(HBĐT) - Theo gợi ý của người khách đến vì dự án khu du lịch sinh thái, Phong lướt cái nhìn qua những đồng đội cũ rồi dừng lại lâu hơn nơi người phụ nữ khoảng gần 30 tuổi đang châm nước trà vào các ly, chậm rãi kể:
... Nhận được thư của Thắng kể về tình trạng bất ổn của Hùng, tôi vội đi ngay. Lúc gặp lại cậu ấy, tôi không tin nổi. Hình ảnh của một chiến sĩ dũng mãnh, một Hùng "lì" gan góc đâu rồi? Trước mắt tôi là một thằng cụt nhếch nhác trong bộ quần áo bội đội nhàu nhĩ, tóc râu bờm xờm, cái nhìn dài dại, sắc mặt đờ đẫn vì rượu. Đang 12 giờ trưa mà cậu ấy một mình một chai trong quán. Khi nhận ra tôi, Hùng lè nhè gọi chủ quán lấy thêm mồi nhậu. Bỗng nhiên tôi giận run, cầm chai rượu quăng thẳng ra bụi chuối ở góc sân. Nắm cổ áo cậu ấy tôi tát liền hai tát... Thú thật, sau này, tôi cứ hãi về hành động của mình hôm ấy. Vì đàn ông có thể nhẫn nhục trước cú đấm nhưng ít ai chịu lặng im trước cái tát. Nhưng như người ta nói “độc trị độc”! Bỗng chốc nét đờ đẫn vụt biến. ánh mắt Hùng ngạc nhiên, sửng sốt. Tôi xốc mạnh cổ áo Hùng, gằn giọng. "Theo tao về nhà với hai bác ngay". Có lẽ sự giận dữ của tôi thể hiện qua nét mặt và giọng nói kinh khiếp lắm hay sao mà một thằng cao hơn tôi một cái đầu lại gật nhẹ, lặng lẽ gỡ tay tôi khỏi cổ áo, đứng lên theo tôi về.
Về nhà, tắm rửa xong. Tôi lấy dao lam cạo sạch râu cho Hùng. Đầu tóc thìấu đó Hùng ra quán cắt. Mẹ Hùng cứ kể khổ với tôi về Hùng. Còn cha Hùng thì nói với tôi: Cháu hãy sửa cho nó nên người giúp bác. Sau này, tôi biết người ta đã báo tin cho ông biết là tôi đã tát Hùng. Một việc hy hữu, bởi Hùng là thương binh ở chiến trường K về. Hùng ngang ngược nên không ai dám chạm đến... Tôi lại tâm sự chuyện riêng của mình, Hùng khóc như một đứa trẻ. Tôi xót xa nhưng không an ủi, cứ để mặc cho Hùng khóc. Khóc được, nỗi đau của cậu ấy sẽ vơi. Chuyện tình yêu mà. Xưa nay, từ vua chúa cho đến dân cày có ai tránh khỏi bị tình yêu hành hạ. Có dũng mãnh, thông minh đến đâu cũng không thoát khỏi hệ lụy của chữ tình. Khóc chán, Hùng nói: "mẹ nó! Đời người sống có mấy mươi năm mà nó đang tâm giết chết đời tao mất hai năm”. Tôi khích “Bộ đội chiến trường K mà hèn như mày, tao thấy chỉ có một". Hùng trúng kế, chạm nọc, toan sừng sộ với tôi. Nhưng trong một tích tắc, có lẽ tình đồng đội đã át được cái tôi. Hùng xuôi xị, hiền lành tiếp lời tôi: "Mày nói đúng nhưng vì tao yêu nó quá. Cứ nhớ lại câu nói nó gọi tao là "Hùng cụt", nghĩ đến nó ở trong vòng tay người khóc là tao muốn uống say cho quên đời. Không mủi lòng, không khoan nhượng, tôi bồi thêm: "Nói năng dấm dớ”! Chỉ có mày khốn nạn với mày chứ đời nào khốn nạn với mày? Tao thấy con người yêu của mày gọi vậy chưa xứng. Gọi là Hùng cụt còn nhẹ. Phải gọi là "Hùng cùn" mới đúng. Cùn cả ý chí, cùn cả nhân cách. Hùng quắc mắt nhìn tôi. Tôi chịu đựng ánh mắt chứa đầy sát khí của Hùng, lòng hơi hãi. Nếu Hùng không chịu đựng nỗi mà choảng tôi bằng nắm đấm thì tôi không phải là đối thủ của Hùng. Dù vậy, tình thương với đồng đội buộc tôi phải tấn công tiếp. “Tao nói sai à? Nếu đánh tao mà mày tìm lại được ý chí, lấy lại được nhân cách từ một thằng nát rượu, tao sẵn sàng để mày đánh... Tao với mày đã sống lại từ cõi chết thì có gì từ chối nhau..."
Trận ấy, tôi mất một con mắt, Hùng mất một cánh tay... Nhưng còn may, toàn tiểu đội đã hy sinh mất 4. Còn mấy tướng này - Phong nhìn ba người bạn không hiểu sao vẫn còn lành lặn. Không biết các cậu chiến đấu thế nào chứ từ trái nổ đầu tiên mình đã ngất đi. Khi tỉnh lại thấy đang được Hùng cõng rồi ngất tiếp. Sau này, Hùng kể cũng chẳng biết cõng mình đi bao lâu, bao xa cho đến khi ngất. Chỉ biết khi tỉnh lại thì đang ở trong trạm xá.
Trở lại chuyện Hùng. Hôm sau, tôi ra chợ mua một con gà mái, về xin phép cha mẹ Hùng làm bữa nhậu với Hùng. ông cụ im lặng, còn bà cụ nói: "Bác những tưởng cháu giúp nó bỏ rượu, quên cái con bạc tình ấy đi để đứng dậy làm người. Không ngờ cháu mày lại bày nhậu với nó nữa". Tôi trấn an cụ: "Một bữa cuối cùng bác ạ. Rồi cháu sẽ thưa chuyện với hai bác. Bác hãy tin ở cháu". Tôi nói với Hùng: "Đã hai năm rồi mình mới gặp lại. Tao với mày nhậu hôm nay để nhớ lại những ngày mong manh đi giữa sự sống và cái chết ở chiến trường, nhớ những ngày gian khổ, thèm một lúc bình yên nơi quê mình mà không có được. Nhớ thằng Mạnh, thằng Bảo, thằng Tính, thằng Sánh hy sinh mà nhìn lại mình xem có sống xứng đáng với sự hy sinh của dồng đội chưa? Nhậu cho quắt cần câu một bữa cuối cùng rồi khi tỉnh dậy là biết đứng dậy làm thằng đàn ông có nhân cách".
Sau cuộc nhậu lúy túy, hôm sau, tôi trình bày kế hoạch đi Nam khai hoang lập nghiệp với cha mẹ Hùng và Hùng. Quê tôi cũng như quê Hùng, đất hẹp, người đông, bình quân chưa tới 100 m2 trên đầu người. Những quyền lợi ưu tiên cho bộ đội, thương binh đi K về nặng về biểu tượng danh dự hơn là thực tế kinh tế. Đi tìm vùng đất mới để lập nghiệp với những người trình độ văn hóa hạn chế, không nghề chuyên môn như tôi và Hùng là lựa chọn đúng đắn. Trường hợp riêng của Hùng, đi xa để quên đi chuyện tình buồn cũng là tốt. Sự khởi đầu nào cũng gian nan. Dù đã mất đi một phần thân thể nhưng chúng tôi có tuổi trẻ và là thương binh chiến trường K về, tất nhiên chính quyền sở tại sẽ tạo điều kiện giúp đỡ. Cái quan trọng nhất là ý chí. Nhưng thử hỏi, với người lính, để tôi luyện ý chí, có môi trường gian khổ nào bằng chiến trường mà người lính đã trải qua?... Ban đầu vào đây chỉ có tôi với Hùng. Năm sau rủ thêm được ba ông tướng này nữa. Vậy là tiểu đội xưa quy lại được 5 thằng. Bọn tôi cứ đùa nhau là 5 anh em trên một chuyến xe tăng. Nào ngờ...
Phong ngừng nói, dõi ánh mắt ngùi ngùi về xa... Những người có mặt cũng quay nhìn về hướng nhìn của Phong. Ngoại trừ người khách, tất cả đều hiểu điều gì đã xảy ra nơi ấy...
Kể từ khi bủa nhát cuốc đầu tiên đã là 4 năm. Một vùng đất màu mỡ rộng khoảng 20 ha ôm trong lòng vài quả đồi thâm thấp như bát úp đã trùm lên màu xanh của xoài, sầu riêng, chuối, đu đủ, ngô... Đất là một dạng của cải không bao giờ vơi nếu biết tiêu đúng cách. Bốn năm gian khổ nương nhau trong tình đồng đội để nên một màu xanh no ấm. Có thể hiểu, khi xưa, trên chiến trường họ là đồng đội. Bây giờ, trên trận tuyến kinh tế họ vẫn là đồng đội... Hạnh phúc đang định hình. Thắng, rồi đến Hòa, Dũng về quê cưới vợ rồi đưa vợ đến định cư trên vùng đất mới. Phong có lẽ mũi tên của thần chưa chĩa đến anh hoặc như cậu ta nói để thời gian lo cho đứa em học xong đại học. Hùng thì duyên mới đã đến. Tuy cụt một tay nhưng Hùng điển trai nhất trong năm anh em đồng đội. Hùng thường dành phần đi mua nhu yếu phẩm ở cô Thắm, chủ một sạp hàng tạp hóa ở chợ xã. Hùng không chỉ mua được hàng mà còn mua được tình cảm để cô chủ hàng gửi trái tim theo anh lên trang trại. Ngày cưới đã định. Nhưng...
Một tiếng nổ vang rền giữa chiều tháng 5. Thắm giật mình làm chiếc cúp cối loạng choạng rồi ngả nghiêng xuống mặt đường dẫn đến trang trại. Chị nhìn lên trang trại của Hùng - một cột khói bốc cao. ở những trang trại cạnh bên: Phong, Thắng, Hòa, Dũng cũng ngừng tay dõi mắt về hướng tiếng nổ. Linh cảm chẳng lành, cả 4 người xe đạp, xe máy phóng đi...
Một cái hố nông nham nhở còn khét mùi thuốc đạn. Những phần thân thể dập nát của Hùng văng khắp nơi. Thắm ngây ngô với cái mặt thất thần cứ đi tới, đi lui, va vấp mãi giữa hố đạn và những phần thân thể của Hùng trước mắt bốn người đàn ông đứng như trời trồng. Rồi một cái gì như nỗi uất vỡ bung đẩy đi khối nghẹn đang chặn cứng cổ họng, để những tiếng hét bật ra.
- Trời... ơ...ơi!
- H.u...ùng ơi!
Phong nhảy những bước dài, chụp hai vai Thắm, lay mạnh:
- Th...ắm! Nói gì đi! Khóc đi! Khóc đi! Đừng thế này. Hu.. ùng ơi!
Ánh mắt Thắm nhìn Phong dài dại, đờ đẫn. Chợt Thắm nấc lên một tiếng rồi ngất lịm trên tay Phong.
Sáu năm nữa trôi qua. Trang trại của Hùng vẫn sản sinh lợi nhuận với sự chăm sóc và cai quản của Thắm, có sự giúp đỡ nhiệt thành của những đồng đội của Hùng. Đặc biệt là Phong. Anh xem cái chết của Hùng có phần lỗi của anh vì anh đã dẫn dắt Hùng vào đây dựng nghiệp... Dù vô lý nhưng mặc cảm khi đã định lập rồi thì mặc cảm vẫn cứ là mặc cảm nên phần lớn thời gian của anh dành cho lo toan giúp đỡ mẹ con Thắm. (Thắm đã có thai với Hùng trước khi vụ nổ xảy ra. Thằng bé giống Hùng như tạc).
... Người khách nhấp ngụm trà nói:
- Trước khi đến đây, tôi dã được các anh ở ủy ban cho biết về chuyện anh Hùng và chuyện của các anh. Tôi thành thật chia buồn cùng chị Thắm và các anh. âu cũng là phần số của mỗi người... Trở lại chuyện của chúng ta. Chị Thắm à, tôi hiểu vì anh Hùng nên chị mới nghỉ mua bán ở chợ để nối tiếp công việc còn dở dang của anh. Bây giờ phải xa nơi này chắc không ai đành lòng. Nhưng tất cả cũng vì sự phát triển chung. Vùng đất này sẽ không chết đi mà sinh lợi ở một góc độ khác đắc dụng hơn. Chắc rằng vong linh anh Hùng mát lòng khi những điều tốt đẹp anh tạo dựng cùng đồng đội được quảng bá rộng rãi qua ngành du lịch.
Phong nói:
- Chúng tôi từng là người lính. Chúng tôi hiểu việc gì nên làm. Thế gian không có gì là bất biến cả. Sự dời đổi cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, anh em chúng tôi đã từng giành giật cho nhau sự sống ở chiến trường, đã 10 năm gắn bó với nhau trên vùng đất này - nơi một đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống còn làm nhức buốt trái tim tôi. Biết rồi sau này còn có được gần nhau?
Phong nhìn các bạn, nhìn Thắm ý nhị. Hạnh phúc luôn là đích phấn đấu của mỗi người. Đồng đội trân trọng cái nhìn của anh.
Người khách tiếp lời phong:
- Tôi cũng từng là người lính. Lính Trường Sa. Khi hai tiếng đồng đội vẫn còn âm vang trong nhịp đập của trái tim thì chúng ta luôn gần nhau các anh ạ. Cho dù ánh mắt người khách nhìn Phong rồi dừng lại nơi Thắm - trái tim của một đồng đội có ngừng đập, linh hồn của trái tim đó vẫn mong muốn hạnh phúc đến cho đồng đội của mình.
Trang trại đã được công ty du lịch X., đền bù thỏa đáng. Ba đồng đội của Phong chuyển về thị xã làm nghề kinh doanh. Riêng Phong ở lại và được người khách là Phó Giám đốc Công ty nhận vào làm nhân viên của Công ty. Anh ở lại cũng vì Thắm và... Hùng! Đáp lòng vun vén của các bạn dành cho mình trước khi chuyển đi, ý thức được tuổi đời của con người có hạn định, nhất là với xuân sắc của người phụ nữ, Phong đã bày tỏ tình cảm của anh với Thắm và được chị chấp nhận. Đám cưới của đôi bạn sẽ là đám cưới đầu tiên được tổ chức ở khu du lịch sinh thái. Tin rằng, vong linh Hùng sẽ mát lòng khi thấy những người mình yêu thương được hạnh phúc.
T.X.T
(Lạc An, Ninh Thọ, Ninh Hòa, Khánh Hòa)
(HBĐT)- Đã khuya rồi mà Hương không sao chợp mắt được. Không phải vì ngày mai được đi chợ Tết. Hương nhìn lên mái nhà rồi co tròn trong chiếc chăn bông, dưới là chiếc đệm bông lau trải trên sàn, gió dưới sàn vi vu. Hương nghĩ một ngày đi xe về quê có đến trên 100 km nên tối về mới ngấm mệt, may mà Hương không say xe, nếu say thì còn mệt lả hơn nữa.
(HBĐT) - Có đến ba mươi năm rồi, hôm nay, anh Trung mới trở lại mảnh đất này. Mảnh đất mà ngày ấy, anh theo gia đình từ một tỉnh miền xuôi đất chật, người đông lên khai hoang. Học xong cấp II, anh ra tỉnh học, anh ở nhà người anh họ bên này sông, phố Đoàn Kết.
(HBĐT) - Tôi và Hoàng nhà ở cạnh nhau, thuở nhỏ là đôi bạn thân. Chúng tôi có tuổi thơ êm đềm không gợn chút suy tư. Lớn lên, tôi và Hoàng học chung một lớp. Những năm học cấp hai, Hoàng thường có những câu hỏi khiến thầy, cô giáo giật mình. Chẳng hạn, bạn ấy hỏi: “Vì sao con người ta không thương yêu, giúp đỡ nhau để cuộc sống tốt đẹp hơn?” Vì sao cái tát vào mặt khiến người ta nhớ lâu hơn những ngọn roi quất vào người?”... Những thầy, cô giáo đã dạy Hoàng không ai quên được cậu học trò ngoan, hiền, tư duy trước tuổi.
(HBĐT) - Hà chạy như lao xuống bến sông. Cô vừa chạy, vừa phải kìm mình lại để không bị ngã. Dưới bến sông, một phụ nữ vừa bước lên chuyến thuyền khách cuối ngày. Thuyền rời bến khuất bản sau mảng rừng vừa hoe nắng mà bóng tối đã ập xuống.