(HBĐT) - - Kịch, kịch, choang! Nghe tiếng động mạnh ở phòng thờ, tôi không kịp tắt máy vi tính vội chạy lên. Trước mắt tôi là cảnh tượng thằng cu Hùng mặt mày xám ngoét, nhìn trân trân vào những mảnh gốm của pho tượng đã vỡ tan tành. Tôi rít lên: - Hùng, sao con dám làm như vậy? Bố nói mãi rồi, đây đâu phải chỗ chơi của con. Mẹ mày về sẽ nhừ đòn con ơi!

Thằng bé mặt cắt không ra máu, đứng chết lặng. Sau khi nghe tôi nói thế, nó òa lên khóc. Tôi ngồi xuống cầm từng mảnh vỡ trên tay, lắc đầu. Biết không thể nào chắp lại được, tôi đành vơ tất cả ném vào chiếc hộp giấy ở góc phòng. Tôi véo vào tai thằng bé và lôi tuột xuống cầu thang.  Thằng Hùng không khóc nữa nhưng nó đờ đẫn nép ở góc giường, hai tay đưa lên quyệt dòng nước mắt lăn dài trên má. Chắc nó đang tưởng tượng ra  một trận roi của mẹ vụt vào mông mà sợ đến thất thần. Nhìn thằng con hơn 5 tuổi, mắt lấm lét. Tôi bồi thêm:  

- Bố nói mãi rồi,  đừng bao giờ động đến ông Thiên sứ của mẹ cơ mà. Rồi bố con mình khổ với mẹ con đây!  Như đã hiểu ra việc rất nghiêm trọng, thằng bé chỉ đứng một chỗ và nước mắt cứ tuôn ra. Tôi nhìn con thấy tội nghiệp quá, ôm nó vào lòng, thủ thỉ:

 - Thôi, ra rửa mặt cho sạch sẽ, hôm nào mẹ về bố tìm cách nói hộ sau!

 Như  đã có lối thoát và được chở che, thằng Hùng biến vào nhà tắm. Từ lúc ấy, tôi không sao ngồi viết được nữa. Trong đầu tôi lóe lên câu hỏi: - Tại sao bọn trẻ con không biết sợ cái gì nhỉ?.  

Vợ chồng tôi đều nghỉ chế độ trước tuổi vì công ty làm ăn thua lỗ đành phải sắp xếp lại tổ chức. Gần một năm nay với  số lương chưa được 4 triệu đồng, bốn miệng ăn, cả nhà loay hoay chống đỡ. Tôi là anh cán bộ kỹ thuật, vợ là cán bộ thống kê, nhà ở trong ngõ cụt nên chưa biết xoay sở thế nào. Mỗi khi đi đâu về nhìn phòng khách đến phòng ngủ, phòng bếp chống tuềnh, chống toàng không có cái gì sắp xếp. Vợ nhìn chồng rồi chồng nhìn vợ và cả hai nhìn các con chỉ biết thở dài. Tôi võ vẽ biết viết tin, viết truyện từ ngày học ở trường. Mấy năm làm ở Công ty, tôi mạnh bạo gửi bài, năm thì, mười họa cũng được một hai tờ báo in cho và có tiền nhuận bút. Nhưng lúc ấy tôi nghĩ nó là niềm vui thứ hai, thứ ba chứ có ai kiếm sống bằng nghề viết đâu. Bẵng đi nhiều năm tôi chẳng viết được dòng nào. Biết mình văn yếu, thơ dở nên không dám lao vào lĩnh vực gần như phải có thiên phú mới nên nghiệp . Từ ngày nghỉ, tôi chợt nghĩ đến công việc viết lách. Tôi tự động viên mình cứ cố, cứ gửi, họa may trúng đề tài báo họ cần, bài được đăng lại có thêm ít tiền nhuận bút mua rau hay cho con ăn sáng. Vợ tôi cũng không ngồi yên được, cô ấy lao ra chợ. Sáng dậy từ 4h đón hàng và ngồi bán rau ở góc phố cho đến tối mịt mới về. Con bé lớn học lớp 3, thằng Hùng đang đi mẫu giáo lớp lớn. Cứ đến đầu năm học là phờ người vì các khoản tiền đóng góp. Nhìn vợ chưa qua tuổi 30 mà má tóp, da tái nhợt vì thiếu ăn, lam lũ, bởi phơi nắng, tắm sương, tôi quặn lòng  nhưng chưa tìm thấy lối thoát. Ngày ngày vợ đi chợ, các con đi học và tôi loay hoay bên những  trang viết. Nhịp sống của gia đình tôi như đã định hình, như vậy hơn một năm nay nên cũng thành quen...  

Đêm cuối thu se lạnh, nhìn hai đứa con ngủ ngon lành trong vô tư. Hai vợ chồng tôi ngồi quấn chiếc chăn mỏng ngang người nói về những điều trăn trở cuộc sống. Thực ra cũng không có chuyện gì lớn lao ngoài miếng cơm, manh áo. Hạnh nhỏ nhẹ hỏi: 

- Anh có muốn thoát cảnh nghèo túng không? 

Tôi nhìn vợ và buông một câu hững hờ: 

  - Làm người ai chả muốn giàu sang, phú quý. 

 - Anh! Có lẽ em không bán rau nữa!

 

- Em định làm gì?

 

- Em theo mấy chị đánh hàng đường biên. Họ làm ăn trúng lắm mà vốn cũng không phải bỏ ra nhiều. Em có người bạn cho vay mấy chục đi lấy hàng rồi trả dần. Anh cứ ở nhà viết lách và chăm con.

 

Tôi gỡ tay vợ, nằm thượt ra giường, nhìn trân trân lên trần nhà. Trong đầu cứ lộn xộn bao nhiêu ý nghĩ mông lung. Tôi thủng thẳng:

 

- Em đi được thì cứ đi, anh sẽ cố gắng lo cho các con vậy!  

Buổi sáng, tôi choàng dậy, ánh nắng ban mai đã le lói ở góc sân. Hạnh và các con đã ra khỏi nhà từ lúc nào không hay. Sẩm sẩm tối Hạnh về. Tôi nhìn vợ bằng con mắt khác mọi ngày. Nét mặt Hạnh hớn hở, đôi mắt sáng lên, khuôn mặt ngời ngời và phơn phớt màu son phấn. Hai tay Hạnh bê một chiếc hộp khá to. Tôi cứ đứng nhìn Hạnh như nhìn một người lạ bước vào nhà. Điều gì đã làm cho vợ mình thay đổi nhanh vậy?  

Hạnh bày các thứ lên bàn thờ. Cô ấy dành hẳn một góc nhà kê chiếc ban nho nhỏ nhưng cũng đủ các thứ như một ban thờ. Hạnh sai tôi mang đến một chiếc ghế gỗ và đặt sau ban thờ be bé ở góc nhà. Cô lầm rầm trong miệng như niệm thần chú và bóc chiếc hộp lôi ra một pho tượng trông rất kỳ quái. Cô nghiêm trang đặt ông tượng trên chiếc ghế rồi làm các thủ tục cho buổi lễ tại gia. Tôi đứng lặng im nhìn Hạnh và chờ sai vặt. Một lúc sau Hạnh đốt nhang, tôi lẳng lặng đi xuống dưới nhà. Chừng một giờ sau Hạnh đến bên tôi hỏi: 

- Anh viết được mấy trang  rồi?  

Tôi không trả lời mà hỏi lại vợ:  

- Em mang pho tượng  dữ tợn ấy về dọa con đấy à?  

Hạnh giải thích:  

- Anh thật chả hiểu đạo, đời gì hết. Mình đi làm ăn buôn bán phải có người chở che. Trần sao âm vậy, ở trần mình không có người đỡ, kẻ nâng thì mình phải tìm cõi khác. Em nói cho anh biết, đố ai làm gì qua được trời đất, thần thánh. Hôm nay em đi lễ chùa Bà Đá và xem quẻ, thầy dặn mình phải thờ ông Thiên sứ thì làm ăn mới nên anh ạ!

Nghe Hạnh giải thích tôi cứ tròn mắt. Sống với nhau gần 10 năm biết tính Hạnh đã nói là làm, đố ai ngăn được. Từ ngày ấy, trên phòng thờ nhà tôi, tối tối lại hắt lên ánh đèn xanh leo lắt. Mỗi khi đi đâu về, Hạnh lại tắm rửa rồi lên thắp nhang khấn vái. Hạnh thoắt về vài ngày để lại cho ba bố con tôi tiền và một số hàng hóa lặt vặt rồi lại tất tưởi ra đi. Tiền ăn hết, tôi mang các thứ ra ngoài cửa hàng bà Sâm cuối phố nhờ bán. Thằng cu Hùng bện mẹ đã quen, tối đến, cậu ta  không có chỗ rúc đầu nên liên mồm hỏi: “Bao giờ mẹ về hả bố?”. Nhiều hôm cu cậu làm  nũng không ngủ, không ăn chờ mẹ. Chị dỗ mãi không được, tôi đành ôm con nựng. Hình như càng được cưng cậu ta càng làm tới, có lần đến gần mười hai giờ vẫn ỉ eo gọi mẹ. Tôi bực mình bế thốc cu cậu chạy lên gác và chỉ vào ông Thiên sứ bằng gốm mắt trắng dã, cằm bạnh oai nghiêm và dọa: “Nếu không ngủ, bố gọi ông này dậy múa đao một vòng nhé!”. Thằng bé nhìn thấy hình thù quái dị và dữ tợn của pho tượng bỗng co rúm người ôm chặt lấy cổ bố. Hóa ra, ông Thiên sứ đã làm thằng cu Hùng biết nghe lời và nằm gọn trong lòng tôi ngủ đến bạch nhật.  

Ngày mỗi ngày trôi qua, mỗi lần Hạnh về tôi vừa mừng, vừa thương và cũng buồn bâng quơ. Tóc Hạnh đã cắt ngang vai, mắt kẻ chì, lông mày tỉa mảnh và tô đậm hơn. Mùi phấn, mùi nước  hoa thoang thoảng mỗi khi Hạnh đi qua. Phải nói rằng nhờ Hạnh bươn chải, sau nửa năm trời, chúng tôi đã khá hẳn. Tôi đổi được chiếc xe máy Tàu bằng   một chiếc Dream nội. Hạnh đã mua cho 3 bố con khá nhiều  quần áo. Mới rồi, Hạnh còn mang về cho tôi máy vi tính và cả bộ máy in. Hạnh cười, ôm lấy cổ tôi thủ thỉ:  

- Anh phải viết nhiều vào, viết hay hơn nhé, gửi bài cho cả mấy tờ báo Trung ương cho nó oách!

 Nghe những lời của vợ chưa từng nói bao giờ, hai chân tôi như nâng khỏi mặt đất.

 Mấy hôm nay lớp thằng cu Hùng được nghỉ. Cậu ta kéo mấy thằng bạn về chạy khắp nhà và chơi cá ngựa. Tôi vẫn mải mê viết mấy bài cho kịp gửi trong tháng. Bọn trẻ nô đùa ầm ĩ, tôi quát:

 - Có yên lặng chơi cho bố viết bài không?

 

 Như hiểu ý, thằng Hùng nói gì đó với lũ bạn và chúng lặng lẽ đi lên trên gác. Tôi ngồi một lúc chợt nghĩ tới lời dặn của vợ, bỏ máy lần khe khẽ lên cầu thang theo dõi bọn trẻ. Thằng Hùng nhà tôi vanh vách:

 - ông tướng nhà tao trông oai chưa, chúng mày không được đến gần, nếu sờ vào ông ấy quật chết đấy!

 

 Một thằng bạn cao to hơn thằng Hùng, giọng nói rắn đanh:

 

 - Mày chỉ nói phét, đây là ông tượng bằng đất nung tô xanh đỏ bán ối ngoài chợ, sợ cái gì!

 

 Thằng Hùng không chịu, nói lại:

 

 - Mẹ tao bảo ông này ở trên trời xuống trần gian để đánh những người nào tham lam, cướp bóc, ức hiếp người lành. Là ông tướng thì phải oai chứ!

 - ôi dào, từ hòn đất thì người  ta nặn cái gì ra cái đó. Nặn con voi thành con voi, muốn hổ được thành con hổ, ông tướng hay người đi cày được tất. Tất cả do người lớn làm ra,  mày chả biết    gì hết!

 - Mẹ tao vẫn khấn ông ấy phù hộ cho mẹ đi chợ đấy. Bố tao bảo đứa nào hư là ông ấy nổi giận thì khiếp lắm, ông ta cầm thanh gươm múa một vòng xoay tít và chặt đầu ngay, khiếp lắm!

 Một thằng bạn chừng 8 tuổi nói với cả nhóm:

 

 - Bác Kính nhà tao là tướng  hai sao mà bác ấy hiền lắm. Tao vẫn thò tay vào túi bác ấy lấy thuốc lá, bác chỉ cười và xoa đầu: “Nếu ăn kẹo bác mua cho chứ đừng hút thuốc lá bác không thích đâu”. ông tướng nhà mày bằng đất tao cóc sợ.

 Thấy cu Hùng im tịt vả lại sợ bọn trẻ hiếu động, tôi bước vào. Nhìn thấy bố, Hùng và mấy đứa bạn nem nép. Tôi giải thích trên này không phải là chỗ đùa nghịch, lần sau nếu các con còn lên là bị phạt. Bọn trẻ lặng lẽ rút xuống dưới nhà. Mấy hôm sau không thấy chúng đến chơi với thằng cu Hùng nữa, tôi hỏi thì nó mếu máo:

 - Bố chẳng chơi với con, các bạn ấy không đến nữa. Các bạn bảo bố chỉ dọa thôi, chỉ có con sợ ông Thiên sứ bằng đất nung chứ chúng nó không sợ!

 

Tôi lặng thinh và suy nghĩ về những lời của con trẻ. Tôi bảo, các anh không đến thì con chơi một mình. Từ hôm ấy, thằng bé tha  thẩn từ ngoài sân, trong nhà, trên gác, tôi cắm đầu vào những trang viết. Tối tối tôi ôm con ru nó ngủ . Một hôm nó thì thào:

 - Bố ơi, con không sợ ông Thiên sứ nữa đâu. Đúng là ông ấy làm bằng đất nung. Con hỏi ông ấy không nói, con sờ mặt, vuốt râu cũng im. Đúng là ông tướng bằng đất bố ạ!

 Tôi lặng im bởi sự phát hiện của thằng bé Hùng về pho Thiên sứ. Tôi nói vớt vát:

 

 - Dù là gì con cũng không được nghịch ở nơi mẹ thờ cúng nghe chưa?

 Nhịp sống của bố con tôi cứ đều đều khi vợ vắng nhà. Mỗi lần ngắm các con ngủ, nghĩ lại những lời của con nói, tôi thấy một niềm vui  mới dâng trào. Tôi thầm nghĩ trong đầu: Sao mình không nói những chuyện hay ở đời cho con nó biết nhỉ? Ngày mai Hạnh về, nhất định mình phải nói cho vợ nghe về chuyện của những đứa trẻ con mới lớn. Nhất định mình phải nói.

 

 

                                                                             Huy Định(T.T.V)

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Hai người bạn

(HBĐT) - Xuân nói: - ở đây có một ông xem tay hay lắm cậu ạ. - Thôi, bỏ cái kiểu mê tín ấy đi - Thuận trả lời. - Sao lại mê tín? Đây là khoa học chứ. Cậu có công nhận thầy thuốc họ chỉ cần xem lưỡi bệnh nhân là có thể đoàn được bệnh không?

Đêm không yên tỉnh

(HBĐT) - Bà Thơm đêm nay thao thức, bà nhớ thằng cháu nội lên 4 tuổi, thằng Toàn. Có nó, nhà vui hẳn lên, miệng nó bi bô, gặp cái gì lạ cũng hỏi, thấy cái gì mới cũng sờ. Tính nó hiếu động, mẹ nó thỉnh thoảng phải đi học, đi công tác xa nhà, nó được gửi cho bà nội trông coi.

Một người bạn

(HBĐT) - Hồi ở trường huyện, tôi có một người bạn học tên là Châu. Nhà chúng tôi cách nhau đến vài chục cây số. Thấy Châu ăn mặc tươm tất, tôi cho rằng Châu là con một gia đình khá giả nên không thích cậu ta. Một lần tôi hỏi Châu giọng kẻ cả:

Lòng hiếu thảo

(HBĐT) - Đang cặm cụi vun gốc mấy khóm mướp đang ra hoa vàng rộ, nghe tiếng xe máy đỗ xịch trước cổng, ông Tý vội ngừng tay chạy ra mở cổng. Thật bất ngờ, thằng cháu đích tôn của ông từ trong miền Nam nghỉ hè được bố mẹ cho ra Bắc thăm ông bà nội. Dễ đến dăm năm nay, cu Tít mới lại được về thăm quê. Lâu ngày gặp nhau, ông cháu bịn rịn. Bà Tý cũng vừa lúc đi chợ về, tay xách túm cua đồng, hồ hởi ôm cháu vào lòng mắng yêu: - Cha bố anh, sao hôm nay mới về thăm ông bà.

Mái ấm gia đình

(HBĐT) - Anh nhận thấy cuộc đời anh vô cùng phi ký và vô nghĩa. Vợ anh ngồi ngay bên cạnh, cách vài hàng ghế, chỉ giơ tay là chạm vào người cô mà sao lạnh lùng, xa xôi vời vợi thế. Vợ anh? Anh giật mình, anh còn được gọi cô là "vợ" không nhỉ? Trời ơi, trước kia, khi chưa phải là vợ anh, cô nói với anh bao lời yêu thương, âu yếm, vút lên từ tình yêu sôi nổi, chân thực. Cô nói nhiều lắm, giờ đây, anh nhớ nhất câu này, nó đang vang lên trong tâm tưởng anh: "Em yêu anh đến trọn đời". Anh được nghe không biết bao nhiêu lần, lần nào anh cũng cảm thấy như mình được nghe lần đầu và lần nào cũng xúc động đến tận đáy lòng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục