(HBĐT) - Nhận cuộc gọi của bác Lam, người chị gái cả, ông Bốn thừ người ra. Một tiếng thở thật dài như quãng thời gian gần 2 năm qua ông chưa về nhà. "Cuối tuần này nhà mình làm lễ mát nhà. Cậu mợ không về nhưng đọc lại địa chỉ chỗ làm, chỗ ở của cả nhà nhé. Để chị xướng tên cầu may cho cả năm… Nếu có thông tin nhà dì út cũng đọc luôn nhé. Lúc nào hành lễ chị mở cho cả nhà cùng xem”. Chị mở vi-đê-o zalo, vừa chải, xì tóc cho khô, vừa rộn ràng trao đổi. Phía xa, người anh rể hình như đang đan ớp hay rổ rá gì đó. Còn tiếng ti vi vọng lại bản tin về Covid-19 của địa phương.
Chị cũng đâu còn trẻ mà giọng cứ lanh lảnh, chói chang. Ông cười mỉm khi nhớ tới cảnh mỗi lần nhà có khách, anh rể không thể nói chen được bà chị mình câu nào. Mọi chuyện ở nhà, họ hàng nội ngoại chị quán xuyến, sắp đặt hết. Tiếng chị cất lên từ lúc ngủ dậy, theo chân chị xuống cầu thang và vang vang ở giếng, rồi lảnh lót bên bờ suối khi quát con nghé con định tụt tạt vào vườn ngô. Nhiều chuyện, nhiều lời nhưng chị lại xinh, giòn nên hồi trẻ cũng đắt mối ra phết. Vậy mà thế nào lại chấp nhận anh chồng hiện nay, từ sáng đến tối chỉ nói dăm ba câu. Đảm thế nên anh rể mặc định như người ở vị trí thứ hai trong nhà.
Không thấy người đã thấy tiếng rổn rảng (chị ngại mỗi khi chị xuất hiện ở nhà có đám hiếu, hay thăm ai ốm thì phiền toái). Nhưng làng xóm thấy vui, thấy thích mỗi khi có mặt chị, nhất là xóm làng có việc hội hè gì chung, chị như một đạo diễn thực thụ. Ngay như chuyện gia đình ông thôi… Ông rời quê đi làm ăn ở một thành phố miền Trung, rồi như duyên phận đã kết giao, gắn bó sâu nặng với nơi này. Con trai đứng trưởng, nhưng là danh nghĩa thôi, mọi chuyện ở nhà gia đình bác Lam lo hết (đấy là gọi theo tên con, chứ tên cúng cơm của bác là Ngát). Hồi ông khoác ba lô đi nhận công tác ở một nhà máy nhiệt điện, chị dõng dạc bảo: "Em cứ lo phấn đấu cho bằng anh, bằng em… Mọi việc ở nhà chị cân tất”. Như một tiên đoán, công việc, gia đình, vợ con ngày càng khiến anh xa dần cái chức "trưởng nam”. Nhưng ông thấy yên tâm vô cùng khi có chị ở nhà (đã thế còn có người anh rể rất hiền lành). Thôi, trai hay gái cũng như nhau, khi mà việc hương khói cho tiên tổ không ngắt quãng là phúc lắm rồi. Ông cũng trút được nỗi canh cánh mỗi khi nghĩ đến bố mẹ ở quê xa, vì chị Cả đã làm tròn các vai…
Một chút gì bâng khuâng, một chút gì đó hoang hoải trong lòng. Hai năm rồi, dịch bệnh hoành hành, định về thì con út chuẩn bị nhập học đại học, rồi công việc, rồi cái chân khi trái nắng trở trời… Tết vừa rồi, mặc dù nhà có nhiều chuyện rất vui, nhưng ông cũng không thể kìm lòng được khi chiều 30 Tết chợt nhớ không khí ở quê nhà, nhất là hồi bố mẹ còn ở dương gian. Ôi làng trên xóm dưới rộn ràng lời ca điệu nhạc, nhà nhà băm băm chặt chặt. Có cả tiếng hát ka-ra-ô-kê của mấy bác quá chén vì bữa cơm rượu ban trưa. Niềm vui cũng đơn sơ mà ấm cúng. Còn hôm nay, ông lại thấy nhớ con đường dốc về làng. Mùa này cơ man là hoa trẩu trắng rụng dọc 2 bên đường; phía chái đồi hàng chục cây gạo đỏ rực màu lửa cháy cùng tiếng xao xác của đàn chim sáo núi xuống tìm mồi. Xa xa nữa là hoa rừng nở trắng sườn núi. Phiên chợ quê thì đông vui thôi rồi. Dập dìu người người, hàng hàng lên xuống dốc. Chợt nhớ hồi còn ở nhà, sau Tết, mẹ bao giờ cũng chu toàn trong ngày lễ mát nhà. Đồ lễ toàn của nhà trồng được như gà, xôi, rượu nếp cẩm; bánh trái tự gói. Bà hay bảo: "Trừ hồi đi tản cư giặc chứ từ lúc bé đến nay, nhà mình không bao giờ bỏ lễ mát nhà. Không cần cầu kỳ đồ lễ, miễn lòng thành, tâm hướng tới điều thiện thì mọi chuyện tốt đẹp, an lành sẽ đến thôi. Mẹ thì ít khi khấn giàu sang phú quý lắm, chỉ mong cả nhà mạnh khỏe, các con khôn lớn, học giỏi nên người”. Năm làm ăn tốt thì đồ lễ phong phú, năm khó khăn đói kém thì đơn giản thôi. Nhưng thiếu cái gì thì thiếu, không thể thiếu bát nước giếng sạch mát cùng những đọn lá tre non. Để khi hành lễ xong, mẹ sẽ nhúng những búp lá tre vào bát nước sạch, nước mát và vẩy khắp nhà, ngoài sân. Như xua đuổi cái xấu, cái ác đi và thay vào đó là những tốt lành đang đến…
Ngày nghỉ nên cả 2 vợ chồng ông và thằng lớn ở nhà. Cả nhà ngồi quây quần bên cái "Ai-pát”…Tiện thật, thời buổi công nghệ. Za-lô mở ra theo đúng giờ làm lễ ở nhà. Đúng là dịch dã có khác, 3 - 4 người ngồi rải 4 góc. Hai vợ chồng bác Lam mặc bộ trang phục dân tộc thật mới. Thấy chị cả, ông Bốn giật nảy người. Ôi sao chị giống mẹ đến thế, nhất là vóc dáng, đôi vai và bộ cánh đang mặc. Váy lĩnh đen, áo xanh, thắt lưng màu xanh, cạp váy con công sặc sỡ. "Để bác quay toàn cảnh để nhà cậu mợ xem nhé” - tiếng chị nhỏ hơn ngày thường xa xăm. Bàn thờ gia tiên với những bức ảnh đen trắng nhuốm màu thời gian. Bác trưởng họ chuyên làm lễ mát nhà tóc bạc trắng, nụ cười hiền lành. Bác cười cười: "Lâu lâu rồi các em chưa về quê nhỉ? Hết dịch thì về mấy bữa”. Không biết là lời cảm thán hay trách móc đây. Tay bác cầm mấy tờ giấy A4 chi chít chữ. Chắc đó là tên tuổi, địa chỉ của các thành viên trong đại gia đình. Dù họ ở đâu, trong ngày lễ mát nhà cũng được đọc rõ ràng tên tuổi, địa chỉ, công việc, kèm theo đó là những điều tốt lành cho chặng đường sắp tới. Ở xa nhưng vẫn như đang ở nhà; được mái nhà cha ông che chở, vỗ về nâng bước. Tiếng bà vợ thủ thỉ: "Mọi năm không online chắc bác Lam vẫn làm lễ thế này cho cả nhà. Hôm nọ em quên mất không gửi cho bác ít kinh phí để bác sắm lễ. Sang năm dịp này, nếu mọi chuyện ổn cả nhà sẽ về thăm quê và dự luôn. Em cũng chưa về đúng dịp này lần nào”. Các bác ấy chả đòi hỏi nhà mình cái gì cả mà toàn lo cho gia đình các em ở xa thôi. Mà chính ông, từ ngày rời quê cũng chưa từng tham gia cuộc làm lễ mát nhà năm nào. Sang năm mọi chuyện ổn ổn, chắc chắn cả nhà sẽ cùng lo, cùng làm với gia đình chị. Không biết còn nói chuẩn tiếng quê nhà nữa không đây? Ông chợt mỉm cười, mắt chăm chú dõi theo các phần việc trong lễ mát nhà đầu năm tại chính nơi cất tiếng khóc chào đời.