(HBĐT) - Chuyện chả đâu vào đâu mà một tuần nay, vợ chồng bà V. lại dỗi dằn nhau khiến "cơm không lành, canh không ngọt”. Món canh mùng tơi nấu với món tép say nhuyễn mà ông thích không được bà nấu… Còn ông thì ở rịt trên phòng tầng 3, hết cắm cúi vào điện thoại lại chuyển sang ti vi xem Tom và Jery đuổi nhau. Nhìn cảnh này ai cũng ngạc nhiên. Chỉ cách đây 1 tuần, đôi uyên ương này đi đâu cũng có nhau, phóng xe máy mà cứ ríu ran trò chuyện như trong độ tuổi thanh xuân. Tình cảnh này, về sâu xa "tội” chính là mấy cái đèn đỏ, đèn xanh ở mấy ngã tư, ngã 6 thành phố.
Mấy tháng nay, cái đèn xanh, đèn đỏ ở ngã tư này không hoạt động. Nên ai đi qua đoạn này đều thót tim vì xe các phía cứ vô tư mà bon bon, mạnh ai nấy đi. Đã thế còn chả có bùng binh mà lựa nhau. Đừng tưởng người đi xe đạp, xe máy là sợ ô tô đâu nhé. Hôm nọ, mấy cô cậu học sinh đi học, chả cần biết xe nào đi nhanh, xe nào đi chậm cứ thế lao qua, khiến chiếc ô tô đi về phía chợ hết hồn. May phanh kịp. Mỗi lần đi qua, mắt người phải đảo tứ phía, căng cả đầu. Là điểm nhạy cảm như thế, nên hôm ông đèo bà đi đặt bánh sinh nhật cho con gái út, đầu óc chỉ quan tâm đến người qua lại nên không nghe rõ câu hỏi của bà. Quả là bà đang vui, sắp đến 20 năm ngày cưới rồi. Bà khẽ hỏi:
- Anh định tổ chức lễ trọng của chúng ta ở đâu?
Bà hỏi những 3 lần, vậy mà ông cứ: hả với hở? Đến lần thứ 4 thì ông gắt: Khiếp, hỏi gì mà lắm thế, sao hỏi lúc này?
Lấy nhau mấy chục năm, có mấy mặt con, giờ sắp có cháu, đã bao giờ ông nói với bà một cách gắt gỏng như thế đâu. Vòng tay ôm eo ông lỏng hẳn. Bà thấy tủi thân. Qua khu ngã tư, ông dừng xe, vội lấy khăn mùi xoa lau mồ hôi đang túa trên mặt: Đi qua đoạn này nhiều, dễ đoản thọ lắm. Ôi, mà sao thế, bà mệt à. Còn sao nữa… Tối đó, không có câu chuyện sinh nhật con gái và nghe ý kiến góp ý của cậu trai cả, chắc cũng còn căng.
Lần thứ 2 qua một ngã tư để rẽ về nhà, ông lại làm bà phật ý lần nữa. Chả là chỗ đó đèn đỏ có tầm 20 giây, nhưng đèn xanh lại quá ngắn, chắc chưa đến 15 giây. Hai chiếc ô tô vừa lọt qua khu vực ngã tư thì dàn xe máy phía sau nếu không lao theo chắc lại đúng đèn đỏ, mặc dù đã chờ từ lần đèn xanh trước. Vội công chuyện ông cũng giật mình vặn ga theo nhóm xe máy làm bà bật ngửa ra sau, suýt ngã. Ông vừa vượt qua phía bên kia cũng là lúc đèn đỏ bật. May quá. Nhưng không may cho ông, lần đó bà không trách móc ông mà lẳng lặng suốt từ đó đến nhà.
Cứ nghĩ mọi chuyện sẽ qua, thế mà… Tuần qua, ông lại đưa bà đi thăm người ốm ở bên sông. Tránh xa chỗ đèn xanh 15 giây, ông đưa bà đi đường lớn, qua ngã 6. Trời ạ, chỗ đó lại hỏng đèn xanh đèn đỏ mấy tuần rồi. Ông cập nhật thông tin chậm quá. Khổ nỗi, nó chả hỏng hẳn mà lại cứ lập lờ đỏ - vàng. Chờ mãi chả thấy đèn xanh. Thấy nhóm đồng hành phía sau thúc ông cũng cho xe ra… Đúng lúc đó, 2 cậu choai đi xe đạp điện từ phía trái cũng lao ra theo dòng người. Nếu chúng đi điềm đạm thì không sao, đằng này cứ vun vút, không phanh kịp thì xe ông lao ngang hông xe chúng. Kít. Ông ngã nhào, còn bà thì phịch xuống đường, rên rẩm, cam, táo lăn tứ phía. Thằng ranh. Đã phóng nhanh làm ngã người khác mà còn quay lại nhăn răng ra cười… Đúng là quá tam ba bận… Bà phải đi khám, chiếu chụp hết buổi. May chỉ phần mềm. Nhưng ai đời, đèo vợ 3 lần thì gây họa cả 3. Bà ca cẩm. Nóng mặt, ông đay đả: Thế thì ôm eo người khác cho lành nhé. Đây chỉ thế…
Vì thế mà có "chiến tranh lạnh”, vì thế mà mấy ngày nay, ông bà cứ lầm lì chả ai nói với ai câu nào. Cô con gái út khi nghe sự tình vừa cười, vừa cao giọng: Mẹ ơi, lỗi là tại mấy "cụ” đèn xanh, đèn đỏ chứ… Nếu ngon lành đâu bố phải rơi vào tình huống trớ trêu đó. Đèn đỏ ơi là đèn đỏ…
Bùi Huy
(HBĐT) - Năm nào, gia đình chú Út ở ngoài thành phố cũng cho 2 đứa trẻ về thăm quê vào dịp hè. Vì thế, tuần này nhà ông Tưn đông vui, ồn ào hơn. Là con cả trong gia đình, ông được ông bà để lại cho mảnh vườn khá rộng dọc dưới chân đồi Châu Sơn, có địa thế đắc địa lắm. Trước đây ở quê, việc bố mẹ viết di chúc cho con cái là điều ít có, nên nghiễm nhiên ông có thể hưởng lợi toàn phần. Chú Út vô tư thôi, chỉ nêu ý kiến: Có nguồn gốc từ nông thôn, mở mắt ra là thấy núi đồi, rừng cây, sông suối, nên muốn bọn trẻ không thấy quá xa lạ với điều đó… Nên cả 2 đứa thích về quê để khám phá cây cỏ, thiên nhiên cũng không nằm ngoài ý tưởng đó. Với ông Tưn, trong một tuần lễ ông cũng dự định cho các cháu vào vườn rừng đặt bẫy chuột, thăm khu nuôi lợn bản địa phía núi và khu vườn chim bên bờ suối. Mùa này sao cò về nhiều thế…
(HBĐT) - Vào những ngày tháng Tám, khắp các phố phường, làng bản đều đỏ thắm sắc cờ. Nhìn hình ảnh đó, bà Lan lại xúc động rơm rớm nước mắt. Hẳn là trong màu cờ đỏ đã thắm bao xương máu cha ông trong ánh sao vàng gắn với biểu tượng Tổ quốc thiêng liêng. Nhưng trong lòng bà còn trào dâng một cảm xúc khác. Đó là hình ảnh lá cờ được đặt trong chiếc tủ gỗ quý mà gia đình bà đã lưu giữ bao năm nay. Suốt đêm qua, bà không tài nào chợp mắt được bởi cái ý nghĩ đã ấm ủ bao năm.
(HBĐT) - Vẫn nhớ mãi cảm giác lâng lâng, bay bổng, vui tươi khi được xem một đêm ca nhạc vào một mùa thu Hà Nội cách đây khá lâu. Đêm đó, tiết mục của ca sĩ Hồng Hạnh tự đệm ghi-ta hát bài "Mùa thu tình yêu” của nhạc sĩ Quang Minh nhận được nhiều tràng pháo tay của khán giả.
Thế là ông đã có dịp trở lại cư xá xưa sau nhiều năm ra trường. Mấy chục năm chứ có ít đâu. Ngày ra trường, cầm tấm bằng đại học trong tay với bao niềm khát vọng cho những chân trời mới, ông luôn ước ao được trở lại nơi này. Cuộc đời có muôn lối rẽ, nhưng bước ngoặt của thời chia xa thời sinh viên là một dấu mốc quan trọng. Có thể cả ông và ai đó, khá xa lạ với từ "thành đạt” nhưng với ông, những năm tháng sinh viên là quãng đời hoa mộng đẹp nhất, như một hành trang ăm ắp niềm vui, ấm áp theo suốt cuộc đời. Một thứ tài sản vô giá, như một bảo vật tinh thần đi theo cùng năm tháng, khó định nghĩa đầy đủ được. Dù sau này, cuộc đời nhiều sóng gió, va đập nhưng những điều đẹp đẽ đã như một điểm tựa, nâng đỡ ông vượt qua…
(HBĐT) - Gần tháng nay, ban liên lạc lớp 10 nhóm họp để chuẩn bị các chương trình tham gia hội khóa, hội lớp. Cũng có mấy cốt cán thôi, nhưng ban có mở rộng để mọi người được tham gia, bàn bạc cho dân chủ. Thầy chủ nhiệm cũng già rồi, tuổi cao sức yếu như ngọn đèn trước gió, năm nay không tổ chức biết thế nào…