(HBĐT) - Khi chị có quyết định đưa lũ trẻ ngược dốc về thăm quê nội, bố mẹ chị không cấm cản gì nhưng vẫn nói vớt vát: "Làm gì cho phải đạo thì con làm. Bố mẹ chỉ muốn con thoải mái nhất, nhưng đừng để họ nghĩ mình cần níu kéo”. Còn cái Luyến và thằng Luân thì có vẻ khá thích thú, vì cũng mấy năm rồi không ngược lại chốn ấy. Với chị, quyết định này không phải là nhất thời, bột phát mà cũng ấp ủ từ lâu. Nhất là vừa qua, nghe đám bạn hay đưa hàng về trên đó nói: Bà nội bọn trẻ ốm, bảo thấy nhớ mẹ con chúng nó. Đúng là bình thường ra, quãng đường từ nhà chị về quê nội bọn trẻ chỉ chừng 20 km thôi, đường rộng, bằng phẳng, có thể đi về trong ngày nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ. Khốn nỗi… chuyện không vui về những ngày đã qua, khiến quãng đường không dài đó thành hun hút như năm tháng đời người…

Chặng đường chẳng dài gì mà lòng cứ ngổn ngang bao điều. Dòng sông nhỏ bên đường lặng lẽ xanh, tha thiết, miệt mài chảy. Những bãi dâu xanh, rau củ vụ đông xen bãi ngô cứ dài ra mãi. Gió như thổi không ngừng nghỉ, mang chút lạnh cuối đông đi về phía cuối dòng sông.

  - Thế hôm nay mình ngủ lại nhà bà chứ? Tiếng cái Luyến vang bên tai làm chị như tỉnh giấc u hoài.

- Không đâu. Mình thuê xe về luôn trong ngày. Mai các con còn đi học mà. Chị nói như bị hụt hơi.

Đúng là trong thâm tâm chị muốn ở lại vài ngày để xem bà ốm đau thế nào. Năm nay bà cũng ngoài 80 rồi đấy. Sau khi người ấy rời nhà xuống thị trấn để theo đuổi người phụ nữ trẻ làm nghề làm tóc kiêm mát xa, vợ chồng người chú ở sát tường đón bà về ở cùng. Chị cũng từng có 10 năm sống, sinh nở 2 lần tại nơi này. 10 năm, đó là quãng đời đẹp nhất của người phụ nữ; nhưng 10 năm đó, chị đã nếm trải hạnh phúc lẫn nỗi chát đắng, mệt lòng. Hồi ấy, anh ta khá đẹp trai, nam tính, ăn nói dễ nghe, đã thế lại có tài đàn hát. Mối nhân duyên này bắt đầu từ sự quen biết của ông bà hai bên. Thời còn trẻ, mẹ chị chuyên mang hàng khô, hàng xén lên bán các xóm, bản vùng trên này. Chị thì xinh xắn, ít nói, tóc dài, được đám con trai cả vùng khen ngợi, theo đuổi. Chắc họ để ý đến chị nhiều nhất ở điểm hay lam, hay làm, chịu khó, mát tay, nhất là nhìn đàn lợn được chị chăm nuôi hàng năm thì ai cũng nói "nhà nào lấy được chị là có phúc to”. Nên khi biết tin chị ngược dốc làm dâu, nhiều người đã thở dài. Bố bọn trẻ sau nhiều năm theo đám bạn làm ăn, kinh doanh nhà hàng món ăn dân tộc bị sập tiệm, đâm ra đổ đốn. Đi đêm về hôm chẳng chịu tu chí làm ăn. Bà nội có lần nổi nóng: "Mày về mà nuôi lợn bản địa với con Lân đi, cứ lông nhông thế thì bao giờ đúng số”.
Đúng là cuộc đời. Đi làm dâu, nhiều người hay bảo chuyện "mẹ chồng nàng dâu”, nhưng với cuộc đời chị, lúc nào cũng hàm ơn bà vì bà đối đãi rất đúng mực, tình cảm. Ngược lại, ông bố chồng lại khiến chị ngán ngẩm (xin lỗi trước linh hồn ông). Ông cũng thuộc diện người có máu mặt ở xóm này: Nhà có nhiều trâu, bò, cũng hay đi nhiều, hiểu biết rộng, nhưng cái tính "anh hùng nhất khoảnh” thì không ai bằng, lại trưởng giả nữa. Bà nội tâm sự, hồi mới về làm dâu, mãi bà mới được ông cho ăn cơm cùng gia đình, chứ hồi đầu toàn ăn dưới bếp cùng các cháu. Nhà trên chỉ các cụ, các ông được ngồi. Sau phải có "võ” ông mới chịu. Nhưng cái lần ông lên tiếng ủng hộ cho cậu con cả đổ đốn thì đó là lần "giọt nước tràn ly”. Ai đời lại cổ súy cho con trai kiểu: "Thằng đàn ông có tý dấm tý mẻ thì đã chết ai”. Rồi ông cho việc: Đàn ông lo việc lớn, chứ dăm ba cái việc nhà, xó bếp, động vào nó "hèn” người đi. Được đà cậu con trai càng làm liều. Bán trâu, bò để mua sắm xe máy SH, mua đồ đạc tùm lum và đầu tư cho "suger baby” dưới thị trấn. May có bà. Chính cái lần bà tìm đến "phòng nhì” của con trai ở dưới phố và thẳng tay cho cả chúng nó mấy cái tát, thuê công nông chở đồ đạc con trai về (xe SH, ti vi 75 in, máy tính xách tay)… thì đàn trâu, đàn bò mới được yên ổn. Bà thẳng thừng: "Cơ ngơi này đều do tay con Lân, tay tao làm ra… Đồ ăn hại mà động đến à. Mày đã cắt được nắm cỏ nào cho trâu bò chưa”. Động thái đó cũng khiến cả ông chồng và con trai chờn hơn.
Nhưng hạnh phúc chỉ một người giữ thì không thể. Sau 2 năm ông nội bọn trẻ qua đời, người chồng kia "ngựa quen đường cũ”. Lần này thì lại khác hơn. Không biết nghĩ gì mà luôn kiếm cớ gây sự để đánh vợ. Chị thẳng thắn: "Cuối cùng thì anh muốn gì? Gì thì cũng phải rõ ràng”. Trong mớ hỗn độn có cả mùi rượu nồng nặc, cùng ánh mắt hoang hoải mê lú, chị hiểu rằng anh ta đang cố dứt ra khỏi chị để xây một mái ấm khác. Chị đừng cản đường đến miền hạnh phúc đó. Chị được quyền nuôi con và mỗi tháng sẽ nhận được khoản tiền trợ cấp không nhỏ. Ngày chị rời xóm núi, bà nội và họ hàng bên nội sụt sùi khóc thương chị và 2 đứa nhỏ; họ lên tiếng mắng mỏ người đàn ông đó không tiếc lời. Chị nắm tay bà, không khóc, ráo hoảnh: "Con sẽ chăm lo nuôi dạy 2 cháu nên người. Bà nhớ giữ gìn sức khỏe”. Bà dúi vào tay chị chiếc nhẫn vàng gia bảo: "Cái này chỉ dành cho dâu trưởng”; đeo 2 chiếc vòng bạc cho 2 cháu nội để kỵ gió và như kỷ vật dẫn đường cho các cháu trở về.
Vốn có nghị lực và nhất là hỗ trợ từ bên gia đình, chị sớm ổn định cuộc sống mới. Nghề làm bánh cuốn gia truyền được chị nâng tầm, "sip-pơ” chuyển hàng không kịp làm. Bọn trẻ không phải nghỉ học lấy một buổi. Những lúc nghỉ tay bên nồi bánh tráng nghi ngút khói, chị loáng thoáng nghe được câu chuyện không có hậu mấy của người chồng cũ. Vì không làm ra tiền để chu cấp nên "nàng” đã đẩy "chàng” ra đường… Nghe nói giờ đang trôi dạt ở một huyện xa, chuyển sang kinh doanh lan, hoa quả. Nghe nói hối hận lắm, bảo thấy tiếc than, "cầm vàng mà để vàng rơi”. Chị bỗng thở dài khi nghĩ tới tấm lưng gù gù của bà nội chúng nó. Không biết còn đau khi trái nắng trở trời không…

Chiếc taxi dừng luôn ở ngõ nhà chú. Bà… Bà đang ngồi ở đầu hè. Nắng ấm vây bủa xung quanh. Chị và 2 cháu ào vào. Bàn tay nhăn nheo, trơ xương nắm chặt bàn tay đầy chai sạn. Vợ chồng chú út chạy ra: Ôi chị trẻ quá, 2 đứa đã lớn tầm này rồi cơ à. Bà xúc động: Con ít về, nhưng năm nào bà cũng vài lần được nhận quà, bánh con gửi đấy. Ông bà dưới ấy khỏe không? Trong khi bà tíu tít bên 2 cháu, 2 chị em dạt về góc vườn vắng.
  - Bác ấy có gửi đều đặn tiền nuôi các cháu không? Một mình bác lo cho cả 2 anh chị chắc cũng vất lắm… Mà nghe nói bác ấy tìm đến chỗ bác, chỗ bọn trẻ học mấy lần. Bác có gặp không?

Điều đó với chị đâu có quan trọng gì. Vì lâu ngày nên chị phải hỏi han chuyện của anh em trọng họ, về những gia đình xung quanh, về cuộc sống, công việc của làng, bản. Dặn dò kỹ về từng gói quà cho những ai cùng lời thăm hỏi, chị cũng không quên gửi một phong bì khá dày: "Những lúc vắng chị, cô nhớ mua những thứ cần thiết lo cho bà”. Nói đến tiền, ừ 3 - 4 năm rồi, thỉnh thoảng cũng có một món từ một tài khoản lạ gửi đến, chị cũng đoán đoán nhưng không để ý nhiều hay ít. Mà sao lại có chuyện "bác ấy” tìm đến. Có gặp đâu nhỉ. Hàng quán đông, tối tăm mặt mũi phục vụ khách. Đến mà không chủ động lên tiếng thì đành chịu.

Truyện ngắn của Bùi Huy

Các tin khác


Nếu ai lên biên giới…

(HBĐT) - Ra Giêng, khi hơi hướng mùa xuân vẫn còn vấn vương khắp nơi, nhận được lời mời của đồng nghiệp ở nơi "con sông Hồng chảy vào đất Việt” - Lào Cai: Lên mùa này không chỉ đi các chợ phiên Cán Cấu, Bắc Hà, đèo Ô Quy Hồ, khám phá rừng Hoàng Liên Sơn, đỉnh Phan Xi Păng, danh thắng du lịch Sa Pa mà còn có thể lên biên giới, lên cột cờ Lũng Pô bên sông Hồng, thăm anh em đồn biên phòng và bà con vùng biên…

Hoa đào năm ấy

(HBĐT) - Sau gần 5 năm, ông Đình Huấn lại có cơ hội mở cuộc triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật của mình ở huyện vùng cao này. Khi ông đưa ra ý tưởng, bà nhà chỉ cười cười: "Cứ mò kim đáy biển đi… Biết đâu gặp được”. Rồi chính bà lại là người đi vận động tài trợ, làm các thủ tục có liên quan để có thể tổ chức cuộc triển lãm này. Có đến gần 10 nhiếp ảnh gia và họa sĩ nhận lời đồng hành cùng ông. Vì chỉ nghe đến cái tên địa danh đó, ai cũng ồ lên thích thú. Bởi chính họ cũng từng năm lần bảy lượt về đây trong các đợt thăm quan, thực tế sáng tác.

Niềm vui xuân mới

(HBĐT) - Trưa nay gặp bạn gái, Long không biết phải nói với Uyên thế nào về việc mẹ anh muốn Uyên đến nhà. Không rõ đó là "tín hiệu” đáng mừng hay là đáng lo đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục