thịt và khô hanh.

Về lại mùa đông

(HBĐT) - Tạm biệt mùa thu, tôi về lại mùa đông. Nghe rét mướt, gió luồn qua khe cửa. Thuở đói nghèo, bên mâm cơm chiều muộn, ánh đèn dầu vụt tắt, còn lại bóng tối lặng thinh. Thương mẹ cha, thương những phận người nghèo khó, thương quê nhà, mỗi độ đông sang muôn vàn nỗi sợ. Nằm chắp tay lên trán, lòng tự hỏi bao giờ mới hết mùa đông?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục