(HBĐT) - Anh cố ngủ mà chẳng được, hình bóng người mẹ hiền về rõ mồn một. Bố anh mất sau trận bom B52 rải thảm, mẹ liêu xiêu một mình trong ngôi nhà tranh với mảnh vườn nho nhỏ mấy luống rau xanh, mùa nào, thức ấy. Dưới mái nhà, bóng dáng bốn mẹ con ra vào. Khuây khỏa nỗi buồn bố mất, tiếng cười con trẻ lại hồn nhiên, tình làng, nghĩa xóm lại lui tới chuyện trò, nỗi buồn rồi cũng qua đi theo năm tháng.

 

Nhớ mẹ, những sáng tinh mơ rang nắm thính ngô thơm ra bờ sông Rào thả te kiếm con tép, com tôm. Bữa cơm nhà quê có đĩa tép, tôm kho mặn với bát canh rau vườn là đủ xong bữa cơm ngon lành. Hôm nào may mắn được nhiều tôm, tép mẹ cắp chiếc rổ bước vội theo bờ mương ra chợ chiều bán kiếm thêm đồng tiền mua đồng trầu, đồng cau cho đậm cái miệng người già.

Mẹ già rồi nuôi ba anh em. Anh và hai em gái ăn học đến trường làng. Anh, đứa con trai nối dõi, mẹ lo cho anh học hành cho bằng anh, bằng em, còn hai em gái chịu thiệt thòi, đường nào, con gái cũng là con người ta - mẹ nghĩ như vậy, cái nghĩ của mẹ già nơi quê. Thế rồi anh cũng chăm chỉ học hành, lớn lên cũng kiếm được tấm bằng đại học khoa lâm sinh. Anh được nhận vào công tác ở một cơ quan trên tỉnh. Là con em miền núi, anh học ngành lâm sinh là có điều kiện gắn bó với núi rừng quê anh. Nơi chôn nhau cắt rốn, nơi có mẹ già và hai em gái đã nuôi anh ăn học thành người. Anh có vợ, vợ anh công tác ở một cơ quan ngân hàng. Vợ chồng biết dành dụm kế hoạch chi tiêu rồi cũng xây được căn nhà mái bằng trong ngõ phố. Con anh một trai, một gái năm nay đứa học lớp 10, đứa lớp 6. Nhà không giàu sang nhưng con cái ngoan, học giỏi là vợ chồng anh mừng lắm. Những lần về quê, thấy cháu nội khôi ngô, phổng phao, mẹ anh nắm tay vuốt tóc cháu mà lòng thấy vui, niềm vui của người già. Mẹ xuýt xoa nói:

- Con cháu được thế này là phúc lắm. Giữ lấy cái đức để các cháu nó hưởng lộc. Đừng làm điều gì thất đức.

Tâm tính mẹ già người nhà quê là như vậy. Sống không phải cho mình mà sống cho con, cho cháu.

 

Hai em gái đều ở quê, đều có gia đình, một chị làm ruộng, một chị làm cô giáo mầm non của thôn nhưng chẳng có cô nào ở với mẹ. Rất nhiều lần vợ chồng anh vận động mẹ lên ở với con, với cháu - mẹ từ chối:

 

- Thỉnh thoảng mẹ khỏe, mẹ lên thăm con, thăm cháu, mẹ ở quê còn mảnh vườn, căn nhà, còn bà con nội, ngoại. Không khí lại yên tĩnh, sinh hoạt nhà quê mộc mạc, chân tình.

 

Những năm cuối đời còn mấy sào ruộng, khu đồi mẹ chia cho 2 cô con gái cày cấy, trồng trọt. Công việc hàng ngày của mẹ là đi thu gom lá tre, lá nhãn, cắt cỏ phơi khô làm cái đun, cái nấu. Vợ chồng anh và hai cô con gái nhiều lần nói với mẹ dùng củi để đun nấu nhưng đều chịu thua lý lẽ của mẹ:

 

- Mẹ quen đun nấu bằng lá tre, lá nhãn, cỏ khô rồi, cơm vẫn ngon, canh vẫn ngọt, vả lại người già làm một chút cũng khỏe người.

 

Anh thương mẹ sớm hôm lụi hụi, con trai ở xa, con gái người xóm trên, người xóm dưới cũng tất bật việc ruộng đồng và dạy dỗ bọn trẻ nên cũng ít khi về thăm mẹ. Gần tuổi bảy mươi rồi, mẹ vẫn nhanh nhẹn, dáng người dong dỏng cao, gầy nhưng nhờ trời, tai, mắt mẹ vẫn tinh tường. Ra vườn, lên nương là mẹ cầm liềm, cái liềm của mẹ dùng chẳng biết từ bao giờ, chỉ biết khi anh để ý tới nó thì cái lưỡi liềm chỉ còn dài hơn gang tay, mỏng dính và gần như thẳng. Mỗi năm, mẹ lại nhờ ông thợ rèn ngồi ở góc chợ phiên mài, cắt chấu lại một lần. Đôi ba lần anh muốn thay cho mẹ chiếc liềm mới thì mẹ cũng gạt đi:

 

- Mẹ quen dùng cái liềm này rồi, nó nhẹ, nó sắc mà liềm mới bây giờ có ra gì, dùng vài ba bận là trơ ra ấy mà. Không hiểu sao mỗi lần nhớ tới hình bóng mẹ lại thấy cái liềm. Chuyện cái liềm của mẹ không chỉ vợ chồng anh và cả hai em gái anh cũng biết, con anh cũng nghe nói đến chuyện cái liềm của bà nội.

 

Mùa vu lan năm nay, vợ anh không biết thế nào, chiều muộn mới về, lỉnh kỉnh túi trước, túi sau những đồ hàng mã, nào áo quần, mũ nón, tiền vàng. Chị nói năm nay sắm thêm cho bố cái dao quắm phát nương, bộ ấm chén pha trà và chiếc điếu cày, còn mẹ thêm một chiếc cối giã trầu và một chiếc liềm.

 

Nói đến chiếc liềm, tự nhiên người anh nóng lên như thấy hình ảnh mẹ ngày đêm căùm cụi cắt cỏ, cắt hàng rào râm bụt. Cha anh mất sớm, lúc anh còn nhỏ, kỷ niệm về cha ít in đậm trong anh. Còn mẹ, người mẹ một nắng, hai sương cắt cỏ, vun cây, sáng ra sông Rào thả te cất con tôm, con tép. Nhớ hình ảnh mẹ cắp rổ đi chợ, nói sao bán vậy, thật thà, chân quê, ăn ở nghĩa tình. Cái tình, cái nghĩa của bà con sau lũy tre, bên nương lúa cứ như đếm, như củ khoai, hạt lúa. Con trai, con gái sau lũy tre làng lớn lên cắp sách đến trường cũng kế thừa tính chân thật ấy mà thành người. Nhớ lời mẹ dặn: “Thật thà hơn cha quỷ quái”.

 

Mùa vu lan sắm hàng mã đốt tiền vàng về mặt tâm linh là an lòng người sống và thỏa cái hồn người âm nhưng anh cứ áy náy rồi nói với vợ:

 

- Một đời cha mẹ nhọc nhằn với dao quắm, cái liềm, sao cứ để cha mẹ mãi khổ vậy?

 

Vợ anh như sực tỉnh:

 

- Ừ nhỉ, hay mùa vu lan sau ta đốt tiền vàng để các cụ muốn mua sắm ăn tiêu gì cũng được.

 

Nói vậy thôi nhưng trong lòng anh vẫn lấn cấn, ừ thì theo phong tục mà cúng cha, mẹ, đốt tiền vàng hay hàng mã cũng nên vừa phải cho có chứ chẳng nên đua nhau đến đốt cả hàng mã nhà tầng, ô tô rồi cả ô sin giúp việc nữa. Thái quá sẽ là mê tín nhảm nhí, anh chẳng tin.

 

Anh trầm tư, được như ngày hôm nay là nhờ công cha, nghĩa mẹ:

 

Đi khắp thế gian không ai tốt hơn mẹ

 

Gian khổ cuộc đời không nặng gánh bằng cha.

 

Con trai anh nghe nói về mùa vu lan, nó vui vẻ xen vào:

 

- Bố có muốn con làm cho bà nội cái liềm cắt cỏ không? Đảm bảo với bố con mà làm thì nhìn như thật 100%.

 

Nghe con trai nói, anh chị nhìn nhau cười - nụ cười đầy mãn nguyện.

 

                                  Văn Song  (T.T.V)

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Đêm không yên tỉnh

(HBĐT) - Bà Thơm đêm nay thao thức, bà nhớ thằng cháu nội lên 4 tuổi, thằng Toàn. Có nó, nhà vui hẳn lên, miệng nó bi bô, gặp cái gì lạ cũng hỏi, thấy cái gì mới cũng sờ. Tính nó hiếu động, mẹ nó thỉnh thoảng phải đi học, đi công tác xa nhà, nó được gửi cho bà nội trông coi.

Một người bạn

(HBĐT) - Hồi ở trường huyện, tôi có một người bạn học tên là Châu. Nhà chúng tôi cách nhau đến vài chục cây số. Thấy Châu ăn mặc tươm tất, tôi cho rằng Châu là con một gia đình khá giả nên không thích cậu ta. Một lần tôi hỏi Châu giọng kẻ cả:

Lòng hiếu thảo

(HBĐT) - Đang cặm cụi vun gốc mấy khóm mướp đang ra hoa vàng rộ, nghe tiếng xe máy đỗ xịch trước cổng, ông Tý vội ngừng tay chạy ra mở cổng. Thật bất ngờ, thằng cháu đích tôn của ông từ trong miền Nam nghỉ hè được bố mẹ cho ra Bắc thăm ông bà nội. Dễ đến dăm năm nay, cu Tít mới lại được về thăm quê. Lâu ngày gặp nhau, ông cháu bịn rịn. Bà Tý cũng vừa lúc đi chợ về, tay xách túm cua đồng, hồ hởi ôm cháu vào lòng mắng yêu: - Cha bố anh, sao hôm nay mới về thăm ông bà.

Mái ấm gia đình

(HBĐT) - Anh nhận thấy cuộc đời anh vô cùng phi ký và vô nghĩa. Vợ anh ngồi ngay bên cạnh, cách vài hàng ghế, chỉ giơ tay là chạm vào người cô mà sao lạnh lùng, xa xôi vời vợi thế. Vợ anh? Anh giật mình, anh còn được gọi cô là "vợ" không nhỉ? Trời ơi, trước kia, khi chưa phải là vợ anh, cô nói với anh bao lời yêu thương, âu yếm, vút lên từ tình yêu sôi nổi, chân thực. Cô nói nhiều lắm, giờ đây, anh nhớ nhất câu này, nó đang vang lên trong tâm tưởng anh: "Em yêu anh đến trọn đời". Anh được nghe không biết bao nhiêu lần, lần nào anh cũng cảm thấy như mình được nghe lần đầu và lần nào cũng xúc động đến tận đáy lòng.

Quà của bà nội

(HBĐT) - Học xong đại học, Thành làm việc và có vợ ở lại thành phố. Đêm nắm nghĩ thương mẹ ở quê bao năm khó nhọc, bản thân anh chẳng chăm sóc được ngày nào. Bốt mất sớm, nhà có 3 anh em, anh cả ở quê, em gái lấy chồng làng bên dạy học trường làng. Tuổi đã cao, mẹ nghĩ tuổi già như chuối chín cây nên bàn với các con chia tài sản, một mảnh vườn mấy sào, ba gian nhà cấp 4. Làm thủ tục cho gọn nhẹ để khi đau yếu có về theo tổ tiên cũng thanh thản.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục