(HBĐT) - Nguyệt đẹp như một vầng trăng, lại là vầng trăng 18 bởi khi đó, trăng gần như đã thu hết ánh sáng của mặt trời để tạo ra cho mình một nét đẹp riêng.
Tôi 35 tuổi, có cả 10 năm làm báo, lăn lộn từ những làng quê đêm đêm còn thắp ngọn đèn dầu che bóng cho đến ở những nơi tất cả mọi người đều sang trọng, quý phái, ăn nói với nhau lịch thiệp. Đôi mắt của tôi đã nhìn thấy biết bao nhiêu phụ nữ, từ cô gái quê mặc hai chiếc áo che nắng cấy lúa trên đồng đến những cô gái xinh đẹp trên đường phố, chỉ cần lướt qua mặt là còn để lại phía sau lưng một mùi thơm dịu nhẹ. Nhưng tôi gặp Nguyệt trong một hoàn cảnh hoàn toàn khác biệt. Tôi là một nhà báo, còn Nguyệt là một phạm nhân đã bị kết án tù, lại là mức tù khá nặng: 10 năm. Năm nay Nguyệt mới 25 tuổi, liệu 10 năm ở trong trại cải tạo sẽ thay đổi con người của Nguyệt như thế nào? Đó chẳng phải là một giấc chiêm bao, càng không phải là thử thách và còn là sự ăn năn cho một sai lầm.
Trại cải tạo nằm hun hút sâu khi xe đưa tôi qua chiếc cổng có những anh cảnh vệ đứng gác. Con đường vào trại là hai hàng cây bạch đàn đang vi vu cùng gió. Nếu không biết đây là trại cải tạo, tôi sẽ ngỡ đây là một nông trường, hay ít ra là một khu du lịch bởi tôi đã thấy những bồn hoa được tỉa tót khá cẩn thận, các loại cây cảnh với đủ màu sắc: xanh, bạc trắng và đỏ, cơ man nào là hoa bươm bướm chao vàng rung nhẹ trong gió sớm mai.
Xe dừng lại ở khu làm việc. Anh Ngọc, Trưởng Trại có vẻ tự hào nói với tôi: “Tất cả những công trình xây dựng này đều do trại viên xây”. Bộ ghế gỗ chạm trổ tinh xảo anh mời tôi ngồi cũng là do trại viên làm ra.
Tôi tò mò nhìn ra con đường đẹp. Từng toán người đi qua, họ đi chậm rãi và có lẽ họ đã đi qua nhiều lần trên con đường này. Nếu tôi đọc được ý nghĩ của họ, chắc chắn tôi sẽ viết được một bài báo hay. Tôi đang thả dòng suy nghĩ của mình trước đoàn người đang lướt trên đường thì anh Ngọc đã chế trà xong. Anh nói:
- Chuyện cô Nguyệt là huyền thoại. Tôi đã báo cho cô ta biết là hôm nay sẽ có một nhà báo tới gặp. Anh đợi một tí.
Trong khi chờ đợi, anh Ngọc cho tôi biết, Nguyệt can tội ngộ sát chồng. Nói rõ hơn là Nguyệt đã là một phạm nhân can tội giết người. Anh Ngọc thở dài: “Nếu cô Nguyệt lấy được một người chồng tốt thì cô ta đâu phải vào đây”. Tôi im lặng, uống một hớp trà nóng anh Ngọc vừa mới rót ra. Một người phụ nữ giết chồng lại vừa có hành vi cứu một lúc 4 em bé suýt bị chết đuối. Điều đó nói lên điều gì? Giữa cái chết và sự sống có ranh giới nào để ta chọn lựa!
Nguyệt bước vào phòng khách. Gương mặt hoàn toàn không son phấn. Mái tóc óng như tơ khiến tôi không hiểu là ở trong trại giam, Nguyệt đã dùng loại dầu gội đầu gì? Tôi quả thật bất ngờ trước nhan sắc của Nguyệt, suýt nữa tôi phì cười khi Nguyệt gật đầu chào tôi: “Em chào cán bộ”.
*
* *
Cuộc tình của Nguyệt và Hải là một cuộc tình trao đổi. Đối với làng quê nơi Nguyệt và gia đình sinh sống, sự giàu có là nỗi ám ảnh không nguôi. Trời đất dường như không đãi ngộ con người ở đó. Nắng cứ chiếu rọi làm cho cát cứ nhảy tung lên đến độ bất cứ một hạt giống nào khi vùi trong đất cũng chẳng thể cựa mình đâm lá. Từ đó có rất nhiều đứa con gái đã từ bỏ miền đất nóng của mình, tìm đường đến những thành phố lớn với hy vọng đổi đời. Những người ra đi đó quả thật mau chóng đổi đời, mang tiền bạc về phá dỡ những ngôi nhà lá để biến chúng thành những ngôi nhà ngói xinh đẹp.
Nguyệt là cô gái đẹp nhất làng. Nhưng sắc đẹp đôi khi chẳng thể nào nhận được hạnh phúc bởi dường như thượng đế luôn trêu cợt con người. Nguyệt biết mình có nhan sắc và cũng như bất cứ người con gái nào trên thế gian này, Nguyệt tin rằng số phận chẳng đánh đố cô để cô phải ôm hận.
Để đi tìm tương lai cho mình, Nguyệt theo bước chân của những cô gái khác trong làng lên thành phố. Bài học đầu tiên ở nơi vang lừng tiếng nhạc, xe cộ chạy không ngừng là sự ngả bán đến độ lạnh lùng và sòng phẳng. Ngay từ những ngày đầu tiên ở thành phố, Nguyệt đã được gặp một người chuyên săn lùng người đẹp cho các cuộc thi biểu diễn thời trang, đó là Hải. Hải là hoạ sĩ khá bận rộn với việc thiết kế sân khấu cho các chương trình ca nhạc. Sau đó, anh nhảy qua việc tạo mẫu thời trang và trở thành một người được các doanh nghiệp tin cậy. Được Hải chỉ dẫn, chẳng mấy chốc Nguyệt có chỗ đứng hẳn hoi và trở thành người mẫu khá ăn khách. Hải trở thành ông bầu của Nguyệt, mọi việc mời Nguyệt biểu diễn đều phải thông qua Hải. Với Nguyệt, điều đó chẳng hề làm cô buồn phiền, vì dù sao nếu không có Hải, Nguyệt đã đi trên con đường khác.
Kết quả của cuộc gặp và sự hoán đổi vai trò của một cô gái nhà quê trở thành người mẫu thời trang là trái tim Nguyệt chao đảo trước Hải. Dù biết Hải đã có gia đình nhưng với Nguyệt, điều đó không quan trọng bởi có ai giải thích được trái tim của người đàn bà? Trên sân khấu, họ chỉ là ông bầu và người biểu diễn. Nhưng ở trong căn phòng nhỏ ở một khu xa dân cư, họ là đôi vợ chồng. Hải rất sợ vợ mình phát hiện ra chuyện giữa anh và Nguyệt bởi bà ta là trụ cột chính nắm giữ tiền bạc trong gia đình. Vợ Hải là chủ một vựa trái cây khá lớn ở chợ M., chính bà ta đã dùng tiền của mình nuôi Hải trong những ngày anh còn là sinh viên. Vì thế, Hải nên vợ, nên chồng với Hoa.
Cái kim dù có giấu kỹ trong chiếc gối bông gòn êm ái bao nhiêu thì lâu ngày cũng lòi ra. Khi Nguyệt mang thai bé Kim, chuẩn bị tới ngày sinh nở, bà Hoa đã biết chuyện của hai người. Khi đó Nguyệt không lên sân diễn được, rất may là nhờ biết chắt chiu, dành dụm nên Nguyệt còn một số tiền cất khá kỹ, Hải không bao giờ biết đến. Nguyệt không đi diễn, ở nhà đợi ngày sinh con.
Điều bất ngờ là một buổi chiều nọ, bà chủ nhà thông báo với Nguyệt:
- Cô phải dọn nhà đi thôi. Tôi không thể để cô tiếp tục ở đây được nữa!
- Tại sao?
- Bà Hoa đã tìm tới chồng cô, ông Hải đó. Nếu tôi còn để cho cô ở thì họ sẽ không để cho tôi làm ăn. Cô thứ lỗi.
Chiếc bụng đã lớn, Nguyệt chẳng thể nào về quê. Hải lại trốn biệt dù Nguyệt đã tìm đủ mọi cách liên lạc với anh. Thế là Nguyệt phải tìm thuê một căn hộ nhỏ ở Gò Vấp, gọi điện nhờ mẹ lên lo cho mình tới ngày sinh nở.
Chuyện như thế thì chắc chẳng có gì xảy ra bởi Nguyệt không ân hận về sự lựa chọn của mình. Nguyệt bằng lòng có một đứa con dù không có Hải bên cạnh. Sau khi sinh nở xong, Nguyệt tính sẽ mở một quán cà phê.
Tiếc thay, đứa con tròn một tháng tuổi thì Hải và bà Hoa tìm tới nhà Nguyệt đang ở. Họ muốn lấy bé Kim. Hải nói:
- Đời em còn dài, em lại có nhan sắc, em có thể lấy chồng và sinh đứa con khác. Còn hai vợ chồng anh chẳng có một đứa con nào!
Nguyệt trừng mắt:
- Anh dám nói thế sao?
Rồi tới bà Hoa:
- Mày phải đưa đứa con cho tao. Mày không được quyền nuôi nó!
Hai người giằng xé bé Kim. Nguyệt với lấy chiếc dao Thái Lan gần đó hăm dọa. Chiếc dao đã vô tình đâm ngọt vào trái tim Hải.
Tôi hứa với Nguyệt là tôi sẽ tìm tới nhà cô thăm bé Kim, tôi cũng hứa là sẽ ra chợ mua một bó hoa cẩm chướng để lên mộ Hải. Nguyệt khóc sướt mướt: “Em đâu có đáng gì để đưa lên báo!”. Cách đây một tháng, khi làm nhiệm vụ trong đội tự giác giữ rẫy, Nguyệt đã lao mình cứu 4 đứa bé bị trôi trên dòng nước. Suýt nữa thì Nguyệt đã bị dòng nước ấy cuốn đi. Anh Ngọc đưa tôi ra cổng nói:
- Anh nhà báo ạ, cô Nguyệt đáng được xóa tội không?
Tôi cười:
- Tôi chỉ muốn viết về số phận một con người.
Anh Ngọc cười:
- Tôi đang làm tờ trình xin cho Nguyệt được đặc xá.
Rồi anh chỉ tay về phía trước:
- Trại sẽ cấp cho Nguyệt một căn nhà, mấy sào đất. Nếu thích, Nguyệt cứ ở lại đây!
Tôi cười với anh Ngọc. Anh đưa tôi một chiếc chén gốm nung xinh xinh:
- Kỷ niệm nhà báo. Đây là chén gốm do Nguyệt làm ra ở lò gốm của trại đó.
Tôi bước theo những hàng cây đang vi vu cùng gió. Nắng nhẹ len chạn vào chiếc chén trên tay tôi, nắng tỏa khiến tôi tưởng mình đang cầm trên tay chiếc chén bằng ngọc.
Khuê Việt Trường
(Số 6, đường 1A Bình Tân - Nha Trang)
(HBĐT) - Chuông đồng hồ nổi nhạc, chị Vân giật mình, đã 10 giờ đêm rồi cơ à. Sao hôm nay thời gian trôi nhanh thế, mà giờ này Phong vẫn chưa về. Mai xuống nhập trường rồi, không về mà sắp xếp đồ dùng, sách vở, sáng mai lại cuống lên, con với chả cái chỉ được nết ham chơi - Chị Vân đi ra đi vào vẻ số ruột. Mãi gần 12 giờ đêm, Phong mới về, chị nhắc nhẹ con:
(HBĐT) - Cháu Thoa bị cúm đã hai ngày, hai ngày phải nghỉ học nằm bẹp trên giường. Buổi sáng, mẹ dậy sớm mua cho Thoa bát bún thang nóng hổi. Mẹ dỗ dành mãi Thoa mới ăn hết một phần ba, số còn lại lựa lúc mẹ xuống bếp, Thoa rón rén đổ vào thùng nước gạo.
(HBĐT) - Cuộc họp bất thường của Đảng ủy xã Thành Trung kéo dài hơn dự kiến đã gần tiếng đồng hồ. Bí thư Đảng ủy Hà Thị Thắm với nét mặt lúc đăm chiêu, khi thì căng thẳng. Từ cán bộ tuyên giáo Huyện ủy, Thắm được tăng cường về Thành Trung theo chủ trương chuyển đổi cán bộ. Ba tháng trời mới đủ cho Thắm nắm bắt tình hình chung toàn xã. Vừa tổ chức triển khai học tập nghị quyết Đại hội Đảng các cấp xong thì Thành Trung xảy ra chuyện...
(HBĐT) - Chiều cuối tuần, chị Lê tranh thủ làm nốt phần việc ở cơ quan rồi rảo bước nhanh ra chợ kiếm món gì cho bữa ăn tối. Lượn đi, lượn lại mấy vòng chợ cuối cùng, chị cũng tay sách nách mang nào túi cua, túi ốc, nắm tay khoai… và không thể quên mua món cá bống suối về kho tương. Chị vẫn là người có tiếng cẩn thận trong cách chọn các món ăn sao cho hợp túi tiền lại đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chị bảo, thời buổi này nếu không phải là người nội chợ thông thái thì ít ra cũng phải biết chọn cho mình những món ăn “sạch”. Cho nên tâm điểm chợ mà chị quan tâm là cuối con đường làng văn hoá xóm Tân Lập, nơi tập trung các loại rau xanh, cá, tôm, lươn, ốc, ếch… do người dân trong xóm làm ra trên chính mảnh vườn của gia đình, hoặc kiếm được ở các con suối quanh làng.
(HBĐT) - - Kịch, kịch, choang! Nghe tiếng động mạnh ở phòng thờ, tôi không kịp tắt máy vi tính vội chạy lên. Trước mắt tôi là cảnh tượng thằng cu Hùng mặt mày xám ngoét, nhìn trân trân vào những mảnh gốm của pho tượng đã vỡ tan tành. Tôi rít lên: - Hùng, sao con dám làm như vậy? Bố nói mãi rồi, đây đâu phải chỗ chơi của con. Mẹ mày về sẽ nhừ đòn con ơi!