(HBĐT) - Tháng Ba về mang theo ánh nắng vàng tươi như sánh mật sưởi ấm khu vườn để cây đâm chồi, nảy lộc và bung nở những sắc hoa. Đây đó trong khu vườn hay hàng rào ven lối, con ngõ đầu làng, hoa bưởi, hoa xoan, hoa gạo, hoa trẩu, hoa xưa, hay vạt hoa cải cuối mùa… xòe cánh tươi đón nắng, tỏa hương. Bởi thế trong ký ức tuổi thơ tôi luôn nồng nàn mùi hương từ những loài hoa thương nhớ!
Những chùm hoa bưởi nở trắng tinh khôi tỏa hương thơm ngát báo hiệu tháng Ba về.
Mùa xuân - mùa của đất trời giao hòa, trăm hoa đua nở, nhưng trong cảm nhận của riêng tôi loài hoa bình dị, gần gũi thơm tho nhất, vương vấn nhất của tháng 3 chính là hoa bưởi. Những bông hoa nhỏ, trắng tinh khôi nhìn giản đơn, dung dị nhưng khi tỏa hương khiến người ta ngẩn ngơ trong khoảnh khắc diệu kỳ. Có lẽ bởi sự dịu dàng, thanh tao đến vậy nên hương hoa bưởi đã lạc vào thi ca. Trong tuyệt phẩm "Hương thầm” nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã viết: "… Giấu một chùm hoa sau chiếc khăn tay/ Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm/ Bên ấy có người ngày mai ra trận…/ Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối/ Anh không dám xin/ Cô gái chẳng dám trao/ Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao/ Không dấu được cứ bay dịu nhẹ/ Cô gái như chùm hoa lặng lẽ/ Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu …”.
Thật vậy! Hoa bưởi không rực rỡ, lúc ngào ngạt, lúc thoang thoảng đưa hương. Hoa bưởi đẹp nhất khi ánh bình minh vừa ló rạng, soi rõ những giọt sương mai đọng trên chùm hoa tựa như những giọt pha lê trong suốt lạc vào cả những giấc mơ.
Cũng trong tháng Ba, khi xuân vào độ chín, đi trên những đoạn đường làng dễ dàng bắt gặp những vầng xoan tím rộ. "Màu tím cánh hoa xoan” dội vào trong ta cảm xúc xa thương vời vợi. Hương hoa xoan không nồng nàn như những loài hoa khác mà thoang thoảng, dìu dịu. Nắng tháng Ba, khi ngước nhìn lên cao sẽ thấy những tán hoa xoan tím biếc rung nhẹ trên bầu trời. Có thể chỉ là tưởng tượng nhưng trong khoảnh khắc ấy tôi như cảm nhận rõ mùi hương hoa xoan phảng phất khiến trí óc nhẹ nhõm, an nhiên.
Thân gỗ cao, cây thẳng đứng, nhưng hoa xoan lại sớm nở, mau tàn và khi tàn thường để lại sự tiếc nuối cho người yêu hoa. Bởi thế, mỗi lần đếm bước trên thảm hoa xoan tím biếc tâm trí tôi lại trôi về miền nhớ - nhớ cảnh làng quê xưa trong bài "Mưa xuân” của nhà thơ Nguyễn Bính: "Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy…”.
Trong những loài hoa mang hương sắc tháng Ba, hoa gạo xuất hiện muộn nhất nhưng khi đã bung nở thì như thắp sáng một góc trời. Hoa gạo còn được gọi với một cái tên khác khá mỹ miều - hoa mộc miên. Sắc đỏ loài hoa ấy gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều người mang hồn quê chân chất trong đó có tôi. Thuở nhỏ, mỗi ngày cắp sách đến trường, tôi đều nhặt những cánh hoa gạo rơi để ngắm, để chơi những trò chơi thôn dã. Bông gạo không thấm nước, vì thế khi thả xuống dòng suối nhỏ trong vắt đóa hoa trôi dập dềnh như những chiếc đèn hoa đăng. Đôi khi hoa gạo được kết làm vương miện đội đầu, hay được xếp gọn vào mo cau để làm thành những chiếc thuyền hoa đẹp mắt. Với sắc đỏ ngợp trời rưng rức trong trong tâm hồn, ký ức của những người con xa quê, hoa gạo đi vào thơ, ca, nhạc họa và góc máy của không ít người nghệ sỹ. Và hôm nay, trong dòng đời tấp nập với những vội vã, lo toan, nhiều người luôn ngóng đợi tháng Ba về vì khi đó: "Cây gạo ven đường hoa đỏ lên ngôi/ Hương bưởi xưa bao quyến luyến bồi hồi/ Hoa xoan tím lạc trôi miền nhung nhớ…”.
Tản văn của Thúy Hằng
(HBĐT) - Ra Giêng, khi hơi hướng mùa xuân vẫn còn vấn vương khắp nơi, nhận được lời mời của đồng nghiệp ở nơi "con sông Hồng chảy vào đất Việt” - Lào Cai: Lên mùa này không chỉ đi các chợ phiên Cán Cấu, Bắc Hà, đèo Ô Quy Hồ, khám phá rừng Hoàng Liên Sơn, đỉnh Phan Xi Păng, danh thắng du lịch Sa Pa mà còn có thể lên biên giới, lên cột cờ Lũng Pô bên sông Hồng, thăm anh em đồn biên phòng và bà con vùng biên…
(HBĐT) - Sau gần 5 năm, ông Đình Huấn lại có cơ hội mở cuộc triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật của mình ở huyện vùng cao này. Khi ông đưa ra ý tưởng, bà nhà chỉ cười cười: "Cứ mò kim đáy biển đi… Biết đâu gặp được”. Rồi chính bà lại là người đi vận động tài trợ, làm các thủ tục có liên quan để có thể tổ chức cuộc triển lãm này. Có đến gần 10 nhiếp ảnh gia và họa sĩ nhận lời đồng hành cùng ông. Vì chỉ nghe đến cái tên địa danh đó, ai cũng ồ lên thích thú. Bởi chính họ cũng từng năm lần bảy lượt về đây trong các đợt thăm quan, thực tế sáng tác.
(HBĐT) - Trưa nay gặp bạn gái, Long không biết phải nói với Uyên thế nào về việc mẹ anh muốn Uyên đến nhà. Không rõ đó là "tín hiệu” đáng mừng hay là đáng lo đây.
(HBĐT) - Là con thứ ba trong gia đình, cả nhà quen gọi cậu là út nhưng tên gọi của cậu trên khai sinh, học bạ là Thắng - Đào Xuân Thắng. Họ Đào sinh ra vào mùa xuân, khởi đầu của một năm mới, bởi vậy cha mẹ đặt tên Thắng cho có khí thế đầu đi đuôi lọt.