Mỗi sáng, trước khi đi học, khi sương còn tràn ngập con đường đến trường, cả lũ trẻ lại quây quần bên bếp lửa nhà ai ngay đường. Lá bương, gộc tre… ngọn lửa bập bùng xua đi băng giá. Đêm mùa đông… bếp nhà ai rộng rãi để mấy nhà xung quanh cùng tụ lại sưởi ấm và bàn chuyện chuẩn bị cho năm mới. Ấm nước chè mạn phải mấy lần thay bã. Chị nhà bác thơm thảo, chịu khó đun nước sẵn đổ đầy 2 phích để tiếp khách. Trên bếp, đôi khi là nồi khoai luộc sôi sùng sục, chờ chín hay mẻ ngô rang thơm lựng. Già, trẻ, gái trai… Một vòng rộng nhưng đủ để đón nhận sự ấm áp tử bếp lửa, từ câu chuyện về nhân tình thế thái trong vùng. Mặc cho ngoài trời, gió lồng lộng thổi, tàu cau rơi bộp chái hiên, trong ngôi nhà của ông bà, bố mẹ, câu chuyện cứ râm ran nổ như ngô rang.
Ông kể chuyện những cái Tết đi tản cư vào khu trong thời Pháp. Bố kể chuyện thời HTX mậu dịch dịp giáp Tết, ai cũng phải xếp hàng chờ mua, đôi khi từ sang đến tối mà không hề nản lòng, cáu gắt. Chuyện anh A., chị B. ngày trước nếu vượt qua rào cản về "gia thế” chắc nên duyên vợ chồng hạnh phúc. Ai giàu lòng nhân ái thương đám trẻ làng bên phải đi lấy củi từ bé, ai hay nổi lòng tham "nhặt nhạnh” quả trứng, mớ rau hàng xóm cũng được bàn đi, đổi lại… Rồi chuyện mùa màng, giống má cho vụ sau. Chuyện giỗ họ, giỗ tổ, chuyện học hành cháu, con… Tại sao đội bóng chuyền của xóm đánh trận nào cũng thắng đội làng bên. Nguyên nhân vì tinh thần đồng đội và vì có nhiều "ngôi sao” xuất thân từ quân ngũ. Rồi chuyện nhà A. sao nhiều năm làm ăn bết bát có phải không có vốn làm ăn hay còn lười, còn ỷ lại… Năm nay nhà ăn Tết lợn nhà, còn nhà bác đụng với hàng xóm. Đám choai choai có chuyện làm lồng chim sáo và cách chăm sáo, chăm yểng vào những ngày đông. Những câu chuyện bất tận và cả những trận cười bất tận bởi khả năng kể chuyện hài của ai đó… Những gia đình, chòm xóm xích lại gần nhau trong sẻ chia, thông cảm, cùng phập phồng hy vọng cho những dự định… Gia đình bạn, rồi cũng phải chia tay xóm, làng để về quê cha, đất tổ trong đó. Một miền quê mà chính bạn chưa từng đến, kể cả sau ngày giải phóng miền Nam. Trước ngày đi, cả nhóm nhóc con lại ra cánh đồng bãi, sát bờ sông để đốt lửa, nướng ngô và bạn thì thầm nói lời tạm biệt cánh đồng, đàn trâu, những người bạn thời thơ ấu, đàn chim ri đồng đang xao xác lên xuống…
Bây giờ, nhịp sống của xóm, làng khác trước nhiều lắm. Người người mải mê "xuất ngoại” làm ăn, kiếm sống. Ai cũng có điều kiện hơn trước để mua sắm xe máy, ti vi, nồi cơm điện. Thậm chí có nhà còn "sắm” bếp sưởi, bếp gas… dù sau chái nhà vẫn chất đống những gộc củi, gộc tre. Có thế thì phải mừng chứ bạn. Ừ, biết vậy sao vẫn nhớ lắm những đêm đông cả mấy gia đình anh em, chòm xóm xuýt xoa ngồi thổi những gộc tre rực đỏ vào mùa đông tháng giá. Những ông, những bà có tuổi ngày ấy, giờ có người đã về sau bóng núi. Những người ngày đó thường đi đun nước, luộc ngô, khoai giờ đã lên ông, bà và đám trẻ ngày đó râm ra chuyện chim, chuyện bẫy chuột tóc cũng hoa râm, điểm bạc, nhưng chắc chắn trong lòng luôn có một "bếp lửa mùa đông” ấm áp, nhân ái năm nào.
Tản văn của Bùi Huy
(HBĐT) - Tạm biệt mùa thu, tôi về lại mùa đông. Nghe rét mướt, gió luồn qua khe cửa. Thuở đói nghèo, bên mâm cơm chiều muộn, ánh đèn dầu vụt tắt, còn lại bóng tối lặng thinh. Thương mẹ cha, thương những phận người nghèo khó, thương quê nhà, mỗi độ đông sang muôn vàn nỗi sợ. Nằm chắp tay lên trán, lòng tự hỏi bao giờ mới hết mùa đông?