Truyện ngắn của Hoàng Nghĩa

 

Chuyến xe khách cuối cùng trong ngày rời bến được dăm cây số thì táp lại bên đường. Cô gái dáng nhỏ nhắn vai đeo ba lô, tay xách túi bước lên vội bám vào thành ghế ngơ ngác tìm chỗ ngồi. Đạo đang cắm cúi trên màn hình điện thoại theo phản xạ tự nhiên vội thu gọn hành lý trên chiếc ghế trống bên cạnh. Cô gái khẽ gật đầu thay cho lời cảm ơn.

Suốt chuyến hành trình Đạo chăm chú trên màn hình di động chợt nhớ ra cô gái liền quay sang hỏi:

- Bạn về nghỉ chủ nhật à, đang học trường nào vậy?

- Vâng! À không… Em… Em đi nhận công tác.

Đạo ngạc nhiên:

- Vậy à. Mình nghĩ bạn đang là sinh viên. Thế về công tác ngành nào trên này?

- Dạ ngành nông nghiệp.

- Nông nghiệp - Đạo khẽ nhắc lại lời cô gái như xác nhận điều gì đó. Giọng ái ngại, anh tiếp: Bây giờ muộn rồi bạn đến cơ quan sao tiện?

- Vâng em cũng đang băn khoăn. Ra khỏi nhà từ 5 giờ sáng nhưng chuyến xe gặp phiền phức ở trạm thu phí thành ra bị muộn.

Xe giảm tốc độ vào bến, mọi người lục tục kiểm tra hành lý. Đạo đỡ giúp cô gái chiếc túi du lịch xuống xe rồi nói lời tạm biệt.

Gặp gỡ giữa hai người tưởng chừng chỉ là chuyện thường ngày trên những chuyến xe. Nhưng thật tình cờ 1 tháng sau, tại cuộc hội thảo về trồng cây ăn quả ở huyện nhà, Đạo gặp lại cô gái trong đoàn cán bộ Sở Nông nghiệp. Giờ giải lao, cô chủ động tìm đến chỗ anh:

- Em chào anh. Vậy là mình lại gặp nhau. Hôm nay em mới biết thêm chút xíu về anh.

- Còn anh thì chưa biết cả tên em nữa đấy.

- Em cũng thế mà, vừa mới biết tên anh qua lời giới thiệu của ban tổ chức.

- Vậy em tên gì?

- Dạ em là Thảo. Gọi đầy đủ là Diệu Thảo.

- Công việc của Diệu Thảo đã ổn định chưa. Chắc phải yêu nghề lắm mới rời thành phố lên miền núi công tác?

- Em không phải người thành phố. Quê em ở Hải Dương. Ngày vào đại học cả nhà không ủng hộ nhưng em vẫn quyết tâm theo ngành mình đã chọn. Anh làm doanh nghiệp có vất vả lắm không?

- Vất vả mà cũng nhiều rủi ro lắm. Công ty anh chủ yếu khai thác đá xây dựng.

Sau buổi hội thảo hôm ấy, Đạo hay gọi điện hỏi thăm công việc của Diệu Thảo. Rồi một lần đi khảo sát đất trồng cam gần khu núi Cột cờ, Thảo đã tìm đến công ty Đạo. Vừa vào đến cổng, ông bảo vệ cho biết, giám đốc bị tai nạn trong mỏ đá. Thảo hốt hoảng:

- Bác ơi. Bác chỉ giúp cháumỏ đá đó được không ạ?

- Cô muốn đến đấy à? Vậy thì đi cùng chúng tôi. Mọi người cũng đang chuẩn bị vào trong ấy.

- Dạ. Vậy thì tốt quá. Cảm ơn bác.

Đường vào công trường dốc núi gập ghềnh. Chiếc xe bán tải gầm gừ hết chồm lên lại chúi xuống. Bãi đá ngổn ngang, tiếng máy xay lục khục, khói bụi mịt mù. Theo mọi người, Thảo bước vội vào nhà điều độ. Chợt cô chững lại, Đạo và mấy người nữa đang chụm đầu bên tấm sơ đồ bàn bạc công việc. Không giấu nổi cảm xúc, cô thảng thốt:

- Kìa anh Đạo. Chuyện tai nạn là như thế nào, không phải…

- Ơ! Thảo à! Sao em lại biết mà đến đây? Công trường cũng vừa có vụ tai nạn nhưng không nghiêm trọng lắm. Cảm ơn em nhé. Đạo nhìn Diệu Thảo trìu mến.

Thảo bẽn lẽn không nói thành lời, lảng nhìn ra cửa sổ để nén cảm xúc cô thấy tim mình thổn thức.

*

* *

Ngày chủ nhật, Đạo đưa Thảo về ra mắt bố mẹ. Cuộc tiếp xúc diễn ra bình thường như bao lượt khách của gia đình. Tiễn bạn xong, Đạo vào nhà đang định lên cầu thang thì mẹ giữ lại bảo:

- Con ngồi xuống đây mẹ có chuyện muốn nói - Không cần đợi Đạo có ngồi hay không, bà tiếp luôn: Đạo à. Mẹ thấy con bé này không hợp với con đâu.

- Không hợp ở điểm gì hả mẹ? Vừa mới gặp một tý mà mẹ đã…

- Con không thấy tướng mạo nó à. Nốt ruồi ngay đuôi mắt, các cụ nói là đón lệ đấy.

- Trời ạ, thời buổi này mà mẹ còn tin vào chuyện tướng số. Con yêu Thảo, con sẽ lấy cô ấy mẹ đừng bàn ngang có được không.

Bà Mùi bực tức:

- Nếu con cứ quyết định lấy nó thì con sẽ khổ. Mà mẹ không đồng ý đâu. Đấy là mẹ báo trước.

Vậy là không suôn sẻ chút nào. Đạo biết tính mẹ không phải dễ dàng thuyết phục. Đành phải kiên trì giải thích dần vậy. Nếu biết chuyện Thảo sẽ buồn lắm đây. Có nên nói cho em biết không... Anh vẫn còn đang băn khoăn thì một hôm Thảo gọi điện ý tứ:

- Anh à. Mẹ không đồng ý chúng mình yêu nhau, bây giờ làm thế nào?

- Em biết chuyện rồi à. Anh cũng đang khó nghĩ quá. Mẹ anh là người sống tình cảm, nhưng quyết đoán. Gần đây bà bị mấy người bạn nhồi nhét cho về phong thủy, tướng số nữa nên cả nhà khổ lây. Mình phải bình tĩnh để tháo gỡ em nhé.

Không có đám cưới, xe hoa, dàn nhạc. Đạo trốn gia đình đi đăng ký kết hôn. Nghe được tin này bà Mùi gọi bằng được con về. Đạo chưa kịp bước vào nhà, đã nghe lời chì chiết:

- Bây giờ đủ lông đủ cánh rồi thì coi bố mẹ không ra gì nữa. Thiên hạ đang cười cho kia kìa. Mẹ xấu hổ quá con ơi.

Đạo phân trần:

- Mẹ ơi! Vẫn biết con làm thế là sai nhưng con yêu Thảo. Thảo cũng yêu con. Con tin là chúng con sẽ hạnh phúc.

- Hạnh phúc à! - Giọng diễu cợt, bà gay gắt hơn: Nếu anh quyết không chịu nghe lời mẹ thì giao lại công ty. Tự lo mà kiếm sống.

Nói là làm, ngay hôm sau bà bắt Đạo phải làm thủ tục bàn giao công ty cho em trai. Vậy là anh chỉ còn lại cái lán trong mỏ đá.

*

* *

Hàng ngày đi về gần chục cây số nhưng Diệu Thảo không nề hà, lấy đó là niềm hạnh phúc của tổ ấm gia đình. Cô chọn mua ít cây giống ăn quả để trồng ở mảnh vườn trước lán. Ban đầu Đạo buồn rầu quanh quẩn mãi trong nhà, dần dần anh làm quen với vườn tược, cây cối. Ngày nghỉ hai vợ chồng hì hụi bón phân, tưới tắm, sửa tán cho cây. Thế rồi chả mấy chốc lứa hoa bưởi đầu mùa nở tinh khôi, tỏa hương thơm ngan ngát giữa khúc giao mùa tháng 3 làm Đạo dịu mát lòng.

Vốn có đầu óc kinh doanh, sau vụ thu hoạch đầu tiên, Đạo nêu ý định mở rộng diện tích trồng bưởi với vợ, Diệu Thảo đồng ý ngay. Khi vợ hỏi đến vốn thì anh bảo: Mình cũng tích cóp được một ít rồi, còn đâu anh về thuyết phục bố mẹ.

- Bưởi với cam gì. Không nhìn người ta kia kìa, đua nhau trồng mía, rồi bưởi lỗ vốn vì sâu bệnh, thời tiết - Đạo vừa hé lời thì bà Mùi phủ đầu luôn.

Không thuyết phục được gia đình, Đạo làm dự án vay vốn ngân hàng, đầu tư trồng thêm 2 ha bưởi đào. Nhân lực ban đầu có cậu em lên giúp sau đó thì thuê thêm người.

Mỗi chiều về ngắm nhìn vườn bưởi vàng ruộm tỏa ngát hương thơm, lòng Đạo bồi hồi xúc động. Anh thầm cảm ơn Diệu Thảo, người vợ chịu thương, chịu khó cùng anh đồng cam cộng khổ, sớm hôm tìm tòi, sáng tạo, chăm sóc cho vườn bưởi luôn tươi tốt, sai quả.

*

* *

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, vườn bưởi nhà Thảo lúc nào cũng rộn rã tiếng nói cười của bà con quanh vùng đến mua bưởi về ăn Tết. Nhìn vợ mang bầu nặng nhọc mà vẫn không chịu nghỉ ngơi, Đạo ái ngại:

- Em à. Công việc không bận rộn lắm em ra vườn ít thôi.

Thảo nhìn chồng âu yếm:

- Em không sao đâu, phải vận động thì mới dễ sinh anh ạ. Mới lại một ngày mà không ra vườn là em nhớ cây, nhớ hương bưởi lắm. Anh biết không, mỗi gốc bưởi, mỗi trùm quả em đều thuộc như lòng bàn tay. Nói không ngoa em còn cảm nhận được "tính nết” của từng gốc bưởi nữa đấy.

Hai vợ chồng đang nói cười vui vẻ thì có tiếng còi xe ô tô. Thảo nhắc chồng:

- Anh ơi! Hình như nhà mình có khách.

Đạo ra mở cổng, Ông bà Mùi cùng bước xuống xe. Anh biết trước chuyện này vì đã bàn với bố nhưng vẫn bình thản:

- Con chào bố mẹ. Có chuyện gì mà bố mẹ đến đột xuất thế ạ. Con mời ông bà vào nhà - Tự dưng Đạo đổi cách xưng hô khiến bà Mùi ngạc nhiên:

- Hôm nay anh lại gọi chúng tôi là ông bà?

- Thì bố mẹ sắp lên chức đấy thôi.

Bà Mùi không giấu nổi niềm vui, cuống quýt:

- Nhưng là trai hay gái?

- Cháu trai mẹ ạ.

- Ôi thằng cháu đích tôn của bà. Thôi chuẩn bị đồ đạc đi hôm nay bố mẹ đón các con về ăn Tết.

Nghe tiếng Diệu Thảo chào bố mẹ, bà Mùi gượng gạo:

- Các con ạ! Suốt 2 năm qua mẹ dằn vặt vì đã không phải với các con. Cho mẹ xin lỗi. Hôm nay mẹ vào thăm cơ ngơi của chúng mày. Rồi đón cả nhà về ăn Tết.

Thảo lễ phép:

- Vâng ạ. Chúng con cũng có lỗi nhiều. Thôi bố mẹ nghỉ ngơi đi đợi nhà con ra vườn chọn ít bưởi về biếu ông bà ăn Tết rồi cả nhà ta cùng về thành phố.

Các tin khác


Nỗi niềm tháng mười hai

(HBĐT) - Tháng mười hai mang theo hơi lạnh luồn qua khe cửa, khẽ đánh thức nỗi nhớ trong tim những người xa quê. Làn mưa rơi lấm tấm, gốc bàng già chơ vơ khẳng khiu, lặng lẽ trút những chiếc lá cuối cùng, làm lòng ta sao hoang hoải, mông lung đến lạ.

Lạc vào miền cổ tích

(HBĐT) - Giữa dòng đời bộn bề lo toan, những lúc thấy bước chân mình mỏi mệt, tôi chỉ muốn lạc vào miền ký ức tuổi thơ yên bình. Ở đó có bóng mẹ hao gầy, ngồi dưới ngọn đèn dầu hiu hắt, mẹ ân cần kể cho con gái nghe những câu chuyện cổ tích xa xưa. Cả một miền cổ tích bao la nơi lòng mẹ, là khoảng trời ngọt ngào dung dưỡng tâm hồn thơ ấu, để giờ đây lòng tôi lại đau đáu trong nỗi nhớ khôn nguôi...

Những đóa hoa không tàn

(HBĐT) - Cứ đến độ này, anh H. lại thấy mẹ - một bà giáo già về hưu thật vui, sôi nổi hơn dạo trước. Người già hay sống bằng hoài niệm hay sao ấy… Ngăn kệ của bà cơ man là thư, bưu thiếp, hoa khô ép của các thế hệ học trò… được sắp xếp lại. Có lần nắng to, bà mang những kỷ vật ẩm mốc lên tầng thượng hong nắng. Sợ gió thổi bay, bà ngồi ở hiên che, chờ hàng tiếng đồng hồ… Bao lần cả nhà được mẹ khoe, kể về những học trò, những câu chuyện cũ… Nhiều đến nỗi, bố anh, người đàn ông ít nói nhất nhà phải gàn: "Bà để các con, các cháu nghỉ ngơi tý đi…”. Anh lại phải can để nghe hết các câu chuyện của mẹ. Tuổi già mà…

Rét đầu đông

(HBĐT) - Tôi đã vượt 2 km đến với căn phòng ấm áp của mình. Thu mình trong chiếc áo ấm của mùa trước, tôi cứ thấy lần vải cứng queo, dằm dặm. Chắc lâu ngày thiếu hơi người hay làn da quen tiếp xúc với nắng gió, giờ bị bó buộc. Ờ, mà tôi nghĩ khác, hình như rét mới, rét mới quá, chẳng phải rét nào cũng giống nhau, ai bảo giá rét chỉ là tàn tạ, cắt da, cắt thịt và khô hanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục