(HBĐT) - Từ nhỏ, tôi luôn yêu quý và ao ước được như cha tôi. Có phải bởi câu “Con gái giống cha giàu ba mươi đụn”. Có điều là tôi đã học được nhiều điều từ cha. Cha tôi là một thầy giáo trường làng, tuy nghèo, song cha tôi luôn sống thanh bạch, đĩnh đạc và giao lưu rộng. Trong làng hễ có việc hệ trọng là các cụ cao tuổi thường đến hỏi ý cha. Với tôi, hễ có vướng mắc, từ kiến thức, trong giao tiếp đến việc ngoài đời, hỏi đến cha là đều được giải đáp cụ thể, rõ ràng. Có lần tôi đem những ý của cha đến hỏi các thầy, cô giáo và lần nào cũng được các thầy, cô giáo công nhận là đúng, khiến tôi tự tin và học hành ngày một tấn tới, từ tiểu học đến trung học, tôi vẫn luôn đứng trong tốp ba dẫn đầu lớp.

 

Theo nghiệp cha, tôi vào sư phạm và nay đã là một cô giáo văn và được về dạy tại huyện. Nhớ lại, ngày nhỏ, tôi cũng gầy khẳng và đen đúa vì ham chơi, đi học về là chăn trâu, kiếm củi “đầu đội trời” chẳng biết đến nón mũ, nhiều người vẫn trêu tôi là “đen giống cha”, tôi lại được dịp nũng cha: “Con bắt đền cha, sao con lại đen giống cha để mọi người chê”. Cha lại dịu dàng “đen khỏe, đen giòn con ạ, con người ta quý nhất là sức khỏe, ai trêu đùa mặc họ”. Thế là tôi lại quên ngay và lớn lên nước da của tôi cũng chẳng đến nỗi nào.

 

Đọng lại trong tôi là miền ký ức về mái trường mà lần đầu tôi được làm cô giáo, lần đầu được nghe tiếng “Chào cô!”, được cầm phấn lên dạy học trò dưới mái trường vùng cao, đường đèo, dốc gập ghềnh, mùa mưa lầy lội, thập thõm trong những bước trâu đi. Vào thời chống Mỹ, trường lớp còn đơn sơ vách thưng, mái lá, đêm về với ngọn đen dầu leo lét... Chúng tôi đã sớm biết động viên nhau bám trường. Sáng lên lớp, chiều về cuốc vườn trồng rau. Tôi còn thu gom cả những những cây hoa dại về trồng ngoài hiên nhà, thấm thoắt chúng cũng đã đua nhau nở hoa, khoe sắc. Tối đến, chúng tôi gom củi rừng vào đốt và hát vang những bài hát đã thuộc mong gọi các em quanh trường đến để xua đi cái vắng lạnh của màn đêm. Sáng dậy mắt còn cay mùi khói vẫn ngóng đợi từng bước chân của các em từ khắp nẻo ùa về. Mái trường đơn sơ không còn làm chúng tôi buồn, có chăng chỉ là thương các em còn nghèo, cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm trước cái giá lạnh mùa đông vùng núi cao. Canh cánh lo việc dạy dỗ cho các em đạt chất lượng, trong khi nhiều em chưa nói thạo tiếng phổ thông… Ngày tháng cũng qua đi, các em biết thương cô, ngày đêm miệt mài bên trang sách, gắng học hành. Vừa dạy, tôi vừa tự học, nhất là về vốn sống thì biết bao nhiêu là vừa là đủ. Đã hơn mười lăm năm trong nghề, tôi luôn tin yêu và thẳng thắn với trò, được đồng nghiệp nhận xét là “Có tầm và có tâm với nghề”. Tôi luôn được nhà trường giao làm chủ nhiệm lớp cá biệt. Năm nay, tôi nhận chủ nhiệm lớp 9C quả là một lớp đặc biệt và khó quên, học lực còn nhiều trò yếu, quậy phá lại nhất trường, hàng tuần luôn được nhắc nhở trước cờ. Tôi đang miên man nghĩ, chợt từ cổng trường, một chiếc xe con màu đen đang tiến vào trường. Xuống xe  là một thiếu nữ trong bộ áo dài màu hoa đào vừa dịu dàng vừa thanh lịch, trên tay là một bó hoa tươi đang tiến vào văn phòng. Tôi đã nhận ra là  Sừ, cô trò nhỏ bảy năm trước từ mái trường này ra đi. Sừ ôm chầm lấy tôi, mãi sau em mới nhớ ra là giữa tiết  trời nắng nóng và quanh tôi còn bao thầy, cô chào đón em. Gặp lại Sừ khiến tôi nhớ về cô trò nhỏ vừa gầy, đen trước đây  và có biệt danh là “Cô bé có chiếc cặp bí ẩn”. Riêng tôi, tôi lại nhớ em với cái tên là “Cô bé có bông hồng trong túi”. Vào dịp tháng năm, trường đang chuẩn bị tổng kết và là buổi học cuối năm, tôi vừa đến trường, thì cô Thu, Tổng phụ trách đội đã chì chiết “Chuyện của học sinh lớp chị đấy, chị vào mà giải quyết giúp!”. “Chuyện gì thế cô Thu, cả các em nữa?”. Mấy thầy, cô và số đông là học sinh lớp tôi đang có mặt, tất cả vẫn lặng im, tôi vẫn nghe loáng thoáng từ cuối phòng: “Nó lấy chứ ai”, “Chắc chắn là nó rồi”, “Tao cam đoan là chỉ có nó, chẳng ai khác!”. Tôi cảm nhận được có điều gì không ổn, bao ánh mắt của đồng nghiệp đều đổ dồn vào tôi như dò xét “Xem lần này cô có bảo vệ cho trò được nữa không?” Hai tai tôi nóng ran và như để tự trấn tĩnh, tôi gắt lên “Cô hỏi các em là có chuyện gì xảy ra với lớp 9C?”. “Dạ, thưa cô, bạn Sừ lấy cắp điện thoại di động của em ạ” - Pho ấp úng thưa. Trong đầu tôi thầm điểm lại, mới từ đầu năm mà lớp 9C đã gây ra bao chuyện: đánh nhau tập thể trong khối, bỏ giờ đi bắt cá suối, đánh cờ ca rô trong giờ sử, nay lại đến ăn cắp. Cố bình tĩnh, tôi hỏi Pho: “Sao em lại cho là Sừ lấy điện thoại của em? “Em thấy bạn Sừ giấu trong cặp của bạn ấy” - Pho đáp. Tôi quay sang Sừ: “Em có lấy điện thoại của bạn Pho không? “ Hỏi vậy, nhưng trong tôi vẫn tin  là Sừ không làm việc đó. “Sao em không trả lời cô mà sao lại phải khóc?”. Nhìn đôi vai gầy của Sừ như rung lên, trong linh cảm tôi vẫn tin là em trong sáng. Sừ là một học sinh ngoan, bố em vừa bị tai nạn giao thông và mới mất. Gần đây, Sừ học có phần sa sút, hai tuần nay Sừ lại hay nghỉ học, có hôm còn không xin phép. Phải chăng Sừ đã nhiễm cái xấu nhưng đến nước lấy cắp thì không thể chấp nhận và tha thứ được.

 

- Em có chắc chắn là thấy bạn Sừ đã lấy điện thoại bỏ vào cặp không?. Tôi hỏi lại Pho.

 

- Dạ, em chắc ạ. Không tin cô cho lục cặp của bạn ấy là thấy ngay thôi ạ.

 

- Em có đồng ý cho bạn mở cặp của em để kiểm tra  không Sừ?

 

- Hu, hu. Sừ không trả lời mà càng khóc to hơn khiến tôi càng phân vân, khó xử.

 

- “Cho kiểm tra ngay đi cô!”, “Nó lấy chứ còn ai nữa, lại còn khóc, vừa ăn cắp vừa la làng”. Cả nhóm học sinh lớp tôi nhao nhao. Nước mắt giàn giụa, Sừ càng ôm ghì lấy chiếc cặp chặt hơn. Những vật cứng trong cặp có hình dáng của chiếc điện thoại cứ lộ dần ra theo lực xiết của tay em. Cả các thầy, cô trong văn phòng đều tỏ ra mất lòng tin ở Sừ. Tôi càng thấy khó, nên phạt Sừ ở mức nào? Còn Pho mang điện thoại đến trường khi nhà trường đã cấm?. Bỗng soạt, một âm thanh sắc lạnh vang lên. Theo sự thúc giục của nhóm bạn và cái gật đầu của một vài giáo viên có mặt, Pho đã bất ngờ giật mạnh chiếc cặp tuột khỏi tay Sừ rơi xuống đất. Tất cả những người có mặt tại phòng hội đồng đều hồi hộp chờ đợi. Chiếc cặp bị bật tung, những đoạn củ mài văng ra, không thấy có chiếc điện thoại nào hết. Tôi như lặng đi: “Sừ, em mang những củ này đến lớp để làm gì?”. Chiếc cặp bị tuột khỏi tay, Sừ như bám chặt lấy mép bàn, tức tưởi khóc. “Em đợi tan học sẽ mang mớ củ này ra bán cho ông lang Hạnh ngoài chợ để lấy tiền mua thuốc cho mẹ em bị ốm cả tuần nay chưa  khỏi mà nhà em lại hết tiền. Củ mài là vị thuốc hoài sơn, bổ dưỡng lắm cô ạ.”, “Mẹ em ốm thì ai đi đào củ mài cho em bán?”, “Chiều qua, vừa đi chăn trâu, em vừa đào củ cô ạ”. Rồi em kể cho tôi nghe và như kể cho chính mình: “Từ ngày còn học tiểu học, mẹ vẫn thường kể cho em về sự tích cây củ mài nhưng chuyện dài lắm, có dịp em sẽ kể cho cô nghe sau”. Chắc cô muốn hỏi sao củ mài chỉ là những đoạn ngắn mà không dài như củ sắn. Củ mài thường mọc trên triền núi đá lại sâu, biết cách mới đào được mà chỉ lấy được từng đoạn như cô thấy. Cả phòng lặng im, những ánh mắt như nhòa đi và những tiếng thút thít khe khẽ. Chiều hôm sau Sừ đến tìm tôi, tôi chưa biết nói gì để an ủi em, Sừ đã ấp úng: “Hôm qua em mua thuốc cho mẹ, em chỉ dành mua được bông hồng tặng cô, sang năm em không được học cô nữa” . Em rút từ trong cặp một bông hồng đã quăn queo. Nhưng với tôi đó lại là bông hồng tươi đẹp nhất như tấm lòng của người trò nhỏ. Cô trò nhỏ gầy đen ngày nào vẫn nhớ thăm tôi vào ngày mồng tám tháng ba và dịp cuối năm. Giờ đây, khi Sừ đã là một người thành đạt, em vẫn mãi là cô trò nhỏ non xanh trong miền ký ức của tôi.                             

 

Truyện ngắn của  Đức Thắng

(Hội Khuyến học huyện Đà Bắc)

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Bản đồng ca lớp 5A

(HBĐT) - Những cánh phượng đã thắp đỏ góc sân trường, ve sầu đã kêu râm ran báo mùa hè đến, một năm học kết thúc. Để chuẩn bị cho ngày tổng kết năm học và kỷ niệm ngày 1/6, ngày Quốc tế thiếu nhi, lớp 5A ríu rít tập bản đồng ca do cô giáo Huyện, chủ nhiệm lớp hướng dẫn. Cả bọn thằng Cường, Huy, Quang, Tuấn, Dũng cùng bọn cái Liên, Trang, Thảo, Thủy, Thu chuản bị một tiết mục thật xuất sắc để rồi chia tay mái trường tiểu học đã gắn bó với chúng bao kỷ niệm trong học tập, sinh hoạt đội - những ngày vô tư hồn nhiên của tuổi học trò.

Mẹ chồng, nàng dâu

(HBĐT) - Cả ngõ phố này ai cũng bảo chị Ánh số may mắn được làm dâu nhà bà Thu, một mẹ chồng yêu thương con dâu như con đẻ. Tốt nghiệp trung cấp y, Ánh được điều về bệnh viện đa khoa thành phố làm việc. Duyên phận đã se duyên cho Ánh và Tuấn nên vợ nên chồng.

Tinh khôi chiều hè

(HBĐT) - Gió ào ào như lay, như lắc trên khắp ngọn cây, từ dãy bạch đàn, hàng me, cả cây phượng già. Gió như giằng bứt những chiếc lá vàng đang cố níu bám trên thân cành để rắc đầy xuống lòng đường hè phố, cả cái ngõ nhỏ vừa thân quen, vừa là lối đi về của Diệu Tú.

Cháu đích tôn thiếu tháng

(HBĐT) - Cứ mỗi lần Thái được về tranh thủ hoặc về phép, đêm đêm, Lan lại khóc nức nở bên chồng. Thương chồng nhưng Lan vẫn ấm ức với chồng và giận ông Thế là bố của chồng không coi con trai của họ là cháu nội. Mặc dù Thái rất yêu vợ, thương con và nhiều lần bảo Lan rằng chỉ có chồng hiểu là được, không cần bận tâm những chuyện bên ngoài mà ảnh hưởng đến công việc. Biết vậy nhưng Lan vẫn thấy mình bị oan. Ngày sinh con, chồng đang ở Trường Sa không về được, Lan nhờ ông nội đặt tên cho cháu. ông Thế chỉ nói bâng quơ: “Bảo bố nó đến mà đặt tên”. Câu nói có ngụ ý cùng với sự lạnh nhạt của bố chồng trong thời kỳ ở cữ khiến cho lòng Lan đau như xát muối.

Đôi mắt hậu phương

(HBĐT) - Tháng tư, cái nắng đầu mùa đã rải vàng khắp đường làng, ngõ xóm, ông Trung tuổi ngoài 60, lật từng trang nhật ký của một thời khói lửa, chiến trường.

Sự ăn ở chân thành

(HBĐT) - Khi còn là sếp ở một cơ quan, người được ông Vạn ưu ái nhất là trưởng phòng hành chính Hoạt bởi ông ta là người khéo léo, hoạt bát, biết chiều ý sếp, lo cho sếp việc mua sắm bàn ghế, giường tủ mới cho phòng làm việc, lo xe cộ thăm viếng bạn bè, bà con hoặc cho vợ đi lễ chùa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục