(HBĐT) - Thao sinh ra ở nếp nhà sàn của cha mẹ, cách ngôi nhà của mẹ con cô ở hiện tại chừng hơn trăm mét. Nhà nghèo, Thao lại là chị cả nên đến tuổi trăng rằm, cô đã phải từ giã mái trường, xếp sách bút cùng cha mẹ chăm lo việc đồng áng.

 

Tuổi dậy thì, Thao lớn phổng phao, ưa nhìn, dù gương mặt, vóc dáng của cô không có gì nổi trội. Bù lại, Thao có sức khỏe và có một tâm hồn trong sáng, hồn nhiên mà bất cứ ai ở gần cô cũng có thể cảm nhận được. Phải bỏ học giữa chừng, Thao  tiếc lắm nhưng thấy nhiều chị em gái trong làng cũng vậy, hơn nữa, nghĩ cảnh bố mẹ phải làm lụng cật lực để lo mua quần áo, sách, vở, tiền ăn, học cho 4 chị em, Thao không đành lòng. Từ khi bỏ học, sáng sáng cô dậy sớm luộc nồi sắn hoặc ngô, khoai để cả nhà ăn sáng và nồi cơm trắng nắm chặt trong chiếc mo cau thêm lọ muối vừng để làm bữa trưa cho 2 mẹ con. Xong xuôi mọi việc, Thao cùng mẹ lên nương trồng ngô, trồng sắn. Công việc vất vả nhưng hai mẹ con vừa làm, vừa chuyện trò nên ngày lại ngày trôi qua thật nhẹ nhàng.

 

Thấm thoắt, Thao đã ở ngưỡng đôi mươi, bạn bè cùng trang lứa nhiều đứa đã yên bề gia thất. Thao cũng muốn được như chúng bạn, được làm cô dâu rồi có con bế, con bồng. Thao cũng đã chuẩn bị tâm lý và cả hành trang để có thể làm một cô con dâu tốt của một gia đình nào đó. Ngày ngày, tranh thủ giờ nghỉ ngơi, Thao thường lấy chỉ ra tết dây màn rồi thêu khăn gối làm quà biếu cho nhà chồng. Cứ miệt mài với công việc, dần dần, Thao đã tích trữ được những tấm chăn, chiếc gối áng chừng có thể sử dụng cho cả một gia đình trong mười năm có lẻ. Thế nhưng, đã 26 xuân xanh, cuộc sống gia đình đã khấm khá hơn, các em cũng đã trưởng thành, Thao vẫn một mình. Đến một ngày, bà cô họ lấy chồng làng bên đứng ra mai mối cho Thao một chàng trai mà nếu so sánh với Thao thì có thể nói rằng họ xứng đôi, vừa lứa. Dẫu chỉ là điều run rủi, tầm thường thôi nhưng Thao đã thực sự hạnh phúc khi e ấp bước chân về nhà chồng.

 

Đám cưới xong xuôi, Thao đã hối hả vừa lo kiếm sống, vừa lo chuyện sinh con. Một năm sau ngày cưới, bé Hoài An chào đời. Thêm đứa con nhỏ, thêm một niềm vui nhưng cuộc sống của gia đình lại trở nên chật vật hơn. Thấy vài người đàn ông trong làng đi làm ăn xa một thời gian khi trở về có tiền tiêu rủng rỉnh lại còn mua được cả ti vi, xe máy, xây cất, sửa sang nhà cửa, chồng Thao bàn với vợ để mình đi một chuyến kiếm tiền tiêu trong dịp Tết. Thao gật đầu đồng ý không chút nghĩ suy vì một lý do đơn giản: những người đàn ông khác trong làng đã tản mác đi làm ăn xa để kiếm sống đã ba năm nay, tại sao chồng mình lại không thể!

 

Tạm xa gia đình, xa đứa con nhỏ mới tròn tháng tuổi, anh theo những người đàn ông trong làng đi đào vàng thuê đâu đó ở mạn Thái Nguyên. Anh đi liền trong 3 tháng cho đến ngày giáp Tết mới trở về. Quả thật, năm đó, gia đình Thao đã có một cái tết khá sung túc nhờ món tiền mà  chồng cô kiếm được. Có điều, chồng Thao gầy hốc hác, đôi bàn tay chai sần, ánh mắt như đờ đẫn, chậm chạp hơn.

 

Nghe chồng kể về cuộc sống và công việc nơi rừng thiêng, nước độc  những trận sốt rét rừng, tiếng la ó, quát tháo, cờ bạc sát phạt, tranh cướp lẫn nhau, trái tim Thao như loạn nhịp. Chạnh lòng xen lẫn cảm giác bất an, cô quả quyết: Khổ vậy, anh ở nhà với mẹ con em thôi, chăm chỉ cày, cuốc cũng không thiếu cơm ăn đâu.

 

Nghe lời khuyên của vợ và cảm giác hãi hùng đã từng trải anh không bao giờ quay trở lại chốn rừng sâu nước độc đó nữa. Sau mấy ngày Tết, vợ chồng Thao lại cùng nhau vác cày, cuốc ra đồng làm những công việc đã quen thuộc  từ bao đời. Có điều, sức khỏe của cả hai vợ chồng Thao ngày càng sa sút.

*

*     *

Rồi một ngày chồng Thao ngã bệnh, người thanh niên trai tráng hôm nào giờ phải nằm bẹp trong chiếc giường đơn lạnh lẽo ở bệnh viện. Kết quả xét nghiệm máu của bệnh viện cho thấy anh bị mắc căn bệnh thế kỷ.

Đã nhiều năm trôi qua, Thao vẫn không thể quên cảm giác choáng váng, tê dại khi nghe vị bác sỹ nọ nhấn nhá mấy câu gọn lỏn:

- Chúng tôi rất tiếc phải báo cho chị biết, anh nhà đang mang trong mình vi rút HIV, hiện đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Chúng tôi khuyên chị cũng nên đi thử máu để kiểm tra xem mình có mắc bệnh hay không.

Mặt mũi tối sầm, Thao đứng dậy loạng choạng bước quên cả lời cảm ơn xã giao người bác sỹ. Những bước chân vô định đưa Thao đến bên gốc cây bàng khẳng khiu chỉ còn lơ thơ vài chiếc lá đỏ, cô tựa người vào gốc cây để làm điểm tựa cho cái đầu trống rỗng.

Không đầy nửa năm sau cái ngày nhận được tin dữ, Thao đã tiễn chồng về thế giới bên kia trong sự đớn đau, mặc cảm tột cùng. Đám tang chỉ có mấy người thân trong nhà, hàng xóm láng giềng có đến phúng viếng nhưng họ chỉ dám liếc qua rồi lẳng lặng ra về với những lời bàn tán, xì xào.

Tiễn chồng đi rồi quay về ngôi nhà trống trải nghi ngút khói hương, Thao ngã khụy trước bậc thềm. ôm đứa con gái nhỏ vào lòng, cô nuốt nỗi cay đắng vào trong quả quyết: mình phải sống không phải cho mình mà cho con, đứa con bé bỏng, tội nghiệp.

Chồng chết vì AIDS, trong dòng máu của Thao hiện cũng đang mang vi rút HIV, bạn bè, người thân ngày càng xa lánh. Nếu ai đó có việc đến nhà tìm Thao, họ chỉ đứng ngoài trao đổi không dám bước vào nhà, cũng không dám uống một ngụm nước. Con gái Thao hoàn toàn khỏe mạnh nhưng đến lớp học mầm non vẫn bị cô giáo cho ngồi riêng một góc, hàng ngày bé thui thủi, thẫn thờ, thi thoảng hỏi mẹ những câu hỏi ngây ngô không phù hợp với lứa tuổi.

Không thể trụ lại ở ngôi nhà cũ với những nỗi đau chồng chất, Thao ôm con về nhà mẹ đẻ để trú ngụ. Căn nhà chật chội không đủ chỗ ở, bố mẹ và em trai đã cất cho mẹ con Thao ngôi nhà nhỏ xây tường gạch, lợp mái tôn ngay trong vườn nhà. Ba năm qua, mẹ con Thao đã sống trong ngôi nhà này và giờ đây đã trở nên ấm cúng hơn.

Cái ý nghĩ “phải sống” đó đã thôi thúc Thao tìm đến Trung tâm phòng - chống HIV/AIDS của tỉnh để được tư vấn, điều trị. Được điều trị bằng thuốc men đầy đủ và cũng có kiến thức để chăm sóc bản thân, dần dần Thao đã lấy lại thăng bằng và tạo cho mình một cuộc sống bình thường như bao người khác.

*

*     *

Sau cái chết của chồng Thao, xóm làng hoang mang, chộn rộn. Những gia đình có chồng, con  đi đào vàng năm đó đến cơ sở y tế để xét nghiệm máu và đã có thêm nhiều cặp vợ chồng khác cùng chung cảnh ngộ.

Mình phải giúp đỡ họ, vì mình là người đầu tiên đã phải trải qua nỗi đớn đau , tủi nhục bởi sự kỳ thị, khinh miệt của những người xung quanh.

Nghĩ vậy nhưng một mình Thao không thể làm được bởi Thao cảm nhận được sự khinh khi trong từng ánh mắt, hành động của cả những người được coi là thân thiết. Vậy ai sẽ là người nghe cô nói???

May thay, chuyện làng Mun “có AIDS” đã không còn bị bưng bít trong khoảng không gian nhỏ nơi Thao và những người cũng cảnh ngộ đang sống. Tin tức ấy đã bay xa. Đó không phải là điều hay hớm gì nhưng bù lại đã huy động được cả cộng đồng xã hội quan tâm, giúp đỡ những người như Thao. Mỗi tháng có dăm, bảy đoàn công tác từ tỉnh, huyện về làng Mun nắm tình hình rồi xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giúp đỡ những người có HIV.

Được sự tín nhiệm của các bác bên Hội Nông dân, Hội phụ nữ xã, Thao  trở thành tuyên truyền viên và là      chủ nhiệm CLB “cùng chia sẻ”- CLB dành cho những người có HIV/AIDS và cả những người không mắc bệnh mong muốn có kiến thức, kỹ năng để phòng - chống căn bệnh thế kỷ.

Công việc không có gì to tát nhưng đã choán hết khoảng thời gian rảnh rỗi, Thao không còn lúc nào để nghĩ ngợi, buồn phiền, ngược lại, cô được tiếp thêm nghị lực để sống tốt hơn. Được chăm sóc, điều trị tốt, Thao sống khỏe mạnh trong suốt thời gian dài.  Ngày ngày, Thao như thoi đưa làm lụng kiếm sống để nuôi mình, nuôi con và đem niềm tin, niềm hy vọng đến với những người cùng cảnh ngộ.

Biết mình không còn sống được bao lâu nhưng ngồi nghĩ ngợi, sầu não cũng không giải quyết được gì, Thao gắng gượng để sống, nỗ lực làm mọi việc khi còn có thể. Thao dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu kiến thức về phòng - chống HIV/AIDS, phòng - chống bệnh ung thư để tuyên truyền cho các thành viên trong CLB của mình và  trong cộng đồng. Sự nỗ lực không mệt mỏi của Thao rồi cũng được đền đáp. Hơn ai hết, cô cảm nhận rõ điều đó bởi giờ đây, mẹ con cô và cả những người đang phải vật vã chiến đấu với căn bệnh thế kỷ này đã không còn đơn độc. Chỉ tiếc rằng thời gian dành cho Thao không còn nhiều. Thao đã từ giã cõi đời vào một đêm đông lạnh lẽo.

 

 

 

                                                                                    Thúy Hằng

 

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Trẻ cậy cha, già chưa được cậy con

(HBĐT) - 8 năm nay, sáng nào cũng vậy, khi chiếc loa công cộng phát chương trình thể dục buổi sáng của Đài Tiếng nói Việt Nam thì cụ ông, cụ bà đã ngồi trên giường tập dưỡng sinh xoa bóp bài “Cốc đại phong” để làm cho tinh thần sảng khoái, mạch máu lưu thông rồi hai cụ mới đi bộ. Sáng nay, cụ bà vào buồng lấy cai ô rộng vành màu đen và chiếc mũ phớt đưa chọ cụ ông và bảo:

Tình Sẻo May

(HBĐT) - Sẻo May đếm ngón tay, đếm trong bụng. Ngày một ngày hai là chợ phiên. Chợ phiên này, Sẻo May phải xin bố mẹ cho mình đi với con gái bản núi Khău Mang. Sẻo May 17 tuổi hơn rồi sao cứ phải đi theo bố mẹ. Chỉ tại ông trời không cho bố mẹ nhiều con trai, con gái. Bố bảo:

Gió thổi ngày tựu trường

(HBĐT) - Những cô bé sang thu rất đẹp/ áo trắng tung bay trở lại trường/ Gửi vào trời hạ bao thương nhớ...”

Bác Tình

(HBĐT) - Đặt gánh củi lên bãi cỏ lắp xắp nước ven bờ, bác Tình chỉ kịp cởi chiếc áo vải gụ vắt lên ngọn cây hóp lòa xòa trước mặt thì đã nghe có tiếng gọi: - Bố già ơi! Quay lại giúp “con cháu” qua suối với rồi cùng đi cho vui nào! Bác giơ một tay che nắng, nheo nheo cặp mắt nhìn qua bên bờ kia. Cạnh một vách đá thạch anh trắng toát có một chàng trai tay phải chống nạng, tay trái xách ba lô lộn ngược dùng làm túi, ống quần xắn cao để lộ ra một chiếc chân gỗ màu xám mốc.

Tình mẹ

(HBĐT) - - Hôm nay anh Tú về không mẹ? - Có! Chị Liên trả lời con gái rồi tất tưởi xách chiếc làn đi chợ. Con bé Ngọc được thể mừng ra mặt. Nó nghĩ, mỗi lần anh Tú (đang học đại học Bách khoa) về là mẹ lại sắm bao nhiêu thứ: sữa tươi, kem, sữa chua..., thức ăn thì khỏi phải nói, toàn món ngon thuộc dạng khoái khẩu của Ngọc. Mẹ bảo, anh Tú đi học xa vất vả, ăn uống tạm bợ, khéo cả tuần mỳ tôm cũng nên. Mẹ vẫn hay nhắc Ngọc, con ở nhà được bố mẹ chăm sóc, cơm ngon, canh ngọt, muốn ăn gì có nấy, phải chăm chỉ học hành cho nên người, mẹ chỉ mong con học giỏi được như anh là mẹ mừng.

Đường đã chọn

(HBĐT) - Sáng nay, cả nhà Hoa dậy sớm, mọi thứ Hoa đã chuẩn bị từ chiều hôm trước nhưng cha vẫn bắt Hoa kiểm tra lần cuối xem có thiếu thứ gì không. Hai thằng Tuấn, Tú - con trai Hoa cũng dậy rửa mặt, đánh răng, tiếng còi xe tăcxi kêu ngoài cổng, cha con, ông cháu lễ mễ bê các thứ ra xe. Cứ vào ngày này, tháng này của mỗi năm là cha và Hoa lại về quê chú Bốn để giỗ chú ấy. Nắng mùa thu vàng như mật ong, gió thu thổi nhè nhẹ, bầu trời quang đãng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục