(HBĐT) - Đang học trường PT DTNT tỉnh, Páo được nghỉ sớm để về đón Tết của người Mông trên vùng cao. Páo hăm hở, sáng sớm khoác túi ra bắt xe, Páo mừng lắm. Anh thanh niên Mông năm nay bước sang tuổi 17, đang học lớp 10, có dáng người mập, bước đi chắc nịch, mắt sáng nhưng có biệt tài thổi khèn và múa giỏi. Mỗi lần có sinh hoạt văn nghệ, tiết mục của Páo được bạn bè nhiệt liệt khen ngợi.
Trên đường đi về phía núi cao, nơi có bản Tà Lùng, một bản người Mông ở, Páo hình dung những cây đào đỏ rực hoa, những cây mơ, cây mận hoa trắng cả một khoảng trời vùng cao. Tết người Mông có bánh dày, có nhảy múa, chơi cù. Gặp những đứa bạn trai, gái đã có một thời đi gùi nước, lấy củi, đánh chim cu, trèo cây bắt tổ sáo… Nhớ lắm những ngày ở quê Páo và thằng Pẳn cùng xóm cưỡi ngựa đi học, chim sáo đậu trên vai. Sáo khôn, Pẳn vào lớp, nó cứ nhảy nhót trên cây mà hót. Chiều cuối năm, cái rét sắc như cật nứa cứa vào da thịt. Đứng trên cao nhìn ra những ngọn núi xung quanh, mây trắng đã bao kín các chóp núi. Từ lưng chừng núi tỏa xuống là màu xanh thẫm của núi rừng đang tái sinh. Trong tiếng gió rì rầm dưới chân núi vọng lên tiếng chim cu gọi bạn tình mùa xuân nghe thiết tha. Mùa xuân trên núi cao là mùa của các loại muông thú phát ra những tín hiệu gọi bạn, mùa của cây cối đâm chồi, ra hoa, nảy lộc. ấy là lúc ngoài nương đã gặt xong, thóc, ngô đã đầy bồ, người Mông chuẩn bị đón Tết. Tết vùng cao, Tết của người Mông đơn sơ nhưng đầm ấm, đậm đà hương vị núi rừng. Tết nhà nhà đều mổ lợn, mổ gà. Đêm 30, các thành viên trong gia đình người Mông thường ai về nhà nấy. Như mọi nhà, ông Sùng A Lử chuẩn bị cúng tất niên. Tết này, Páo - con trai ông về ăn Tết, ông bà Lử thấy con khỏe mạnh, nói năng chững chạc, khôn ngoan, ông bà mừng lắm. ông Lử xấp xỉ tuổi 70 nhưng còn nhanh nhẹn, khỏe mạnh, bước đi còn vững, mỗi bước ông đi người vươn lên phía trước như muốn cướp thời gian, tiếng nói của ông trầm ấm mà vang. ông là tuổi của già làng, lời ông nói con cháu, dân bản thường vâng dạ nghe theo. ông không làm trưởng bản nhưng có lần ông nói thay trưởng bản là phải bỏ cây thuốc phiện, xa rời hoa anh túc. Chính phủ đã cấm, người Mông phải nghe theo. Nhìn thằng Páo phổng phao, ông Lử gật đầu, hồ hởi:
- Nhờ có Đảng, Cụ Hồ, thằng Páo nhà này được học cái chữ, cái chữ vào đầu làm nó sáng dạ, nó khôn lên.
Páo về nhà ăn Tết nhưng vui cái chân, Páo đến nhà các bạn, phong tục người Mông đến nhà chơi Tết là ăn cơm, uống rượu. Rượu xuân trong vắt rót tràn bát. Rượu vào, hơi men lâng lâng, bạn bè nói cho nhau nghe việc làm ăn, cày, cấy, chăn nuôi, trồng rừng, trồng cây ăn quả, vườn thuốc đông y. Hơn men chắp cánh những lời hay, lời vui, lời hát điệu dân ca Mông bay lên theo tiếng khèn, tiếng sáo. Tiếng khèn, tiếng sáo hòa vào ngọn gió, lẫn vào rừng cây rồi như giọt nước mùa xuân ngấm vào đất, vào lòng người bật lên tình yêu thôi thúc đôi lứa trai gái Mông lúc mùa xuân về. Về bản, Páo được sống trong tình thương yêu ngọt ngào, Páo xách chiếc xô nhựa ra bể nước công cộng được xây theo Chương trình 135 của Ban Dân tộc, gặp cô gái Mông Vàng Y Mong, Mong e ấp nhìn Páo nở nụ cười rồi nhỏ nhẹ chào Páo, Páo nở nụ cười tươi. Trên đường về nhà, hoa đào, hoa mận nở rộ. Bước chân Y Mong thoăn thoắt, chiếc váy màu sắc đung đưa, tiếng vòng cổ, vòng tay va vào nhau thành một âm thanh lảnh lót của buổi chiều cuối năm làm lòng Páo rạo rực.
Mải vui, Páo không để ý mấy ngày hôm nay nét mặt ông Lử có vẻ nghiêm trang, ít nói, ít cười. ông lẳng lặng chuẩn bị đồ cúng. Mâm cúng xếp lên chiếc bàn nhỏ kê ngay dưới bàn thờ. ông Lử ngồi trầm mặc rất lâu, quên khuấy bà Lử vẫn ngồi dưới bếp, vì người Mông không cho đàn bà, con gái được phép đi lại trong gian thờ cúng và cũng quên thằng Páo đang ngồi bên mình. Páo nghe rõ tiếng thở của mình và tiếng thở của bố. Không khí linh thiêng, đầm ấm của mùa xuân đang lan tỏa khắp ngôi nhà ông Lử.
Páo đoán trong đầu bố lúc này hẳn đang có điều muốn nói, lúc sau ông quay sang Páo.
- Con đi bắt con gà trống tía cắt tiết để cúng giao thừa.
Mọi năm, ông Lử đều làm nhưng năm nay ông lại bảo Páo, Páo hiểu nỗi lòng của bố, ý bố muốn chuyển giao cho mình.
ông Lử nhìn lên bàn thờ, đèn, nến sáng, hương thơm. Ngoài trời đêm cuối năm im ắng, không gian bình yên. Thỉnh thoảng đâu đây thấy bóng đèn pin và bước chân tuần tra của các anh bộ đội biên phòng, họ đi để giữ bình yên cho mọi nhà, cho người Mông ăn Tết.
Bỗng ông Lử nở nụ cười:
- Vui, năm nay chắc có nhiều điều vui tới nhà.
Cúng xong, ông Lử gọi Páo đến ngồi bên cạnh. Bên ánh lửa bập bùng, trời rét, thỉnh thoảng cơn gió rít lên qua khe gỗ, ông Lử thủ tay vào túi nhăn nhăn vầng trán ám khói, vài sợi tóc bạc rủ xuống dưới cái mũ nồi. Sau một hơi thuốc lào, khói thuốc tỏa trắng lên một vùng nhà, ông Lử như để nhớ lại chuyện:
- Páo ạ, con sắp học hết cái chữ Cụ Hồ rồi, về nhà làm nương bắt dâu về cho bố mẹ thôi.
Men rượu ngô, thứ rượu người Mông nấu với men lá rừng trong vắt, ông gật gù, say sưa nói:
- Cây đến mùa thì cây nở hoa, hoa đến kỳ thì hoa đậu quả. Ngày xưa bằng tuổi Páo, bố đã biết cướp gái rồi đấy. Páo nghe nói đỏ mặt ngượng nghịu. Bọn con gái Mông trong bản mỗi khi gặp Páo thì lại thì thụp đấm lưng nhau và cười khúc khích. Páo biết ngoài Y Mong ra còn có nhiều cô gái thích Páo, để ý đến Páo nhưng Páo thích cái chữ hơn, còn nhiều điều phải học lắm. Đêm giao thừa năm nay, một mùa xuân mới lại đến, cái tuổi ông lại thêm, ông sẽ già và yếu, ông tính đến chuyện chuyển giao công việc thờ cúng, chăm sóc mồ mả tổ tiên và gắn bó cộng đồng Mông đã nhiều năm nay ăn nên, làm ra trên những ngọn núi cao này.
Lời ông Lử đầu xuân là lời chuyển giao việc nhà cho con trai, cho thằng Páo. ông Lử đã dứt chuyện mà Páo vẫn ngồi đó ngẩn ngơ:
- Con làm sao thế, giờ linh thiêng sắp đến rồi, đi lấy nước đi.
Páo cúi lạy trước bàn thờ rồi đi thẳng đến mó nước. Páo khấn thần nước, mong sao có nhiều nước ngọt, nước lành để mùa màng tốt tươi, Páo học hành suôn sẻ.
Theo phong tục người Mông, lúc lấy nước ở mó nước nguồn về cúng không được bắt chuyện với ai, chỉ khi lấy nước vào quả bầu già cõng về mới được bắt chuyện. Páo cảm nhận phút giây chuyển giao thời gian mới linh thiêng, đầy sức huyền bí. Páo đứng lặng giữa trời đất ngắm nhìn bản làng bồng bềnh trong sương, tiếng gà đâu đó gọi sang canh.
Páo cõng bầu nước về, ông Lử đón con nơi cửa chính, rót bát nước lấy từ mó, từ nguồn đặt lên bàn thờ. ông với tay lấy chiếc khèn đưa cho Páo. Páo hiểu bố muốn trao cả niềm tin và ngụ ý muốn chuyển giao thế hệ cho Páo.
ông Lử rót ra 3 bát rượu, 3 bát rượu đầy trong, ông thủng thẳng nhón một mồi thuốc, châm lửa rít một hơi, ông ngửa cổ lên trần nhà nhả khói rồi nói:
- Bà nó ơi, ra đây uống cùng bố con tôi nào.
Bà Lử vọng từ nhà trong:
- Đàn bà, con gái không dám ra gian thờ uống rượu lúc này đâu. Kiêng đấy!
- Hầy ơi! Tục cũ lạc hậu rồi, phong tục cái gì tốt ta giữ, cái gì không tốt ta nên bỏ đi thôi. Rồi ông nhìn sang Páo nói một cách chân tình, thông cảm với con:
- Páo ạ, lời bố nói con hãy nghĩ kỹ nhá.
Rồi ông hồ hởi nói với giọng trầm ấm:
- Nào, uống rượu mừng xuân.
Ngoài trời sương bàng bạc, bản làng chìm trong đêm tối, núi rừng yên lặng. Tiếng gà vỗ cánh gáy sang canh.
Văn Song (T.T.V)
(HBĐT) - Hà chạy như lao xuống bến sông. Cô vừa chạy, vừa phải kìm lại để không bị ngã. Dưới bến sông, một phụ nữ cũng vừa bước lên chuyến thuyền khách cuối ngày. Thuyền rời bến rồi khuất dần sau mảng rừng vừa còn hoe nắng mà bóng tối đã ập xuống. Chị về xuôi, chị đã mang theo về cả miền quê có con sông Hồng đỏ lựng phù sa, có mái đình cổ kính và bao kỷ niệm về một thời chăn trâu, bắt ốc, trốn tìm, cả vị bánh tẻ cầu Liêu chấm với nước mắm cà cuống vừa ăn, vừa xuýt xoa khen như thức dậy trong cô.
(HBĐT) - Ba năm xa nhà học trường sư phạm, Quỳnh biết sự nhọc nhằn của bố mẹ lo cho mình tiền ăn học hàng tháng. Dẫu không thật đầy đủ nhưng Quỳnh biết tằn tiện, chi tiêu có kế hoạch nên cũng tạm đủ.
(HBĐT) - Chuông đồng hồ nổi nhạc, chị Vân giật mình, đã 10 giờ đêm rồi cơ à. Sao hôm nay thời gian trôi nhanh thế, mà giờ này Phong vẫn chưa về. Mai xuống nhập trường rồi, không về mà sắp xếp đồ dùng, sách vở, sáng mai lại cuống lên, con với chả cái chỉ được nết ham chơi - Chị Vân đi ra đi vào vẻ số ruột. Mãi gần 12 giờ đêm, Phong mới về, chị nhắc nhẹ con:
(HBĐT) - Cháu Thoa bị cúm đã hai ngày, hai ngày phải nghỉ học nằm bẹp trên giường. Buổi sáng, mẹ dậy sớm mua cho Thoa bát bún thang nóng hổi. Mẹ dỗ dành mãi Thoa mới ăn hết một phần ba, số còn lại lựa lúc mẹ xuống bếp, Thoa rón rén đổ vào thùng nước gạo.
(HBĐT) - Cuộc họp bất thường của Đảng ủy xã Thành Trung kéo dài hơn dự kiến đã gần tiếng đồng hồ. Bí thư Đảng ủy Hà Thị Thắm với nét mặt lúc đăm chiêu, khi thì căng thẳng. Từ cán bộ tuyên giáo Huyện ủy, Thắm được tăng cường về Thành Trung theo chủ trương chuyển đổi cán bộ. Ba tháng trời mới đủ cho Thắm nắm bắt tình hình chung toàn xã. Vừa tổ chức triển khai học tập nghị quyết Đại hội Đảng các cấp xong thì Thành Trung xảy ra chuyện...
(HBĐT) - Chiều cuối tuần, chị Lê tranh thủ làm nốt phần việc ở cơ quan rồi rảo bước nhanh ra chợ kiếm món gì cho bữa ăn tối. Lượn đi, lượn lại mấy vòng chợ cuối cùng, chị cũng tay sách nách mang nào túi cua, túi ốc, nắm tay khoai… và không thể quên mua món cá bống suối về kho tương. Chị vẫn là người có tiếng cẩn thận trong cách chọn các món ăn sao cho hợp túi tiền lại đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chị bảo, thời buổi này nếu không phải là người nội chợ thông thái thì ít ra cũng phải biết chọn cho mình những món ăn “sạch”. Cho nên tâm điểm chợ mà chị quan tâm là cuối con đường làng văn hoá xóm Tân Lập, nơi tập trung các loại rau xanh, cá, tôm, lươn, ốc, ếch… do người dân trong xóm làm ra trên chính mảnh vườn của gia đình, hoặc kiếm được ở các con suối quanh làng.