Nhưng tháng giêng này, Thắng bỗng thấy buồn vu vơ như ngày mới lớn. Bích giờ đã lấy chồng xa lắm rồi. Chừng ấy năm, cũng chưa có cô gái nào theo anh, cho anh nắm tay để bước vào cái sân nhà luôn đầy ắp gà con, lợn con và nụ cười hiền hậu của mẹ. Ở cái tuổi này, muốn làm bạn của nhau, biết đâu lại lỡ chân làm bạn "trăm năm” chứ chả chơi. Cô gái nào thì cũng phải nghĩ…
Bao năm rồi, cha mẹ anh vẫn không chịu rời nhà xuống dưới này. Ngôi nhà sàn gỗ dổi lên nước bóng vẫn trầm mặc, cũ xưa và lầm lì. Con dốc thì cao quá, xa quá, người ta có phải lòng mà đi được một phần ba đoạn đường đã nghĩ lại rồi, cứ thế cứ thế, buồn vu vơ.
Thắng đang chìm vào ký ức của miền cỏ hoa đồng nội thì bỗng thấy mùi khói khét lẹt xộc vào mũi kèm theo tiếng xe máy nổ gằn. Cái giống xăng đốt chưa cháy hết phả ra từ cái bô xe rỉ mới khó chịu làm sao. Thắng vừa ngồi dậy thì một chiếc xe Star 110 dữ dằn lao lên dốc. Vừa nhỏm dậy thì nó đứng khựng lại rồi im bặt trước mặt anh. Trên xe là một người mặc quần áo bò kiểu rách te tua, đội mũ bảo hiểm xùm xụp cả đầu. Hắn loay hoay đạp cần nổ, lắp buri rồi ngồi phệt xuống bên chiếc xe mà nói toáng lên:
- Tại anh đấy, ngồi đâu không ngồi, ngồi đúng giữa đường. Tôi giảm tốc độ thế là chết máy.
Thắng ngớ người ra. Thì ra là tiếng con gái. Đúng là một cô gái ngổ ngáo như nữ tướng cướp trong các phim hình sự màn ảnh rộng. Anh còn chưa biết nói gì thì người đó đã giật chiếc mũ bảo hiểm ra khỏi đầu. Sau sự rối bời của tóc là một khuôn mặt khá xinh đẹp nhưng lanh lợi, ghê gớm.
- Còn đứng đấy, không lại đây mà xem xe cho người ta.
Thắng cũng ương bướng chẳng vừa. Dù thế nào cũng không thể để một đứa con gái bắt bẻ vô lý:
- Xe ai người đó sửa, đường của nhà cô à mà phi như bị công an đuổi.
- Thế đường của riêng nhà anh chắc…
Nói đến đây, giọng cô gái ương bướng bỗng chùng xuống, có vẻ đang chột dạ. Cô bước lại gần, đôi giày da ngổ ngáo giẫm nát đám cỏ xanh mới lên, đi vòng quanh Thắng và nhìn anh như cách người ta chọn người ở chợ lao động.
- Òa, cũng chưa già lắm như người ta bảo, về sửa sang lại vẫn ổn. Đẹp trai nhưng ngốc hết cách chữa…
Thắng hậm hực nhưng vẫn phải dắt cái xe "ghẻ” cho cô gái. Vào đến sân, anh mới nhận ra xe không có chân chống, anh vừa ngả xe đổ vào đống củi đã nghe tiếng mẹ gọi vọng lên từ trên nhà:
- Thắng, vào đây con, khách quý ân nhân của nhà ta đấy. Đây làNgọc, người giúp gia đình mình mấy năm nay. Thế nào hôm nay lại có con ở nhà.
- Ngọc ngà đấy bác nhỉ? Cháu lên đây nhiều người ta lại tưởng đến tán anh Thắng thì chết. Mà cháu có tán anh Thắng cũng có khi không thèm để ý ấy chứ.
Nói xong một chàng "vô duyên” đó, cô gái có cái mặt ướng bướng vênh mặt quay sang Thắng:
- Anh định tính cái vụ xe hỏng thế nào? Hay đưa xe anh đây em đi vài hôm nhé.
Thấy mẹ tủm tỉm cười Thắng khó chịu:
- Cô buồn cười nhỉ, mai tôi còn xuống thành phố làm chứ. Hết nghỉ Tết rồi.
- Thế thì... (Ngọc chậm rãi), giờ anh đưa tôi đi vài nơi. Xong việc tôi tha anh về.
Năm nay dịch bệnh, những lễ hội trong vùng đều phải gác lại. Mùa xuân cứ đằng đẵng mãi mà chưa hết. Thắng thi thoảng lại về quê vào cuối tuần. Nhưng lạ nỗi, cái xe "ghẻ” của Ngọc thì vẫn nằm mãi dưới cái lán chất củi của bố. Thắng cũng hay xuống thị trấn, lúc lấy ít hàng, lúc mang tải ngô xuống nhà Ngọc. Có việc thì đến chứ chẳng mấy khi anh để ý xem cô gái này muốn gì? Chừng ấy năm lầm lũi bếp ga đơn, giường mét hai, anh đóng khung tâm hồn mình vào những kỷ niệm.
Một hôm, vừa hết giờ làm, Ngọc gọi cho anh gấp gáp. Chẳng biết có việc gì nhưng qua giọng nói, anh thấy cô có vẻ đang rất lo lắng. Vừa dựng xe ngược lên nhìn số nhà, anh nhận ra đó là một công ty, hình như cũng từng hợp tác với cơ quan của anh. Anh rút điện thoại gọi Ngọc, cô giục anh lên phòng luôn. Thắng ngớ người khi vừa đặt chân lên tầng hai. Giám đốc công ty cơ đấy, thể nào mồm miệng có gang có thép.
- Em gặp anh có việc gì không?
- Có thì em mới gặp anh chứ? Mà… anh làm giàu hộ em cái.
- Em nói hay thật, ai chả muốn giàu, mà tiền có phải lá rừng đâu mà hái.
- Đấy, như chỗ anh đứng chán ngay đoạn đang lên dốc. Hái lá ra tiền chứ đâu. Mà hôm nay thứ Năm rồi, mai anh xin nghỉ được không, về quê với em đi nào?
Thắng dẫn Ngọc lên núi. Mùa xuân, muôn loài cây đều nảy lộc. Ngọc đi sau gặp cây nào cũng hỏi. Khi lên đến rừng chè Shan tuyết, cô đứng trầm ngâm:
- Cây này nhân giống đem giâm cành được không anh?
- Cũng được, nhưng gieo bằng hạt cây khỏe hơn em à. Cái gì gấp gáp quá đều cho lợi ích ngắn ngủi mà.
- Là anh nói đấy nhé - Ngọc khẽ lườm Thắng - anh bắt tay vào làm ngay đi.
Thấm thoắt vài năm, đồi chè nhà anh đã cho thu hoạch. Công ty của Ngọc bao tiêu sản phẩm. Nhưng giờ mỗi khi có việc gần nhau, Thắng thấy có một khoảng cách khá lớn. Một nữ giám đốc đang nắm trong tay vốn liếng cắm sổ đỏ của cả làng chứ đùa.
Một hôm, cũng đương độ tháng giêng, Thắng bất ngờ bắt gặp Ngọc ngồi ngắm đồi chè. Cô bé bây giờ tóc dài, chững chạc và đẹp đến lạ. Thắng lặng lẽ đứng phía sau lưng ngắm cô mà chẳng biết nói gì. Giữa muôn vàn màu lộc biếc, chiếc áo xanh và khuôn mặt tươi trẻ của Ngọc có một sức hút kỳ lạ. Cuối cùng, anh bước đến, ngồi xuống bên Ngọc, cô bé như đã biết sự có mặt của anh từ bao giờ.
- Anh ngốc, theo anh cây chè kia bao năm thì sẽ già nua?
- Chắc tầm mươi, mười lăm năm gì đó, cũng tùy, anh không rõ.
- Cái gì anh cũng không rõ. Thế anh có định già như cây chè kia không?
- Thì, ai cũng phải già, cây chè càng già càng có giá.
- Anh được đấy, nhưng em chỉ như búp lộc kia, em vẫn còn trẻ, em vẫn cần mùa xuân. Mà… nói từ nãy đến giờ anh có hiểu gì không đấy?
- Hiểu chứ, nhưng mà em định nói ai đây?
Ngọc lườm Thắng, ánh mắt xao xuyến lấp lánh một niềm vui. Hình như tháng giêng đã là của riêng họ, tháng giêng có người đứng chắn giữa đường để em phải dừng lại, để thương, để lo cho cả anh, cả xóm, cả bản thoát cái nghèo. Thắng tự nhủ những lời như thế khi mái đầu của Ngọc khẽ tựa vai anh.
- Về nhà anh nhé, em là người con gái đầu tiên dám leo hết dốc vào nhà anh đấy, biết không?
Ngọc nhìn Thắng, đôi mắt hồn nhiên và ngơ ngác như người vừa bị lừa mất một thứ gì, lại như vừa tìm được một điều gì quý giá vô cùng…
Truyện ngắn của Trần Văn Thiên