Em nhỏ tuổi hơn tôi nhiều. Nói chính xác hơn thì em thua tôi tới 10 tuổi, cái tuổi chênh lệch giữa vợ và chồng đối với xã hội không có gì là ghê gớm nhưng thực ra đó là một khoảng cách suy nghĩ, một khoảng cách sở thích của hai lứa tuổi khác nhau. Bởi có thể vì yêu tôi nên em quên đi những gì mà em ham muốn, cũng như tôi cố hòa trộn cùng em trong những tiếng cười vui. Có lẽ vì chúng ta sinh ra cách xa nhau tới 10 năm nên đôi khi tôi không hiểu được những gì em suy nghĩ. Em ham vui, thích chen cùng đám đông để la hét, đùa giỡn. Em có thể ngồi hàng giờ trong quán cà phê, giữa dòng nhạc đang cuộn chảy mà làm vui. Còn tôi lại chỉ thích tách rời ra khỏi đám đông, tôi thích chỉ có mình em cùng tôi lang thang trên những con đường quê, nghe những chiếc lá tre bị gió chạm tạo ra những âm thanh kỳ lạ. Tôi thích nhìn em nói, cười hơn là thích xem một bộ phim truyện đang chiếu ở rạp khiến người ta phải chen lấn mua vé. Tôi và em giống như mặt trăng, mặt trời nhưng tôi và em lại có một sở thích giống nhau: chúng ta yêu nhau.

 

Chúng ta lấy nhau vào mùa xuân, mùa xuân lạ kỳ với những cơn gió thổi nhẹ nhàng, dọc suốt con đường biển đầy sắc đỏ của hoa trang. Mùa xuân với những chùm hoa muồng màu vàng tung thả từng chùm lộng lẫy của mình trên những góc phố. Em bắt tôi chở em lên trên triền đồi của ngọn núi ngoài ngoại ô để hái thật nhiều hoa tigôn làm hoa đám cưới. Em cười giữa đất trời:

 

- Giáo sư Trần ơi, ơi là giáo sư Trần, ngày mai giáo sư mất tự do rồi.

Tôi không biết ngày mai mình có mất tự do không? Nhưng tôi biết rằng, ngày mai khi thức dậy trong mùa xuân, tôi đã có em bên cạnh để khỏi ngóng trông gặp em từng giờ trong cuộc hẹn. Tôi cũng cười vang như một đứa trẻ con:

- Cô sinh viên Kim Anh ơi, lấy chồng rồi thì phải ở nhà nấu cơm cho chồng ăn, không được đi học nữa.

Em nhảy từ trên độ cao 1m ở vách núi xuống, bám lấy vai tôi:

- Không được đâu, anh hứa lấy nhau xong rồi anh vẫn cho em đi học.

Tôi ôm em mềm mại trong tay tôi:

- ừ, thì vẫn cho đi học.

Nói với em điều đó, tôi bỗng buồn cười khi nghĩ ra chuyện đến lớp, tôi đứng trên bục giảng, còn em thì ngồi dưới bàn của sinh viên để lắng nghe “chồng mình” dạy học. Cuộc đời đôi khi có lắm chuyện bất ngờ.

Đám cưới của tôi và em thật vui. Vui vì có cả thầy, cô và học trò cùng tham dự. Tôi không có thì giờ rủ em đi hưởng tuần trăng mật, vì ít ngày sau tôi lại nhận nhiệm vụ đi nghiên cứu một di chỉ khảo cổ tận miền Trung. Nghề khảo cổ là nghề tôi chọn lựa, một nghề luôn xa nhà, luôn ở những vùng đất xa xôi, đi tìm quá khứ của hàng ngàn năm trước ẩn dấu dưới lòng đất. Em biết tôi yêu nghề cũng giống như yêu em cho nên em không hề ngăn cản bước chân tôi. Buổi sáng đó, khi tôi chuẩn bị lên đường, em cũng sửa soạn hành lý của mình. Em cười trong nắng sớm mai:

- Anh cho em đi cùng nhá. Mới lấy chồng mà ở nhà một mình thì buồn lắm.

Chuyến đi khai quật khảo cổ của tôi lần đó trở thành tuần trăng mật của tôi và em. Đúng là một tuần trăng mật chẳng giống một cặp tình nhân nào. Em vui đến nhường nào khi được đi cùng tôi, dẫu rằng không phải để rong chơi đến những danh lam, thắng cảnh. Nhưng trời đã không chiều lòng người vào những ngày trăng mật đó. Cả 15 ngày ở trong vùng quê lại có đến 10 ngày mưa. Mưa làng quê buồn da diết nhưng nhờ có em nên tôi rất vui và em cũng vui.

 

Em có cả tuổi trẻ nồng ấm của em, em chia cho tôi một cách tự nguyện khiến tôi ấm lòng. Em chẳng bao giờ có một lời than phiền về công việc của chồng mình. Trong đêm, nhìn em cặm cụi học bài chuẩn bị cho kỳ thi cuối khóa, tôi càng thương em hơn. Tôi vẫn nghĩ đến một ngày nào đó đi lang thang qua những cánh rừng, những ruộng đồng để khai quật khảo cổ. Tôi sẽ làm những công việc khác để hàng ngày tôi có em bên cạnh, để mỗi ngày em có tôi bên cạnh.

 

Cuối cùng em cũng tốt nghiệp đại học rồi em đi làm. Em thoát hẳn cái vẻ rụt rè cố hữu của mình. Trong công việc luôn có quan hệ bạn bè cho nên em thường về nhà không đúng giờ vì bận bịu với những cuộc giao tiếp. Đôi khi, em chỉ gọi vào máy của tôi báo cho tôi biết là em đang đi với bạn. Rất lâu rồi, dù em là vợ tôi nhưng tôi vẫn coi em là một cô bé chưa trưởng thành. Tôi không có thói quen kiểm soát em và lại càng không hình dung là có thể tình yêu của tôi và em chưa đủ chín để níu giữ em về trong gia đình đúng giờ nên vì thế, em thoát ra ngoài, em vui chơi với bạn bè, đồng nghiệp mà quên hẳn mình đã làm vợ. Một ngày, hai ngày rồi rất nhiều ngày. Khi công việc kết thúc, tôi về trong căn hộ nhỏ của hai vợ chồng, quanh quẩn trong căn phòng còn đầy mùi hương của em. Tôi bỗng giật mình nhìn lại mình. Thì ra tôi yêu em như yêu một cô gái nhỏ. Tôi đã là chồng của em rồi mà không hiểu em muốn gì, thích gì và cần gì? Có phải em lao vào những cuộc vui bên ngoài bởi vì tôi đã biến em thành một bà già ôm chiếc tivi xem mọi chương trình của tất cả các đài có phát sóng, đợi chồng đi làm về. Tôi bỗng nhớ ra là tôi chưa hề nghĩ đến chuyện đưa em đi uống cà phê, chẳng hề tặng em một thỏi son hay bất cứ thứ gì đó. Tôi sực nhớ ra là ngày kỷ niệm lớn, nhỏ trong gia đình tôi cũng không nhớ. Tôi cho em tình yêu của mình nhưng tôi thiếu hẳn sự lãng mạn để cho tình yêu của tôi và em ra hoa, kết trái thêm. Tôi giống như người làm vườn đêm về trồng trong góc vườn nhà mình một cụm hoa quý rồi lại quên bón phân, quên cả tưới cây. Vì thế mà cội hoa xinh đẹp kia cằn cỗi, tình yêu là cây hoa xinh đẹp đem trồng trong khu vườn thương nhớ vẫn chưa đủ mà cần phải chăm bón cho cây xanh lá, ra hoa.

 

Hôm đó em về sớm. Em bước thật khẽ những bước chân đến bên tôi, trong khi tôi đang ngồi chong mắt lên tivi xem một chương trình ca nhạc trực tiếp. Em ôm tôi thật chặt:

- Em xin lỗi vì để anh ở nhà một mình. Ngày mai em không đi với bạn bè nữa. Em có mua món chả giò anh thích đem về đây. Em dọn ra cho anh ăn nhé?

Đó là lần đầu tiên em biết mua món ăn tôi thích đem về. Tôi ôm em bé nhỏ trong vòng tay của mình, cười:

- Em vào tắm cho mát rồi anh và em đi uống cà phê nhé.

Đó cũng là lần đầu tiên tôi rủ em đi uống cà phê sau khi thành chồng vợ. Em xoay người lại nhìn tôi, rất lạ.

*

*     *

Trong vườn cây được thiết kế của quán cà phê, nắng len vào từng ngõ ngách lá xanh, tạo thành những vệt vàng chạy loanh quanh. Tôi nhìn thấy một tia nắng rọi vào ly nước của mình. Tôi bỗng bật cười vì nghĩ rằng mặt trời đã thu gom vào trong ly nước nhỏ kia. Còn em ngồi bên tôi, tì cằm lên vai tôi nghe nhạc chảy tuôn trong không gian. Em đang vui. Lạ kỳ cho tôi chưa vì đến giờ này, tôi mới phát hiện ra rằng, ly nước trong quán cà phê hoàn toàn khác xa với ly nước ở nhà. Tôi cũng phát hiện ra rằng, ở chốn đông người, tôi nghe lòng mình tràn ngập cảm xúc của tình yêu.

 

Tôi đưa tay nắm chặt bàn tay cô vợ bé bỏng của mình. Em cũng xiết chặt tay tôi rồi em reo lên: “Mặt trời trốn trong ly nước kìa anh”.  ánh nắng mặt trời hồn nhiên chen cùng cây cỏ mùa xuân, đọng lại trong ly nước của tôi. Tôi đưa ly nước lên môi, uống cả mặt trời. Tôi cũng biết là từ hôm nay, tôi sẽ chăm sóc em, lo lắng cho em giống như tôi phải biết tưới cho cây hoa xinh đẹp trong vườn bởi vì tôi yêu em hơn hết thảy mọi điều trên đời này. Dẫu em có trốn trong ly nước như ánh mặt trời, tôi cũng sẽ tìm thấy em…     

 

                   Truyện ngắn của  Khuê Việt Trường

                    (6, đường 1A Bình Tân, Nha Trang)

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Gió thổi ngày tựu trường

(HBĐT) - Những cô bé sang thu rất đẹp/ áo trắng tung bay trở lại trường/ Gửi vào trời hạ bao thương nhớ...”

Bác Tình

(HBĐT) - Đặt gánh củi lên bãi cỏ lắp xắp nước ven bờ, bác Tình chỉ kịp cởi chiếc áo vải gụ vắt lên ngọn cây hóp lòa xòa trước mặt thì đã nghe có tiếng gọi: - Bố già ơi! Quay lại giúp “con cháu” qua suối với rồi cùng đi cho vui nào! Bác giơ một tay che nắng, nheo nheo cặp mắt nhìn qua bên bờ kia. Cạnh một vách đá thạch anh trắng toát có một chàng trai tay phải chống nạng, tay trái xách ba lô lộn ngược dùng làm túi, ống quần xắn cao để lộ ra một chiếc chân gỗ màu xám mốc.

Tình mẹ

(HBĐT) - - Hôm nay anh Tú về không mẹ? - Có! Chị Liên trả lời con gái rồi tất tưởi xách chiếc làn đi chợ. Con bé Ngọc được thể mừng ra mặt. Nó nghĩ, mỗi lần anh Tú (đang học đại học Bách khoa) về là mẹ lại sắm bao nhiêu thứ: sữa tươi, kem, sữa chua..., thức ăn thì khỏi phải nói, toàn món ngon thuộc dạng khoái khẩu của Ngọc. Mẹ bảo, anh Tú đi học xa vất vả, ăn uống tạm bợ, khéo cả tuần mỳ tôm cũng nên. Mẹ vẫn hay nhắc Ngọc, con ở nhà được bố mẹ chăm sóc, cơm ngon, canh ngọt, muốn ăn gì có nấy, phải chăm chỉ học hành cho nên người, mẹ chỉ mong con học giỏi được như anh là mẹ mừng.

Đường đã chọn

(HBĐT) - Sáng nay, cả nhà Hoa dậy sớm, mọi thứ Hoa đã chuẩn bị từ chiều hôm trước nhưng cha vẫn bắt Hoa kiểm tra lần cuối xem có thiếu thứ gì không. Hai thằng Tuấn, Tú - con trai Hoa cũng dậy rửa mặt, đánh răng, tiếng còi xe tăcxi kêu ngoài cổng, cha con, ông cháu lễ mễ bê các thứ ra xe. Cứ vào ngày này, tháng này của mỗi năm là cha và Hoa lại về quê chú Bốn để giỗ chú ấy. Nắng mùa thu vàng như mật ong, gió thu thổi nhè nhẹ, bầu trời quang đãng.

Dì Thêm hai lần để tang chồng

Dì Thêm là con gái út của ông bà ngoại tôi. ông ngoại tôi làm nghề dạy học cấp I ở trường làng. Dì tôi hiền lành, là con gái nông thôn nhưng dì có mái tóc xoăn bồng tự nhiên, khuôn mặt trái xoan, nước da trắng trẻo, chẳng thua gì con gái nơi phố phường. Dì bảo, dì có cái tên Thêm mộc mạc, giản dị vì ông bà ngoại đẻ dì sau 4 chị em, dì là út ít trong nhà lại đẻ thêm nên ông ngoại đặt tên Thêm là vì thế. Khi chúng tôi khen mái tóc dì đẹp, dì thở dài:

Xanh miền ký ức

(HBĐT) - Từ nhỏ, tôi luôn yêu quý và ao ước được như cha tôi. Có phải bởi câu “Con gái giống cha giàu ba mươi đụn”. Có điều là tôi đã học được nhiều điều từ cha. Cha tôi là một thầy giáo trường làng, tuy nghèo, song cha tôi luôn sống thanh bạch, đĩnh đạc và giao lưu rộng. Trong làng hễ có việc hệ trọng là các cụ cao tuổi thường đến hỏi ý cha. Với tôi, hễ có vướng mắc, từ kiến thức, trong giao tiếp đến việc ngoài đời, hỏi đến cha là đều được giải đáp cụ thể, rõ ràng. Có lần tôi đem những ý của cha đến hỏi các thầy, cô giáo và lần nào cũng được các thầy, cô giáo công nhận là đúng, khiến tôi tự tin và học hành ngày một tấn tới, từ tiểu học đến trung học, tôi vẫn luôn đứng trong tốp ba dẫn đầu lớp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục