(HBĐT) - Cứ vào dịp những tháng cuối năm và đầu năm, nhà bác Thơm lại đông người đến người lui. Có lúc bí quá, bác hay gọi mẹ tôi là em dâu và các cháu, trong đó có tôi lên giúp cơm nước để tiếp khách. Lạ thật, mình làm người bốc thuốc gia truyền, họ đến, họ phải quà cáp, lễ lạt chiều chuộng mình, thế mà bác lại làm ngược lại.
Vì thế, cách đây mấy năm, anh họ tôi nói xẵng với bác: "Mẹ cứ bắt chúng con hầu hạ khách của mẹ nhỉ? Mệt quá đi. Cơm nước cung phụng… Tiền họ đưa có nhiều nhặn gì cơ chứ”. Thế là hết mấy tiếng sau đó, lũ con cháu chúng tôi bị bác "tổng sỉ vả” ồn cả góc xóm. Bác Thơm thảo lắm, nhưng chua ngoa nhất vùng. Bác hơi gầy, người quắt quắt nhưng cao hơn phụ nữ bình thường nên cũng dễ gây ấn tượng, mắt sáng và luôn nhìn thẳng. Lần bác nổi đóa đó, nhìn hình ảnh bác rũ tóc, rồi chồm chồm ở phía vườn, chúng tôi vừa thấy buồn cười, vừa sợ. Bao nhiêu ngôn ngữ dân gian, vùng miền được bác thu về để "gửi” chúng tôi qua mây, qua gió. Hàng xóm chả lạ gì tính bác, nên thông cảm. Chửi và nóng thế, đến chiều lại cười giòn tan khi được các bác đồng niên khen giọng hay, vút cao, trẻ, đến tầm tuổi này mà tóc chưa bạc. Riêng bác trai nhà tôi thì chọn phương án kín miệng, như thế, thỉnh thoảng mới được bác cho mấy đồng để ra quán bia đầu xóm uống vài cốc với lạc rang. Thấy bác Thơm mắng mỏ, bác trai đế thêm như đồng tình: "Mắng thế còn nhẹ… mình làm phúc mà đưa chuyện tiền bạc lên làm đầu… Thế là bạc lắm. Chúng mày thật là”. Nghe đức ông chồng nói thế, bác Thơm cũng hạ hỏa… Các bác đến bốc thuốc giờ có thể yên tâm kể lể để bác tôi chẩn đoán và bốc, gói, rủ rỉ dặn dò. Đến lúc này, đám con cháu liệu mà ngồi kê, mà viết lời dặn của bác với người nhà bệnh nhân. Trời ạ, mỗi nhà phải 1 trang chứ không ít. Nên ăn món gì, kiêng món gì là điều bác cứ dõng dạc mà nói. Không thẩm thấu thì đã có các thư ký ghi lại bằng những dòng chữ to cồ cộ như con gà mái của các cháu.
Khi khách ăn cơm xong, mua đủ thuốc rời nhà, bác Thơm mới quán triệt thêm:
- Họ ở xa đến lấy thuốc, nhà có cơm rau thì mời cơm rau, thêm bát thêm đũa chứ đâu thêm mâm đâu. Họ đã bệnh tật, đi lại tốn kém, vất vả. Mình giúp họ, mình có phúc, lộc…
Bác Thơm nhà tôi là thế. Khi bác không giận, đi lên đồi lấy thuốc cùng bác, cháu con tha hồ nghe chuyện xóm, chuyện làng ngày xưa. Có câu chuyện nửa thật, nửa hư về người đã khuất và cả những người còn sống. Chuyện tốt, chuyện xấu đủ cả. Đúng là ngàn năm bia miệng. Mà đa phần đều được bác "triết lý” ở cuối, ví như: Làm chuyện tốt để lại tiếng thơm, làm ăn trí trá khó bền, sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đấy… Chuyện mấy cây đa, cây thị đầu ngõ gắn với muôn chuyện ly kỳ cũng được củng cố. Chốt lại bao giờ cũng có ý: Mỗi con người, mỗi cây, mỗi ngọn núi, ngọn đồi đều hàm chứa một ngữ nghĩa nào đó, phải yêu, phải tâm huyết mới hiểu được. Ngay mỗi cây thuốc, bài thuốc cũng có dấu chân, dấu tay của bao đời… Chúng tôi nghe được câu nọ, câu kia, vì buổi chiều còn có mấy vụ đi tắm suối, nhảy dây với đám bạn nữa.
Nay nhà bác lại có khách, một người đàn ông tầm thước, mắt hẹp, đi một chiếc xe cũng khá sang. Vừa thấy đám trẻ con xúm vào chỉ trỏ, ông ấy đã xua như đuổi tà: "Bọn này… hỏng hết sơn xe rồi”. Khiếp, chúng nó mới sờ vào thôi mà. Nói chuyện với bác mà cứ thì thầm, lấm lét là sao. Nghe câu chuyện của ông ta mà khiếp. Đi bốc thuốc cho vợ nhưng không phải để tẩm bổ, chữa bệnh mà là mong vợ không đẻ nữa. Vì ông có đến 4 đứa con của 2 đời vợ trước, nay lấy vợ mới, không muốn đẻ nữa. "Thế cô ấy có nguyện vọng sinh con không?”. Tiếng trả lời lí nhí: "Muốn và khao khát lắm”. "Thế sao không cho cô ấy làm mẹ?”. "Đẻ nữa thì ai chăm sóc đám trẻ kia… con nào chả là con”. "Thế anh lấy cô ấy làm vợ… hay làm "osin” cho bố con anh? Anh biết điều quan trọng nhất của người phụ nữ là gì không?”… Rồi bác đứng lên, mặt hầm hầm, giắt dao vào lưng, khoác túi vải và lên đồi. Ông kia mặt thuỗn ra, chào lí nhí rồi ra nổ máy. Chiều bác về, mặt bác buồn rười rượi khi nhắc lại chuyện người đàn ông kia. Bác bảo, mấy chục năm làm nghề thuốc gia truyền, chỉ có người đến khám chữa để có con, chứ không ai bốc thuốc để "tịt đẻ” cả. Dã man thế. Quân ích kỷ chỉ nghĩ đến mình, bác mà là cô kia… quên luôn. Đã thế còn đem chuyện tiền ra để hứa hẹn… Bác trai ngồi kế bên cũng góp vào nhưng lại có vẻ cười cười: "Lần đầu tiên thấy bà nóng tính mà vẫn… buông lời thăm dò, triết lý mà không "bật” tanh tách như mọi lần. Điềm đạm gớm”. Rồi bác phả vào không gian um tùm đám khói thuốc lào. Bác Thơm nguýt một cái rõ dài và mỉm cười: May mà cũng là loại "của hiếm”, xã hội còn đầy người ân tình, tử tế…
Chiều cuối năm, ngoài đường đám trẻ con xôn xao câu chuyện đi lấy cây nêu cắm Tết thì nhà bác Thơm vẫn còn khách. Một đôi vợ chồng đã luống tuổi đèo nhau trên chiếc xe đạp điện. Người vợ bế theo một bé gái tầm 3 tuổi diện chiếc váy hồng rực rỡ. Khuôn mặt họ chỉ thấy nụ cười. Lại có quà rồi. Những chiếc bánh ống, bánh gai "nhà trồng được”. Chị vợ nhanh nhảu: "Toàn nhà con làm đấy bà ạ. Tối qua vớt bánh, nay chúng con đến gọi là thăm ông bà, cũng là lời cám ơn… Chúng con lấy nhau 15 năm mới có mụn này…”. Ôi trời, vui thế sao mà khóc. Con bé kia cũng nghịch nhỉ, vừa thả xuống đã chạy biến ra xem đàn gà con bên góc vườn, khiến ông bố lập cập chạy theo… Mỗi lần có nhóm khách thế này, lại thấy trên gương mặt bác Thơm niềm vui lấp lánh. Bác chốt: "Đang đà này, lộc con thế này… đẻ thêm đi không quá tuổi đấy. Phụ nữ không nên đẻ khi đã luống tuổi”. Hôm nay, khách về luôn nên đám chúng tôi chả phải nhặt rau, gọt củ, thịt gà. Nhưng bác cũng sai chúng tôi khuân ra mấy nải chuối, quả bưởi gọi là quà cho gia đình kia. Cây nhà lá vườn, biết đâu quả bưởi này có thể dùng làm mâm ngũ quả, trông cũng bắt mắt đấy chứ. Chia tay họ, chúng tôi cũng còn về lo chuẩn bị trang hoàng nhà cửa chứ. Một mùa xuân mới đang về rồi.