(HBĐT) - Cuộc họp bất thường của Đảng ủy xã Thành Trung kéo dài hơn dự kiến đã gần tiếng đồng hồ. Bí thư Đảng ủy Hà Thị Thắm với nét mặt lúc đăm chiêu, khi thì căng thẳng. Từ cán bộ tuyên giáo Huyện ủy, Thắm được tăng cường về Thành Trung theo chủ trương chuyển đổi cán bộ. Ba tháng trời mới đủ cho Thắm nắm bắt tình hình chung toàn xã. Vừa tổ chức triển khai học tập nghị quyết Đại hội Đảng các cấp xong thì Thành Trung xảy ra chuyện...
- Hội nghị đã phân tích nguyên nhân và hậu quả về việc làm của đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã suốt mấy tiếng đồng hồ. Sai đã rõ, đề nghị đồng chí Siêng tự nhận hình thức kỷ luật!
Sau lời kết luận nhẹ nhàng, ngắn gọn và kiên quyết của Thắm, cuộc họp lặng như tờ. Tiếng chiếc quạt trần khô mỡ cứ xiết âm thanh sắc lạnh vào tai mọi người. Phó chủ tịch Siêng mặt đen sạm, mái tóc của anh mọi khi bóng mượt là thế mà giờ đây xù như lông nhím bởi hai bàn tay vuốt lên đầu liên tục. Từ vị trí chủ tọa, Thắm kín đáo liếc nhìn một lượt. Những người ngồi kia, một nửa là họ hàng gần xa bên nhà chồng của Thắm...
... Hai mươi ba tuổi, Thắm tốt nghiệp đại học nông nghiệp và về nhận công tác ở huyện vùng sâu Tân Thượng. Thắm có cái duyên nói chuyện, mỗi khi Thắm ngồi đâu là mọi người cứ vây quanh. Tiếng là ba năm ở phòng nông nghiệp nhưng Thắm ở các xã là chính. Khi Thắm về, Tân Thượng bắt đầu triển khai chương trình chuyển đổi giống cây trồng - vật nuôi. Một tổ chuyên trách được thành lập để tư vấn cho Huyện ủy mà Thắm là tổ phó. Ngay hôm ra mắt, khi tan cuộc họp, bác Vinh, Bí thư Huyện ủy gọi Thắm vào phòng. ông kéo ghế mời Thắm ngồi và hỏi:
- Cháu đã yên tâm công tác chưa?
- Dạ thưa bác, cháu đã sẵn sàng vào việc!
- Cháu đã có người yêu chưa?
Thắm lúng túng, mặt đỏ dần , hai tay đan vào nhau:
- Bác ơi, cháu lo lắm ạ. Nếu không làm được như ý bác nói sáng nay, cháu chỉ còn nước trốn về với mẹ thôi. Liệu lúc đó bác có kỷ luật cháu không?
- Sự nghiệp của Đảng là sự nghiệp của đại đa số quần chúng. Bác và các cô, các chú trong Huyện ủy là chiếc đầu tàu để kéo đoàn tàu đi. Cháu và những người cán bộ trẻ có tri thức, nhận thức phải cùng Đảng bộ gánh vác nhiệm vụ. Đã là con người thì có nhiều cái tốt, song cũng có điểm yếu. Trong công việc có lúc sai nhưng sai thì sửa, chưa làm tốt làm lại chứ không thể bỏ chạy, trốn tránh.
Lúc tiễn Thắm ra tiền sảnh Huyện ủy, bác Vinh nắm chặt bàn tay của cô giao hẹn:
- Cháu phải trở thành đảng viên của Đảng bộ Tân Thượng mới được lấy chồng đấy nhé!
... Câu nói của Bí thư Huyện ủy vẫn còn văng vẳng bên tai Thắm, vậy mà đã 8 năm trôi qua. Tám năm ấy, bàn chân Thắm đã in trên nẻo đường của 23 xã vùng miền đất thượng du này. Từ cô kỹ sư nông nghiệp, Thắm sang công tác huyện đoàn và được cử đi học trung cấp lý luận chính trị. Tốt nghiệp về huyện chưa bao lâu, cô được phân công sang Ban Tuyên giáo. Những ngày tháng lăn lộn với cơ sở, Thắm càng hiểu sức nặng của lời nói trên diễn đàn chỉ chiếm ba mươi phần trăm, số còn lại phải được minh chứng bằng hành động. Một phần tư số hộ của Thành Trung trong diện đói nghèo. Những ngày tháng về đây, Thắm mới rõ nhiều nghị quyết của Đảng chưa thấm sâu vào lòng dân. Một số chính sách của Nhà nước chưa trở thành hiện thực trên mảnh đất chỉ có đồi rừng này. Nhiều chủ nhật Thắm không về thăm mẹ, cô xỏ chân vào đôi giày bảo hộ, phóng xe vào tổ kỹ thuật của huyện Đoàn đang làm ở Thành Trung. Mỗi lần thấy Thắm đến, anh chị em mừng lắm. Có những cô, cậu đã từng cùng Thắm xuống các xã trong mấy năm cô còn công tác bên huyện Đoàn. Lớp trẻ dễ hiểu nhau, giờ đây, anh, chị em vẫn hay qua chỗ Thắm trao đổi. Họ biết Thắm là người đau đáu với đề tài trồng cây trẩu trên đất Thành Trung. Nếu không thay đổi vị trí công tác thì năm ngoái, Thắm xin quyết định của huyện cho triển khai 10 ha đầu tiên ở đất đồi xóm Liên Hòa. Thắm chọn Liên Hòa làm điểm bởi có ba lý do. Thứ nhất vì Liên Hòa là xóm trung tâm, thứ hai có trường THCS và điều quan trọng nhất là ở Liên Hòa có chi đoàn tương đối đều về nhận thức và nhiệt tình với các phong trào. Thắm đã cất công về tận Sở NN&PTNT để mời bằng được cán bộ Trung tâm KN-KL về khảo sát thổ nhưỡng đồi, đất Thành Trung. Vùng này chỉ hợp với hai loại cây trẩu và trám nhưng trồng trám cho lâu dài, trẩu sau 2 - 3 năm đã thu hoạch. Ngoài ra, những cây ngắn ngày khác như sả, khoai nương, đậu, ngô vẫn trồng xen được. Một ha trẩu khi có quả thu được từ 7-8 triệu đồng. Thắm chưa quên những ngày tháng đến với Thành Trung tuy đã bàn giao việc cho người khác...
- Chị ơi, số trẩu ươm đợt đầu đã lên hai lá rồi, còn đợt sau cũng đang nhú mầm cả lượt. Chúng em mừng quá, chị là chỗ dựa tinh thần cho bọn em đấy!
Giọng nói chứa chất niềm vui của Thìn, nhóm trưởng đã lây sang cả Thắm. Dựng xe, Thắm cùng mấy chị em kéo nhau ra khu vườn ươm mượn tạm của nhà trường. Nhìn những chiếc lá trẩu xanh non đang xòe như bàn tay trẻ đón ánh nắng lọt qua lớp phên mỏng của giàn che, lòng Thắm nao nao. Thắm cầm bầu lên xem, lấy chiếc thước Thìn đưa, đo chiều cao và ngắm cây giống.
Từ đó, chủ nhật nào Thắm cũng vào với Thành Trung, cùng tổ kỹ thuật trèo hết đồi nọ sang đồi kia. Nhiều hôm mải ngắm đồi trẩu non tơ, Thắm quên cả giờ về huyện. Thấy Thắm tận tâm với cây trẩu quê mình, Bí thư xã đoàn Đinh Thế Ngọ nửa thật, nửa đùa:
- Yêu cây trẩu hay yêu người trồng trẩu đấy?
Thắm hóm hỉnh trả lời:
- Cả hai anh có ý kiến gì khác không?
Tưởng nói cho vui, nào ngờ Ngọ xăm xăm chạy đến. Hai bàn tay anh còn đầy đất cứ nắm chặt lấy tay Thắm. Mắt Ngọ sáng, rọi vào khuôn mặt của Thắm đang đỏ dần. Anh giao ước:
- Nhớ nói lời phải giữ lấy lời, nếu Thắm bỏ chạy, tôi ra tận huyện kéo về đấy!
... Đến bây giờ, nhiều lúc, hai vợ chồng rảnh rỗi ngồi bên nhau, Ngọ lại đem câu chuyện thuở ấy trêu Thắm:
- Ngày đó, tớ đùa thế mà có người theo về “xin chết” với đất này mới lạ!
Thắm cũng chẳng chịu thua:
- Không ra van nài, đưa đón thì trẩu cũng chết mà người thì ế. Bây giờ có cả trăm ha, mỗi năm thu mấy trăm triệu từ trẩu. No cơm, đủ tiền lại giở giọng phải không?
Ngọ cười dàn hòa:
- Công của em với Thành Trung thì rõ rồi nhưng cũng phải kiểm điểm với bố con anh. Em cứ đi biệt ngoài huyện, thả thằng con nghịch như quỷ sứ ở nhà cho anh xoay xỏa mệt lắm!
- Nếu em xin về xã công tác đi từ sáng đến đêm, anh còn la đến đâu!
- Thôi, anh xin em, mình anh làm việc ở xã là đủ. Em tưởng về quê đơn giản à, nhìn trước, ngó sau toàn anh em họ mạc, làm việc khó lắm!
... Mặc dù Thắm đã chuẩn bị tư tưởng, vậy mà sao vẫn khó khăn như phải một mình vượt sông, trèo núi. Thắm biết có bao con mắt đang đổ dồn về cô, hàng trăm con người ở xóm ngoài, làng trong chờ quan điểm của Bí thư Đảng ủy Thành Trung. Như có sức đẩy của chiếc lò so, Thắm đứng lên, giọng nói quả quyết:
- Đồng chí Siêng bật tín hiệu cho 15 hộ xóm Bầu Đá chặt trắng hơn 30 ha trẩu đang ra hoa vụ thứ tám là không chấp nhận được. Chúng ta mới tồn đọng khoảng 500 tấn hạt trẩu từ vụ trước do thị trường Trung Quốc có biến động. Các đồng chí chưa thấy tác hại của sự việc này đâu. Dân đang nói rằng: “Cán bộ, đảng viên phá rừng để trồng dứa xuất khẩu kiếm to hơn. Họ làm được tại sao dân không làm?”. Trồng cây gì, bỏ cây gì, việc này chúng ta phải bàn bạc thống nhất dựa trên các nguồn thông tin thị trường tin cậy. Bài học về trồng cây gió, cây mây trước đây ở xã ta còn chưa thấm hay sao. Nguy hại hơn là từ chuyện phá rừng ở Bầu Đá dẫn đến phản ứng dây chuyền sang xóm Cây Khế, xóm Gò Tre. Theo báo cáo của nông lâm xã, số trẩu bị phá ở ba xóm trên đã gần 60 ha. Với tinh thần người đảng viên và là cán bộ lãnh đạo, đồng chí Siêng hãy dũng cảm, nghiêm khắc với chính sai trái của mình!
Thắm dừng lại, lướt nhìn khắp cuộc họp. Nét mặt mọi người đanh lại, chăm chú. Nhấp ngụm nước, Thắm trùng giọng:
- Nhân đây xin thông báo ý kiến chính thức của Viện tinh dầu thực vật là sẽ bao tiêu toàn bộ sản lượng hạt trẩu của huyện ta. Giá cả căn cứ vào chất lượng nhưng không thấp hơn giá tư thương đang thu gom hiện nay. Vậy là người nông dân Thành Trung vẫn có thể no đủ từ cây trẩu. Chủ trương, phương án liên kết bốn nhà sẽ là điểm tựa cho người nông dân trong quá trình hội nhập. Tới đây, ta bàn nên phát triển diện tích trẩu bao nhiêu là phù hợp, còn lại dành diện tích cho giống cây mới của dự án phát triển lâm nghiệp bền vững. Thành Trung phải phấn đấu là xã điển hình của huyện biết làm giàu từ đất đồi rừng!
Lời thông báo tưởng như ngoài lề cuộc họp của Thắm đã tác động đến ông Siêng rất mạnh. ông biết tính Thắm từ dạo mới về, tuy là chú họ của chồng Thắm nhưng nhiều lúc ông phải nể cô cháu dâu. Chính vợ chồng Thắm đã thuyết phục ông phá bỏ mây chuyển sang trồng trẩu xen chè. ông xây nhà, mua xe, cưới vợ cho thằng Năng, nuôi con Hiền ăn học ngoài tỉnh cũng từ tiền bán hạt trẩu mà ra. Chỉ tại mấy con mẹ buôn tung tin Trung Quốc không dùng dầu trẩu nữa. Nhà ông tồn hơn 2 tấn, vợ ông như ngồi trên lửa. Bà vợ cứ thấy ông về đến nhà là nói chuyện chặt bỏ trẩu trồng cây nọ cây kia. ông vùng vằng:
- ừ thì phá, bà muốn trồng gì tùy bà nhưng vừa làm, vừa nghe ngóng!
Thế là vợ ông mướn người chặt tan tác hai quả đồi chỉ trong có mấy ngày ông đi tập huấn ngoài tỉnh. Nhà ông phá, hàng xóm chặt. Nhà nọ theo nhà kia, chẳng mấy chốc hơn 20 ha trẩu đang nở hoa trắng bị xóa sổ. Lợi chưa thấy đâu, còn ông muối mặt với Thắm, tập thể lãnh đạo. Vò đầu một lúc, ông từ từ đứng dậy. Giọng ông đặc quánh như nghẹt:
- Tôi xin nhận trách nhiệm về việc để gia đình tôi đã làm. Tôi cũng xin nhận hình thức cảnh cáo toàn Đảng bộ. Gia đình tôi sẽ khắc phục hậu quả bằng trồng lại toàn bộ diện tích trẩu đã mất với tiền giống của mình!
Cuộc họp lắng một lúc lâu rồi chỗ này, góc kia mới có tiếng xì xào. Thắm nhìn ông Siêng với ánh mắt chứa chan tình cảm gia đình. Thắm thở nhẹ, kết luận:
- Đảng ủy Thành Trung hoan nghênh ý thức, trách nhiệm của đồng chí Siêng. Chúng ta tôn trọng ý kiến cá nhân, còn mức độ kỷ luật sẽ chờ cuộc họp của Ban Thường vụ vào tuần tới. Đảng ủy sẽ bàn thêm với đoàn thanh niên, giúp đỡ gia đình đồng chí Siêng khôi phục lại rừng đã mất!
Cuộc họp tan, trời đã xế chiều. Mọi người ùa ra sân hít thở không khí mát rượi dưới tán trẩu rợp sân. Nhìn những chùm hoa trắng muốt xen trong vòm lá xanh rì. Một mùi hương thơm nồng nhẹ thoảng qua theo từng cơn gió. ông Tình, Chủ tịch UBND xã giọng nói sang sảng:
- Nhìn hoa trẩu mùa này, đến vụ thu ước tính Thành Trung phải đạt từ 2.000 tấn hạt trở lên.
Thắm xách cặp, đi lại chỗ ông Siêng:
- Chắc cái Hiền chưa tới đâu, chú về cùng xe cháu nhé!
Nắng đầu hạ rải một màu vàng nhạt khắp các triền đồi trẩu bạt ngàn. Hoa trẩu trắng nổi trên nền lá xanh rì, trông xa như một đàn bướm khổng lồ rập rờn trước gió. Chiếc xe máy nổ giòn, đưa hai chú cháu Thắm đi qua những bản làng dưới chiều quê miền sơn cước.
Phạm Huy Định
(HBĐT) - Đã từ lâu lắm, một bức thông điệp về khát vọng hòa bình và tươi vui được gửi cho muôn loài. Từ cánh rừng Phổ Luông, sau đợt khai thác trắng, tiếp đến là đốt nương làm rẫy của con người. Ngọn lửa đỏ đã liếm gọn từ cây cỏ đến những thân gỗ lớn. Làng mạc của những cư dân kiến bé nhỏ cư trú sầm uất là thế bỗng trở nên tiêu điều. Nhiều công dân chậm chân đã chết yểu trong khói lửa.
(HBĐT) - Nó nhận chân làm tạp vụ ở công ty Hoàng Hoa, Công ty chuyên doanh hàng thêu xuất khẩu. Với đồng lương không nhiều, công việc cũng chẳng có gì nặng nhọc lại làm việc ngoài giờ nên nó có thời gian chạy đi, chạy lại kiếm thêm tiền.
(HBĐT) - Bác Cộc một thời ở đội quân nhạc làm anh nhạc công đánh trống. Đơn vị phân công anh vào quân nhạc cũng có cái lý của nó bởi lẽ anh em thấy anh gõ vào cái xoong, cái nồi, đến cái bình tong đều có âm thanh, nhịp điệu. Được một thời gian, Cộc không toại nguyện, nằng nặc đề nghị cấp trên sang làm anh lính bộ binh để đánh giặc. Anh tâm sự, đã đi lính là phải cầm súng, ra chiến trường mà tiêu diệt giặc còn làm cái anh nhạc công thì ở nhà cũng tha hồ đánh cồng, đánh chiêng.
(HBĐT) - Xuân nói: - ở đây có một ông xem tay hay lắm cậu ạ. - Thôi, bỏ cái kiểu mê tín ấy đi - Thuận trả lời. - Sao lại mê tín? Đây là khoa học chứ. Cậu có công nhận thầy thuốc họ chỉ cần xem lưỡi bệnh nhân là có thể đoàn được bệnh không?
(HBĐT) - Bà Thơm đêm nay thao thức, bà nhớ thằng cháu nội lên 4 tuổi, thằng Toàn. Có nó, nhà vui hẳn lên, miệng nó bi bô, gặp cái gì lạ cũng hỏi, thấy cái gì mới cũng sờ. Tính nó hiếu động, mẹ nó thỉnh thoảng phải đi học, đi công tác xa nhà, nó được gửi cho bà nội trông coi.
(HBĐT) - Hồi ở trường huyện, tôi có một người bạn học tên là Châu. Nhà chúng tôi cách nhau đến vài chục cây số. Thấy Châu ăn mặc tươm tất, tôi cho rằng Châu là con một gia đình khá giả nên không thích cậu ta. Một lần tôi hỏi Châu giọng kẻ cả: