(HBĐT) - Việt đã đi khỏi thành phố này từ khá lâu rồi. Gọi một phin cà phê rang xay, mặc kệ giọt đặc sánh đếm thời gian, anh ngồi ngắm sang bờ bên kia. Ngày xưa, hạ về, nước con sông bỗng đục ngầu, củi đen ngòm. Phía trên kia nơi cửa xả lũ của con đập, bọt tung trắng xóa. Giờ đang là cuối xuân, nước xanh trong yên bình. Dòng sông như một người con gái sau bao xa cách giờ gặp lại bình thản và trầm tư…
Quán vắng, anh ngước nhìn tên quán. "Hoa ban 1990”, có cái gì đó là lạ. Lần này, Việt trở lại thành phố bên sông với một dự án làm phim khá thú vị. Anh không chọn một thành phố đã bề thế khang trang, không còn nơi thâm sơn, cùng cốc với phong tục, cảnh sắc kỳ thú. Anh muốn người ta bất ngờ về một thị xã vốn ngổn ngang từ công trường, cách Thủ đô không xa nhưng lặng lẽ chuyển mình. Ở đời, sự lặng lẽ mới tiềm ẩn những thú vị. Để thuyết phục được "sếp", Việt quyết định săn một bộ ảnh thật đẹp, một bộ ảnh view đẹp các góc máy về con sông thanh sạch, với nhưng vùng quê yên bình trong màu xanh cây trái, những bè cá chấm phá trên mặt hồ mênh mang… Đúng vào cái lúc đồ đạc đã xếp sau cốp xe, thì anh nhận được điện thoại của anh Phan trưởng phòng. Anh dặn: "Phải tìm ra một cái tứ đặc sắc của văn hóa, gắn với sự phát triển kinh tế và kiến trúc thì tốt”. Việt biết tính Phan, tỉ mỉ, kỹ tính mà cũng tinh tế. Mệnh lệnh nào cũng nhẹ nhàng, có lý lẽ trói buộc người khác vào sự đam mê. Nhưng lần này, chính anh cũng đang mong sự níu kéo vô hình đó.
Việt dơ điện thoại chụp một cánh hoa ban buông hững hờ trong sương mờ nhòe bên phố. Anh tải về up vội lên trạng với một tus đơn giản: "Hoa ban, em ở đâu?”. Chẳng phải đợi lâu, bắt đầu đầy ắp những thông báo cảm xúc và bình luận. Bất giác, Việt nhận ra một bình luận của Phương: "Anh có nhận ra nơi ấy không?”. Việt ngắm nghía bức hình: "Anh không biết, chỉ là ảnh lấy trên mạng”. "Là ở chính thành phố anh đang dừng chân, cách nơi anh check-in không xa đâu nhé”.
Anh nhớ đến Phương như vừa sực tỉnh sau một giấc mơ. Ngày ấy, cô chỉ muốn anh trở về thành phố này. "Thị xã nhỏ bé, tỉnh lẻ buồn em ạ, anh muốn được đi xa, thử thách mới làm người ta khá lên được”. Việt đi khỏi nơi này, rời xa Phương với sự chắc mẩm vào sự lựa chọn của mình. Có lúc, chính anh cũng đã quên với nguồn nước sông Đà xanh trong mải miết tưới mát những cánh đồng và cấp nước cho khu đô thị mà anh đang sống.
Bất chợt, Việt nghe thấy tiếng cánh cổng nhà phía đối diện vừa mở. Không thể tin được, đó là Phương. Phương của hôm nay vẫn nhẹ nhàng, nụ cười hiền và đôi mắt sáng. Hai người cùng bất ngờ ngập ngừng và ấp úng, hoa ban cứ thế rớt xuống bờ vai họ.
Khi họ đã ngồi đối diện nhau trong quán cà phê dưới sắc hoa, Việt mới bắt đầu những câu chuyện xưa chậm rãi và nhẩn nha. Như thế, ngày hôm qua với họ là điều gì đó xa lạ. Họ hỏi thăm công việc, gia đình, về những dự định. Tất cả đều bắt đầu lại bằng sự xa lạ, bất chợt lỡ miệng ngại ngùng. Những cảm giác quen thuộc đến ngỡ ngàng. Cho đến khi chính Phương thắc mắc:
- Vì sao anh vẫn chưa lập gia đình?
- Hì, chắc tại anh đi nhiều quá, hết dự án ở tỉnh này đến tỉnh khác. Có khi cả tháng chỉ có mặt ở Hà Nội vài ngày.
- Chắc lâu lắm, anh chưa về lại sông Đà nhỉ?
- Đúng vậy em ạ, thành phố đổi thay quá nhiều, đẹp và năng động. Nhưng sao, nhà em lại ở đây?
- Chừng ấy năm, em cũng không biết tại sao, em không muốn rời xa nơi này. Em có thể đến những đô thị lớn với thu nhập cao hơn. Nhưng em muốn chứng kiến sự đổi thay trên chính quê hương mình, muốn tận hưởng thành quả do chính mình tạo nên.
- Ồ, nhưng anh nghĩ sẽ phải mất rất nhiều năm đó em à, mà tuổi trẻ thì…
- Anh thử nghĩ xem, nếu chỉ chạy theo những trào lưu bất chợt, sống với những tận hưởng ngắn ngủi của bản thân, tất cả chỉ là những niềm vui chắp vá, một thanh xuân nát vụn cảm xúc. Hì, em có vẻ hơi triết lý quá phải không anh? Nên em cũng ế như anh mà…
Sau chuyến đi ấy, Việt trở về bù đầu với những công việc dồn đống đợi anh. Chính anh cũng quên cả chuyến đi trở lại thành phố bên sông. Một hôm, Phan gọi anh lên phòng:
- Anh đã đọc cả tập kịch bản chú viết, xem tất cả ảnh chú chụp.
- Anh thấy sao?
- Cẩn thận, công phu nhưng thật ra chả có điểm nhấn gì cả.
Việt cũng đã quen với những nhận xét của Phan. Anh không phật ý vì chính anh cũng tự nhận ra mình đang sống nhạt. Như một chiếc lá đang rơi tự do trong gió, ý tưởng và cảm xúc bâng quơ không bám víu đâu. Nhưng với lòng tự trọng, anh vẫn phải lên tiếng nói cứng.
- Thật ra, em đã có dự định rồi, đằng sau tất cả ý định ban đầu này.
- Là gì? (Phan bất ngờ)
- Em sẽ viết kịch bản về một bộ phim tài liệu, về những người con lớn lên từ gian khó, trưởng thành từ đồng đất nhưng kiên trì bền bỉ và thành công trên chính quê hương mình.
- Hay đấy, thế cậu gọi ý tưởng ấy là gì?
- "Hoa ban trong thành phố”.
Việt bắt đầu kể cho Phan nghe về tất cả những gì mà Phương và những người bạn đã làm. Từ vận động bà con thực hiện các phong trào vệ sinh môi trường đô thị, giới thiệu các mô hình tiêu biểu và tấm gương vượt khó, rất nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, có tích lũy. Chính những người trẻ yêu quê hương, nỗ lực đưa những chính sách tốt đẹp vào cuộc sống đã làm thay đổi bộ mặt của phố phường.
Khi những thước phim cuối cùng đã quay xong, cả đoàn đã lên xe, Việt vẫn còn đứng lại bên hè phố. Phương cũng đang đứng đó nhìn anh. Bỗng nhiên, họ chẳng biết nói gì với nhau.
- Anh về đã nhé, về muộn là giờ cao điểm của thành phố. Nhưng mà em à…
- Gì đó anh?
- Hình như cây hoa ban đẹp nhất nở trước cửa nhà em phải không nhỉ?
- Anh tinh thật đấy, thực ra cây ban lúc đầu đã héo và không thể sống được anh à. Em đã lặng lẽ trồng một cây ban khác vào nơi ấy. Đôi khi cuộc sống đòi hỏi mình nhẫn nại. Chỉ cần, mình kiên trì và trong lòng luôn có một tình yêu…
Nói xong, chính Phương bối rối nhìn Việt. Phải khó khăn lắm họ mới tạm biệt nhau được dẫu biết rằng sẽ còn gặp lại nhau ở con đường phía trước…
Truyện ngắn của Bùi Việt Phương
(HBĐT) - Cứ vào dịp những tháng cuối năm và đầu năm, nhà bác Thơm lại đông người đến người lui. Có lúc bí quá, bác hay gọi mẹ tôi là em dâu và các cháu, trong đó có tôi lên giúp cơm nước để tiếp khách. Lạ thật, mình làm người bốc thuốc gia truyền, họ đến, họ phải quà cáp, lễ lạt chiều chuộng mình, thế mà bác lại làm ngược lại.
(HBĐT) - Vậy là cuộc hành trình giao mùa của năm Canh Tý - Tân Sửu và kỳ nghỉ Tết cổ truyền của dân tộc đã qua. Những ngày qua…, khi mọi người đều hướng về Tết, những nhân viên ngành Y tế tiếp tục là chiến sỹ tiên phong, gồng mình chống dịch để bảo vệ sức khỏe Nhân dân, không ngại gian khổ, hy sinh để ngăn ngừa, kiểm soát "làn sóng thứ 3” dịch Covid-19.
(HBĐT) - Tháng giêng, con đường mòn dẫn lên nhà Thắng cỏ xanh mướt. Ngày còn bé, chẳng đứa bạn nào chịu lên nhà Thắng chơi, dẫu những cây táo, cây ổi, cây na vẫn không quên sai quả. "Đã xa lại còn dốc, có đàn chó dữ” - ừ, cũng đúng. Thế mà cũng có một lần, Thắng nắm tay được một bạn gái lên đến gần tới cửa nhà. Cô bé có đôi mắt trong veo, lúc nào cũng ngỡ ngàng không biết thế nào lại bẽn lẽn nhìn xuống. Mà nhìn xuống thì thấy tay Thắng đang nắm tay cô, từ từ đỏ mặt, bẽn lẽn gỡ tay mình ra khỏi tay bạn rồi vụt chạy về nhà. Cho đến tận bây giờ, lắm khi ngồi bệt xuống lối mòn ấy, Thắng cứ tiếc mãi...
(HBĐT) - Tháng chạp, mảnh vườn của gia đình ông bà Nụ ẩm ướt hơn vì những cơn mưa nhè nhẹ, tí tách. Thế này thì đỡ phải phun tưới, mà cái lưng dạo này mỏi mỏi là. Ông Nụ ca cẩm thế, nên trưa nay, bà phải ra vườn hái chút lá ngải cứu, giã, đun nóng với rượu chườm cho ông. Bà nhìn ra ngoài vườn, thấy lòng nhẹ nhõm khi vườn cúc, vườn hồng đang chúm chím vươn cao và hàng đào phía cuối vườn đang hé nụ. Tết này chắc được món đây. Hôm qua đã thấy thương lái đến đặt cọc số đào vườn này rồi.
(HBĐT) - Mỗi mùa xuân đến, Bác Hồ mong mỗi người dân Việt đón Tết vui vẻ, tiết kiệm, Tết cổ truyền dân tộc với những ngày đầu năm có việc làm thiết thực: Tết trồng cây. Với tầm nhìn chiến lược:
"Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây
Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.