Phố xá đã lên đèn. Có cảm giác gió xuân đang ngập ngừng ở các cửa ô thành phố. Anh lê những bước chân nặng nề rời bến xe để đón chuyến xe buýt cuối cùng về ký túc xá. Chiếc ba lô lộn cũ đựng mấy thứ đồ như thấy nặng hơn. Bến xe dường như không ngủ, vẫn hối hả người đến, người đi. Miệng lẩm bẩm: quá máy móc, anh ngước nhìn lại quầy bán vé với ánh nhìn thất vọng. Người phụ nữ ngồi sau ô kính vỡ, tóc cắt ngắn có cái trán dô, môi mỏng mím lại cương quyết: "Ô hay, anh này… Một ngày có hàng nghìn cái giấy giới thiệu sinh viên mua vé về quê, ai cũng như anh chúng tôi biết làm thế nào. Thông cảm nhé”. Chị ta phẩy tay cương quyết nhưng vẫn vớt vát: "Đến sáng ngày kia anh muốn về ra đây, mang giấy giới thiệu khác, đúng ngày may ra lúc đó có thể giải quyết”.

Đúng là tờ giấy này có hiệu lực 3 hôm trước, khi mà tất cả sinh viên nhà trường đồng loạt nghỉ. Anh cũng muốn về quê lắm chứ. Nghĩ đến được trở về lối rẽ vào bản, có những hàng hoa ban rủ xuống sát người đi đường anh đã thấy nôn nao. Nơi đấy còn mẹ, cha và cô em gái đang học THPT. Tháng trước, đang nghỉ trưa, nghe tiếng loa ký túc thông báo: Mời anh Hoan phòng 3, tầng 4, nhà D1 xuống nghe điện thoại. Nhào ra khỏi giường, lao xuống cầu thang, chả kịp nhét 2.000 đồng vào tay bác trực máy, anh cầm ống nghe. Tiếng cô em: "Lợn nhà mình đã lớn lắm rồi. Anh hôm nào về để còn thịt sớm. Còn phải mang lễ đến ông bà ngoại, đúng dịp mừng thọ bà”. "Anh cũng đang định ra mua vé ô tô rồi… Cứ bảo bố mẹ yên tâm anh về trước ngày 28 âm nhé”. Một năm nay anh mới nghe thấy tiếng người thân. Thế mà đùng một cái, cậu bạn đồng hương khác khoa, khác lớp, nhưng lại khá thân thiết sốt rét đùng đùng phải đi cấp cứu. Dư âm lần đi làm vàng nơi rừng xanh núi đỏ đây mà. Môi khô, thâm, tái nhợt. Run bần bật trong chăn. Bạn bè đã qua bao năm tháng đồng cam cộng khổ ở nhiều môi trường học hành khác nhau, giờ vẫn cùng nhau đồng hành. Không phải đồng hành cùng về quê đón Tết mà cùng ra bệnh viện khi ai cũng nóng lòng về. Cậu ta lắp bắp: "Gọi nhanh cho anh tớ xuống nhé, để cậu kịp về quê… Đây tem phiếu đường và thịt đây, cậu ra chợ "đẩy” nhanh lấy mấy đồng giúp mình”. Hai hôm sau anh trai cậu bạn mới đến. Mà nghe kể phải qua mấy chặng xe mới lò dò đến được… Cũng vì thế mà có chuyện lỡ ra mua vé xe về quê…

Về đến ký túc xá cũng tối mò. May quá, hôm nay ký túc không mất điện. Quán nước u Biên ngay phía bờ rào ký túc vẫn mở. U Biên thì không một sinh viên nào không biết vì đều ít nhất 1 lần ra ngồi quán nước này. Có thể kẹo lạc, kẹo dồi và bánh rán cô ngon, rẻ hơn quán khác chút xíu, cũng có thể là cô xởi lởi và hay chuyện. Tay rót nước, lấy kẹo cho khách, miệng cô đã kịp kể xong vụ đôi nọ bị bác quản lý ký túc xá "bắt sống” tại góc thư viện, hay chuyện cậu X. khoa nọ sẵn sàng đánh đổi tuổi trẻ của mình để được ở Hà Nội (dù phải cưới một cô bị tật ở chân ngay trong khu tập thể). Cô bạo mồm, bạo miệng bao nhiêu thì ông chồng lại kín tiếng bấy nhiêu. Tay chân thoăn thoắt (đun nước, pha trà, bê vác cửu vạn, kết hợp xe ôm chở khách…), hễ ai nhờ dù không nói ra cũng làm hết mình, chỉ tội chả mấy khi mở lời. Bám nách ký túc xá để mưu sinh, nhưng vợ chồng u Biên cũng kịp cho ra đời 3 đứa con cả nếp và tẻ. Dạo này, u có vẻ diện hơn. Nếu nhìn kỹ u còn tết tóc 2 bên, đôi khi còn thoa tý son hay sao ấy mà mắt cười, môi cười óng đỏ. Mọi người thích ngồi cũng bởi cô khá dễ tính. Đứa nào bí bách tài chính cô cho mượn nhưng phải đúng hẹn và sòng phẳng. Đứa nào chầy bửa thì có mà liệu hồn. Cô có thể đến bất cứ lúc nào, ngay cả khi đang thủ thỉ tâm tình cùng bạn gái ở góc sân trường. Cho nên ai "kết” quán thì ngồi suốt. Sinh viên ra trường, quên ai thì quên chứ u Biên chả ai quên.

 - U cho con cái bánh rán và chén nước nóng… Anh buông thõng ơ hờ và chán nản nhìn về con đường hút xa xe cộ đang nườm nượp.

- Không về còn ở đây ăn vạ ai… Mai đã là 27 Tết rồi đấy. Mai nhà u đã gói bánh chưng rồi đó…

Nghe kể màn đấu khẩu cùng bà bán vé ở bến xe, u lầu bầu: Chả biết thương người ở xa. Đi hết ngày đường mới tới nơi… Thôi tối nay u "làm công tác tư tưởng” để ông quản lý ký túc xá cho mượn cái gác xép tầng 5 nhé. Phòng đấy thường để ông ấy "đối ngoại”… Chốc nữa "đối ẩm” cô sẽ triển khai…

Đúng là nói được, làm được. Mở cửa phòng mùi ẩm mốc xộc lên. Chiếc giường thiếu giát. May có tập báo cũ có thể trải lên nằm tạm. Bật điện lên mà anh vẫn thấy như đang mơ. Ừ, cũng may, không có 2 đêm ở đây biết ngủ ở đâu cho được. Thiếp đi trong ánh sáng đèn điện vàng quạch, trên người đắp chiếc áo khoác cũ, sờn mỏng, anh mơ thấy mình đi trên con đường quê uốn lượn ven đồi để đi chúc Tết cùng bạn bè thuở ấu thơ. Ai cũng có nụ cười rạng ngời. Thằng Tung, cái Thơn, cái Hòe… Cộc cộc cộc… Ai nhỉ, ai đến giờ này. Cửa mở… 2 chị em con nhà u Biên. Thằng bé láu táu: Mỗi mình anh "ngự” ở chuồng cu này mà không sợ nhỉ? Giỏi đấy. Con chị ngập ngừng: Bố mẹ em bảo mang lên cho anh. Chu đáo thế: chiếc chăn chiên mỏng, màu gụ khá cũ nhưng sạch sẽ, thơm mùi băng phiến; lại còn nửa đĩa xôi và mấy miếng chả, chai nước lọc. Nó thông tin: "Mẹ em nói ngày mai nếu chưa về được, anh cứ xuống quán nhà em nhé. Phụ mẹ em luộc bánh chưng…”. Miệng cười mà mắt cứ cay cay thế nào ấy. 4 năm tá túc ở đây anh ra quán uống nước và cả "cắm quán” cũng như muôn ngàn sinh viên khác thôi, chứ có gì đặc biệt mà u Biên quan tâm thế. Mở toang cửa chớp, bỗng làn gió ấm từ đâu thổi đến tràn ngập căn phòng. Gần nửa đêm rồi, thành phố vào xuân dường như cũng không ngủ. Gió mơn man thoa nhẹ lên mái tóc xõa ngang trán của anh như chia sẻ. Hai đứa trẻ ríu ran chào để ra về mà anh vẫn chưa kịp cám ơn. Anh bỗng thấy mùa xuân đã đến thật gần, dẫu anh đang xa nhà gần 500 cây số…


Truyện ngắn của Bùi Huy

Các tin khác


Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục