Tản văn của Bùi Huy
Về quê nhà trong những ngày rét nhẹ, mưa phùn giăng man mác trên những luống mạ, vườn rau xanh rờn ngoài đồng bãi và những hàng cây xanh mướt lộc lá ở vườn nhà. Rồi ngày sau, nắng vàng hửng nhẹ, ấm áp, chỉ cần chiếc áo khoác mỏng có thể bình thản đi trên những con đường nối về các chòm xóm…
Tiếng chào, tiếng nói của nhóm chị em làm xôn xao ngõ xóm. Các chị lên đồi, lên nương đi lấy lá dong cho mùa Tết. Phía đồi xa, nắng vàng như ánh mật ong, tiếng chim ríu ran. Ngoài bờ suối, các chị, các bà tranh thủ cọ rửa mâm, nồi, bát đĩa, chạn bát. Nhà ai cũng muốn có nhiều đồ mới trong nhà, sạch sẽ, tinh tươm. Đám trẻ nhà bên xôn xao chuyện rủ nhau đi lấy cây nêu trong vườn nhà bác cả; đi chặt mía để cha mẹ làm "gậy chống” cho ông bà, tiên tổ. Nhà thì hái bưởi vàng ruộm, cắt buồng chuối xanh trong vườn, cùng phật thủ, xoài, cam… chuẩn bị cho mâm ngũ quả. Bên chái đồi, nhà ai có dàn karaoke vang lên tiếng hát: "Em ơi mùa xuân đến rồi đó/ Thắm đỏ ngàn hoa khát mặt trời/ Nghe không gian mênh mang trong lời ca уêu thương đến với muôn người, đến với muôn đời/ Xuân ước vọng ngàn năm lại tới/ Nghe lòng vui phơi phới/ Kìa em nắng đã lên rồi, mừng xuân hát lên thôi…”. Giọng ca mộc mạc mà da diết, khơi gợi cả một mùa xuân mới đang về. Ngày mai là phiên chợ Tết, lại ùa về những tâm sự… Mỗi nơi, mỗi vùng đều có nét riêng.
Bạn bè cũ thời ấu thơ tay bắt mặt mừng. Thấy vui khi cuộc sống mỗi người đều khấm khá và chờ đón năm mới bằng niềm tin mới. Những câu chuyện một thời. Những ngày chờ Tết năm nào, đám trẻ với những trò chơi, trận bóng đá nhựa trên sân kho hợp tác. Đứa nào cũng háo hức chờ, đếm từng ngày một. Ngày 25 âm lịch, rồi phiên chợ đón ngày 29 Tết… Rộn ràng, tấp nập. Vào dịp đó chẳng mua gì nhiều, nhưng đám trẻ được thỏa mắt ngắm hàng tranh, câu đối Tết đỏ rực rỡ bày dọc Bách Hóa tổng hợp cũ. Chẳng phải lo lắng gì về chuyện sắm Tết, đó là cái vui hồn nhiên của trẻ em. Ngày đó, được mẹ cha chiêu đãi thêm chiếc bánh rán nóng hổi trong phiên chợ Tết cũng là điều thích thú. Đám trẻ háo hức khi nghe tiếng lợn kêu hay thấy dòng người đi chợ… Chà, quần áo mới, bóng bay nhiều màu sắc, bong bóng lợn, đôi giày mơ ước thời thiếu thời. Những đồng xu mừng tuổi năm nào của bà, cha mẹ còn leng keng mãi cùng những giấc mơ an lành. Bạn bè hẹn hò nhau ngày giờ vượt dốc, vượt đồi mang đồ lễ Tết tổ tiên bên nội, bên ngoại. Gặp lại anh em, họ hàng ở miền quê xa mà chỉ dịp Tết đám trẻ mới có cơ hội gặp được…
Hẹn bạn sẽ có mặt ngày mổ lợn Tết, nhưng dù có mặt hay không vẫn có thể cảm nhận được nỗi hân hoan của mỗi người. Câu chuyện của những ngày vui cứ nối dài mãi… Những tuổi thơ yên ấm khi có ông bà, mẹ cha, anh em vui vẻ, đoàn tụ. Buổi chiều xuân đi trên những con đường dọc xóm, dưới chân đồi… qua nhà ai cũng nghe tiếng dao, tiếng thớt; mùi hạt dổi thơm lừng, mùi thịt nướng và cả hương của rau mùi trong gió; mùi xôi nếp cái thơm cả con ngõ, tiếng xèo xèo nhà ai đó đang rán bánh chuẩn bị cho mâm cỗ cúng tất niên. Những nồi bánh chưng xôi sùng sục ngoài góc vườn. Mấy đứa trẻ được giao nhiệm vụ trông lửa, thêm nước thi nhau thổi bóng bay… Hình ảnh của quá khứ, hình ảnh của một thời hiện về sao yên bình, gợi nhớ. Tiếng cười trong trẻo cùng lời hẹn bạn bè tối đến nhà bạn nào để vui chơi, chờ đón giao thừa. Góc sân nhà, những nụ hoa đào phai e ấp. Chỉ 1 - 2 hôm hoa đào sẽ vào độ nở rộ chào xuân… Còn mé vườn xa, những cành mận, cành mơ ướt đẫm sương đêm cũng nở hoa trắng xóa, xôn xao đàn chim, đàn ong mật tìm về…
Bao năm rồi, đi qua bao mùa xuân mùa Tết vẫn thấy vui khi nhớ về không gian Tết quê nhà, những năm tháng tuổi thơ trong lành và ngọt ngào. Phải chăng cũng vì điểm chung này mà nhiều bạn đang sinh sống ở miền xa như Vũng Tàu, Bình Định, Tây Ninh… năm nào cũng nhắn tin hoài nhớ.
(HBĐT) - Người đồng đội ở huyện bên hồ hởi nhắn tin: "Ông Hoàn ơi, xem bộ ảnh bà xã nhà tôi vừa đi du lịch ở huyện H mà thích quá. Homestay đẹp, nhìn ra đúng bến sông ngày xưa bọn mình đóng quân…”. Ôi bến Nứa trên con sông Lau, nơi tuổi trẻ ông đã từng qua. Mấy chục năm rồi, cái tên đó lại khiến ông xúc động.