Truyện ngắn của Bùi Việt Phương
Ngày ấy núi cao lắm. Những cây bụi còn mọc rậm rì nuốt chửng bất cứ phần đất thịt nào hở ra để khoan rễ, để tỏa cành lá hôi hôi. Hồi đó chưa có những cơn lũ rừng, đất chưa xói lở. Đêm về, dưới chân núi, sương mù đặc quánh như khói thuốc lá cuộn, như hơi nóng trong nồi thắng cố. Lạnh đến long cả đầu gối, chăn đệm dày là thế chứ dày nữa, cũng đến mực ra vì rét…
Ở bản Thẳm có một cái bếp lửa không bao giờ phải vùi than giữ lửa. Nó cháy suốt ngày, suốt đêm, ngồi trước bếp lửa bao giờ cũng là một bà già đã ngoài bảy mươi nhưng mắt sáng. Bà không kiếm được củi to, lửa như một con chó nhỏ cứ ngoan ngoãn ở với bà như thế. Ngọn lửa quẩn quanh đáy nồi, quanh chân bà, lửa reo khi có người tới chơi...
Tháy đã ở đây với bà ngoại được một tháng để chuẩn bị đi học, bà Bon cũng chẳng rõ cậu bé này có chịu ở như người hay lại tìm vào rừng. Nhớ hôm nào, nó còn kêu rên vì nằm đệm bông lau sạch quá nó ngứa, nó rên vì chắc ăn nhiều cơm trắng quá đau bụng. Vậy mà ngày mai là một con trăng mới, thứ ánh sáng mờ nhòe hắt ở ngoài sàn.
Bọn trẻ bắt đầu bỏ hết những trò nghịch ngợm trong bản để chuyển sang nô đùa trêu trọc Tháy. Lúc đầu chỉ là lừa cho nó ăn những thứ quả nhìn thì đỏ nhưng nhạt toẹt. Rồi chúng xui Tháy sát thứ vỏ cây vào người đến ngứa gãi chảy cả máu, càng tắm rửa bằng nước càng ngứa thêm. Dường như, không thể làm gì hơn, chúng quay sang gây sự tìm cách vật nhau với Tháy. Nhìn người Tháy ngắn ngủn nhưng bắp tay, bắt chân to, cứ như củ khoai lang gặp đất mùn phình ra. Chúng thi nhau bắt chước, nhại dáng đi của nó. Cũng không hề gì, cậu bé vẫn như một tảng đá lầm lì trong mưa. Bọn trẻ trong bản bắt đầu tiến đến đấm vào lưng nó, Tháy như cái bao ngô phơi khô lèn chặt, có đấm thế nào cũng chỉ "bình bịch”. Bọn trẻ tỏ ra bất lực, chúng hậm hực. Lâu nay chúng có thể chơi với những cái cây, hòn đá, con bò, con dê... vậy mà đành chịu thua thằng bé lì lợm này. Đương lúc ấy, một thằng bé cao lêu nghêu có cái tên là Xá lấy tay xoa cái mái tóc lởm chởm như đám cỏ bị con bê non ăn cái cao cái thấp của Tháy. Tay nó xoa đi xoa lại rồi vòng ra phía sau gáy. Bỗng dưng, tảng đá gan lì vùng dậy, đè nghiến nó ra, bàn tay như củ khoai dơ lên với cái nắm đấm trơ trọi giữa đám trẻ. Nhìn khuôn mặt Tháy lúc ấy vừa mạnh mẽ vừa yếu đuối như một con gà rừng bị lạc giữa bày gà nhà nhưng vẫn xù lông dương mỏ. Cả đám trẻ bất ngờ đến mức chưa kịp phản ứng gì, mắt đứa nào cũng tròn và bất động. Chừng phải vài phút sau chúng mới hiểu ra lao cả vào Tháy. Giữa bốn xung quang là những đứa trẻ xa lạ nhưng lại bị coi là kẻ xấm phạm đến cuộc chơi của mình, Tháy hẳn sẽ bị một trận đòn nhừ tử…
Nhưng, một bàn tay đã nắm chặt nắm đấm của Tháy. Nhìn bàn tay ấy tất cả đều dừng lại. "Thầy Khánh…”, gần như đứa nào cũng thốt lên trong cổ họng như thế. Thầy Khánh cứ giữ nguyên bàn tay Tháy như thế rồi ngẩng lên nói với bọn trẻ:
- Em ấy là người Mông đó, các em không được động chạm đến nơi thiêng liêng ấy, ai cũng có những điều thiêng liêng chúng ta phải tôn trọng.
Ngừng lại giây lát thầy chỉ vào Tháy rồi nói tiếp: "Các em thấy không, bạn ấy cũng có hình dáng như các em. Cùng ăn cơm, uống nước, cùng đến trường để học con chữ như các em. Sao các em lại bắt nạt bạn…”. Những câu nói liên tiếp của thầy làm chúng lúng túng, rụt rè hơn.
- Sau này các em lớn lên gặp ai, dù là người dân tộc nào? Đến từ đâu thì đều như anh em, bạn bè ta cả. Ta cứ cùng chơi, cùng học, cùng ăn, cùng ở với nhau mới vui chứ…
Từ hôm thầy Khánh đưa Tháy đến trường, lũ trẻ bắt đầu ngại đến gần nó. Chúng ở đằng xa quan sát thấy Tháy cũng không có gì đặc biệt khi em được mặc quần áo ấm, được thầy Khánh dạy đánh vần, dạy quét nhà, nhóm bếp.
Tất cả cứ đều đều diễn ra như thế cho đến một buổi tối mùa hè. Hôm ấy là ngày nắng lên sau một trận mưa, bên bờ suối bọn trẻ tha hồ trèo lên cành cây rồi buông mình xuống dòng suối mát để tận hưởng cảm giác thú vị. Chúng đã làm như thế không biết bao nhiều lần mà vẫn không chán. Tháy là đứa không biết bơi, vốn sợ nước, nó cứ ngồi trên bờ nhìn đám trẻ mà không dám thử. Đã nhiều lần thầy Khánh đưa nó xuống nước dạy nó bơi, nó đều hoảng sợ vùng chạy lên bờ. Một lúc sau, không thấy Tháy đâu, bỗng tất cả đều nghe thấy tiếng khóc của bé Hoa. Khi tất cả chạy đến nơi thì thật khủng khiếp. Bé Hoa mới ba tuổi, trưa nay nó cứ nằng nặc theo anh Toản ra đây chơi đùa, sợ nó ngã xuống nước, anh Toản bắt nó ngồi dưới bóng cây xoài cho mát. Một con rắn to đang vươn cổ trước mặt bé, giờ thì không ai kịp chạy đến, chỉ cần bé hoảng sợ mà khua tay ra, nó sẽ bổ thẳng vào mặt. Tiếng kêu của lũ trẻ chắc đã làm thầy Khánh nghe thấy, nhưng dù thầy đang tức tốc chạy đến với cây gậy trong tay thì có lẽ đã muộn…
Đúng lúc đó một cái bóng nhào tới, nhanh như cơn gió, khi mọi người nhìn ra thì đã thấy Tháy tóm gọn cổ con rắn trong tay, lũ trẻ còn cảm thấy kinh hãi hơn cả lúc trước. Tháy một tay vớ hòn đá, tay kia ghì đầu con rắn xuống đất trong tiếng hò reo của đám trẻ. "Tháy giỏi à”, "Phà ơi”, giữa những tiếng đầy phấn khích như thế, thầy Khánh lại một lần nữa lên tiếng:
- Tháy à, con rắn nó có nọc độc lắm, lần sau em không được liều lĩnh thế nhé!
- Nhưng nó định cắn em bé. Em là anh lớn, em phải bảo vệ bé Hoa.
Thầy Khánh ôn tồn:
- Các em à, các em thấy chưa. Bạn Tháy rất dũng cảm và yêu thương mọi người. Chính vì thế bạn đã quên đi nỗi sợ hãi để bảo vệ em nhỏ. Lần sau các em không được liều lĩnh thế, phải gọi người lớn đến ứng cứu. Nhưng về tình cảm, thầy tin rằng các em đã hiểu ra, sẽ yêu thương bạn Tháy hơn. Mai sau các em còn phải học nhiều bài khó hơn nên cần đoàn kết, chỉ bảo cho nhau như thế sẽ vượt qua được tất cả.
Những đôi mắt ngây thơ của các em nhỏ đứng bên thầy Khánh trên sân trường nội trú như những vì sao lấp lánh thật đáng yêu biết nhường nào…