(HBĐT)-Có lẽ trong mỗi chúng ta đều có một mục đồng bé nhỏ gắn với những kỉ niệm ở nông thôn. Đọng lại sau một ngày nắng nôi, mệt nhọc là buổi chiều mát rượi dưới trời xanh, mây trắng và nếu may mắn sẽ thấy trăng chiều.


Chiều muộn là thời khắc thần tiên nhất mà chỉ nơi thôn dã mới có. Những năm tháng tôi bị cuốn vào các ngả đường mưu sinh cũng đánh mất luôn mảnh trăng chiều ấy. Phố chỉ có nắng và đèn đêm, sáng và tối, đèn xanh và đỏ dồn nén. Cho đến một ngày, khi nghe tiếng trống ếch văng vẳng ở phố bên, thấy những chiếc đèn rực rỡ trên tay các em nhỏ mới nhớ ra vầng trăng ấy.

Cả ba mùa xuân, hạ rồi đông ít khi bầu trời quang đãng. Đặc quyền ấy chỉ mùa thu mới có. Thu trong veo làm ngơ ngẩn cả chú trâu đang gặm cỏ. Nó ngước lên xanh cao ngỡ một trảng cỏ khổng lồ, thi thoảng có đám mây hình chú trâu sừng cong hay tựa như con gà, con chó khiến chúng tôi thích thú. 

Trăng chiều là lúc không còn sớm mà chưa tối. Lúc trâu, bò đã ăn cỏ, củi đã chặt về, nắng tắt, gió mát mà vẫn chưa phải về nhà. Ánh sáng trên đường vẫn đủ để đi lại, trăng hiện lên như một vai phụ, khiêm nhường trước ánh hào quang của mặt trời rực rỡ còn hắt lại từ sau núi.

Mùa thu trong suy nghĩ của một đứa trẻ chính là con dốc ấy. Tôi đặt tên cho nó là "dốc mùa thu”. Chớm thu còn ở sườn bên này đến mùa đông là sườn bên kia. Dĩ nhiên, vào ngày rằm tháng Tám chính là cái đỉnh dốc cao nhất. Lúc ấy, tôi đã thử lên nơi có mỏm đá cao nhất và ngẩng mặt ngắm trăng chiều như thế. Thời gian như ngừng trôi, cây im phăng phắc, gió còn mải mê chốn nào, tôi ngắm nhìn bầu trời như một bức tranh sẽ dần chuyển màu bằng nét vẽ vô hình. Trăng chiều còn bấy như một chú chim nhỏ, khi xung quanh tối dần, trăng sáng dần lên giữa trời thu. Sự vi lượng, tinh tế của thiên nhiên chấp chới như cánh chuồn giỡn nước bởi vừa mới đó mà đã biến mất. 

Trăng chiều là lúc mồ hôi đã đọng trên trán tôi như mật ong bết dính. Sau mỗi lần lấm lem, tôi thấy mình lại lớn thêm. Không hiểu sao khi nhìn trăng, tôi cứ nhớ mãi lần đầu được "ăn trăng”. Ngày đó, cha mẹ tôi đều đi vắng, ông bà và mọi người còn mải mê công việc, chỉ có cô út bế tôi ra sân với bát cơm. Tôi cũng chẳng vừa, quấy khóc đòi thứ này thứ nọ. Cuối cùng, hua hua tay lên trời chỉ vầng trăng và đặt ra yêu cầu khó nhất…

Nghe xong, tôi thấy cô út quay vào bếp, lúc sau mang ra có một quả trứng luộc trong bát. Cô chỉ lên vầng trăng và nựng tôi: "Nào, con ăn đi, ăn miếng trăng nhé, cô vừa lấy trăng xuống luộc cho con đấy”. Tôi tò mò ăn thử thấy ngon miệng rồi chén hết bát cơm lúc nào không hay. "Miếng trăng” đầy kỉ niệm ấy vẫn còn nguyên vị trong hồi ức. 

Rồi thời gian cũng lên tiếng để tôi hiểu rằng cuộc đời này không bất động. Trung thu sau bà tôi yếu dần, cha mẹ tôi cũng còng lưng mỏi gối. Nương, vườn vẫn mùa vụ nối tiếp nhau nhưng con người thì dần già nua, mòn mỏi. Từ chỗ là đứa trẻ quậy phá, được yêu chiều, tôi nhận ra phải gánh vác những gì mà người lớn để lại. Gánh củi nặng, bàn chân tứa máu, đôi vai đau ê ẩm khi về đến đỉnh dốc và trăng chiều hiện lên khiến tôi thêm sốt ruột: Còn xa, xa nữa về nhà... Sau này học lên, có thêm nhiều kiến thức tôi hiểu ra hiện tượng trăng chiều là gì và ngày trăng tròn là khi bầu trời thật đặc biệt. Trăng, sao, mặt trời chẳng nói lời nào mà cứ nhường nhịn nhau, hoán đổi cho nhau bằng những ánh sáng riêng. 

Có nhiều lần tôi về thăm quê, vội chạy lên "dốc mùa thu” nhưng thật tiếc, đó là ngày trăng chiều không hiện diện. Nghe bảo, hàng tháng có chừng bốn, năm ngày như thế, chưa kể đến sự ảnh hưởng của thời tiết cũng sẽ che khuất trăng chiều. Theo tuổi tác, tôi dần ngộ ra quy luật vũ trụ và cảm nhận được chữ duyên ý nghĩa như thế nào. Phải trùng hợp trên rất nhiều khía cạnh chúng ta mới tương ngộ. Một cậu bé hôm nào giờ tóc đã pha sương, một vầng trăng lên sớm vẫn trẻ trung sau triệu triệu năm như thế. 

Tôi đã được gặp trăng chiều, khi trăng lên cao, chiếm lĩnh cả bầu trời. Đêm thu, say giấc ngủ như vẫn thấy một vầng trăng hiện diện trong tâm trí mình. Và, khi tỉnh giấc nhìn ra ngoài sân vẫn thấy ánh trăng lấp lóa. Không biết trăng đến từ đâu, chỉ biết rằng, trong một thời khắc nào đó mà tôi lơ đãng, vầng trăng xưa đã trở về lặng lẽ sáng trên đầu ta như minh triết của thời gian…

Tản văn của Bùi Việt Phương

Các tin khác


Khu vườn nhiều tiếng chim

(HBĐT) - Năm nào, gia đình chú Út ở ngoài thành phố cũng cho 2 đứa trẻ về thăm quê vào dịp hè. Vì thế, tuần này nhà ông Tưn đông vui, ồn ào hơn. Là con cả trong gia đình, ông được ông bà để lại cho mảnh vườn khá rộng dọc dưới chân đồi Châu Sơn, có địa thế đắc địa lắm. Trước đây ở quê, việc bố mẹ viết di chúc cho con cái là điều ít có, nên nghiễm nhiên ông có thể hưởng lợi toàn phần. Chú Út vô tư thôi, chỉ nêu ý kiến: Có nguồn gốc từ nông thôn, mở mắt ra là thấy núi đồi, rừng cây, sông suối, nên muốn bọn trẻ không thấy quá xa lạ với điều đó… Nên cả 2 đứa thích về quê để khám phá cây cỏ, thiên nhiên cũng không nằm ngoài ý tưởng đó. Với ông Tưn, trong một tuần lễ ông cũng dự định cho các cháu vào vườn rừng đặt bẫy chuột, thăm khu nuôi lợn bản địa phía núi và khu vườn chim bên bờ suối. Mùa này sao cò về nhiều thế…

Người giữ lá cờ đỏ thắm

(HBĐT) - Vào những ngày tháng Tám, khắp các phố phường, làng bản đều đỏ thắm sắc cờ. Nhìn hình ảnh đó, bà Lan lại xúc động rơm rớm nước mắt. Hẳn là trong màu cờ đỏ đã thắm bao xương máu cha ông trong ánh sao vàng gắn với biểu tượng Tổ quốc thiêng liêng. Nhưng trong lòng bà còn trào dâng một cảm xúc khác. Đó là hình ảnh lá cờ được đặt trong chiếc tủ gỗ quý mà gia đình bà đã lưu giữ bao năm nay. Suốt đêm qua, bà không tài nào chợp mắt được bởi cái ý nghĩ đã ấm ủ bao năm.

Mùa thu em ơi, sao vàng cờ bay…

(HBĐT) - Vẫn nhớ mãi cảm giác lâng lâng, bay bổng, vui tươi khi được xem một đêm ca nhạc vào một mùa thu Hà Nội cách đây khá lâu. Đêm đó, tiết mục của ca sĩ Hồng Hạnh tự đệm ghi-ta hát bài "Mùa thu tình yêu” của nhạc sĩ Quang Minh nhận được nhiều tràng pháo tay của khán giả.

Mùa hoa ngâu

Thế là ông đã có dịp trở lại cư xá xưa sau nhiều năm ra trường. Mấy chục năm chứ có ít đâu. Ngày ra trường, cầm tấm bằng đại học trong tay với bao niềm khát vọng cho những chân trời mới, ông luôn ước ao được trở lại nơi này. Cuộc đời có muôn lối rẽ, nhưng bước ngoặt của thời chia xa thời sinh viên là một dấu mốc quan trọng. Có thể cả ông và ai đó, khá xa lạ với từ "thành đạt” nhưng với ông, những năm tháng sinh viên là quãng đời hoa mộng đẹp nhất, như một hành trang ăm ắp niềm vui, ấm áp theo suốt cuộc đời. Một thứ tài sản vô giá, như một bảo vật tinh thần đi theo cùng năm tháng, khó định nghĩa đầy đủ được. Dù sau này, cuộc đời nhiều sóng gió, va đập nhưng những điều đẹp đẽ đã như một điểm tựa, nâng đỡ ông vượt qua…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục