Đại đội 9 hành quân từ Mãn Đức Tân Lạc lên đến Lũng Vân đã 4 giờ chiều. Đường xa, đèo dốc chênh vênh nhưng ai cũng vui khi nhìn núi đồi nối nhau, bồng bềnh mây ôm đẹp đến quên mệt mỏi. Chúng tôi tìm được một bãi cỏ rộng để cắm trại, cả đơn vị tập trung đi kiếm củi, nổi lửa nấu cơm. Các mẹ, các đoàn thể ở Lũng Vân với tấm lòng thơm thảo, yêu quý bộ đội Cụ Hồ thời chiến, đã mang cho chúng tôi rau xanh, chuối tây... cả ngày hôm sau chúng tôi ăn không hết.


Đêm thứ hai đóng quân ở Lũng Vân, ai nấy đã đỡ mệt, tôi cùng hai anh bạn trong đơn vị rủ nhau đi xem đội văn nghệ thôn tập múa, hát. Trăng mười sáu tròn sáng khắp núi rừng như hòa tiếng hát trong veo của các cô thôn nữ. Chúng tôi đứng dưới ngôi nhà sàn cổ, qua cửa sổ vẫn nhìn rõ các em mặc áo cóm, nước da trắng hồng, khuôn mặt em nào cũng hiền lành phúc hậu. Một anh bạn trong nhóm đã học năm thứ ba trường đại học tổng hợp văn, nảy ra câu thơ, khẽ đọc: Quê em văn nghệ tưng bừng/ chiêng cồng nghiêng ngả một vùng Lũng Vân. Người bạn đứng cạnh tôi đọc nối: Giá như được kết bạn thân/ Anh đi đánh giặc vẫn gần quê hương. Tôi nói nhỏ với hai người bạn, chúng ta chờ đội văn nghệ tập xong sẽ cùng nhau hát đối hoặc hát ví, hát giao duyên, hát rằng thường... từ đó dễ làm quen người đẹp. Các thể loại hát trên là nét đẹp văn hóa của người Mường Tân Lạc. Theo tôi ta hãy chọn hát ví, tính chất của hát ví Mường lời mộc mạc, nghe là hiểu ngay. Anh bạn học năm thứ hai đại học báo chí nói xen vào - vần điệu của ví thánh thót, không gò ép, giản dị nhưng tươi tắn, ví mang vần điệu của thể thơ lục bát, nhưng ví nhẹ nhàng, gọn gàng. Anh bạn đã học đại học tổng hợp văn nói chen vào - ví cần có chút chải chuốt, miêu tả được tình cảm sâu sắc, thủy chung, yêu con người, yêu thiên nhiên. Tôi nói - ví đẹp nồng hậu như vẻ đẹp của con gái quê núi có bốn Mường Bi - Vang - Thàng - Động. Chúng tôi đang tranh luận về hát ví... từ phía đồi gần chúng tôi đứng, có ai đó cất tiếng hát: Lũng Vân lan nở thắm tươi/ Nhà sàn gọi gió, ngô đồi chim bay/ Cải canh mềm ngọt bánh dày.../ Sáo vui, khèn lượn, hương say rượu cần. Câu ca mộc mạc sao mà dễ thương, dễ nhớ Lũng Vân đến thế.

Trăng mười sáu lên cao so với ngọn núi được mấy cây sào. Nghỉ tập văn nghệ, các cô thôn nữ đi xuống cầu thang định về bản. Chào các cô, tôi đặt vấn đề với người đội trưởng đội văn nghệ, cho ba anh em được hát ví với đội văn nghệ vài chục phút. Sắp tới chúng tôi tiếp tục hành quân đến chiến trường có thêm dũng khí. Người đội trưởng tên là Xuân đôi mắt đen, mái tóc dài quấn chân, dáng dịu dàng của người quê núi. Xuân nói hát ví quê em thường phải đứng xa nhau hai, ba mươi mét, tạo cho sự chờ đợi, mong mỏi đến gần thương nhớ. Hôm nay chúng em muốn đứng cạnh các anh để ta hát ví, hát ví chào nhau, hát ví nhớ nhau, hát ví chờ đón ngày toàn thắng các anh về. Chúng tôi nhìn nhau thắm thiết, coi nhau như bạn thân từ xa mới về quê hương.

Tôi hay sáng tác thơ lục bát nên vận câu ví rất nhanh, giọng ồm ồm của người con trai tuổi đôi mươi: Lũng Vân mây trắng dốc cao/ Tiếng chiêng, tiếng sáo bay vào lòng tôi/ Rượu cần men ngọt hương đồi/ Nghiêng nghiêng trăng sáng nụ cười bay xa.

Xuân đáp lại: Bàn tay con gái như hoa/ Dệt thêu muôn sắc, mặn mà yêu thương/ Chúng em quê núi đất Mường/ Chúc anh ra trận, chiến trường tin vui... Anh bạn học đại học báo chí đáp lại: Nhà sàn bóng mát ai ơi! Rừng xanh chim hót, tình người mênh mang/ Quý người con gái giỏi giang/ Nắng mưa không quản hiên ngang canh trời. Dưới ánh trăng khuya, giọng ngọt ngào của cô gái có đôi núm đồng tiền cất lên: Ví nhiều thêm nhớ nhau thôi/ Các anh đi giữ đất trời bình yên/ Mai ngày đất nước nối liền/ Lũng Vân vẫn đợi anh lên thăm Mường.

Vầng trăng phía đầu rừng mỗi lúc một sáng thêm, ba anh em chia tay đội văn nghệ Lũng Vân về đơn vị. Sáng hôm sau, đơn vị đại đội 9 chúng tôi chia tay Lũng Vân đi về Thanh Hóa rồi vào Nam đánh giặc. Năm 1972, chiến trường miền Nam, quân giặc và ta đánh nhau quyết liệt. Người bạn học đại học báo chí, cùng tôi đi hát ví ở Lũng Vân, anh đã anh dũng hy sinh, tôi vuốt đôi mắt bạn, rồi nhớ đến Lũng Vân nơi miền đất cao xa kia vẫn có người con gái nhớ câu ví của anh.

Đầu xuân năm 2023, tôi cùng nhà văn Đại tá Lê Đức Hùng về thăm Lũng Vân, Hùng (người hát ví cùng tôi) nay đã nghỉ hưu ở Hà Nội. Lũng Vân hiện đã sáp nhập vào xã Bắc Sơn, Nam Sơn gọi chung là xã Vân Sơn. Những bản, làng đã đẹp hơn nhiều. Có bản trở thành làng du lịch cộng đồng. Vân Sơn không khí mát lành, người dân bản chất sống thực thà, vẫn giữ nét truyền thống của dân tộc Mường. Chúng tôi ngủ lại một đêm ở homestay bản Chiến. Sáng hôm sau, Hùng lái xe đưa tôi thăm lại "Núi Cô Tiên” ở Lũng Vân xưa, mong tìm lại những thôn nữ đã cùng chúng tôi hát ví đêm trăng. Thật khó tìm được bạn hát ví năm xưa. Hai chúng tôi vui được thấy Bắc Sơn trẻ đẹp, tình người luôn ấm áp.


Ghi chép của Trần Quốc Dũng

Các tin khác


Điểm trường xa vắng

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương

Sáng ra ở Tân Bình là cả một biển mây. Từ khi nước dâng lên đến lưng chừng núi thì mây cũng sà xuống biến nơi này thành chốn tiên cảnh như trong các bộ phim thần thoại. Nhiều phượt thủ đi cả nghìn cây số đến đây chỉ để check- in với cảnh sắc ấy.

Mây trắng ngang trời

Truyện ngắn Bùi Huy

Trăng chiều

(HBĐT)-Có lẽ trong mỗi chúng ta đều có một mục đồng bé nhỏ gắn với những kỉ niệm ở nông thôn. Đọng lại sau một ngày nắng nôi, mệt nhọc là buổi chiều mát rượi dưới trời xanh, mây trắng và nếu may mắn sẽ thấy trăng chiều.

Chuyện đời thường: Đèn đỏ… mà biết nói năng ?!

(HBĐT) - Chuyện chả đâu vào đâu mà một tuần nay, vợ chồng bà V. lại dỗi dằn nhau khiến "cơm không lành, canh không ngọt”. Món canh mùng tơi nấu với món tép say nhuyễn mà ông thích không được bà nấu… Còn ông thì ở rịt trên phòng tầng 3, hết cắm cúi vào điện thoại lại chuyển sang ti vi xem Tom và Jery đuổi nhau. Nhìn cảnh này ai cũng ngạc nhiên. Chỉ cách đây 1 tuần, đôi uyên ương này đi đâu cũng có nhau, phóng xe máy mà cứ ríu ran trò chuyện như trong độ tuổi thanh xuân. Tình cảnh này, về sâu xa "tội” chính là mấy cái đèn đỏ, đèn xanh ở mấy ngã tư, ngã 6 thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục