(HBĐT) - Tôi nhận ra mùa hạ về bắt đầu từ phố lác đác vài chục hoa loa kèn chớm nở. Những ngày đầu hạ, lang thang trên phố lòng thấy thật dễ chịu. Tôi khẽ nhìn những tia nắng ấm áp nhảy nhót trên cành cây rồi khẽ đậu nhẹ xuống cánh hoa loa kèn tinh khôi, thanh khiết. Từng khoảnh khắc ấy luôn làm cho tôi có cảm giác phấn khích rồi tôi băng băng trên chú ngựa sắt quen thuộc, mặc gió mơn man lùa tóc rối tung, miệng lầm rầm một vài bản nhạc yêu thích. Phút giây ấy, tôi thấy mình thật hạnh phúc! Niềm hạnh phúc bình dị của khoảnh khắc giao mùa, chớm hạ!

Mùa hạ về, muôn hoa ngạt ngào đua sắc. Đầu tiên phải kể tới loài hoa loa kèn trắng muốt tinh khôi, hương đưa thoảng nhẹ gợi nhớ về tình thủy chung son sắt. Những bông bằng lăng cũng đã ngay ngắn, từng búp e ấp, chỉ đợi một cơn mưa hạ  nữa thôi là bung sắc tím miên man rồi loài phượng vĩ bung sắc đỏ chứa chan, tuổi học trò nào ai dễ quên... Chưa kể tới hoa xoài, hoa nhãn cũng đã chi chít đầy cành, thu hút bao lượt ong, bướm. Mỗi loài hoa mang một vẻ riêng biệt, theo vào từng trang ký ức của tôi bằng những kỷ niệm ngọt ngào.

 

Tôi nhớ lại thuở ấu thơ, khi hạ về cũng là lúc tôi được nghỉ học ở trường. 3 tháng hè, đối với những học sinh ở quê khi đó là cả thiên đường. Ngày đầu tiên của kỳ nghỉ, chúng tôi được bố mẹ cho thỏa sức vùng vẫy. Con sông quê, chiều nào mùa đông còn im lìm giấc ngủ, qua hạ rộn vang tiếng nói, cười. Nước sông mát rượi tắm mát tuổi thơ tôi mỗi mùa hè như thế! Hết tắm sông, cả lũ hò hét nhau lên núi hái me chua, ổi chát mang về từng bọc, ngồi chấm muối trắng trệu trạo nhai đến mỏi hàm vậy mà vẫn thích thú và cả trăm trò chơi được bầy biện ra ngay bất kể nơi đâu: dưới gốc mít, gốc xoan hay góc sân trước nhà ai đó... Những trò chơi xưa, đôi lúc tôi nghĩ lại vẫn không tài nào nhớ hết.

 

Nhắc tới mùa hạ mà không kể tới những cơn mưa thì có lẽ là một thiếu sót lớn nhưng phải là cơn mưa đầu mùa. Từng giọt ngọc kết tinh của đất trời ào ào rơi xuống. Đám trẻ con thi nhau chạy ùa ra sân tắm mưa. Trên người, cả trai lẫn gái chỉ mặc chiếc quần cộc. Những điệu nhảy của trẻ thơ hòa vào vũ khúc mưa hạ. Tiếng cười khanh khách lẫn tiếng mưa tí tách rộn ràng cả một góc sân. Tối đến, có thể bị một trận cảm nhớ đời nhưng chẳng ai hối tiếc vì mình đã từng tắm mưa cả. Ngay cả lúc người đang hầm hập nóng, nằm trong nhà, nhìn mưa rơi, nhìn lũ bạn vùng vẫy dưới mưa mà luyến tiếc rồi, sau cơn mưa thế nào ếch, nhái bắt đầu ộp oạm kêu ngoài đồng inh ỏi. Khi ấy, tôi cùng anh trai mang đồ nghề đi vợt ếch. Tôi nhớ nôn nao món cháo ếch béo ngậy ăn lẫn chút lá tía tô, hành tăm giữa tiết trời thanh mát. Món ăn không những bổ dưỡng mà còn thanh tao, in sâu vào tâm thức của tôi. Đến nỗi, giờ khôn lớn rồi, thấy cơn mưa đầu hạ là lòng xao xuyến nhớ vị cháo ếch xưa rồi ngay ngày mai cũng ra quán nào đó, tự thưởng cho mình bát cháo ếch nhằm vớt vát đi nỗi nhớ. Tôi nghĩ mình quá may mắn khi được làm người con của đồng quê để được tao hóa ban tặng những điều tuyệt vời như vậy!

 

Với tuổi học trò, mùa hạ luôn là mùa nhiều kỷ niệm nhất. Mùa hạ là mùa chia tay! Năm tháng ngồi trên ghế nhà trường đối với tôi đều là những ký ức đẹp. Tôi yếu đuối rơi nước mắt khi nghĩ về những mùa hạ của năm cuối cấp. Mỗi buổi học tôi cứ mong rằng thời gian chậm lại. Những phút giây tâm sự ngắn ngủi giờ ra chơi sao trôi nhanh quá chừng. Trang lưu bút ngày nào mới chuyền tay giờ đã ken kín đầy dòng mực tím. Thương lắm những dòng tâm sự của cô bạn  vì cuộc sống mà gạt bỏ ước mơ của mình để mưu sinh giúp đỡ gia đình. Thương những lo lắng, trăn trở của tuổi 18 mơ mộng tinh khôi trước những lối rẽ cuộc đời và cả những dòng ăn năn, hối lỗi cho tháng ngày vụng dại, thơ ngây. Mùa hạ cuối, những giận hờn được xóa nhòa bằng những cái nắm tay thật chặt, từng ánh mắt trao yêu thương  và cùng lưu giữ bao kỷ niệm trong buổi lễ trưởng thành đầy nước mắt!

 

Dòng thời gian vẫn mải miết trôi, hết đông, qua xuân rồi lại tới hạ. Tôi đã trưởng thành hơn bằng những dấu mốc của cuộc đời, duy chỉ có cảm xúc là luôn ăm ắp trong tim vẹn nguyên khi mỗi khi hạ về.

 

 

 

                                            Cao Văn Quyền

                             (Lớp 55 LTKT, Đại học Thủy lợi)

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Không ga lăng...

(HBĐT) - Mấy ngày nay, bà con khu phố M. râm ran câu chuyện về gia đình cô XX kéo nhau ra tòa. Ai cũng thấy bất ngờ. Từ quán cháo lòng tiết canh hay quán thịt chó cuối phố, “đề tài” này được mọi người bàn luận rôm rả. Cũng đúng thôi, cô XX ngày xưa xuất thân từ cô gái bán nước xinh đẹp của phố này nên quan tâm là phải. Đã thế, họ còn biết kỹ về anh chồng và “mối tình” của họ nữa. Nghe đâu vì... không biết ga-lăng mà mất vợ?!...

Mùa lá mới...

(HBĐT) - Thiên nhiên luôn ban tặng cho con người những điều kỳ thú. Một sớm mai ngày chủ nhật, bỗng muốn “thưởng” cho mình một thú vui nho nhỏ: đi xe lướt lòng vòng trên những con phố, dưới những hàng cây vào mùa lá mới... Đầu năm, mùa lá, mùa hoa mới, thành phố trẻ bên dòng sông Đà như được “mặc” những bộ áo mới bởi màu xanh, lộc biếc...

Mùa xuân ở vườn cam

(HBĐT) - Tiến bước xuống xe khi thành phố đã lên đèn. Đã lâu lắm rồi anh mới trở lại cái thị xã khiêm tốn nằm bên con sông Đà một thời đã gắn bó với tuổi thơ anh. Dòng Đà Giang mùa này vẫn biếc xanh, lặng lẽ dưới chân cây cầu lung linh ánh sáng. Núi Đúng vẫn trầm mặc đứng bên kia sông. Một thành phố hiện đại lung linh dưới ánh đèn.

Vị đắng rau rừng

(HBĐT) - Trong cuộc sống ai cũng thích ngọt ngào, chẳng mấy ai muốn đắng cay, chua chát. Người xưa có câu Đẹp vàng son, ngon mật mỡ. Trong dân gian các món ngon thường là các món có vị ngọt ngào, béo bùi thế mà người quê tôi có khẩu vị ẩm thực rất độc đáo, đó là các loại rau, quả đắng. Vị đắng trở nên quen thuộc, tự nhiên tới mức trở thành món ngon, thậm chí là quý hiếm khi mà núi đồi dần mất đi hệ thực vật phong phú.

Tháng 3 quê nhà

(HBĐT) - Tháng 3 này, hàng cây dẫn vào xóm nhỏ quê nhà sau mùa lá bay đã bật lên những chồi non, lộc biếc. Hương vị xuân quê nhà nhạt phai dần. Nhịp sống với những công việc thường ngày đã trở lại. Lúa ngoài đồng bén rễ lên xanh. Tiếng ai đó gọi nhau ngoài cánh đồng ngô đang chuẩn bị cho kỳ bón thúc và vẫn có những cuộc chia tay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục