(HBĐT) - Mùa đông, tháng 12… Hà Nội có bao điểm để đến, bao điều để nhớ và để lưu giữ trong lòng. Trong cái rét mướt đầu đông, bỗng muốn được thấy những màu hoa trên các cửa ô, ngõ nhỏ, phố nhỏ. Hoa loa kèn, cúc họa mi… và phảng phất mùi sương khói, hương hồ của hồ Tây, hồ Gươm, hồ Bảy Mẫu… Có cái rét của mùa đông, nhưng lại có chút ấm đi kèm của mùa xuân đang ngấp nghé sắp về ở phía xa thành phố. Tháng 12, Hà Nội mùa đông còn khơi gợi, thúc giục bao bàn chân du khách trở về với những ký ức hào hùng về lịch sử Thủ đô - thành phố hòa bình.

Tháng 12 năm nay, bộ phim "Hà Nội mùa đông 46” như gợi lại một thời oanh liệt của Thủ đô trong 60 ngày đêm sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 17/2/1947). Tháng 12 năm ấy, cách đây 76 năm… sau lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hà Nội đã vào trận chiến mới, đương đầu với kẻ thù mạnh hơn rất nhiều về lực lượng, vũ khí với tinh thần "Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trung đoàn Thủ đô, người dân Thủ đô nhất tề vào trận chiến giam chân quân thù. Hà Nội những ngày khói lửa: "Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời/ Hà Nội hồng ầm ầm rung/ Hà Nội vùng đứng lên! Hà Nội vùng đứng lên/ Sông Hồng reo, Hà Nội vùng đứng lên”(Người Hà Nội - Nguyễn Đình Thi).

Những địa danh đỏ lửa, khốc liệt những ngày đó mỗi khi nhắc tên đều khiến lòng cảm phục, xúc động: Pháo đài Láng, chợ Đồng Xuân, chiến lũy Ô Cầu Dền, rạp Hồng Hà, cầu Long Biên, những con phố Hà Nội đã trở thành chiến lũy chặn bước tiến của thực dân Pháp. Làng Vạn Phúc, chùa Trầm… ghi dấu hình ảnh, tiếng nói Bác Hồ và những thời khắc lịch sử của Thủ đô, của đất nước trong cuộc kháng chiến."Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”. Làm tròn nhiệm vụ ngăn bước chân của quân Pháp, đoàn quân Thủ đô vượt sông Hồng, lên chiến khu bền gan, kiên cường cùng cả nước đánh giặc trong 9 năm trường kỳ để sau đó có khúc ca khải hoàn ngày 10/10/1954… Bao năm rồi, dư âm 60 ngày quyết tử của quân dân Hà Nội vẫn là cảm hứng cho bao thế hệ. Mùa đông 1946… Một mùa đông rực lửa, máu và hoa…

Tháng 12 năm nay, sau 50 năm, cả đất nước và quân dân Thủ đô lại có dịp nhìn lại những ngày Hà Nội 12 ngày đêm (18 - 30/12/1972) quyết đấu cuộc không kích chiến lược Linebacker II của đế quốc Mỹ. Chúng muốn biến Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và miền Bắc phải khuất phục, trở lại thời kỳ đồ đá… nhằm có lợi thế lật ngược tình thế trên bàn đàm phán ở Paris. Hà Nội đổ vỡ, Hà Nội đau thương… nhưng Hà Nội vẫn kiên cường chiến đấu và chiến thắng và ca khúc khải hoàn "Ôi nhớ Thủ đô năm ấy/ Ta đánh giặc trên mâm pháo…”.Tên lửa, cao xạ, 14ly5, súng bộ binh đã thành lưới lửa phòng không; những "cánh én bạc” Mick-21 "chia lửa” vít cổ các loại máy bay Mỹ xuống đền tội. Trong đó có 34 máy bay chiến lược B52. Chiến lược Linebacker II bị phá sản. Hình ảnh những mảnh vỡ của B52 rơi trên hồ Ngọc Hà, đường phố Hà Nội; phi công Mỹ bị bắt sống dong trên đường phố và hình ảnh người Hà Nội vẫn chăm tưới những bông hoa tươi mới nhất trong cuộc sống thường nhật những ngày đánh Mỹ được lan truyền trên các tờ báo trong nước, quốc tế. Những vườn đào ở Nhật Tân vẫn đơm nụ hồng; lay ơn, thược dược vẫn tươi nguyên nơi làng hoa Ngọc Hà, Quảng Bá; người Hà Nội vẫn tự tin, bình tĩnh, chủ động trong cuộc sống sản xuất và chiến đấu. Một Hà Nội với tâm thế đó, đã khiến chiến dịch nhiều mưu mô của kẻ thù đổ sập. Bài ca chiến thắng vang trên những con phố: Khâm Thiên, An Dương, Bạch Mai… "Pháo đài bay rụng đỏ mặt hồ”.

50 năm đã qua, trận chiến "Điện Biên Phủ trên không” không chỉ hiện diện trong các triển lãm, chương trình nghệ thuật, các buổi chiếu phim, tọa đàm, hội thảo… 12 ngày đêm mưa bom, bão đạn vẫn sống trong lòng bao người. Chiến thắng của quân dân miền Bắc và Hà Nội đã giáng đòn quyết định vào cố gắng điên cuồng của Mỹ, buộc chính quyền Nixon phải ký hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Chiều nay, đi trên con đường Quang Trung, Khâm Thiên, đường Láng, đê sông Hồng… vang lên câu hát của nữ ca sĩ người Hà Nội, ca sĩ Hồng Nhung để thêm yêu, thêm nhớ Hà Nội: "Và nhớ lúc bom rơi lửa chiến tranh/ Đất rung ngói tan gạch nát /Em vẫn đạp xe ra phố/ Anh vẫn tìm âm thanh mới/ Bài hát đôi ta là khúc quân ca/ Là ước mơ xa hướng lên Ba Đình…”.


Bùi Huy


Các tin khác


Mật ngọt của mùa màng

(HBĐT) - Nếu trên bầu trời xanh, mây trắng kỳ ảo thì dưới tán cây dịu mát là cả một sự sinh tồn lặng lẽ. Nào là lộc biếc, hoa, trái ngọt, nào là tiếng chim và cả những cánh ong bay xây tổ và tìm mật. Một hôm, khi đã thấy mệt mỏi với những công việc lặp đi lặp lại hàng ngày, tôi tìm về ngao du trên những lối mòn bằng nếp nghĩ quen thuộc ấy…

Thạch Sanh tân truyện: Không tặng hoa

((HBĐT) - Từ ngày Thạch Sanh được bầu làm Tổ trưởng Tổ dân phố, kiêm Trưởng Ban công tác mặt trận, các hoạt động và phong trào ở khu dân cư vùng "rừng xanh, núi đỏ” có nhiều chuyển biến tích cực và ngày càng sôi động, hiệu quả.

Nghĩ về người thầy với sự nghiệp trồng người

(HBĐT) - Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, nghĩ về người thầy, nghề dạy học: nghề thanh cao, thanh bạch nhưng chẳng mấy thanh nhàn.

Ngọn đồi xanh màu lá

Truyện ngắn của Bùi Huy

Chiếc áo màu xanh

(HBĐT) - Sau 30 năm, lớp đại học của ông mới có cuộc tề tựu đông đủ thế này. Gần 40 bạn bè từng có những năm tháng sinh viên thiếu thốn đủ đường nhưng lãng mạn, êm đềm lại tề tựu bên nhau. Hồi đó ai cũng trẻ trung, khuôn mặt tươi hồng, nay là những trung niên tóc muối tiêu nhưng không kém phần sôi nổi, tếu táo. Thật cảm ơn anh Dũng, lớp trưởng. Mọi lần lớp cũng có gặp mặt, cũng có cuộc nọ cuộc kia nhờ zalo, facebook… kết nối, nhưng tính chất nhỏ lẻ. Lần này anh lùng được cả một vài người bạn ở tận tít vùng Tây Nam, cực Bắc về dự hội lớp. Đây là nhóm bạn "một đi nhưng chưa từng trở lại”... Thế mới tài.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục