(HBĐT) - Hà chạy như lao xuống bến sông. Cô vừa chạy, vừa phải kìm lại để không bị ngã. Dưới bến sông, một phụ nữ cũng vừa bước lên chuyến thuyền khách cuối ngày. Thuyền rời bến rồi khuất dần sau mảng rừng vừa còn hoe nắng mà bóng tối đã ập xuống. Chị về xuôi, chị đã mang theo về cả miền quê có con sông Hồng đỏ lựng phù sa, có mái đình cổ kính và bao kỷ niệm về một thời chăn trâu, bắt ốc, trốn tìm, cả vị bánh tẻ cầu Liêu chấm với nước mắm cà cuống vừa ăn, vừa xuýt xoa khen như thức dậy trong cô.

 

Trước mắt Hà là quãng đường dài về trường. Trời đã tắt nắng, Hà cố dồn sức leo ngược dốc, chân không bén đất mà vẫn đâu kịp ông mặt trời xuống núi. Bóng tối đã tràn về cùng những tiếng chim, tiếng thú gầm, xa kia những ánh lửa chập chờn dần tiến lại gần hơn. Hà sợ hãi, hai mắt nhắm lại, cô dấm dứt khóc. Chợt cô nghe như có tiếng reo hò và những bước chân nhẹ như chân sóc: “Cô giáo kia rồi và hình như cô bị ngã” - Tiếng bé Soan reo lên. Hà cố mở to mắt, thì ra là mấy trò nhỏ thấy cô xuống bến chưa về đã rủ nhau đi đón cô.

 

Những lá thư viết cho thầy, u, Hà cứ băn khoăn mãi, không biết nói sao cho thầy, u hiểu về mảnh đất và mái trường này đã nhiều gắn bó với cô: từ những trò nhỏ lam lũ, chưa nói thạo tiếng phổ thông nhưng thân thiết, đáng yêu biết mấy và cả những người dân nơi đây, họ cần cù, chân chất. Lần này, chị Thư lên để đón Hà về theo ý nguyện của thầy, u. Hai chị em ngồi, cùng nhìn ngọn lửa liếm mòn vẹt cả đêm dài mà Hà chưa nói rõ được với chị. “Em gầy đi nhiều đấy. Mai về, chị biết kể với thầy, u thế nào. Chị không thể cứ nói dối thầy, u mãi về điều kiện của em trên này mà ngồi nhìn thầy, u cứ vò võ ngóng đợi em. Nhà chỉ có hai chị em, u vẫn thường nói: “Thà em cứ về nhà, có phải thiếu ăn, thiếu mặc, u vẫn thấy vui”.

 

- Em sẽ về nhưng không phải bây giờ, chị hiểu cho! Em còn cả lớp học trò, phải có người lên thay, em mới về được. Thực lòng, nắng núi, mưa rừng và những con người ở đây đã gắn bó thân thiết với em, em không thể rời xa nơi này được.

 

- Thế ra, bọn trẻ của em còn hơn cả thầy, u, chúng đã níu giữ được chân cô giáo của chúng?

 

Hà bật dậy từ khi con gà rừng vừa te te gáy, cả lũ trò nhỏ của cô đã tíu tít lội qua con suối bằng đôi chân trần tím tái đến trường. Ngôi trường nhỏ tọa trên một khoảng trống giữa hai bản Tày, Dao, trường được bao quanh bằng một rừng bồ đề. Lượn vòng phía dưới là con suối Lài trong vắt, nhìn rõ cả những viên cuội tròn như bi ve. Nhưng trong mắt thầy, u và chị Thư, nó chẳng đẹp chút nào, khi thầy, u chỉ thấy bạt ngàn của gió lạnh và cái heo hút của núi rừng nơi cửa ngõ miền Tây Bắc này đã giữ chân đứa con gái út của họ. Hà cố tỏ ra cứng rắn nhưng nỗi nhớ nhà vẫn cứ ùa về. Khi ăn bát canh chua lá lồm, cô lại nhớ đến vị chua me của u nấu, ngắm vạt rừng nguyên sinh cô lại nhớ về nơi phố thị, trong ngạt ngào hoa dẻ cô lại nhớ hương ngọc lan nơi quê nhà. Hà cũng chưa nói được với chị rằng, ở đây, cô còn chờ đợi một người... Chiều nay, thấy chị trên mũi thuyền hết nhìn sông nước lại ngước nhìn em mà nước mắt cứ trào dâng. Hà nhớ, lần đầu chị đưa Hà lên nhận công tác, cảnh trường ngày ấy với những bữa ăn đạm bạc rồi thiếu cả gạo, rau. Đêm đến, Hà lại thức cùng tiếng khóc. Sau đó, có mấy trò nhỏ rủ nhau đến ngủ cùng cô giáo. Hà tự hỏi không biết sức mạnh nào đã giúp cho mái trường nhỏ của cô ngày thêm đông vui, cô và những trò nhỏ cùng sống bán trú bên trường, được dân nuôi gạo, ngô, cô - trò cùng nuôi gà, trồng rau mà dạy, mà học. Lũ trẻ vẫn cùng cô đi hái rau, lấy măng, bắt ốc rồi cũng dần quen.

 

Hà vẫn ngồi lặng ngắm cảnh hùng vĩ của núi rừng, mùa nào hoa ấy vẫn ngan ngát tỏa hương. Mới đây có thêm lực lượng kiểm lâm về dựng chốt bảo vệ thảm rừng đặc dụng. ở nơi đây, Hà đã gặp và quen anh. Cuộc gặp được bắt đầu vào mùa thu, trên đường Hà đi thăm nhà học sinh, hết rừng, qua con suối nhỏ, nơi rộn lên những tiếng vỗ cánh của bầy chim, tiếng kêu của bầy khỉ và lũ sóc chí chóe trên cành chẳng khác gì lũ trò nhỏ của cô luôn có những trò thật vui nhộn, khiến cho cô giáo trẻ thỏa sức vui cười. Mải đuổi theo đàn bướm, cô định bắt mấy con về ép vào sổ sưu tập. Sơ ý, Hà trượt chân ngã xuống dòng suối lạnh. Khi tỉnh dậy trời đã nhá nhem tối, cái lạnh tím tái cả mặt, Hà xích dần lại gần bên đống lửa. Người đàn ông ngồi bên mỉm cười:

 

- Cô giáo tỉnh rồi? Cô làm tôi sợ quá!

 

Nhìn gương mặt và quần áo của anh, Hà biết anh là cán bộ kiểm lâm, cô rụt rè:

 

- Cảm ơn anh!

 

- Tôi là Thuận, chắc cô giáo mới lên dạy trên này?

 

- Vâng, tôi là Thu Hà.

 

- Cô lên dạy trên này chắc nhớ nhà lắm nhỉ? Tôi đang làm ở Trạm bảo tồn.

 

- Vâng!

 

Cả hai cùng im lặng. Họ nhìn xuống dòng suối trong vắt, trông rõ cả những con cá báo nô giỡn, lượn lờ. Con suối Lài lượn vòng uốn khúc, ôm trọn cả một miền quê trù phú.

 

- Chúng tôi đang triển khai cùng với dân trồng luồng. Chắc là chỉ mấy năm sau rừng sẽ cho nguồn thu đáng kể và độ che phủ của rừng sẽ mãi xanh hơn. Thuận nhìn Hà đang co ro trong tấm áo mỏng, anh cởi chiếc áo khoác ngoài và choàng lên vai cho Hà rồi nói nhỏ:

 

- Cô giáo đừng về xuôi nhé, ở đây còn nhiều người cần cô và quý cô lắm đấy!

 

Câu nói của anh hay hơi ấm từ tấm áo đã tỏa ấm cho Hà, nỗi nhớ nhà trong cô như vơi đi.

 

Lũ học trò vui ra mặt vì chúng thấy cô giáo cười nhiều hơn, vui hơn. Hà cùng mấy chị em hăng hái tham gia các hoạt động cùng địa phương. Trường tổ chức kết nghĩa cùng Trạm bảo tồn động thực vật đóng trên cùng địa bàn và được các anh kiểm lâm giúp sức xây dựng phong trào, tham gia tập văn nghệ chuẩn bị cho kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam. Vậy mà cũng đã có những cô giáo từ hẹn hò đã bén duyên cùng các anh kiểm lâm trong dịp kỷ niệm nhà giáo năm nay.

 

Chiều nay, Hà nhận được thư nhà. Thầy đã gặp Thuận trong dịp anh ghé thăm nhà, chàng kỹ sư lâm nghiệp, người dân tộc Tày đã kể cho ông nghe nhiều chuyện về cô con gái yêu của thầy: “Cô giáo vẫn khỏe, hàng ngày vui bên lũ trò nhỏ, bên mái trường vùng cao. Cô còn tham gia trồng cây trên đại ngàn cùng bà con dân bản...”. Nghe chuyện, thầy đã phần nào yên tâm về cô con gái bé bỏng, có ý chí đã quyết lên rừng “trồng người”. Đọc thư ông, Hà cười một mình, đôi má cứ bừng đỏ khi thấy ông tỏ ý vun vén cho Hà với chàng kiểm lâm trẻ mặc áo chàm. Mải đọc thư, Hà đâu có biết Thuận đã ghé sát bên vai cô từ khi nào.

 

- Em cứ ở đây dạy trẻ và cùng anh chăm sóc rừng. Bố đã hẹn, dịp sau anh về, bố sẽ lên thăm trường. Em thấy đấy, trục đường 433 nay đã rải nhựa sắp xong, đâu còn cảnh vượt đèo, leo dốc như xưa nữa.

 

Hà không đáp, cô ngồi xuống tảng đá ven đường, Thuận cũng đã ngồi sát bên cô, bàn tay thô ráp của anh khẽ luồn sâu trong mái tóc bồng bềnh của Hà:

 

- Em chờ anh đã lâu chưa?

 

- Lâu như vạt rừng đã chờ đợi những cây giống, cây luồng của các anh vậy!

 

- Rồi mai kia rừng sẽ bạt ngàn xanh tốt em ạ!

 

- Còn tươi lai của anh?

 

- Là em. Chúng ta sẽ cùng trồng rừng và trồng người em nhé!

 

Thuận lấy từ túi ra những bông ngọc lan, mùi thơm lan tỏa ngạt ngào, anh dúi vào tay Hà.

 

- Em còn nhớ đây là hoa gì không? Khi thấy mùi hương ngọc lan khiến em nhớ gì nhất?

 

Em nhớ quê và em đã biết rồi nhé, người trồng cây ban đỏ ở sân trường là ai rồi!

 

- Anh sẽ trồng thêm bên cây ban đỏ một cây ngọc lan để chúng có chung quê mới.

 

Thuận nói rồi vừa chạy, vừa cười vang giữa vạt rừng luồng mới trồng. Hà cũng bật dậy chạy theo anh. Cả hai như vút bay lên hòa vào màu xanh của rừng đại ngàn.

 

                                                                     

                                                                     Đức Thắng

                                                       (Hội Khuyến học Đà Bắc)

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Mình vì mọi người

(HBĐT) - Chiều cuối tuần, chị Lê tranh thủ làm nốt phần việc ở cơ quan rồi rảo bước nhanh ra chợ kiếm món gì cho bữa ăn tối. Lượn đi, lượn lại mấy vòng chợ cuối cùng, chị cũng tay sách nách mang nào túi cua, túi ốc, nắm tay khoai… và không thể quên mua món cá bống suối về kho tương. Chị vẫn là người có tiếng cẩn thận trong cách chọn các món ăn sao cho hợp túi tiền lại đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chị bảo, thời buổi này nếu không phải là người nội chợ thông thái thì ít ra cũng phải biết chọn cho mình những món ăn “sạch”. Cho nên tâm điểm chợ mà chị quan tâm là cuối con đường làng văn hoá xóm Tân Lập, nơi tập trung các loại rau xanh, cá, tôm, lươn, ốc, ếch… do người dân trong xóm làm ra trên chính mảnh vườn của gia đình, hoặc kiếm được ở các con suối quanh làng.

Nói với con một lời

(HBĐT) - - Kịch, kịch, choang! Nghe tiếng động mạnh ở phòng thờ, tôi không kịp tắt máy vi tính vội chạy lên. Trước mắt tôi là cảnh tượng thằng cu Hùng mặt mày xám ngoét, nhìn trân trân vào những mảnh gốm của pho tượng đã vỡ tan tành. Tôi rít lên: - Hùng, sao con dám làm như vậy? Bố nói mãi rồi, đây đâu phải chỗ chơi của con. Mẹ mày về sẽ nhừ đòn con ơi!

Chiếc liềm của mẹ

(HBĐT) - Anh cố ngủ mà chẳng được, hình bóng người mẹ hiền về rõ mồn một. Bố anh mất sau trận bom B52 rải thảm, mẹ liêu xiêu một mình trong ngôi nhà tranh với mảnh vườn nho nhỏ mấy luống rau xanh, mùa nào, thức ấy. Dưới mái nhà, bóng dáng bốn mẹ con ra vào. Khuây khỏa nỗi buồn bố mất, tiếng cười con trẻ lại hồn nhiên, tình làng, nghĩa xóm lại lui tới chuyện trò, nỗi buồn rồi cũng qua đi theo năm tháng.

Bức thông điệp xanh

(HBĐT) - Đã từ lâu lắm, một bức thông điệp về khát vọng hòa bình và tươi vui được gửi cho muôn loài. Từ cánh rừng Phổ Luông, sau đợt khai thác trắng, tiếp đến là đốt nương làm rẫy của con người. Ngọn lửa đỏ đã liếm gọn từ cây cỏ đến những thân gỗ lớn. Làng mạc của những cư dân kiến bé nhỏ cư trú sầm uất là thế bỗng trở nên tiêu điều. Nhiều công dân chậm chân đã chết yểu trong khói lửa.

Tờ quyết định bất ngờ

(HBĐT) - Nó nhận chân làm tạp vụ ở công ty Hoàng Hoa, Công ty chuyên doanh hàng thêu xuất khẩu. Với đồng lương không nhiều, công việc cũng chẳng có gì nặng nhọc lại làm việc ngoài giờ nên nó có thời gian chạy đi, chạy lại kiếm thêm tiền.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục