(HBĐT) - Ngày cuối tuần, cho mấy đứa nhỏ về quê ngoại nên ông nằm rốn thêm chút nữa. Ôi trời, mấy hôm nay nắng to, bức bối. Nghe radio nói về khí hậu, thời tiết khắp nơi thay đổi, hồ đập cạn dần mà nản. Ông chợt nhớ những ngày hè tuổi nhỏ. Hồi đó, hè có nắng nóng nhưng không gay gắt như hiện nay. Đêm hè, những luồng gió thổi từ sông, hồ, phía núi, dọc con đường làng, len lỏi qua những hàng tre, làm cho không khí mát rượi, dễ chịu hẳn…

- Tao đặt qua mạng thấy hàng xịn mà giờ lại thế này à? Tiếng của người hàng xóm, có giọng nữ cao lảnh lót cất lên. Chuyện gì vậy?

- Đây là một trong những chiếc lồng đẹp nhất của ông cháu đấy ạ! Tiếng một đứa bé trai.

- Nghe đồn là nghệ nhân làm lồng tao mới đặt. Thế này mà đẹp à. Nhà này nuôi những loài chim quý nên lồng cũng phải ra lồng. Không thể vớ vẩn được…

- Thế cô trả bao nhiêu, nếu được cháu sẽ gọi điện xin ông giảm cho cô. Lúc đặt cô nói chắc nịch sẽ lấy, nên cháu mới cất công đạp xe mang cho cô. Bình thường họ toàn đến nhà cháu nhận hàng thôi…

Tiếng của họ trộn lẫn vào nhau, nhưng tiếng của chị kia vẫn lấn lướt. Chung quy là chỉ thấy chê thật lực, đòi giảm giá. Ông mở cổng bước ra. Bên đường, cạnh bức tường xây cao có chăng dây thép gai bao quanh ngôi nhà to, kiểu biệt thự, người phụ nữ có mái tóc sấy xù quăn tít, mặt bự phấn đang nâng lên, đặt xuống mấy chiếc lồng chim. Bộ áo ngủ đỏ chói chang, trễ nải trong sáng hè. Còn cậu bé tầm 13 tuổi, đi chiếc xe đạp mini cũ, hàng "se-cần-hen”. Đầu cậu ta đội chiếc mũ lá, mặc chiếc áo phông in hình siêu nhân. Chắc mua lâu rồi nên giờ chuyển sang màu cháo lòng. Giờ có đứa trẻ nào còn vận đồ đó nữa, ngắn cũn cỡn, có vẻ hơi chật so với cái tuổi đang nhổ giò.

Ông để ý, tuy dáng vẻ có vẻ quê quê nhưng qua cung cách, giọng nói, ông thấy cậu ta khảng khái, đúng mực. Không hề thấy dấu hiệu nài nỉ hay có ý thanh minh. Cậu chỉ nói những gì đang có thật diễn ra. Chắc thấy cậu bé hiền lành, người phụ nữ diêm dúa kia lại có ý lấn át. Cậu chốt: "Cô không lấy thì cháu cũng đành chịu, nhưng không thể nói chiếc lồng này kém được. Nan này được ông làm từ những thanh tre già, vót, chuốt tỉ mỉ. Cửa lồng được uốn bằng song mây, bắt mắt…”. Gương mặt cậu đỏ ửng, nhễ nhại mồ hôi trong nắng sớm… Tia nhìn sáng, thẳng. Thật ngược với bàn tay nhem nhuốc, đen, nhiều vết xước cùng đôi ống quần cỏ may găm đầy…

- Để bác xem nào! Tiếng ông cất lên cốt như đánh động để người phụ nữ kia hạ tông giọng, không mãi chê bai về sản phẩm của cậu bé. Nhìn mấy chiếc lồng buộc bên hông xe và ghi đông xe, ông tặc lưỡi: đẹp đến thế là cùng, những thanh nan đều tăm tắp, óng lên màu thời gian, cùng sự kỳ công, trau chuốt của người làm. Ông cất lời: "Cho bác mua một chiếc nhé!”. Mắt cậu bé sáng lên: "Để cháu chọn cho bác chiếc "ngon” nhất”. Giờ ông để ý kỹ khuôn mặt bầu bĩnh của cậu bé. Ông gợi chuyện: "Cháu đi từ mấy giờ thì tới đây?”. "Vâng bác, biết là ngày nắng nóng nên cháu dậy đi từ 5h. Mệt nhất là lúc vượt dốc thôi”… Ông chỉ hiên nhà: Cháu ghé vào đây cho khỏi nắng. Để bác lấy cốc nước cho uống…”. Chắc lần đầu có người ân cần như thế nó bối rối: "Dạ… Cám ơn… Cháu có bình nước đây rồi”. Ông với bình nước. Rỗng không. Nó cười: "Chắc sáng nay leo dốc nhiều nên cháu uống hết rồi. Quên mất. Vả lại món cá khô ăn sáng mặn quá”… Nó cười hì hì, kiểu như bị bắt lỗi… Tu một hơi hết cốc nước đá, nó phân bua: "May mà có bác cứu nguy không thì chiều nay cháu lại phải mang mấy cái lồng này ngược dốc. Rồi chả biết ăn nói thế nào với ông nội… Vì lúc đi cháu nói chắc chắn quá. Đúng là nói trước bước không qua bác nhỉ”.

Khuôn mặt nó thêm giãn nở khi có một đứa bé trạc tuổi nó và một cô cứng tuổi mua nốt 2 chiếc còn lại… Đúng là may, nó ngồi bệt xuống bậc hè nhà ông hỉ hả đếm tiền. Cười cười, nói nói thế thôi, nhưng khi nghe ông hỏi thăm về gia cảnh, quê nhà, Phan - tên cậu bé khẽ cúi mặt.

Nó kể, nó và em gái ở cùng ông nội ở huyện phía Bắc tỉnh. Bố mẹ đi làm ăn xa. Vấn đề là 2 người lại đi làm ở 2 phía Bắc - Nam đất nước. Mẹ đi bán đồ ăn vặt, bỏng ngô ở miền Tây cùng người em họ. Còn bố đi làm ở khu công nghiệp một tỉnh phía Bắc. Nên ông nội giờ như "tổng chỉ huy” việc học hành, nghỉ hè, công việc gia đình… Ông hay bảo: "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh… Việc bố mẹ cháu đi làm ăn xa là việc cực chẳng đã, nên các cháu phải biết chia sẻ…”.

Ông từng trong quân đội nên giờ giấc chuẩn lắm. Việc đi học, đi làm của 2 anh em được ông nhắc thường xuyên, chậm 15 phút là ông ghi sổ để lần sau mà nhớ. Ngay chuyện về thành phố giao hàng như hôm nay, ông căn dặn: Cứ làm sao tầm 5 giờ chiều về nhà là được. Buổi trưa vào quán ăn thêm bát phở để lấy sức. Muốn ăn cái kem cứ mua… Buổi tối, cả nhà vào mạng để xem tin nhắn zalo, facebook của bố, mẹ, gọi facetime… Rồi nó chụp hình, "up” các mặt hàng của ông lên. Nó bảo: "Hè này mục tiêu của cháu là mua được cho ông chiếc điện thoại thông minh, rẻ thôi… Giả dụ cháu đi đâu, có việc gì ông gọi cũng đỡ lo. "Dự án” này được hình thành từ năm ngoái”. Miền quê này ông đã từng qua, nơi sơn thuỷ hữu tình, con người thân thiện. Một số vùng có các làng nghề… "Bác xem đây này, trang "phây búc” của mấy ông cháu… Cũng là nơi cháu giới thiệu các mặt hàng như: lồng chim, sáo trúc, rổ rá, nơm, đó đánh cá… toàn sản phẩm từ cánh rừng nhà cháu. Được ông dạy, cháu cũng đan được rổ, rá..., riêng lồng chim thì khó thật”. Nó cười hồn nhiên. Ngồi một chút mà ông với nó trao đổi mọi thứ chuyện. Ông hỏi nó về một vài danh thắng nó kể vanh vách, rồi còn bảo có dịp bác vào cháu sẽ làm "hướng dẫn viên” miễn phí cho bác…

Chiếc lồng này chắc mấy đứa trẻ nhà ông sẽ thích đây. Chợt nghĩ, giá mấy đứa được nghe câu chuyện của cậu bé này, biết đâu vỡ vạc ra nhiều. Ôi trời, học THCS mà chỉ còn thiếu bón cơm tận miệng thôi. Đằng này, Phan - cậu bé bán dạo lại trưởng thành hơn bao đứa trẻ khác. Thực lòng ông mong gặp lại cậu bé đó…

 Truyện ngắn của Bùi Huy

Các tin khác


Tiếng hát

(HBĐT) - Vậy là chị cũng đã cùng nhóm ca khúc chính trị biểu diễn được 3 đêm ở thị trấn bên sông này. Đúng là nơi có những khán giả lý tưởng. Đêm đầu tiên khi chị hát xong một bài nổi tiếng từ thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước, người xem vỗ tay thật dài, yêu cầu hát lại.

Chiều quê hương

(HBĐT) - Một thoáng chiều quê. Người quê, có lẽ chẳng mấy ai quên được những hình ảnh thân thương, gần gũi ấy... Trở về thăm mẹ buổi cuối tuần, làng quê thật yên bình, cánh cò trắng đang sải dài về triền đồi quen thuộc. Tiếng chim gù ở sườn núi và tiếng cười trẻ thơ vang vọng cả chiều quê. Bất chợt có mùi rơm rạ thoảng qua ký ức tạo thành mùi rất riêng, tôi gọi là mùi nhung nhớ.

Người lính năm xưa

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương 

Chiến công lặng lẽ

(HBĐT) - Từ xưa đến nay, phố gầm cầu vẫn được coi là tụ điểm buôn bán ma tuý và dùng hàng trắng. Năm ấy, xóm gầm cầu có hơn 30 nóc nhà đều nể Tư "râu” nhất. Gã là người duy nhất không nghiện ngập, không đánh lộn và rất ít nói, đến cả cái trò ở truồng tắm sông như những gã đàn ông ở đây Tư "râu” cũng khước từ. Hàng ngày, gã sống nhờ vào nghề bơm vá, sửa xe. Ai hỏi thì nói, chẳng gây thù, chuốc oán hay nhìn đểu ai. Nhưng có điều chẳng bao giờ thấy có con nghiện nào dám chôm chỉa đồ đạc của gã.

“Nước đổ lá khoai”

(HBĐT) - Từ một chàng tiều phu hiền lành, chân chất luôn được mọi người quý mến, nhưng sau khi được bổ nhiệm chức quan nho nhỏ ở vùng "rừng xanh, núi đỏ”, Thạch phò mã bỗng "nảy nòi” ham mê tửu, sắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục