Truyện ngắn của BÙI HUY

Không phải chỉ riêng người với người, mà giữa người và vật nuôi đôi khi cũng từ chữ "duyên” mà gặp... Mấy bữa nay, ông Thận cứ lẩn thẩn với những ý nghĩ đó. Nhất là sáng nay, chuyện con Nâu có hành động khác thường để ông tránh được mối nguy hiểm cận kề khi đi rừng lấy lá thuốc là một ví dụ. Giữa lúc ông đang nghĩ đến lời kể của người bệnh với những chi tiết nhỏ, nghĩ đến loại lá cây rừng hiếm khi gặp và mong tìm thấy, thì từ bên trái, con Nâu xông đến gần như húc vào ông khiến ông chới với. Cũng lúc đó một luồng gió tạt qua vai ông. Một con rắn xanh lục từ cành cao bổ xuống. Nhờ cú ngã mà ông tránh được "đòn” của con rắn độc, để ông vung cây gậy lên khoảng không. Con rắn văng xuống rãnh, còn ông mồ hôi túa ra, hổn hển. Hú hồn… Chả buồn chuyện thuốc thang nữa, ông bải hoải trở về phố.
Lúc này ông mới nhìn con Nâu, mắt nó ánh lên điều như muốn chia sẻ. Còn âm thanh nó thể hiện chỉ là những âm thanh khặc khặc vô nghĩa trong cổ… Nâu ơi… Ông hít thở sâu và gọi tên nó mấy lần. 
Cách đây 1 năm, tầm 1 - 2 giờ sáng, không phải ông mà chính thằng út nhà ông chạy sang buồng gọi:
- Có ai đang cậy cửa nhà mình ấy bố… bố.... Giọng nó thảng thốt xen lẫn chút lo lắng. 
Ai cậy cửa nhỉ? Chả lẽ có trộm. Trộm sao mà ngang nhiên đến mức ấy. Đèn đường, đèn hành lang sáng choang cơ mà… Mùa đông, ngái ngủ, lạnh thêm lười, nhưng mà tiếng động cục cạch vào cánh cửa sắt nhà ông mỗi lúc một rõ. Ông bảo thằng con đang học lớp 12 cầm cây gậy ở góc nhà. Còn ông cầm đèn pin và cây thước 1m lò dò ra cửa. Kịch, rồi tiếng rên ư ử, rồi khụt khịt… Nhà 2 lần khóa nên khi ông mở hé cánh cửa gỗ nhìn ra, trong ánh sáng đèn đường ông thấy con chó tầm 1 năm tuổi đang huých cánh cửa sắt như muốn vào. Bộ lông nâu cùng ánh mắt tinh khôn… Ông nhận ra con chó nhà chị béo ở phố bên. Trời ơi sao nó lại trở nên thảm thương thế này. Bộ lông xơ xác, người run lẩy bẩy chắc vì đói, vì lạnh. Dường như chỉ chờ ông mở cửa sắt là nó nhào vào. Dụi đầu vào chân ông…
- Biết đâu chó dại, chó hoang mà bố. Tiếng thằng con hoài nghi…
Con Nâu… Ông biết tên nó vì sáng qua đi tập thể dục, ông bắt gặp bà béo ở phố bên đang phạt con Nâu một trận nên thân. Chả biết nó tè vào đôi dép của bà nhiều không mà roi mây cứ gọi là vun vút. Tiếng bà trầm đục nhưng rõ ràng: "Nâu… Nâu… Tao có làm gì quá đáng mà mày tè vào đôi xăng đan dành đi dạ hội và dancing. Đặt mua tận Hà Nội… Ám thế thì nhảy nhót, tập tành gì nữa”.
Tiếng con Nâu cũng rít lên, ăng ẳng vì đau như đáp trả. Mấy người đi tập thể dục dừng lại, góp chuyện, đồng cảm, can gián. Con này nhìn khôn thế. Chó lai có khác. Nhưng sao lại khiến bà chủ bực mình như thế. Được thể bà kể tội nó: "Chiều nó như chiều vong, cho ăn toàn đồ ngon mà sao bậy bạ thế. Huấn luyện bao lần rồi”. Trước khi nói thêm, bà còn "tặng” cho nó mấy roi nữa. Ôi, mắt con Nâu như có nước. Nó nhìn bà chủ như van lơn nhưng mắt lại nhìn về cuối con đường. Đúng là "cậu ta” đang tìm kế thoát thân khỏi cái dây xích kia đấy. Quả thật, nó vùng vằng đến lần thứ 3 thì xích tuột. Nó lao đi. Bà chủ béo tốt dậm chân bành bạch: Tao mà bắt được tao cho no đòn. Thôi cút đi, cút đi… Tao không chứa. Nuôi con khác cho lành. Một tháng mà tao phải vung roi 4 lần như thế này thì sao mà sống nổi…
Mấy người đi cùng thì cười cợt, bình phẩm về giọng điệu của bà, nhưng ông lại im lặng. Có điều gì bất nhẫn ở đây. Sao bà ta có thể đánh đập một con vật nuôi trong tư thế bị xích như thế nhỉ? Đánh không thương tiếc… Ông chợt nhớ chuyện ngày nhỏ, chỉ vì bố ông giận con trâu nuôi rẽ và trót đánh một cái bằng cán cuốc vào sống lưng, vì nó dẫm ruộng rau muống mà bà nội vừa khóc vừa "tế” cho mấy tiếng đồng hồ. Thậm chí còn lấy roi định vụt, may mà bố ông chạy kịp. "Con vật nuôi nó 4 chân, không biết nói nhưng nó cũng là da, là thịt, đừng làm điều ác cho nó”. Bà đai đi đai lại mãi câu đó… Sau đận đó đố ai trong gia đình dám động chân động tay với các vật nuôi trong nhà.
Sáng hôm sau ông ôm con chó sang phố bên tìm chủ cũ cho nó. May quá bà ấy đang tập nhảy dây nơi cửa tam quan. Ông cất tiếng, rụt rè:
- Tối qua… con Nâu đi lạc vào nhà tôi. Xin trả lại chị…
Trái ngược mong muốn của ông, người con Nâu run lên từng đợt, chắc nó hãi trận đòn hôm trước. Ánh mắt khi gặp lại chủ cũ mà sao buồn thảm vậy Nâu? Nó nép vào chân ông như cầu xin điều gì đó. Ông nhìn vào sân nhà: chà... chó, mèo có đến 20 con. Đầy sân. Bà béo âu yếm con mèo trắng: "Thôi…, chả cần con mất nết kia nữa. Chị đã có miu miu ngoan rồi”. Lời qua tiếng lại, chị cất tiếng: "Thôi, anh đã nói thế cứ đưa tôi 1 "củ” đây, gọi là chút công nuôi nó lớn đến tầm này”. Rồi chẳng ứ, chẳng ừ thêm bà bước qua mái tam quan để vào khu nhà…
Tiếng thằng con cất lên khi ông dắt con Nâu từ phố bên về: 
- Thôi nhà mình cứ giữ nuôi nó đi bố à. Con sẽ lãnh nhiệm vụ chăm sóc, tắm  cho nó. Có khi lúc vào đại học con tha nó về Hà Nội…
Con Nâu đến với gia đình ông như vậy đấy. Ngay chiều đó bà nhà ông chở nó đi tiêm phòng dại cùng một số bệnh thường gặp ở thú cưng. Thằng con ông kiếm cho nó mấy bộ áo mặc vào mùa đông. Cả nhà tíu tít như đón một thành viên mới. Đêm khi ông đang ngồi uống trà và xem ti vi, "cậu ta” nằm ườn ra, gác đầu lên chân ông như đã thân tình lâu lắm rồi, vẻ tin cậy. Cũng mong nó không còn những sợ hãi như đã từng trải qua. Bộ lông nó ấm, lan sang cả mu bàn chân ông.


Các tin khác


Trăng chiều

(HBĐT)-Có lẽ trong mỗi chúng ta đều có một mục đồng bé nhỏ gắn với những kỉ niệm ở nông thôn. Đọng lại sau một ngày nắng nôi, mệt nhọc là buổi chiều mát rượi dưới trời xanh, mây trắng và nếu may mắn sẽ thấy trăng chiều.

Chuyện đời thường: Đèn đỏ… mà biết nói năng ?!

(HBĐT) - Chuyện chả đâu vào đâu mà một tuần nay, vợ chồng bà V. lại dỗi dằn nhau khiến "cơm không lành, canh không ngọt”. Món canh mùng tơi nấu với món tép say nhuyễn mà ông thích không được bà nấu… Còn ông thì ở rịt trên phòng tầng 3, hết cắm cúi vào điện thoại lại chuyển sang ti vi xem Tom và Jery đuổi nhau. Nhìn cảnh này ai cũng ngạc nhiên. Chỉ cách đây 1 tuần, đôi uyên ương này đi đâu cũng có nhau, phóng xe máy mà cứ ríu ran trò chuyện như trong độ tuổi thanh xuân. Tình cảnh này, về sâu xa "tội” chính là mấy cái đèn đỏ, đèn xanh ở mấy ngã tư, ngã 6 thành phố.

Hồ phố vào thu…

(HBĐT) - Không chỉ là hoài nhớ, mà đã có chiều đi dưới những hàng cây xanh ngát, ẩm ướt chút mưa thu nhẹ nhàng. Dòng người hối hả, nhưng gương mặt ai cũng có chút thư thái, hài lòng hơn cùng niềm vui đón chào Thu Phố. Tiếng ai rao nhẹ ở phố vắng, cùng hương hoa dâng nhẹ nhàng từ những con phố nhỏ. Tiếng hát của nữ ca sĩ nào đó khắc khoải gợi nhớ: "Em đi qua thu Hồ Gươm biêng biếc chiều/Có tiếng chim nào rơi xuống trên vai mềm trắng trong/Để lá me rơi ngẩn ngơ, để tiếng thu rơi rất thơ/ Hồ Gươm, Hồ Gươm chiều thu vàng”. Bóng người thiếu nữ nào, tào áo dài trắng lướt nhẹ con phố Quốc Văn bên Hồ Gươm ngàn năm xanh như ngọc…

Quán nước ngoại ô thành phố

(HBĐT) - Vậy là ông đã trở lại thành phố thuở hoa niên từng gắn bó. Một chút vui, một chút se se lòng khi đi qua những con phố, những dãy giảng đường, khu ký túc giờ đã đổi thay đến ngỡ ngàng… Những công dân ở đây đều xa lạ đối với ông. Sau khi làm xong thủ tục nhập học, bố con ông dành cả buổi chiều tìm về ngoại ô thành phố. Anh con cười trêu: "Nhà người yêu bố phải không? Sao bấy lâu nay bố chẳng kể cùng ai?”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục