Tản văn của Bùi Huy
Như một thói quen, cứ dịp đầu năm lại muốn trở lại quê nhà. Qua rồi những ngày trước Tết náo nức và bận rộn dù dịch Covid-19 vẫn đang vào cao điểm. Tháng giêng hai, thời điểm này, xóm làng vẫn còn đó nét tươi vui mừng năm mới, nhưng xen vào là những gam màu trầm mặc, chậm rãi và ưu tư hơn. Những ngày mới đang ở phía trước, ai cũng đều cần bước tới bằng tâm thế mới.
Đi trên con đường làng, bỗng vang lên câu thơ của một thi nhân: Nơi em về, xuân tím nụ vườn chanh/ Hoa xoan tím, hoa lục bình cũng tím/ Cành tre nhỏ có ngày chim khách đến/ Tận bây giờ chờ đợi vẫn rung rung... Vào ngày nắng vàng nhẹ. Khu vườn ẩm ướt bởi mưa xuân đêm qua bừng thức lên những lộc lá mới. Hoa cải đang lấm tấm trổ vàng; vạt rau mới cũng đã được trồng xen lẫn những củ su hào của vụ cũ. Mùi thơm ngai ngái của rau mùi phảng phất nơi bàn tay. Cuối vườn kia, hoa chanh tím nhẹ dâng vào không gian một mùi thơm nhè nhẹ, kín đáo. Tiếng chim sâu lích chích chuyền cành như không muốn chạm vào mùi hương thơm. Trà hoa đào muộn vẫn đủ sự quyến rũ bởi màu hồng nhạt đào phai. Chỉ còn lác đác vài nụ, nhưng đủ sức như muốn níu kéo mùa xuân ở lại. Mơn mởn, tươi mới nhất là những mầm cây lộc vừng vươn cành về phía bờ suối đang dạt dào nước… Không gian như lắng lại, tưởng như chỉ có tiếng thở của thời gian và cây lá đang cựa mình, sinh sôi, nhưng gần trưa, đã có thêm những âm thanh xào xạc trong không gian đầy nắng khi đàn sáo núi dạt lên, dạt xuống những cây hoa gạo ở con đường dẫn về làng và mé đồi.
Những bông hoa gạo đỏ như đốm lửa thắp lên giữa trời; càng nổi bật trên nền xanh non của cỏ cây mùa xuân. Không chỉ riêng đàn sáo, nhóm trẻ trâu í ới gọi nhau dưới những gốc cây gạo làm núi đồi, con đường làng thêm vui. Những hình ảnh đó khơi gợi về một thời ấu thơ khi cùng chúng bạn vui đùa, khi xâu những bông hoa gạo thành chuỗi, quàng lên cổ nhau, rong ruổi trên con đường làng, trong tiếng lốc cốc của mõ trâu, khi hoàng hôn buông xuống núi đồi… Mùa này, những người bà, người mẹ thường lên đồi, lên vườn hái những túm lá thuốc nam đầu tiên của năm. Những mẻ thuốc đầu năm hy vọng đem lại một sức khỏe mới cho mọi người trong nhà và người bệnh. Cũng mùa này, còn có ai đó hay lên đồi, xuống ruộng hái rau rừng, rau tập tàng… Sau mấy ngày Tết "thịt mỡ, dưa hành”, những món rau thập cẩm, dân dã đó lại trở thành món ngon, đặc sản của cả nhà. Hình ảnh những người phụ nữ hiền lành, mang rổ, mang "ớp” đi hái rau rừng bao năm đã trở nên quen thuộc, ấm áp, thân tình.
Qua nhà người bạn thuở thiếu thời… Đấy, sau Tết nhà 4 người đã chia về đôi ngả. Sau khi lúa đã cấy xong, ngô, khoai được trồng ở đồng bãi, bạn lại trở về thành phố với công việc lao động phổ thông. "Ly hương và tạm ly nông”, vì tháng 5 tới vẫn còn phải về đồng áng, thu hoạch. Ngôi nhà lọt thỏm giữa vườn cây lao xao nắng vàng. Cậu con út học lớp 10 giờ như người đàn ông duy nhất ở nhà. Thảo nào, đường làng cũng thưa vắng và bớt lao xao mấy phần. Hầu hết các ngôi nhà chỉ còn người già, phụ nữ và thiếu nhi. Qua hàng rào, hỏi thăm nhà hàng xóm, biết rằng nhà cũng vừa đón một cái Tết ấm cúng, no đủ, nhưng giờ, khi dịch Covid-19 tạm lắng, mỗi người mỗi việc… Tháng giêng không còn là tháng ăn chơi nữa. Phía trong ngôi nhà mới đổ mái, tiếng nhạc cất lên nhẹ nhàng, tha thiết như lòng người vừa thơi thới, vừa đôi chút bâng khuâng của mùa giêng hai dịu ngọt. Quê nhà… mùa nào, tháng nào đều có hương vị và nét riêng đáng nhớ.
Ngày mới, trên con đường quê quen thuộc, nghe có tiếng ríu rít đám trẻ trên đường đi học; lời chào hàng xóm của mấy cô cậu sinh viên về trường học tiếp. Tiếng thì thầm chia tay của cặp vợ chồng trẻ nơi ngõ nhỏ. Người ở nhà, người đi làm ăn xa… Trên vai là ba lô với bánh ống, quà quê và cả cả tình quê hương trĩu nặng. Những ngọn núi, ngọn đồi lùi dần phía sau lưng…