(HBĐT) - Mỗi tuổi, mỗi giai đoạn của đời người đều gắn kết với 1 bài hát, bài thơ hay một vở kịch, bộ phim? Không biết điều đó có đúng với tất cả mọi người? Nhưng mùa xuân đang về, nghe những khúc ca xuân, nghe những vần thơ, bài hát giữa mùa xuân vẫn thấy trào dâng những rạo rực, những nôn nao như tuổi hoa niên nào. Nên khá đồng cảm và cám ơn những câu thơ lay gợi lòng người của thi sĩ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ khi ông viết rằng: "17 tuổi lòng ai không hồi hộp/Khi ngồi trong rạp hát đợi màn lên”

Cũng chẳng cần ngồi trong một rạp hát quy chuẩn,  âm thanh sống động, ánh sáng huy hoàng, lộng lẫy… Bãi chiếu phim quê nhà thời hoa niên ghi dấu những háo hức của lớp trẻ về những bài hát, bộ phim, vở kịch  hay. Những năm 80 của thế kỷ trước, lớp trẻ phía Bắc như được thay một luồng gió mới mát lành về nhạc nhẹ khi bộ phim ca nhạc "Hát về đất nước” được công chiếu khắp nơi. Tất cả giới trẻ hồi đó hân hoan chào đón vì được "tắm” trong những âm thanh, tiết tấu, giai điệu mới, trẻ trung "lạ” với những ca sĩ đang nổi, bài hát đang được giới trẻ đón nhận. Trong đó, rất nhiều bạn trẻ cảm tình với ca sĩ Lệ Quyên, "nữ hoàng nhạc nhẹ” miền Bắc thập niên 80 (nay định cư nước ngoài) rộn ràng, say đắm với  bài hát"Mùa xuân gọi” của Trần Tiến. Hồi đó, Trần Tiến đang là một hiện tượng âm nhạc khi cho ra lò một loạt ca khúc được mến mộ như Mặt trời bé con, Điệp khúc tình yêu, Tạm biệt chim én…Thời mà bất cứ sâm khấu ca nhạc nào, đều có các bài hát của ông được trình diễn. Với "Mùa xuân gọi”, thật ấn tượng hình ảnh, Lệ Quyên mặc bộ đồ đỏ rực, nhảy đẹp, say đắm từng lời ca: "Mùa xuân nói với em câu gì/ Mà sao mắt em vui thế/ Tình yêu nói với em câu gì/ Mà sao tôi thấy em bâng khuâng/Mẹ ơi sang nay xuân về/Mẹ trông ra ngoài hiên nắng/Mẹ Mong đứa con xa nhà/Rồi mùa xuân anh ấy sẽ về”. Không biết vì ám ảnh bởi bộ phim ca nhạc nổi tiếng cùng bài hát đó, mà sau này, khi viết lưu bút cho bạn bè trước khi chia tay tuổi học trò, mấy bạn đều chép cho nhau bài hát "Mùa xuân gọi” như một sự nhắc nhở về tuổi hoa niên mộng mơ, như một lần cùng rung động, đồng cảm với lời ca, điệu nhạc một ca khúc hay một thời. Mãi sau này, mỗi mùa xuân, nhóm bạn lại cùng nhau hát lên những câu ca lay động lòng người đó, để cùng thêm yêu thanh xuân của đời người và động viên nhau trên đường đời tấp nập…Rồi khi đã trưởng thành, vào một chiều đông, sắp ngả tiết xuân, một mình đạp xe trên con đường đê dọc một sông đào, bắt gặp những bãi cỏ, bãi dâu xanh rờn bên sông, thấy những đứa trẻ nô đùa, tiếng cười trong trẻo dưới nắng vàng nhẹ, mây xanh ngắt.Chút heo may luồn lách theo gió. Thấy ấm áp vô cùng, khi vang lên câu hát từ ai đó:"Đi qua vùng cỏ non/Ngỡ mùa xuân đang đến/Bâng khuâng chiều ba mươi/Tóc em xanh màu trời…Đi qua vùng nhà em/Không còn em ở đó/Bỗng nhớ từng tiếng hát/Thiết tha yêu cuộc đời”. Không thể đi nốt con đường mùa đông heo may đó. Phải dừng lại để nghe hết, để thấy hết những trò chơi mà bọn trẻ đang cùng nhau. Lúc đó, sao thật nhớ một mùa vui nào: bạn bè thời sinh viên, ghi ta thùng cùng hát vang hành lang ký túc xá chờ xuân về, chờ về tết. Ngoài xa, tiếng tàu ga Hàng Cỏ réo gọi như những chuyến về các miền quê xa. Sau này, đi nhiều cung đường đời, qua những vấp ngã, buồn vui, qua những hạnh phúc…sao lại dám ít hát lại những câu hát nằm lòng đó? Chỉ có thời gian, chỉ có ký ức mới lý giải được. Có thể những câu ca đó nhắc về một thời đẹp nhất, nên đó như là một vùng ký ức thiêng liêng, đáng nhớ và trân trọng… Bản thân một câu thơ, một bài hát không tồn tại đơn thuần, đơn phương chỉ là giai điệu, lời ca mà nó "sống” cùng thời gian, sống trong lòng vì gắn bó với kỷ niệm buồn vui trong quãng thời gian đó của đời người, gắn với bạn bè, người thân yêu.

Còn mùa  Tết này, ông chú họ, từng có những năm tháng trong quân ngũ, mỗi khi tụ tập bạn bè hát karaoke "xóm”, hay uống chén rượu xuân cùng đồng đội, bao giờ cũng "Cùng hành quân giữ mùa xuân”, "Cuộc đời vẫn đẹp sao”, "Xuân chiến khu”, "Mùa xuân đầu tiên”... Khi vui lên có thể song ca cùng vợ rất tình tứ "Gửi em ở cuối sông Hồng”. Ông kể: Thời trẻ đã say mê hát, chép vội vàng cho bạn vào cuốn sổ nhàu nát, thơm mùi thuốc súng…Đồng cảm cộng khổ, lạc quan để đi qua những ngày gian khổ nhất. Cùng hướng đến mùa xuân chiến thắng”. Thế là thêm một ký ức đẹp về những bài hát hay gắn bó với mỗi đời người…



                 Bùi Huy

Các tin khác


Quảng cáo quá đà

(HBĐT) - Mỗi lần đi săn muông thú trong rừng, người dân ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” đều trầm trồ, kinh ngạc với tài bắn cung của chàng tiều phu. Với thân hình rắn chắc, bắp tay cuồn cuộn, mỗi lần Thạch Sanh dương cung thì dù là chú lợn lòi dăm bảy chục cân hay là chú chim gáy bé bỏng cũng đều bị hạ gục.

Bến sông nhiều lau trắng

(HBĐT) - Người đồng đội ở huyện bên hồ hởi nhắn tin: "Ông Hoàn ơi, xem bộ ảnh bà xã nhà tôi vừa đi du lịch ở huyện H mà thích quá. Homestay đẹp, nhìn ra đúng bến sông ngày xưa bọn mình đóng quân…”. Ôi bến Nứa trên con sông Lau, nơi tuổi trẻ ông đã từng qua. Mấy chục năm rồi, cái tên đó lại khiến ông xúc động.

Mật ngọt của mùa màng

(HBĐT) - Nếu trên bầu trời xanh, mây trắng kỳ ảo thì dưới tán cây dịu mát là cả một sự sinh tồn lặng lẽ. Nào là lộc biếc, hoa, trái ngọt, nào là tiếng chim và cả những cánh ong bay xây tổ và tìm mật. Một hôm, khi đã thấy mệt mỏi với những công việc lặp đi lặp lại hàng ngày, tôi tìm về ngao du trên những lối mòn bằng nếp nghĩ quen thuộc ấy…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục