Truyện ngắn Bùi Huy
Lần nào anh em chúng tôi than thở vì làm hỏng hay thất bại một việc gì đó, bố tôi đều im lặng một lúc lâu, rồi hạ giọng như một tiếng thở dài:
- Đấng nam nhi, đừng thế. Thất bại thì làm lại gì mà ủ rũ thế. Chán. Không đáng mặt. Xem bà kia kìa...
Bị ông mắng chúng tôi không thấy đau, nhưng lại thêm một lần xót lòng về bà. Bà đã mất bao năm rồi, vậy mà lúc nào cũng như hiện hữu trong cuộc sống gia đình chúng tôi, nhất là bố. Nếu khóc được chắc ông cũng òa lên như đứa trẻ con khi nhắc về mẹ...
Người phụ nữ đã khuất mà chúng tôi gọi là bà nội không phải mẹ đẻ của ông. Bố mẹ mất sớm, bố tôi lớn lên hồn nhiên như cây cỏ. Nhưng do tính hiền lành, chịu khó và hay lam hay làm, bố tôi vẫn trụ được trong chính ngôi nhà mà cha mẹ để lại. Bố dành thời gian để tham gia lớp bình dân học vụ nên cũng là người có trình độ ở xóm. Điều phúc cho bố tôi, khi tầm 16 - 17 tuổi bố gặp bà, người mà sau này cả cuộc đời bố chịu ơn. Bà là người xóm bên, chuyên bán thuốc nam, ngược xuôi đủ cả. Bố kể lần đó ông ốm sốt li bì mấy ngày liền, miệng đắng ngắt, môi phồng rộp, chả dậy nổi nấu nồi cháo. Như là duyên tiền định, hôm đấy bà (gọi là bà Phúc) vào khu vườn nhà kiếm mấy nắm lá thuốc gia truyền. Gọi mãi không được, bà đẩy cửa bước vào. Mắt lim dim ông mấp máy môi: "nước... nước...”. Bà hoảng hốt nhưng cũng nhanh chóng nhận ra tình huống nguy kịch của ông. Pha cốc nước ấm cho ông uống, lấy khăn đắp trán cho ông, bà chạy ra trạm y tế cách đó 2 km. Trên đường bà gọi mấy nhà ở mé đồi, mé núi. Đường đồi rừng, gọi là mấy quăng dao thôi nhưng mà đâu có nhanh. Lúc làm xong các phần việc của một cán bộ y tế, anh y sĩ mới nói:
- May có bà báo kịp thời không thì chả biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Giờ thì hàng xóm mới chạy đến từ các mé đồi. Tiếng một bà già:
- Cháu có phúc lắm mới gặp được thầy, được thuốc. Lần sau có gì cố mà hú gọi mọi người nhé. Khổ, một thân một mình. Về lâu dài chuyển gần các hộ khác mà dựng nhà. Xa cách chả biết thế nào mà lần...
Uống đủ thuốc bố tôi tạm hồi tỉnh, dựa lưng vào vách nứa nhìn bâng quơ xung quanh. Bà Phúc, đầu vấn khăn thổ cẩm màu lam đang lúi húi đun cho nồi cháo. Gương mặt bà hồng hào, có thể do nhai trầu, có thể do ánh lửa, nhưng đôi mắt thì sáng và ấm lạ. Dáng người đậm, bàn chân to, toát lên nét chung của người phụ nữ miền rừng. Lúc bà hút thuốc lào, tiếng rít của nõ điếu khiến người đối diện biết đây là người có sức vóc, khỏe mạnh... Bưng bát cháo loãng nóng hổi do người phụ nữ xóm bên đưa cho, bố tôi bỗng như thấy hình bóng của mẹ năm nào...
Ngày hôm sau, trên đường vào vườn rừng hái thuốc, bà ghé qua. Lần này bà còn xách theo 2 con gà giò, ít đậu xanh. Đứa con gái út của bà gần bằng tuổi ông được sai đi làm gà để đặt nồi cháo. Còn bà đun cho bố tôi một siêu nước thuốc: "Lá thuốc này vừa làm mát gan, thận, vừa giúp hồi phục sức nhanh”. Tiếng con gái bà lanh lảnh phía chái bếp: "Mẹ ơi... có cho bộ lòng vào nồi cháo không vậy?”. "Rõ đảm chưa. Để ngoài để lúc nấu bát canh miến thôi".
Nhà ông lâu lắm mới có nhiều tiếng người như vậy... Từ những ngày đó, lòng bố tôi đỡ nặng trĩu vì cảnh côi cút. Gặp nhiều thành quen thân, bố tôi biết thêm gia cảnh của bà. Ông nhà mất sớm, bà ở vậy nuôi 2 con gái nên người. Bà cấy lúa, trồng khoai, dệt thổ cẩm, bốc thuốc nam... việc nào đến tay bà cũng đều đâu ra đấy. Hồi ông ấy mất, nhà chẳng có của giả gì đáng giá, giờ bà cũng tạo được ngôi nhà 4 gian lợp ngói, trâu bò đủ cả. Người miền núi thế cũng được gọi là có "của ăn của để”. Bà bốc thuốc cũng để làm phúc thôi. Có nhà khó khăn bà chỉ lấy chút ít gọi là. Họ sau này đi lại thành như người nhà...
Bố tôi như trở thành người con của gia đình bà lúc nào không hay. Nhà 2 bên, việc giỗ, việc cầu mát nhà đều là việc chung. Hai con gái bà Phúc luôn gọi bố tôi là anh cả. Năm bố tôi lập gia đình... đúng là gian nan. Ông bà ngoại tôi thì không sao, họ thương hoàn cảnh, tư chất của bố, nhưng họ hàng thì căng quan điểm: "Không môn đăng hạ đối, nhà nó có "dớp” đoản thọ”. Bà tôi suốt năm ròng đi lại ở vai đại diện nhà trai, với tài thuyết khách, họ hàng phía mẹ tôi cũng xiêu lòng. Sau lần đó bố tôi chính thức gọi bà Phúc là "mẹ”. Rồi chúng tôi ra đời, bà cũng ngấp nghé tuổi 60. Chợ búa giảm dần để giữ gìn sức khỏe (vì bà khá nghe lời bố). Các con gái cũng lấy chồng sinh con, thành ra bà bận tíu tít. Lúc chạy chăm cháu nội, lúc chạy chăm cháu ngoại. Mẹ tôi cũng được bà truyền cho mấy bài thuốc nam khá công dụng, cho ít cây giống thuốc nam quý để gây vườn.
Bố kể, dạo mẹ tôi ở cữ bà ở hẳn bên này cả tháng trời để chăm mẹ, tìm lá tắm cho bà đẻ, cho cháu bé. Bà là người phụ nữ có tuổi đầu tiên của vùng dám cho con dâu bỏ những kiêng khem của ngày xưa, nên sau đẻ mẹ tôi nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Bà nhìn mẹ tôi nhắc chuyện: Ngày xưa mẹ nhìn các bà đẻ uể oải nhai cơm không với muối dổi rang khô, chả có bát canh nào mà thấy xót lòng. Các con giờ "cách tân” đi cho đỡ khổ... Hai anh em chúng tôi lần lượt ra đời dưới vòng tay che chở của bà. Ai cũng được bà chăm bẵm kỹ lúc đầu đời. Sau này mẹ tôi kể rằng: "Nhìn bên ngoài không ai biết được bà chỉ là mẹ nuôi của bố. Ánh mắt bố các con rạng ngời khi có bà ở bên”.
Bà Phúc phúc hậu như vậy đấy. Nhưng bà không gặp may, khi chúng tôi vào THPT thì bà mất do một lần vào rừng bị rắn độc cắn. Bố tôi khóc như đứa trẻ, xin phép dòng họ bên ấy được khăn xô, chống gậy đưa bà về mường ma như lễ nghĩa của người con trai đối với mẹ. Mất cả năm trời bố tôi thất thần như lạc vào một phương trời nào đó. Bố tâm sự với chúng tôi: Đời bố có 2 niềm vui lớn, 2 động lực lớn để phấn đấu đó là khi gặp bà và khi cưới mẹ các con. Hai người phụ nữ đã "cứu sống” cuộc đời bố... Bố hay trải lòng rằng chưa dám tin rằng bà đã khuất núi. Vì đâu đó luôn như thấy dấu chân, dấu tay đảm của bà. Mỗi khi có đám mây trắng bay ngang vườn nhà, bố có cảm giác như có ánh nhìn của bà: ấm áp, chở che.
(HBĐT) - Không chỉ là hoài nhớ, mà đã có chiều đi dưới những hàng cây xanh ngát, ẩm ướt chút mưa thu nhẹ nhàng. Dòng người hối hả, nhưng gương mặt ai cũng có chút thư thái, hài lòng hơn cùng niềm vui đón chào Thu Phố. Tiếng ai rao nhẹ ở phố vắng, cùng hương hoa dâng nhẹ nhàng từ những con phố nhỏ. Tiếng hát của nữ ca sĩ nào đó khắc khoải gợi nhớ: "Em đi qua thu Hồ Gươm biêng biếc chiều/Có tiếng chim nào rơi xuống trên vai mềm trắng trong/Để lá me rơi ngẩn ngơ, để tiếng thu rơi rất thơ/ Hồ Gươm, Hồ Gươm chiều thu vàng”. Bóng người thiếu nữ nào, tào áo dài trắng lướt nhẹ con phố Quốc Văn bên Hồ Gươm ngàn năm xanh như ngọc…
(HBĐT) - Vậy là ông đã trở lại thành phố thuở hoa niên từng gắn bó. Một chút vui, một chút se se lòng khi đi qua những con phố, những dãy giảng đường, khu ký túc giờ đã đổi thay đến ngỡ ngàng… Những công dân ở đây đều xa lạ đối với ông. Sau khi làm xong thủ tục nhập học, bố con ông dành cả buổi chiều tìm về ngoại ô thành phố. Anh con cười trêu: "Nhà người yêu bố phải không? Sao bấy lâu nay bố chẳng kể cùng ai?”.
(HBĐT) - Năm nào, gia đình chú Út ở ngoài thành phố cũng cho 2 đứa trẻ về thăm quê vào dịp hè. Vì thế, tuần này nhà ông Tưn đông vui, ồn ào hơn. Là con cả trong gia đình, ông được ông bà để lại cho mảnh vườn khá rộng dọc dưới chân đồi Châu Sơn, có địa thế đắc địa lắm. Trước đây ở quê, việc bố mẹ viết di chúc cho con cái là điều ít có, nên nghiễm nhiên ông có thể hưởng lợi toàn phần. Chú Út vô tư thôi, chỉ nêu ý kiến: Có nguồn gốc từ nông thôn, mở mắt ra là thấy núi đồi, rừng cây, sông suối, nên muốn bọn trẻ không thấy quá xa lạ với điều đó… Nên cả 2 đứa thích về quê để khám phá cây cỏ, thiên nhiên cũng không nằm ngoài ý tưởng đó. Với ông Tưn, trong một tuần lễ ông cũng dự định cho các cháu vào vườn rừng đặt bẫy chuột, thăm khu nuôi lợn bản địa phía núi và khu vườn chim bên bờ suối. Mùa này sao cò về nhiều thế…
(HBĐT) - Vào những ngày tháng Tám, khắp các phố phường, làng bản đều đỏ thắm sắc cờ. Nhìn hình ảnh đó, bà Lan lại xúc động rơm rớm nước mắt. Hẳn là trong màu cờ đỏ đã thắm bao xương máu cha ông trong ánh sao vàng gắn với biểu tượng Tổ quốc thiêng liêng. Nhưng trong lòng bà còn trào dâng một cảm xúc khác. Đó là hình ảnh lá cờ được đặt trong chiếc tủ gỗ quý mà gia đình bà đã lưu giữ bao năm nay. Suốt đêm qua, bà không tài nào chợp mắt được bởi cái ý nghĩ đã ấm ủ bao năm.
(HBĐT) - Vẫn nhớ mãi cảm giác lâng lâng, bay bổng, vui tươi khi được xem một đêm ca nhạc vào một mùa thu Hà Nội cách đây khá lâu. Đêm đó, tiết mục của ca sĩ Hồng Hạnh tự đệm ghi-ta hát bài "Mùa thu tình yêu” của nhạc sĩ Quang Minh nhận được nhiều tràng pháo tay của khán giả.