Dì Thêm là con gái út của ông bà ngoại tôi. ông ngoại tôi làm nghề dạy học cấp I ở trường làng. Dì tôi hiền lành, là con gái nông thôn nhưng dì có mái tóc xoăn bồng tự nhiên, khuôn mặt trái xoan, nước da trắng trẻo, chẳng thua gì con gái nơi phố phường. Dì bảo, dì có cái tên Thêm mộc mạc, giản dị vì ông bà ngoại đẻ dì sau 4 chị em, dì là út ít trong nhà lại đẻ thêm nên ông ngoại đặt tên Thêm là vì thế. Khi chúng tôi khen mái tóc dì đẹp, dì thở dài:

 

- Thầy tướng bảo người có mái tóc thế này trông thì đẹp nhưng số phận là khổ lắm!

- Số là gì hở dì?

- Là cái kiếp của mỗi người mà ông trời đã định sẵn, sướng thì được mà khổ thì phải chịu. Thôi, lớn lên rồi cháu sẽ hiểu.

Đến tuổi mười tám, đôi mươi, dì phổng phao, nước da trắng hồng được đám thanh niên làng trên, xóm dưới để ý nhưng dì chỉ để ý một người từ lâu là chú Ngoãn ở làng bên. Dì kể rằng, sở dĩ dì quý chú ấy là vì chú ấy rất hiền, khéo tay, chỉ một cái kéo thôi ai nhờ chú cắt tóc là chú sẵn sàng, chú lại là học trò ngoan của ông ngoại tôi. Gặp dì, mặt chú ấy thường đỏ tía lên. Khi giáp mặt thì không dám nhìn nhưng đi qua rồi quay đầu nhìn lại.

Chú Ngoãn khỏe mạnh, nước da rám nắng hay giúp đỡ người khác. Chú hiền lành, chẳng đua đòi chơi bời lêu lổng. Tính chú gặp ai khó khăn là chú đỡ đần, ngày mùa đi gặt về, ra đồng quẩy rạ, gặp người gánh nặng là chú gánh hộ, chẳng chút đắn đo. Không phải vì chú có tình cảm với dì Thêm mà chú quý tôi. ít lâu sau, hai gia đình ngỏ lời. ông bà ngoại hỏi ý dì, dù trong lòng đã thuận nhưng dì bẽn lẽn nói:

- Tùy thầy, bu.

Lấy chồng được 2 năm, dì sinh được con trai đầu lòng, ông bà ngoại tôi mừng cho dì, quý cháu ngoại, ông bà đặt tên nó là Quý. Lúc này, giặc Mỹ bắt đầu bắn phá miền Bắc, thanh niên trong làng nô nức lên đường nhập ngũ, trong đoàn người ra trận đó có chú Ngoãn. Sau vài tháng huấn luyện ở miền Bắc, chú lên đường vào Nam chiến đấu. Thời gian đầu cứ khoảng 2-3 tháng mới có một lá thư về. Thư từ miềm Nam theo đường quân bưu đến được tay người nhận thường đã bị hoen ố nét chữ. Bắt được thư, dì đọc kỹ, đọc đi, đọc lại rồi dì gói vào túi nilon cất cẩn thận như một vật báu. Rồi dì nắn nót viết thư gửi cho chú, chữ dì viết không được đẹp lại hay sai lỗi chính tả. Dì tiếc hồi ông ngoại cho đi học thì bận việc nhà, là con gái út trong gia đình, các anh chị thì ai cũng có gia đình. Thời bao cấp, chiến tranh khó khăn nên dì học dở cấp II là nghỉ học. Dì cầm bút viết, vừa viết, vừa suy nghĩ, lòng dì rạo rực. Tình cảm của dì chỉ thể hiện sự mộc mạc của con gái nhà quê, chân tình mà ý tứ. Rồi dì nhìn ra ngoài trời, nghe tiếng máy bay ầm ì từ xa dì lại nói:

- Không biết cứ chiến tranh mãi thế này, bom đạn máy bay ầm ì bắn phá đầy trời, chú có về được không?

Tôi vui vẻ động viên dì:

- Thắng lợi, chú về ngực đỏ huân chương, tha hồ dì mừng nhé.

Thời gian sau, thư của chú Ngoãn gửi về thưa dần rồi ngừng hẳn. Năm ấy, quê tôi bị trận lụt lớn, gia đình phải đi thuyền ra địa điểm xã tổ chức làm lễ truy điệu cho chú Ngoãn. Nhìn dì gầy héo như cây cau khô mà xót, em Quý còn quá nhỏ, chưa biết bố hy sinh nên cứ tung tăng chạy theo người thợ chụp ảnh.

Ngoài 30 tuổi, trên đầu dì lại trắng chiếc khăn tang. Hè năm ấy, tôi vừa tốt nghiệp đại học được nghỉ 2 tháng trước khi lên trường nhận quyết định phân công. Cũng là phận đàn bà, con gái, tôi thông cảm với dì cảnh góa bụa nuôi con một mình giữa chiến tranh ác liệt của một thời bao cấp. Tôi sang nhà dì chơi vừa động viên dì, san sẻ nỗi buồn và bảo ban thêm cho em Quý học vì năm nay nó lên lớp 2. Nhìn dì sống lặng lẽ như chiếc bóng. Em Quý càng lớn càng giống chú Ngoãn từ mái tóc đến nụ cười, dì dồn tình thương chăm sóc Quý. Mọi việc từ ăn uống, học hành, vui chơi, ngủ nghỉ đều được dì ân cần, quản lý chặt chẽ. Dì tâm sự với tôi:

- Nó là cục cưng của dì, là người nối dõi dòng tộc chú Ngoãn.

Chiến tranh ngày càng ác liệt, nhiều tin tức thắng trận truyền về làm nức lòng người dân hậu phương. Nhưng trong niềm vui ấy có người ngã xuống, báo tử về nhà, có người mang thương tật về hậu phương. Chiến tranh là vậy, dì Thêm nguôi ngoai, ngoài sự động viên, quan tâm với gia đình liệt sĩ, chính sách đối với người đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc cũng được cấp ủy, chính quyền thực hiện chu đáo, Dì tham gia đoàn thể phụ nữ, trung đội dân quân hỗ trợ tiếp tế khoai, sắn, nước uống cho các trận địa pháo.

Ra đồng, lên nương bên khẩu súng trường trên vai, dì cần mẫn, nhẫn nại trong công việc, được bà con lối xóm quý mến, thương yêu. Lúc đêm về, ngồi rỗi rãi, dì lại lấy rơm bệnh những chiếc mũ cho con, cho các cháu hàng xóm liên kết sự đoàn kết giữa bọn trẻ trong làng, trong xóm. Thời gian trôi, Quý lớn dần, biết thương mẹ, thương ông bà nội, ngoại. Quý chăm ngoan, học giỏi, những năm học cấp II trường làng, Quý đều học giỏi, được cử đi thi môn toán cấp tỉnh. Dì thêm mừng thầm. Bỗng một buổi chiều muộn, người đưa thư mang đến nhà dì một phong thư làm bằng giấy vở học sinh gấp lại trên có mấy chữ viết nguệch ngoạc: “Gửi Nguyễn Thị Thêm, thôn Chụa, xã Đồng Lâm...”, mọi người bán tín, bán nghi, biết dì quá mong mà ai đó đùa giỡn, được tin có thư của chú Ngoãn, dì tôi bỏ buổi làm đồng chạy về hai tay cầm thư ghì chặt vào lòng như sợ nó sắp bay mất. Sau khi trấn tĩnh lại, như chợt nhớ ra, dì tôi vào bồ thóc trong góc buồng lôi ra một bó thư cũ của chú Ngoãn được buộc chặt bằng hai, ba lần nilon rồi đối chiếu với lá thư mới, mọi người  ồ reo lên đúng là chữ của chú rồi, chỉ có điều nét chữ của chú hơi run và xấu.

Trong thư chú cho biết, sau thời gian đánh nhau, đơn vị của chú không may sa vào vòng vây phục kích của địch. Đơn vị chú đã quyết liệt chiến đấu nhưng do bị thương ở đỉnh đầu, chú rơi vào tay giặc. Một thời gian khai thác, tra tấn không khuất phục được, chú bị bọn giặc đày ra tù ở đảo Phú Quốc. Hiệp định Pari được ký kết, chú được trao trả, đang an dưỡng ở Sầm Sơn (Thanh Hóa). Khi nào đơn vị cho phép sẽ về thăm gia đình.

Ngày chú được về thăm nhà, họ hàng, bà con lối xóm kéo đến chia vui, ngồi đầy cả trong nhà, ngoài sân. Tuy kinh tế nhà dì cũng chẳng dư dả gì nhưng dì cũng được bà con, HTX, chính quyền giúp đỡ mua hẳn con lợn mổ liên hoan đãi họ hàng, làng xóm. Làng trên, xóm dưới đều khen ông bà nội, ngoại và dì ăn ở phúc đức nên mới gặp được điều lành như vậy.

Chú bị thương trên đỉnh đầu, vết sẹo to tướng, giọng nói không tròn tiếng lại bị giam cầm, đánh đập nên sức khỏe ảnh hưởng. Chú về được ít lâu, sức khỏe tạm bình phục chú lại bắt tay sửa chái nhà, lợp lại gian bếp. Tính chú hồ hởi, xởi lởi nên hàng ngày được bà con, bạn bè đến chơi, chuyện trò vui vẻ. Trong gian nhà cấp bốn của chú ngày nào cũng có tiếng cười nói. Chú lại giúp đỡ bằng cách cắt tóc cho ai có nhu cầu, chú nghĩ mình còn làm được gì thì giúp ích cho xã hội là vui vẻ, sẵn sàng. Tâm đắc với lời “Thương binh tàn nhưng không phế” nên chú chẳng nề hà việc gì trong điều kiện sức khỏe cho phép.

Với chế độ thương tật 2/4, chú vẫn cần cú, trừ lúc trái nắng, trở trời, vết thương tấy lên làm chú vật vã, toát mồ hôi. Dì chăm sóc chú, em Quý thương bố chăm học, chăm làm giúp mẹ. Một tối sau cơn mưa rào, chú vác nơm, vác vó đi kiếm cá trên suối Khoang. Dì can ngăn nhưng tính chú thích làm, thích lao động, chú bảo đó là niềm vui. Rồi một hôm đi kiếm cá, gặp cơm mưa to, chú về bị cảm, lên cơn sốt, vết thương tấy lên chưa kịp đi bệnh viện thì chú đột ngột qua đời. Được tin chú mất, tôi về, trên bàn thờ, nhìn nét mặt chú bình thản sau làn khói hương đậm đặc. Dì Thêm ôm lấy tôi nói trong tiếng nấc nghẹn ngào:

- Cháu gái ơi! Lần này thì chú mất thật rồi! Một đời người hai lần để tang chồng thế này có khổ cho dì không?

Tôi đứng lặng người thương tiếc chú, người thương binh cần cù, nhẫn nại lại thương cho dì -  dì Thêm của tôi. Nhìn chiếc khăn tang trên đầu dì, lòng tôi xót xa vô cùng.

 

 

                                                                  Văn Song (T.T.V)

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Màu hoa phượng cháy

(HBĐT) - Tháng 5, không gian tràn ngập ánh sáng, ngay từ sáng tinh mơ, nắng đã rực rỡ vàng, lấp lánh bên hiên. Không chỉ nơi tôi ở, bên bạn cũng đang có tiếng ve râm ran, có phượng vĩ nở đỏ trên lối về. Hè về, đâu đâu cũng thấy màu đỏ rực rỡ của hoa phượng, hoa rực rỡ, mạnh mẽ và lạc quan hiếm thấy.

Bản đồng ca lớp 5A

(HBĐT) - Những cánh phượng đã thắp đỏ góc sân trường, ve sầu đã kêu râm ran báo mùa hè đến, một năm học kết thúc. Để chuẩn bị cho ngày tổng kết năm học và kỷ niệm ngày 1/6, ngày Quốc tế thiếu nhi, lớp 5A ríu rít tập bản đồng ca do cô giáo Huyện, chủ nhiệm lớp hướng dẫn. Cả bọn thằng Cường, Huy, Quang, Tuấn, Dũng cùng bọn cái Liên, Trang, Thảo, Thủy, Thu chuản bị một tiết mục thật xuất sắc để rồi chia tay mái trường tiểu học đã gắn bó với chúng bao kỷ niệm trong học tập, sinh hoạt đội - những ngày vô tư hồn nhiên của tuổi học trò.

Mẹ chồng, nàng dâu

(HBĐT) - Cả ngõ phố này ai cũng bảo chị Ánh số may mắn được làm dâu nhà bà Thu, một mẹ chồng yêu thương con dâu như con đẻ. Tốt nghiệp trung cấp y, Ánh được điều về bệnh viện đa khoa thành phố làm việc. Duyên phận đã se duyên cho Ánh và Tuấn nên vợ nên chồng.

Tinh khôi chiều hè

(HBĐT) - Gió ào ào như lay, như lắc trên khắp ngọn cây, từ dãy bạch đàn, hàng me, cả cây phượng già. Gió như giằng bứt những chiếc lá vàng đang cố níu bám trên thân cành để rắc đầy xuống lòng đường hè phố, cả cái ngõ nhỏ vừa thân quen, vừa là lối đi về của Diệu Tú.

Cháu đích tôn thiếu tháng

(HBĐT) - Cứ mỗi lần Thái được về tranh thủ hoặc về phép, đêm đêm, Lan lại khóc nức nở bên chồng. Thương chồng nhưng Lan vẫn ấm ức với chồng và giận ông Thế là bố của chồng không coi con trai của họ là cháu nội. Mặc dù Thái rất yêu vợ, thương con và nhiều lần bảo Lan rằng chỉ có chồng hiểu là được, không cần bận tâm những chuyện bên ngoài mà ảnh hưởng đến công việc. Biết vậy nhưng Lan vẫn thấy mình bị oan. Ngày sinh con, chồng đang ở Trường Sa không về được, Lan nhờ ông nội đặt tên cho cháu. ông Thế chỉ nói bâng quơ: “Bảo bố nó đến mà đặt tên”. Câu nói có ngụ ý cùng với sự lạnh nhạt của bố chồng trong thời kỳ ở cữ khiến cho lòng Lan đau như xát muối.

Đôi mắt hậu phương

(HBĐT) - Tháng tư, cái nắng đầu mùa đã rải vàng khắp đường làng, ngõ xóm, ông Trung tuổi ngoài 60, lật từng trang nhật ký của một thời khói lửa, chiến trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục