(HBĐT) - Bố hy sinh trên mặt trận bảo vệ biên giới phía Bắc, lúc đó, anh mới lên 5 tuổi. Mẹ anh mới ngoài 30, ở vậy nuôi anh, mong mỏi ở anh, giọt máu của người cha để lại. ông nội anh thương xót con hy sinh lúc còn quá trẻ. Nhìn đứa cháu nội khôi ngô, ông hy vọng vào đứa cháu, ông đặt tên cháu là Vọng - Nguyễn Tiến Vọng. Mẹ anh, cô gái nông thôn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, giỏi việc nhà, năng nổ việc làng xóm lại giỏi việc cày, cấy nên được bà con xóm làng quý mến.

 

Là người vợ liệt sĩ khi tuổi còn trẻ, mẹ anh lo làm lụng nuôi con, phụng dưỡng bố mẹ chồng lại được cái nết biết ăn, biết ở với mọi người, nỗi buồn của chị cũng nguôi ngoai dần. Con trai chị, thằng Vọng lớn lên càng giống bố từ vầng trán hơi dô, mái tóc bò liếm, đôi mắt to mà sáng đến nụ cười. Nhìn con mỗi ngày mỗi lớn, chị hởi lòng, hởi dạ. ông bà nội, ngoại nhìn cháu tấm tắc:

- Trộm vía, cháu càng lớn càng khôn, học hành giỏi, mong bố nó linh thiêng phù hộ.

Theo nguyện vọng của gia đình, từ nghĩa trang Vị Thanh (Hà Giang), nơi yên nghỉ của hơn 2.000 liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ biên giới của những năm 1979 - 1980, hài cốt bố anh được đưa về nghĩa trang quê nhà trên ngọn đồi đầy cây mua, sim, tháng 7 về, một màu tím biêng biếc, nơi đó từng gắn bó tuổi thơ chăn trâu, thả bò.

Đã hơn 30 năm rồi, còn lại bà nội đã ngoài 70 tuổi, anh lớn lên học xong cấp III thi vào trường sĩ quan quân đội với ý nguyện là tiếp bước theo con đường của cha - người cha liệt sĩ. Sau những năm học tập, rèn luyện trên thao trường, anh trưởng thành, mạnh mẽ. Nhớ ngày hành quân dã ngoại, anh có dịp lên vùng biên cương, nơi có cột mốc biên giới, nơi có cột cờ Lũng Cú, biểu tượng của một quốc gia. ở đó lá cờ đỏ sao vàng luôn tung bay trước gió, khẳng định cho chủ quyền. Đến đây anh lại có dịp thăm nơi cha anh ngã xuống bởi kẻ thù đã có một thời là bạn láng giềng. Tốt nghiệp, anh mang quân hàm thiếu úy được điều ra đảo, anh xác định nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua. ở hậu phương, anh có mái ấm mẹ già, vợ anh, cô giáo và hai đứa con gái.

Một hôm, cậu Tam, người lính trẻ cùng quê đến gặp anh cất giọng tâm sự:

- Em vô cùng cảm kích trước đặc ân mà thủ trưởng dành cho em. Song nếu nhận, em sẽ day dứt. Chiều qua nhận được thư vợ kể rằng cô ấy sang nhà người bạn ở làng anh chơi được biết mẹ anh ốm phải đi bệnh viện, cháu Thảo trên đường đạp xe đi học không may bị tai nạn do một chiếc xe công nông vượt ẩu lấõn đường, may mà bị nhẹ, chị một mình lo lắng, chăm sóc nên người gầy rộc đang cần sự động viên, chia sẻ từ phía anh. Chúng em tuy mới cưới nhau đã phải chịu thiệt thòi xa nhau nhưng nếu so với anh chị thì có thấm tháp gì.

Những lời bộc bạch chân thành của người đồng chí, đồng đội cấp dưới, đồng hương khiến lòng anh vô cùng day dứt và cảm giác có lỗi với người thân trong gia đình, đặc biệt là với vợ anh, người bạn đời mà anh yêu dấu.

Mỗi buổi sáng khi mặt trời mọc trên biển, sắp xếp công việc đơn vị xong của một ngày, anh lại nhấn máy gọi về cho vợ hỏi thăm sức khỏe của mẹ, công việc của chị và tình hình học tập của hai cô con gái, đứa lớn, cái Thảo học lớp 10 và cái Hiền học lớp 6, chứ mấy khi anh đã thốt lên được những lời ngọt ngào, êm ái thể hiện tình yêu cháy bỏng của anh dành cho vợ. Cũng biết rằng, tính anh là vậy dù trong lòng anh lúc nào cũng nhớ về mẹ, về vợ, con, về tổ ấm gia đình trên đất liền. Anh không biết cách giãi bày mà bề ngoài còn có vẻ khô khan, cứng nhắc.

Là con của người lính hy sinh ở mặt trận phía Bắc bảo vệ Tổ quốc, anh bước tiếp cha anh theo con đường binh nghiệp, ngày nay, anh đã trưởng thành đúng như niềm hy vọng mà bông, bà nội đặt tên cho anh. Anh đã là một chỉ huy, lãnh đạo đơn vị mang quân hàm trung tá đóng quân trên hòn đảo Trường Sa xa xôi. Công việc hàng ngày bận rộn cứ cuốn anh đi nên từ ngày nên duyên chồng vợ đến giờ đã hơn 10 năm, chưa mấy lần anh cầm bút gửi gắm những ân tình về cho vợ như thời còn yêu đương, hò hẹn. Còn chị, một cô giáo trường làng vẫn cứ đều đều gửi thư cho chồng, thư chị là những lời động viên, khích lệ, là điểm tựa tin cậy cho anh phấn đấu, rèn luyện, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, sự mong mỏi của người thân và gia đình. Không bao giờ chị kêu ca, lấy niềm vui những giờ lên lớp, bên đàn em nhỏ hồn nhiên, ngây thơ làm chị như quên hết nỗi mệt nọc, sự nhớ nhung. Hàng ngày, từ nhà ra lớp đi trên con đường làng xum xuê cây rợp bóng mát, qua cánh đồng lúa xanh mượt, những cánh chim chao lượn trên thảm lúa xanh, lòng chị lại lâng lâng một niềm vui công việc trồng người. Mỗi buổi sáng đi qua cánh đồng đến kỳ chín vàng sắp vào mùa gặt, chim ngói, chim chiền chiện bay về khi mặt trời vừa nhô trên đỉnh núi. Cảnh quê thanh bình, no ấm râm ran tiếng nói, tiếng cười con trẻ đến trường. Nhìn về phía mặt trời mọc, phía đằng đông, nơi xa xôi có biển Đông mênh mông, có những người lính đang kiên trì giữ đảo. Mặt trời ở biển soi lên đảo xa chắc còn huy hoàng và đẹp đẽ, rực rỡ hơn nhiều.

Chị mỉm cười, nụ cười cô giáo với lời nói nhẹ nhàng, hấp dẫn bọn học trò nhỏ khi chị giảng bài. Chị muốn truyền đến cho lớp học trò hôm nay còn ngồi trên ghế nhà trường những tri thức, lòng yêu nước và tình cảm quê hương. Có lần chị biết anh đã nhường tiêu chuẩn nghỉ phép của mình cho người lính dưới quyền mình về phép thăm nhà, thăm người vợ trẻ mới sinh con đầu lòng. Chị xúc động vì sự hy sinh nhỏ mà có tính nhân văn cao cả, vì vậy, thư chị gửi cho anh bao giờ cũng là những tin vui về mẹ, công việc, các con. Chị cảm thông sâu sắc với nghiệp nhà binh mà anh theo đuổi nên chị không hề thắc mắc, đòi hỏi dù chị cũng khao khát được ở bên anh, được gần anh, được anh ngồi bên tâm sự như hồi nào.

Một sáng tháng 7, khi mặt trời lấp lánh ánh vàng trên mặt biển xanh mênh mông, trong cơn gió nhẹ, những cơn sóng đua nhau đổ vào chân đảo, anh nhận được thư nhà. Vẫn là những nét chữ quen thân như có cánh đến bên anh, anh vui, anh mừng của một buổi sáng đầy nắng, gió. Đứng dưới cây bàng vuông, mùa này lá bàng dày, xanh đậm đang can trường trước gió biển. Anh thầm cám ơn gia đình, điểm tựa của phía sau biển động. Đọc thư chị, một tin vui năm học này trường chị đạt chuẩn quốc gia, chị được công nhận dạy giỏi cấp tỉnh, còn hai cô con gái, Thảo - Hiền đều đạt học sinh giỏi, Hiền còn là chỉ huy đội xuất sắc. Mẹ vẫn khỏe, lưng hơi còng, bước đi chậm nhưng mẹ vẫn quét dọn luôn tay. Mẹ đang dành mấy cành nhãn chín mọng, vàng ươm để đến ngày thương binh, liệt sĩ thắp hương cúng bố. Mẹ anh, bà nội đến ngày 27/7 vẫn thường thủ thỉ với hai cháu gái:

- Nhãn này là nhãn lồng giống ngon, ông lấy giống từ Lục Ngạn (Bắc Giang) nhân một chuyến về phép. Cây nhãn đã qua mấy chục lần ra quả, người trồng đi xa mà nhớ mãi người trồng.

Cái Thảo ôm đôi vai gầy của bà, âu yếm:

- Chúng cháu vẫn mãi mãi nhớ công người trồng đấy bà ạ.

Bình minh của buổi sáng trên biển, giữa lòng đảo, anh hướng về đất liền thầm nghĩ:

- Hôm nay đang ngày nghỉ hè, bà cháu, mẹ con chắc đang quây quần ở nhà.

Anh rút chiếc điện thoại và nhấn máy gọi về nhà, từ ngày có sóng điện Viettel, anh như được gần mẹ, gần vợ, con hơn.

Nước da sạm đen vì sóng và gió biển nhưng mắt anh sáng, lòng anh se lại nhớ về người thân trên đất liền. Mặt trời từ phía Đông chiếu sáng một vầng hào quang rực rỡ trên màu xanh của biển.

 

                                                              Văn Song (T.T.V)

 

Các tin khác


Đom đóm và hoa gạo

Tản văn của Đức Dũng


Chuyện của nắng mưa

Nắng sớm, mưa chiều là câu cửa miệng của cư dân miền nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều. Nói rộng ra là thế, còn nhìn gần, hình như nó giống với câu chuyện của một ngày mùa hạ. Đầu ngày là nắng đổ gay gắt và cuối ngày đong đầy những giọt mưa.

Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục