Kỷ niệm 20 năm ngày cưới, Hà mời bạn bè, hàng xóm ra nhà hàng lớn nhất thành phố. Hà tếu táo với bạn bè: "Vẫn tín nhiệm… thì lại thêm nhiệm kỳ”. 
Chiều Chủ nhật, tôi và Hoa đợi xe đón đi công tác ở một tỉnh xa. Hai đứa học với nhau từ nhỏ lại làm cùng công ty nên rất hay tâm sự. Nhưng khi lên tới huyện miền núi, tôi và Hoa lại không đi cùng nhau nữa. Hoa ở lại thị trấn còn tôi phải đi nhờ vào xã vùng sâu kiểm tra dự án. Cuối tuần, khi tôi bắt được xe trở ra thị trấn để hội với đoàn của Hoa cùng về thì bỗng nhiên gặp Hà và mấy người bạn ở đoạn đường quanh co này.
- Chúng em đi phượt săn mây nhưng mà ai ngờ mưa đột ngột. Mưa to quá, may mà xe chúng em đỗ ngoài kia - mấy cô bạn Hà nói với tôi như thế.
Hà đang ngồi trên một tảng đá ven đường chỉ cười chào tôi rồi lại quay ra sửa mái tóc để chụp ảnh tự sướng. Nhưng khi chào từ biệt lên ngồi ca bin, nhìn qua gương hậu tôi thấy có 2 người phải dìu Hà mới đứng dậy được. Thân hình người mẫu cao hơn 1m6 của cô khiến hai cô bạn vất vả dìu đi từng bước. Tôi nhảy xuống, tháo đôi giày ném vào thùng xe:
- Hà sao thế? 
- Hà bị trẹo cổ chân, hình như sai khớp…
Tôi đã cõng Hà suốt đoạn đường gần 2 km. Một cảm giác ấm nóng như lửa đốt sau lưng, nhưng tôi nhanh chóng quên đi vì đơn giản tôi coi Hà là bạn.
- Nhìn Nam thư sinh mà khỏe thế nhỉ? Nam làm vệ sĩ cho Hà nhé, Hà cảm thấy mình luôn trống trải và yếu đuối.
- Ôi, chết, anh Huấn phong độ như thế, tiền bạc, quyền lực đầy mình. Tôi học theo còn chả kịp nữa là…
Cho đến khi tôi đưa Hà lên chiếc xe của đoàn, tai tôi như ù đi vì không nhớ nổi nàng đã tâm sự những gì. 
Gần đây được sự hỗ trợ từ công ty cậu em họ, tôi nhận thêm việc chỉ đạo và trực tiếp thi công trang trí nội thất. Đương nhiên, một trong số khách hàng đầu tiên tin cậy đã ủng hộ tôi có Hà. Vợ tôi còn dặn dò rất kỹ:
- Anh nhớ phải làm cho nhà chị Hà cẩn thận nhé, chỗ quen biết phải giữ        uy tín.
Một tối, bất chợt khi tôi định khóa cửa căn hộ của Hà thì chủ nhân xuất hiện trước mặt. Hà mang tới ít đồ ăn nhẹ và một chai rượu.
- Nam cứ đưa chìa khóa cho thợ lái xe Nam về trước đi, không sợ bị thổi nồng độ mất 18 "củ" đâu. Hà sẽ         đưa về…
Thực sự, tối ấy tôi bị men rượu vodka hạ gục thì ít mà say đắm vào câu chuyện của Hà thì nhiều. Tôi thấy mình như trẻ lại và gặp Hà trong cơn mưa thanh xuân. Hà bảo cô đã làm tròn bổn phận của một người vợ, một người mẹ và đã đến lúc cô phải sống cho mình. Hà nói rằng tình yêu mà cô dành cho anh Huấn đã thực sự cạn kiệt. Mọi thứ có khởi đầu thì sẽ phải có kết thúc, chẳng có gì là "vô thủy vô chung”. Cứ thế, tôi đã đặt lên đôi môi Hà nụ hôn từ lúc nào không hay…
Giữa lúc như người đang chới với lao xuống vực thì có tiếng gõ cửa khá mạnh, thì ra lúc vào Hà đã nhanh tay bấm chốt phía trong. Một anh thợ quên điện thoại quay lại lấy, cứu tôi thoát ra khỏi một cơn say có thể phải trả giá bằng cả cuộc đời. 
Từ hôm ấy, tôi và Hà vẫn có những lần gặp nhau chốn đông người, Hà bình thản như chưa từng có với tôi một sự riêng tư nào, tôi cũng cố gắng đẩy ra khỏi đầu mình chút thoáng ưu tư ái tình ấy. Công trình được bàn giao, gia đình Hà chuyển lên ở trên đó.
Thế rồi bất ngờ Hà bị tai nạn ngay khi vừa bước xuống xe. Một người đi xe máy đâm phải Hà khi vào tầng hầm. Hà nằm viện với đôi chân phải phẫu thuật, nẹp và đóng đinh - một sự đau đớn cả về thể xác và tâm hồn với người phụ nữ tuổi 40. Ngày Hà ra viện, chiếc xe lăn là người bạn duy nhất ân cần với cô thay vì bàn tay chăm sóc của chồng. Anh Huấn lên một nấc thang mới trong sự nghiệp và có một "sugar baby" để bận bịu, các con cũng chỉ loáng thoáng về thăm mẹ trong những ngày nghỉ. Thi thoảng đi làm về tôi vẫn ngước nhìn lên tầng thứ 8, nơi có ô cửa bé được ghép bằng lego và ánh đèn xa hút tầm mắt. Tôi tự giam cầm đôi chân và ý nghĩ của mình bằng câu "thần chú” vô thanh: "Không thể lên đó, dù là thế nào cũng không thể đến đó”. 
Thời gian qua đi, nghe nói anh Huấn đã xây một căn biệt thự và sống với cô bồ trẻ. Các con của họ đều đã đi làm ở Hà Nội, Hà gần như đơn độc trên cái ô cửa với chiếc xe lăn. Hàng ngày, ngoài một người bà con dưới quê chạy qua dọn dẹp nhà cửa theo thời vụ, chẳng có ai ghé thăm hay hỏi han. 
Người kể với tôi câu chuyện này đã tặc lưỡi sau ngụm cà phê: "Hồng nhan bạc phận, ngày xưa thì khối anh xin chết”. Tôi cười, coi như vừa nghe kể chuyện về một người xa lạ nào nhưng trong lòng đầy ắp ưu tư.
Tôi không lấy xe mà rảo bước qua sân cỏ rộng và vắng lặng. Có chút gì đó ngậm ngùi, nhiều hơn một tình bạn, cũng chưa thể gọi là tình yêu. Giữa lúc ấy, tiếng còi xe vang lên, những chiếc xe sơn màu đỏ lao nhanh đến tòa nhà phía xa kia. Đúng là tòa nhà của Hà, tôi lao đến bất kể đám đông đang náo loạn. Hà, Hà ở đâu, tôi phải cứu Hà. Nhưng tôi không thể bước chân vào khu vực đang được phong tỏa, điện thoại tôi vang lên tiếng chuông. Còn ai gọi lúc này nữa? Tôi rút điện thoại ra và nhận ra số điện thoại của Hà dù không còn lưu trong danh bạ. 
Nhưng Hà đã kết thúc cuộc gọi, tôi vội vã nhìn xung quanh cho đến khi ngoảnh lại và thấy trong đám đông đang dõi theo cuộc chữa cháy khẩn cấp có hai người đang đứng bên nhau. Hà khẽ gật đầu chào tôi, bên cạnh Hà là một người đàn ông. Một hạnh phúc mới của Hà - tôi tin là như thế.
Tôi lấy xe trở về khi đám cháy cũng được dập tắt. Hoàng hôn còn ửng đỏ phía cuối thành phố như một cái kết hậu hĩnh. Mỗi ngày đều có những điều kỳ diệu khi mình biết vượt qua những ngần ngại và dừng lại trước những giới hạn của chính mình.

 Truyện ngắn của Bùi Việt Phương

Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục