Truyện ngắn của Bùi Việt Phương 

Cảnh ngồi trên bàn giáo viên lật dở từng trang giáo án. Tiếng gà rừng gáy trưa eo óc. Sáng nay anh đến từ rất sớm, kẻ vạch phấn chia đôi bảng, viết tên đầu bài và đợi. Mới hôm qua lễ khai giảng đông vui, lũ trẻ kéo đến như đi xem hội mà hôm nay chẳng thấy bóng dáng học trò nào. Gió rừng thổi vi vu, trời xanh và mây trắng, nắng vàng xiên qua cửa sổ những căn nhà tạm, những bộ bàn ghế còn hăng hăng mùi nhựa như tiếp thêm động lực cho người thầy đầu tiên có mặt ở đất này. Còn nhớ lúc lên đây, anh Trưởng phòng Giáo dục đã dặn: "Cậu phải làm thế nào cho trẻ vượt qua đá tai mèo mà đến với lớp”.

Ông Lâm đi qua nhìn thấy Cảnh liền chạy vào lớp:

- Thầy Cảnh à, về nhà uống rượu đi, cá suối nấu măng chua ngon lắm. Vợ tôi làm món này ngon nhất bản…

- Ấy chết, để hôm nào ngày nghỉ cuối tuần đã bác, nay tôi còn bận trường lớp…

- Làm gì có đứa nào đi học nữa thầy ơi. Khai giảng đến cho đông vui thôi chứ thực ra người dân ở đây đều sợ lời nguyền là đất này không thể dựng trường học được đâu. Dữ lắm đấy. Ngày xưa mấy ông thầy lên đây đều ốm chết hết.

- Thế bác và bà con ở đây cũng tin vào lời nguyền sao?

- Tôi thì tôi không tin nhưng cũng chẳng biết làm cách nào. Mình nói to cũng chỉ có đá núi vọng lại. Cây ngô, cây sắn không chịu lớn lên thì cũng chỉ biết đổ tại trời thôi thầy giáo ạ…

Thực ra lâu nay người dân Khuổi Mụ chẳng mấy mặn mà với con chữ. Rừng cho gỗ quý, suối đầy cá, tôm, đất đen thẫm… nên cứ gieo hạt gì xuống cũng cho quả ngọt.

Chiều tối hôm ấy đang lang thang trên đường núi thì Cảnh gặp ông Yển dắt con bò từ trên dốc xuống, miệng lẩm bẩm: "Mày không thương tao sao, cỏ non mày đã ăn rồi…”. Thấy lạ, Cảnh níu tay ông hỏi chuyện. Ông Yển than thở:

- Thầy giáo ơi con bò này mấy hôm rồi bỏ ăn, bụng hóp lại, hôm nay cứ thấy nổi nổi những cục thâm đỏ trên da không biết nó bị làm sao?

- Thế bác định đem nó đi đâu?

- Thì còn đi đâu nữa, đem về nhà chứ để trên núi để thú dữ ăn thịt à.

Thấy vậy Cảnh liền can:

- Ấy chết, như thế là con bò này bị bệnh dịch, nếu bác đem về nhà sẽ lây ra cả đàn rồi lây sang cả bản, như thế thì nguy hiểm quá…

Nghe Cảnh nói có lý, ông Yển liền dắt con bò cột vào đầu hồi lớp học. Chiều hôm ấy dù trời mưa, đường trơn nhưng Cảnh vẫn quyết tâm phóng xe ra thị trấn cách điểm trường mấy chục cây số.

Sáng hôm sau, người dân bỗng thấy ông Lâm đi khắp các nhà gọi: "Ới các ông, các bà chớ vội thả trâu bò, giữ lại trong chuồng để tiêm phòng nào. Có thuốc về rồi, không lại giống con bò nhà ông Yển đó, bị bệnh lạ nổi cục bỏ ăn ốm chết rồi…”.

Nghe thấy thế nhiều người vẫn nghĩ đó là chuyện tận đẩu tận đâu. Anh cán bộ thú y chán nản ngồi bệt xuống đất vì từ sáng đến giờ chỉ có vài gia đình giữ trâu, bò lại để tiêm phòng, số còn lại đều đang tha thẩn gặm cỏ trên bãi. Ông Lâm đi một vòng lưng đẫm mồ hôi quay về hỏi Cảnh:

- Chẳng ai nghe mình nói đâu thầy giáo à, cứ làm theo thói quen ông bà để lại, được thì ăn mất thì nhịn. Người vùng cao là thế…

Ngẫm nghĩ một lúc Cảnh kéo tay ông Lâm và anh cán bộ thú y:

- Đi theo tôi, tôi đã có cách…

Nói rồi Cảnh cầm con dao dài sắc lẻm phăm phăm đi tới bờ rào. Lên đây từ mấy tháng trước, Cảnh đã tự rào gieo một nương ngô nhỏ trên mảnh đất trống phía sau căn nhà của anh. Những cây ngô đang lên xanh non phơ phất trước gió.

- Ấy ấy, sao thầy giáo lại phá hàng rào thế, trâu bò vào ăn hết ngô thầy trồng đấy.

Cảnh vừa vung tay chặt hàng rào vừa thanh minh:

- Đấy, tôi đang muốn dụ trâu, bò của bản vào ăn ngô non của vườn này để vây chúng lại, ta phải tiêm ngay không bệnh lây lan ra thì mất hết gia sản của bà con.

Trưa hôm ấy, nhìn vườn ngô đổ nát ông Lâm và mọi người tiếc nuối còn Cảnh thì như cởi bỏ được gánh nặng. Y như rằng, mấy hôm sau có tin đàn trâu, bò bản bên cạnh bị dịch bệnh, con bỏ ăn, con chết trong khi gia súc của bản Khuổi Mụ vẫn khỏe mạnh. Đến lúc này Cảnh mới cùng ông Lâm đến từng nhà. Ông Yển là người lớn tiếng nhất:

- Thầy Cảnh giỏi quá, giỏi hơn thầy bói, thầy lang bản mình rồi.

- Thưa bác, cháu chỉ tuổi con, tuổi cháu của bác thì đâu có nhiều kinh nghiệm sống như người già.

- Ơ, thế sao thầy giáo lại biết cái vacxin phòng bệnh hay thế?

- À, đấy là do cái chữ. Cháu có cái chữ nên khi gặp chuyện khó cái chữ nó mách cho cháu biết. Nếu không cháu cũng chỉ biết đứng nhìn đàn bò, đàn trâu chết dần thôi.

Một bà cụ đi qua nghe được liền cất tiếng:

- Ôi, thế thì nguy quá, nhà tôi có củi, có thóc, có vải… mà không ai hái được cái chữ. Nếu lần sau có dịch bệnh thì biết làm sao.

Cảnh bước đến nắm tay bà cụ:

- Đấy, bà đã thấy chưa? Bà phải vận động vợ chồng anh Tình cho bé Mai đi học để cất cái chữ trong nhà. Có chữ sẽ có thêm nhiều thóc lúa, trâu bò.

Bà cụ hóm hỉnh:

- Thầy giáo bảo tôi cho cái Mai đi học, thế mai kia nó nhiều chữ rồi nó lại đi huyện, đi tỉnh học thì nhà tôi lại mất hết chữ à?

- Ấy, không chỉ bé Mai đâu, cả vợ chồng anh Tình, vợ chồng chị Hương và cả bà nữa cũng phải đi học chữ. Chỉ cần mắt bà còn sáng là còn học được cái chữ mà. Ban ngày dạy các bé, tối cháu sẽ tranh thủ dạy các bà, các anh chị học biết cái chữ mà xem báo, xem sách dạy chăn nuôi…

Sáng sớm, khi sương mù còn chưa tan, mặt trời còn ngủ sau núi Khuổi, Cảnh đã nghe thấy tiếng bọn trẻ léo nhéo ngoài sân. Thì ra có một tổ chim sẻ mới được làm dưới mái ngói đỏ. Lũ trẻ bảo lâu nay sẻ chỉ làm tổ trên các cành cây. Cảnh mỉm cười:

- Vì nơi đây là đất lành nên chim về làm tổ đó các em. Lớp học của mình cũng là cái tổ ấm áp như thế. Mai sau lớn lên các em cũng sẽ cứng cáp và tìm đến những chân trời mới…


Các tin khác


Người giữ lá cờ đỏ thắm

(HBĐT) - Vào những ngày tháng Tám, khắp các phố phường, làng bản đều đỏ thắm sắc cờ. Nhìn hình ảnh đó, bà Lan lại xúc động rơm rớm nước mắt. Hẳn là trong màu cờ đỏ đã thắm bao xương máu cha ông trong ánh sao vàng gắn với biểu tượng Tổ quốc thiêng liêng. Nhưng trong lòng bà còn trào dâng một cảm xúc khác. Đó là hình ảnh lá cờ được đặt trong chiếc tủ gỗ quý mà gia đình bà đã lưu giữ bao năm nay. Suốt đêm qua, bà không tài nào chợp mắt được bởi cái ý nghĩ đã ấm ủ bao năm.

Mùa thu em ơi, sao vàng cờ bay…

(HBĐT) - Vẫn nhớ mãi cảm giác lâng lâng, bay bổng, vui tươi khi được xem một đêm ca nhạc vào một mùa thu Hà Nội cách đây khá lâu. Đêm đó, tiết mục của ca sĩ Hồng Hạnh tự đệm ghi-ta hát bài "Mùa thu tình yêu” của nhạc sĩ Quang Minh nhận được nhiều tràng pháo tay của khán giả.

Mùa hoa ngâu

Thế là ông đã có dịp trở lại cư xá xưa sau nhiều năm ra trường. Mấy chục năm chứ có ít đâu. Ngày ra trường, cầm tấm bằng đại học trong tay với bao niềm khát vọng cho những chân trời mới, ông luôn ước ao được trở lại nơi này. Cuộc đời có muôn lối rẽ, nhưng bước ngoặt của thời chia xa thời sinh viên là một dấu mốc quan trọng. Có thể cả ông và ai đó, khá xa lạ với từ "thành đạt” nhưng với ông, những năm tháng sinh viên là quãng đời hoa mộng đẹp nhất, như một hành trang ăm ắp niềm vui, ấm áp theo suốt cuộc đời. Một thứ tài sản vô giá, như một bảo vật tinh thần đi theo cùng năm tháng, khó định nghĩa đầy đủ được. Dù sau này, cuộc đời nhiều sóng gió, va đập nhưng những điều đẹp đẽ đã như một điểm tựa, nâng đỡ ông vượt qua…

Người vắng mặt ngày hội trường

(HBĐT) - Gần tháng nay, ban liên lạc lớp 10 nhóm họp để chuẩn bị các chương trình tham gia hội khóa, hội lớp. Cũng có mấy cốt cán thôi, nhưng ban có mở rộng để mọi người được tham gia, bàn bạc cho dân chủ. Thầy chủ nhiệm cũng già rồi, tuổi cao sức yếu như ngọn đèn trước gió, năm nay không tổ chức biết thế nào…

Mây trắng ngang đầu…

(HBDDT) - Những ngày tháng 7 này, anh - một cựu chiến binh từng chiến đấu ở chiến trường K lại cùng đồng đội lên tàu xuôi Nam, đến nghĩa trang Đức Cơ (Gia Lai) để quy tập những người con hy sinh bên ngoài Tổ quốc trở về "đất mẹ”. Biết bao ghi chép, thông tin tư liệu về bạn bè, đồng đội, cả người được trở về với cuộc sống đời thường, cả những người bạn đã ngã xuống chưa quy tập được, giờ đang ở đâu đó tại các nghĩa trang vùng biên được anh trân trọng lưu giữ…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục