Tên ghi trong sổ đầu bài của nó là Quy - Trần Kim Quy nhưng bạn bè cứ gọi nó là Rùa - quy rùa. Giờ giảng văn, khi học đến bài An Dương Vương xây thành Cổ Loa được thần kim quy giúp sức, thầy giáo cắt nghĩa: thần kim quy tức con rùa thần, vậy là có đứa hét tướng: Lớp ta cũng có một con rùa... Cái biệt danh Quy rùa có từ đó... Nhưng không chỉ có thế!
Chẳng những mang “tên rùa”, Quy rùa còn “rùa” rất nhiều chuyện. Đi học mười bữa muộn giờ hết tám. Làm kiểm tra thì chuyên gia nộp bài sau chót... Tệ hại nhất là giờ thể dục, chạy cự ly ngắn hay dài cũng vậy, bao giờ cái bóng lệt đệt của nó cũng về nhất... đằng đuôi. Kết quả là được nghe thầy giáo “thưởng” một câu xứng đáng: chậm như rùa!
Công bằng mà nói, Quy rùa học không đến nỗi (ngoại trừ cái môn thể dục ác hại!). Nhưng trông bộ dạng nó chẳng đứa nào muốn gần. Tứ thời bát tiết, đồng phục Quy rùa toàn đồ sida, dép nhựa rẻ tiền, mũ nồi phế thải. Còn nữa, mặt mũi lúc nào cũng lầm lì, im thít! Giờ ra chơi, bọn bạn rủ nhau đi mua quà vặt, Quy rùa không bao giờ tham gia. Cả những trò chơi chạy nhảy, trèo cây cũng thế. Nó trốn ra gốc bàng hay lên thư viện ngồi ôn bài, đọc sách. Lũ bạn bĩu môi: Đồ làm phách! Chỉ nói vụng thôi, cấm đứa nào dám nói to. Còn phải phòng xa lúc bí nhờ Quy chỉ giúp bài. Khoản này thì lạ chưa, thằng Rùa nhiệt tình ra phết!
Nhà Quy rùa ở tận xóm Đông, cách trường non 2 cây số. Bầu bạn cùng lớp hầu hết đi học bằng xe đạp Trung Quốc, Nhật Bản. Có đứa còn được ba mẹ đón đưa bằng xe máy. Riêng Quy rùa vẫn ngày ngày lếch thếch cuốc xe “căng hải” (xe hai cẳng). Thằng Toàn béo, con lão chủ tiệm phở, có lần khinh khỉnh: Nhà nó keo kiệt tới số. Con Thơ điệu, con bà tạp hóa gật gật: ừ! Lần nào nộp tiền xây dựng trường, tiền cắm trại nó cũng trầy trật, phải nhắc năm, bảy lượt... Thằng Tiến Adidas (thằng này đi học chỉ mang mỗi loại giày Adidas) cười hi hí: Tao ấy à! Hôm trước, “bà bô” mua cho chiếc xe Trung Quốc. Tao gào tướng, dọa nghỉ học. ông bô hoảng vía, hộc tốc mang đi đổi con mi ni Nhật láng coóng. Đi xe “căng hải” như thằng Rùa hử? Còn lâu!
Hôm qua, trong giờ thể dục (lại giờ thể dục!), Quy rùa bị ngất xỉu, phải đưa xuống bệnh xá cấp cứu. Cô y sĩ khám nghiệm, xác định: Bị ngất do nhịn đói, kiệt sức Trên đường chở Quy về nhà, thầy chủ nhiệm gặng hỏi mãi, Quy mới thú thật: năm trăm đồng mua xôi sáng, nó đem cho con bé ăn xin ở cổng trường...
*
* *
Sáng thứ hai. Cả trường tập trung dự buổi lễ trao học bổng “Học sinh nghèo vượt khó”. Tên của Quy rùa đứng đầu danh sách. Thầy hiệu trưởng đọc diễn văn phát biểu: em Trần Kim Quy, lớp 7A, hoàn cảnh hết sức khó khăn. Mẹ bại liệt, bố làm thuê, các em còn nhỏ nhưng em vẫn nỗ lực giúp bố việc nhà, vượt khó học tập. Tiếng vỗ tay nổi lên rào rào. Đám bạn cùng lớp với Quy rùa nhìn nhau, ngơ ngác. Trời đất! Hình như chưa đứa nào biết nhà Quy ở đâu thì phải...
Y Nguyên
Đội 4, thôn 2, xã Hòa Vinh, huyện Đông Hòa (Phú Yên)
(HBĐT) - Sau lễ ăn mừng chiến thắng đánh đuổi giặc ra khỏi bờ cõi, Thạch Sanh được nhạc phụ bổ nhiệm làm tri phủ cai quản toàn vùng Hoa quả sơn. Vốn chỉ quen với săn thú, bắn chim, đốn cây, bắt cá, bỗng dưng chuyển sang làm quản lý cả một phủ rộng lớn, Thạch Sanh không khỏi lấn bấn.
Dinh mới tốt nghiệp khóa học trung cấp kế toán. Là một cô gái hiếu kỳ, nên mặc dù mẹ cô có hẳn một xưởng may gia công và sẵn lòng bảo cô làm kế toán, nhưng cô dứt khoát từ chối.
(HBĐT)- Đã khuya rồi mà Hương không sao chợp mắt được. Không phải vì ngày mai được đi chợ Tết. Hương nhìn lên mái nhà rồi co tròn trong chiếc chăn bông, dưới là chiếc đệm bông lau trải trên sàn, gió dưới sàn vi vu. Hương nghĩ một ngày đi xe về quê có đến trên 100 km nên tối về mới ngấm mệt, may mà Hương không say xe, nếu say thì còn mệt lả hơn nữa.
(HBĐT) - Có đến ba mươi năm rồi, hôm nay, anh Trung mới trở lại mảnh đất này. Mảnh đất mà ngày ấy, anh theo gia đình từ một tỉnh miền xuôi đất chật, người đông lên khai hoang. Học xong cấp II, anh ra tỉnh học, anh ở nhà người anh họ bên này sông, phố Đoàn Kết.
(HBĐT) - Tôi và Hoàng nhà ở cạnh nhau, thuở nhỏ là đôi bạn thân. Chúng tôi có tuổi thơ êm đềm không gợn chút suy tư. Lớn lên, tôi và Hoàng học chung một lớp. Những năm học cấp hai, Hoàng thường có những câu hỏi khiến thầy, cô giáo giật mình. Chẳng hạn, bạn ấy hỏi: “Vì sao con người ta không thương yêu, giúp đỡ nhau để cuộc sống tốt đẹp hơn?” Vì sao cái tát vào mặt khiến người ta nhớ lâu hơn những ngọn roi quất vào người?”... Những thầy, cô giáo đã dạy Hoàng không ai quên được cậu học trò ngoan, hiền, tư duy trước tuổi.
(HBĐT) - Hà chạy như lao xuống bến sông. Cô vừa chạy, vừa phải kìm mình lại để không bị ngã. Dưới bến sông, một phụ nữ vừa bước lên chuyến thuyền khách cuối ngày. Thuyền rời bến khuất bản sau mảng rừng vừa hoe nắng mà bóng tối đã ập xuống.