Tản văn của Bùi Việt Phương

Ngày ấy, xóm núi của tôi mọc lên giữa bãi đá ngổn ngang. Phần vì do bom đạn, do công binh nổ mìn đào hang trú ẩn, phần do các công trường khai thác đá thời bao cấp để lấy đá bảo dưỡng đường số 6, đoạn dẫn lên đèo Pha Đin. Ở đây, nhà nào cũng phải dọn đá, hòn lớn thì để kè vào bờ rào, nền nhà; hòn nhỏ thì nằm rải rác giữa luống rau, gốc ngô và những khóm hoa.
Cuộc sống ở núi quanh đi quẩn lại hết trồng ngô, sắn, lúa tẻ nương, đến kiếm rau cho lợn ăn, kiếm củi. Thiếu nước, cây và người cứ cằn cọc như đá. Những luống su hào, bắp cải cấy xuống, qua mùa sương muối thì chết héo. Mùa gió Lào về, cả cái lá mía cũng xơ xác. Ấy thế mà xuân đến, đám cây mọc khắp bờ rào bỗng bung nở hoa đỏ, hoa trắng. Mọi người chợt nhớ ra là hoa mơ, mận, đào đấy chứ.
Khi tôi lớn lên, vườn nhà đầy ắp hoa cà phê mỗi độ vào xuân. Thứ hoa đẫm sương và lung linh trong nắng mỗi sáng Chủ nhật được thức dậy muộn hơn mọi ngày. Những buổi chiều cuối xuân, dù nắng đã về bên kia đồi nhưng trời vẫn ấm, tôi ngắm nhìn khu vườn, mảnh nương xanh mướt đến tận sườn núi đá vôi bạc của mình tự nhủ: Sẽ chẳng việc gì phải đi đâu, chừng ấy là đủ.
Bỗng dưng một ngày, cha mẹ tôi bàn với nhau, phải chuyển vùng. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, con đường vào đại học là sự lựa chọn sống còn của học trò. Vì muốn lo cho tương lai của hai anh em tôi, cha mẹ muốn chuyển nhà về một thị xã phía hạ lưu con sông Đà.
Tất cả bắt đầu rục rịch, ngô không trồng thêm vụ mới, không mua thêm lứa lợn giống mới và điều đặc biệt nhất là bộ khung nhà mới còn đang nham nhở nhưng nhát đục đành xếp lại một góc.
Một sớm, trước ngày lên đường theo dự định, người bạn thân của cha tôi bỗng dưng chạy đến. Hóa ra, kế hoạch có thay đổi, phải khởi hành sớm hơn hai ngày. Chiếc xe tải của ông không lên nổi con dốc, thế nên chỉ những thứ thiết yếu của gia đình được bốc lên xe mang theo. Tôi phải để lại cái bàn học bao năm, khi bước qua đống gỗ, đáng ra sẽ là một bộ khung nhà mới, tôi thấy như vừa từ bỏ một tương lai ở mảnh đất mình đã cất tiếng khóc chào đời này.
Tôi đi phía sau cha mẹ và anh, buổi sáng cuối xuân ở núi thật yên bình. Những người hàng xóm đứng ở bờ rào để chào gia đình tôi. Những bờ rào mà chính tôi cùng họ đã kiếm cây và chằng buộc. Họ tiễn chúng tôi về với đồng bằng bằng một ánh mắt thật lạ, nửa như thèm muốn con đường phía trước của tôi, nửa như lưu luyến, lại vừa như một dấu hỏi: Bao giờ các bạn sẽ trở về?
Nhưng có lẽ đoạn đường cuộc chia tay với những người hàng xóm lại sẽ không ấn tượng bằng cảnh vật. Đồng cỏ nhỏ nằm dưới thung với trâu, bò nhẩn nha gặm cỏ, những em bé chưa đến tuổi tới trường đang nô đùa bằng trái bóng mà ai đó về xuôi vừa mang lên. Trái bóng lăn đi như tôi đang xuôi về phía hạ lưu con sông này. Tôi đi qua rặng tre cao vút rồi cúi đầu che bóng mát cho con đường. Có một thời tuổi thơ đi học về tôi sợ bóng tre cựa mình như người khổng lồ thức dậy. Rồi lớn thêm, mỗi lần đến trường ngắm tơ nhện giăng trên tay tre hứng đầy sương đêm óng ánh dưới nắng mai. Mỗi trưa đi học về tôi nghe tiếng chim chào mào hót lảnh lót…
Cuối cùng, ranh giới giữa xóm núi và quốc lộ 6 là một quãng đường đất, tôi đi thật chậm chỉ để dấu chân mình hằn xuống đất đậm hơn mọi khi. Ngoái đầu nhìn lại, đúng là vết chân tôi in thật rõ nét trên mặt đường. Tôi bước lên xe, hình như vẫn có chút đất đỏ bám theo để theo tôi về với phố.
Sau này, có nhiều năm sống ở Hà Nội, tôi thích những con phố vô cùng. Ngồi bên ly cà phê, bên tách trà ngắm dòng người hối hả thấy chính sự vội vã, ồn ã đó tạo nên dư vị cuộc sống cho mình. Rồi cái ngày đặc biệt ấy cũng đến, gần một phần tư thế kỷ tôi được trở lại với núi. Những ngôi nhà mới mọc lên ở xóm núi. Đá không còn, người ta đã hạ cốt những dốc cao, bạt núi, dẫn nước sạch và xây thêm một ngôi trường… Những người chủ nhân mới chỉ lờ mờ nhớ tên những người hàng xóm cũ của tôi cùng câu nói: Thế thì từ lâu lắm rồi anh nhỉ?
Tôi như người khách ghé thăm miền đất mới. Ngoài ngọn núi đá vôi vẫn trầm mặc kia, tất cả đã thay đổi. Núi ở với người chứ người đâu có chịu cả đời với núi. Có thể những cư dân mới này sẽ lại có một ngày chuyển xuống đồng bằng để nắm bắt cơ hội trong cuộc sống, để tiện cho công việc làm ăn, cho việc học hành của con trẻ. Có một chút gì đó như được gặp lại núi sau từng ấy năm, lại có chút gì như vĩnh viễn mất đi, thời gian không đợi ta được, tất cả đều tự mình vận động để thay đổi.
Người bạn bằng tuổi đi cùng quay sang hỏi tôi, với anh thì nơi này chắc chắn chả có cảm xúc gì: "Vậy là ông được về lại nơi sinh ra và lớn lên rồi đấy nhé, đỡ nhớ, đỡ thèm chưa?". Tôi cười: "Ờ! Rồi mà lại chưa ông ạ". Xe lăn bánh, chúng tôi trở về trên con đường cũ. Sớm mai lại thức dậy ở thành phố quen thuộc bên dòng sông, lại hối hả đến công sở, lại hòa mình vào guồng quay hối hả của công việc.
Cuộc đời chỉ có thể chắt ra những kỷ niệm như một ly rượu ủ lâu ngày, chứ không ai được tắm mình trong ký ức vì còn bao thứ phải lo toan giữa đời thường. Nhưng trong lòng tôi mỗi dịp cuối xuân lại nhớ về ngày rời núi, một sự kiện sẽ còn lưu luyến và tiếc nuối mãi trong cuộc đời mình. Sớm ấy, mùa xuân, tôi đã rời xa núi như thế đấy…


Các tin khác


Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục