(HBĐT) - Chớm hè, gió nam thổi những làn gió mát từ phía bờ sông, dạt về tận xóm Tháy. Tiếng xào xạc của bẹ cau khiến chị Sánh không ngủ nổi. Cũng có thể bởi trong gió thoảng có tiếng sáo dìu dặt. Bài "Ru con”… rồi bài "Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”. Trời ạ, còn tiếng sáo của ai nữa.

Lúc lâng lâng, hào sảng về một dãy núi huyền thoại nhiều máu lửa, lúc lại yên bình của cuộc sống nơi thôn dã Nam Bộ… Sao anh lại thổi những bài hát của thời 2 người còn sống bên nhau. Cái thời đó chỉ hơn nửa năm nay thôi chứ xa xôi gì, vậy mà chị thấy xa cách vời vợi. Dù chị đang ở, đang hàng ngày sống trong ngôi nhà mà anh chị gắn bó mười mấy năm trời… Tiếng sáo mênh mang, dìu dặt nhưng phảng phất một tâm tư sâu kín nào đó. Nếu là cuối tuần, không chỉ riêng tiếng sáo trúc, mà có cả tiếng nhị, măng-đô-lin… khi đám bạn ấu thơ, bạn đồng ngũ của anh kéo nhau ra cùng hòa tấu. Nhóm đó cũng có người từng thầm yêu trộm nhớ chị, nhưng chỉ có anh là được chị gật đầu. Vì cũng đa phần là họ hàng, anh em chòm xóm, nên khi biết anh Hơn "trúng số”, tất cả đều tản ra không ai dám mon men tìm hiểu nữa… Mấy chục năm qua, những người bạn ấy vẫn bên nhau dù bao thăng trầm, vất vả. Tất nhiên, chị cũng là bạn của tất cả…

Họ là đôi đẹp nhất mấy xóm dọc bờ sông. Chị Sánh không chỉ hát hay, mà còn chăm chỉ công việc gia đình, đồng áng. Nhìn hàng lúa chị cấy, nhìn bó củi chị gánh từ núi về, các ông, các bà cứ gọi là xuýt xoa "nhà ai mà có được cái Sánh thì nhất”. Nhìn sản phẩm của chị làm ra là biết được tính người, chất người. Cẩn thận, chỉn chu. Khi chị cất lên những câu hát đối "Đu đu, điềng điềng” tại các đêm văn nghệ liên xã, đám trai trong vùng nháo nhác hẳn lên. Chị không xinh, không trắng, thậm chí nước da còn ngăm ngăm nhưng chị có mái tóc dày, dài, cùng giọng nói gây ấn tượng. Giọng hát cao trong vắt của chị khiến bao người thổn thức, nhưng cũng chẳng mấy người hát đối thành công với chị, trừ anh Hơn. Nên bao trai trẻ trong vùng dù dò hỏi, lân la tiếp cận đòi làm quen, cũng đều không thể đánh bật chị khỏi anh Hơn. Vì họ đã là đôi bạn từ nhỏ, hiểu tính nhau, và nhất là chị nhìn thấy ở anh những đức tính tốt, có thể tin cậy. Còn anh Hơn yêu quý chị bởi nết ăn, nết làm, nhưng cái chính là cách chị cư xử. Hồi mẹ chị mất, thằng Út mới 3 tuổi, thế mà chị đã như người mẹ nuôi em khôn lớn, thành gậy thành sào. Riêng chuyện này, cả họ nhà anh Hơn nể phục và họ không lăn tăn gì về việc chọn dâu con. Anh Hơn cũng ghi điểm không chỉ với riêng gia đình chị. Nhiều cô gái trong vùng cũng không giấu nổi tiếng thở dài mỗi khi anh trên sân bóng, sân khấu. Độ khéo tay của anh qua các sản phẩm như đơm đó, rổ rá, lồng chim, sáo trúc… luôn có khách hàng đặt mua. Lần anh và chị ra sông đánh cá, việc anh lao ra dòng nước cứu được một chị từ thượng nguồn đổ về bám vào khúc củi bập bềnh, tay thì đã muốn tuột, không đủ sức kêu cứu… Sau này, họ trở thành chị em nuôi, tết nhất vẫn đi lại nhà anh…

Chiến tranh đã kéo 2 người khỏi cuộc sống vợ chồng sớm hơn dự định. Anh quyết: Vào Nam đã, vợ con tính sau. Em đồng ý nhé… Chị không nói, nhưng nước mắt chứa chan. Biết tính anh rồi, làm sao mà khác. Hồi anh huấn luyện ở Sơn Tây, chị đã cùng nhóm bạn đạp xe 60 km lên thăm anh. Chỉ kịp nhìn thấy nhau qua hàng rào thôi vì chị lên đúng lúc đơn vị anh lên đường. Không có giọt nước mắt nào rơi nhưng suốt chặng đường về, chị không nói một lời nào, khiến đám bạn phải xúm vào an ủi… Hồi đó làm gì có thư từ gì, cả xóm có 1 chiếc đài của bác xã đội trưởng. Chỉ nghe nói, anh tạt sang chiến trường C vài năm, rồi lại trở lại vùng đất Tây Nguyên… Chờ và hy vọng…

Ngày về… một đám cưới được coi là to nhất xóm đã diễn ra. Thịt hẳn mấy con lợn, xóm làng, bạn bè la đà rượu mừng chúc phúc cho 2 người. Chỉ cần vậy thôi. Vốn chịu khó, 2 anh chị xin ra ở riêng, để cơ ngơi bố mẹ cho chú Hai. Năm đầu… rồi năm thứ 2… cuộc sống của vợ chồng vẫn không có gì mới. Không nói ra nhưng thăm thẳm trong lòng cả hai chờ đợi một đứa con đầu lòng. Đứa con của tình yêu, của sông nước, núi đồi hội tụ… Nhiều lần, chị không biết rằng, mẹ chồng nhìn rất kỹ mỗi lần chị đi, chị đứng xem có dấu hiệu gì không. Người ngoài thì chỉ biết chắc 2 vợ chồng còn lo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Đến năm thứ 5 thì chị mang bầu… Đúng là những ngày hạnh phúc. Ngôi nhà anh suốt ngày véo von tiếng sáo trúc, bay bổng điệu "Ru con”. Chị ngồi khâu vá mà miệng mỉm cười thật tươi. Anh nuôi mấy đàn gà cho chị tẩm bổ. Thỉnh thoảng lại có món cháo cá chép, thành quả đánh lưới bên dòng sông quê nhà. Nhưng đến tháng thứ 7… anh chị như rơi xuống vực thẳm. Thai hư. Anh nắm chặt tay chị: "Còn nhiều cơ hội em à, chúng mình còn trẻ…”. 5 năm nữa. Câu chuyện lại tái diễn. Đã vắng đi những tiếng sáo mỗi đêm trăng. Đám bạn hiến kế: "Ông phải đi khám xem thế nào?”. Khám… những hoài nghi, phấp phỏng. Điều gì đến phải đến. Có một đêm mà anh hốc hác, mắt thâm quầng. Rồi anh đùng đùng ra ở riêng và chỉ nói với chị đúng một câu: "Để anh yên. Em còn trẻ… Phải có cuộc sống mới và phải có con cái”… Không ai cản nổi người muốn cái gì phải làm bằng được.

… Nên mới có đêm nay, tiếng sáo lâu lắm mới cất lên buồn lắng. Bố mẹ gặng hỏi. Anh không nói. Tại sao lại dứt đi vội vã như vậy. Lần nào chị khóc hỏi, anh đều bỏ chạy về phía bờ sông ngồi hàng tiếng đồng hồ. Xóm làng cũng bao luồng ý kiến. Họ chê anh, hồ nghi chuyện này, chuyện nọ. Anh không thanh minh. Mọi chuyện chỉ ngã ngũ khi hôm nọ chị và mẹ chồng cất công đến bệnh viện anh từng khám. Chị nước mắt lưng tròng. Sao phải thế anh. Sao phải nín lặng trong lòng? Chúng ta có bao phương án để có thể sống cùng nhau mà. Miễn là được ở cạnh nhau thì chuyện con cái rồi sẽ tính được. Chị chẳng cần quan tâm đến những cụm từ đi-ô-xin, da cam, hóa học… Chị chỉ cần biết rằng, phải đón anh về ngôi nhà họ đã có bao năm tháng bên nhau. Có anh ở bên, cuộc sống sẽ thêm ý nghĩa trong cuộc đời. Còn mẹ chồng cứ lẩm bẩm mãi: "Thằng này hư… Sao lại ứng xử vậy”. Dù bế tắc thế nào, cuộc đời vẫn luôn có lối mở.

 

Bùi Huy


Các tin khác


Hoa ngũ sắc

(HBĐT) - Xuân ơi nhà có khách! - Dạ vâng! Con xuống ngay đây mẹ! Lia nốt những giọt nước cuối cùng trong bình tưới cho khóm hoa ngũ sắc, Xuân bước lẹ về phía trái nhà rửa tay, chỉnh trang lại trang phục và chuẩn bị sẵn nụ cười tươi để đón khách.

Món quà

(HBĐT) - Cứ vào dịp những tháng cuối năm và đầu năm, nhà bác Thơm lại đông người đến người lui. Có lúc bí quá, bác hay gọi mẹ tôi là em dâu và các cháu, trong đó có tôi lên giúp cơm nước để tiếp khách. Lạ thật, mình làm người bốc thuốc gia truyền, họ đến, họ phải quà cáp, lễ lạt chiều chuộng mình, thế mà bác lại làm ngược lại.

“Chiến sĩ áo trắng”… những ngày đáng nhớ

(HBĐT) - Vậy là cuộc hành trình giao mùa của năm Canh Tý - Tân Sửu và kỳ nghỉ Tết cổ truyền của dân tộc đã qua. Những ngày qua…, khi mọi người đều hướng về Tết, những nhân viên ngành Y tế tiếp tục là chiến sỹ tiên phong, gồng mình chống dịch để bảo vệ sức khỏe Nhân dân, không ngại gian khổ, hy sinh để ngăn ngừa, kiểm soát "làn sóng thứ 3” dịch Covid-19. 

Tháng giêng

(HBĐT) - Tháng giêng, con đường mòn dẫn lên nhà Thắng cỏ xanh mướt. Ngày còn bé, chẳng đứa bạn nào chịu lên nhà Thắng chơi, dẫu những cây táo, cây ổi, cây na vẫn không quên sai quả. "Đã xa lại còn dốc, có đàn chó dữ” - ừ, cũng đúng. Thế mà cũng có một lần, Thắng nắm tay được một bạn gái lên đến gần tới cửa nhà. Cô bé có đôi mắt trong veo, lúc nào cũng ngỡ ngàng không biết thế nào lại bẽn lẽn nhìn xuống. Mà nhìn xuống thì thấy tay Thắng đang nắm tay cô, từ từ đỏ mặt, bẽn lẽn gỡ tay mình ra khỏi tay bạn rồi vụt chạy về nhà. Cho đến tận bây giờ, lắm khi ngồi bệt xuống lối mòn ấy, Thắng cứ tiếc mãi...

Mùa hoa

(HBĐT) - Tháng chạp, mảnh vườn của gia đình ông bà Nụ ẩm ướt hơn vì những cơn mưa nhè nhẹ, tí tách. Thế này thì đỡ phải phun tưới, mà cái lưng dạo này mỏi mỏi là. Ông Nụ ca cẩm thế, nên trưa nay, bà phải ra vườn hái chút lá ngải cứu, giã, đun nóng với rượu chườm cho ông. Bà nhìn ra ngoài vườn, thấy lòng nhẹ nhõm khi vườn cúc, vườn hồng đang chúm chím vươn cao và hàng đào phía cuối vườn đang hé nụ. Tết này chắc được món đây. Hôm qua đã thấy thương lái đến đặt cọc số đào vườn này rồi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục