Thắng lợi của quân và dân ta trong chiến dịch Đường 9-Khe Sanh, tháng 7/1968, không những đưa Hướng Hóa trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Trị và miền Nam được giải phóng mà còn tạo yếu tố quan trọng trong chiến thắng Xuân Hè 1972, giải phóng Quảng Trị; tạo đà cho cuộc Tổng tấn công mùa Xuân lịch sử năm 1975 để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến thắng lịch sử ở mặt trận Đường 9-Khe Sanh

Chú thích ảnh
Quân giải phóng tiến công căn cứ lính thủy đánh bộ Mỹ ở Khe Sanh (Quảng Trị). Ảnh tư liệu: TTXVN

Trước năm 1968, Mỹ ngụy đã xây dựng tuyến Đường 9-Khe Sanh thành khu vực có vị trí chiến lược, nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam, đồng thời tạo ra bức "bình phong” án ngữ trực tiếp cho địa bàn Trị-Thiên-Huế. Tại đây, có đến 45.000 quân Mỹ ngụy, biên chế thành hơn 20 tiểu đoàn bộ binh, pháo binh và cơ giới. Cuối tháng 12/1967, Đảng ủy Mặt trận Đường 9-Bắc Quảng Trị ra nghị quyết: Trong Xuân Hè năm 1968, toàn mặt trận phải quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, chủ yếu là quân Mỹ. Khi có điều kiện thì phá vỡ một phần hệ thống phòng ngự của địch ở Đường 9 và phát triển vào Trị -Thiên-Huế.

Thực hiện nghị quyết này, ngày 20/1/1968, quân ta nhận được lệnh nổ súng tiến công Khe Sanh, với trận mở màn đánh chiếm Chi khu quân sự quận lỵ Hướng Hóa. Ba ngày sau, ngày 23/1/1968, quân ta tiếp tục tiến công, tiêu diệt cụm cứ điểm phòng ngự Huội San nằm sát biên giới Việt-Lào, trong đó trung tâm là cứ điểm Tà Mây. Trong trận đánh này, lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bộ đội xe tăng trực tiếp vào chiến trường tham gia chiến đấu, với quyết tâm: "Kiên quyết đánh thắng trận đầu, một xe, một người cũng quyết đánh”. Chỉ sau một ngày, quân ta đã làm chủ căn cứ Tà Mây, cùng hệ thống phòng ngự Huội San; qua đó cắt đứt "mắt xích” rất quan trọng trong hệ thống phòng thủ phía Tây Đường 9.

Bất ngờ nhận những thất bại liên tiếp, Mỹ ngụy tập trung quân, hỏa lực bảo vệ cụm cứ điểm và sân bay Tà Cơn. Để đánh chiếm cụm cứ điểm này, quân ta sử dụng chiến thuật "vây, lấn, tấn, phá, triệt”. Trong khi đó, bình quân mỗi ngày Mỹ ngụy sử dụng trên 300 lượt máy bay, dội xuống Tà Cơn hàng nghìn tấn bom đạn, nhưng vẫn không thoát ra được vòng "vây, lấn” của ta. Ngày 9/7/1968, lá cờ chiến thắng của quân ta tung bay trên cứ điểm Tà Cơn. Chiến dịch lịch sử Đường 9-Khe Sanh kết thúc thắng lợi vẻ vang, Hướng Hóa trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Trị và ở miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Cựu chiến binh Hồ Văn Xang, ở thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa nhớ lại: Tinh thần đoàn kết của quân và dân ta, cùng quyết tâm đánh địch bằng tất cả những gì mình có, đánh cả ngày, đánh liên tục đã khiến địch bất ngờ và hoàn toàn thất bại ở Khe Sanh năm 1968. 

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Xuân Giang, hoạt động ở địa bàn Quảng Trị trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cho biết: Trên mặt trận Đường 9-Khe Sanh năm 1968, quân và dân ta đã tiêu diệt được nhiều sinh lực địch nhất; qua đó cổ vũ bộ đội, quần chúng nhân dân ở mặt trận khác đồng loạt nổi dậy đánh Mỹ ngụy. 

Sức sống mới ở huyện biên giới anh hùng

Chú thích ảnh
Xác máy bay Mỹ bị quân giải phóng bắn rơi trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh. Ảnh tư liệu: TTXVN

Sau giải phóng, Hướng Hóa hoang tàn, như nhà thơ Tố Hữu miêu tả trong "Nước non ngàn dặm”:

"Xe lên Đường 9 cheo leo

Hố bom đỏ mắt, trắng đèo bông lau

Cây khô, chết chẳng nghiêng đầu

Nghìn tay than cháy rạch màu trời xanh"

Đường 9-Khe Sanh một thời hoa lửa, ngày nay đã trở thành con đường của hội nhập và phát triển trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây. Năm 1998, Khu kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo được thành lập, có quy mô trên 15.800 ha, trải dài 25 km dọc theo Đường 9, đoạn qua huyện Hướng Hóa. Đến nay, khu kinh tế thương mại này đã có hơn 400 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, 4.000 hộ kinh doanh, tạo việc làm cho khoảng 2.500 lao động và thu hút 45.000 người đến sinh sống.

Điểm mới trong phát triển kinh tế của Hướng Hóa trong những năm gần đây là ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư vào làm điện gió. Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Đặng Trọng Vân cho biết, địa phương đã có trên 10 dự án điện gió đang triển khai xây dựng với số vốn hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong đó, hai nhà máy điện gió Hướng Linh 1 và Hướng Linh 2 đã đi vào hoạt động; các dự án điện gió khác như: Hướng Hiệp 1, Phong Liệu, Hướng Tân… đang được xây dựng.

Hướng Hóa cũng tập trung làm nông nghiệp công nghệ cao và tăng giá trị cho vùng chuyên cây trồng chủ lực. Ở khu vực đèo Sa Mù có độ cao từ 1.200-1.500 m so với mực nước biển, đã sản xuất thành công các loại hoa theo công nghệ cao như: hoa ly, lan, anh đào. Ngay dưới chân đèo Sa Mù là cánh đồng chanh leo cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi héc-ta. Nơi này cũng đang trồng sâm Ngọc Linh quý hiếm được nhập từ tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, Hướng Hóa còn duy trì và nâng cao giá trị các loại cây trồng truyền thống như: cà phê 4.800 ha, hồ tiêu 230 ha, cao su hơn 1.000 ha, chuối trên 3.800 ha, rừng trồng trên 45.000 ha... Qua đó giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc Pa Cô, Vân Kiều tăng thu nhập, thoát nghèo.

Để có được những vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao, người dân Hướng Hóa đã bắt tay vào việc khai phá, cải tạo đất để sản xuất, ngay sau khi chiến tranh kết thúc. Ông Phạm Thủy, 62 tuổi, ở xã Tân Long, huyện Hướng Hóa kể: Ngay sau khi miền Nam giải phóng, người dân ở một số vùng đồng bằng Quảng Trị được hỗ trợ, đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Hướng Hóa. Lúc bấy giờ, nơi này rất heo hút, nhìn chỗ nào cũng thấy hố bom. Ban đầu, các hộ dân sinh sống tập trung ở dọc hai bên Đường 9, sau đó cùng với đồng bào dân tộc Pa Cô, Vân Kiều khai phá vùng đất xung quanh để sản xuất, rồi xây dựng vùng chuyên canh các cây trồng cho giá trị cao như: hồ tiêu, cà phê, cao su...

Hiện nay, ở Hướng Hóa, ngoài những cánh đồng chuối, cà phê, cao su... còn có những cánh đồng điện gió, với hàng trăm cây cột điện gió cao vút, nối tiếp nhau. Do đó, Hướng Hóa có thêm điều kiện để khai thác tiềm năng du lịch về nguồn, du lịch sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm trên những cánh đồng điện gió. Tour du lịch từ Đường 9 lên vùng biên giới Việt-Lào cung cấp trải nghiệm cho du khách có thể dừng chân tìm hiểu hệ thống di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng như: Làng Vây, Sân bay Tà Cơn, Nhà tù Lao Bảo; ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ của thác Tà Puồng, thác Ồ Ồ... hay những cánh quạt điện gió khổng lồ, quay không ngừng nghỉ suốt ngày đêm. 

Đời sống của người Hướng Hóa ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 35 triệu đồng/năm; 100% trạm y tế xã, thị trấn có bác sỹ; gần 100% học sinh trong độ tuổi được đến trường; sóng truyền hình phủ đến 100% thôn, bản. Huyện Hướng Hóa đã có 5/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới.


                             Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Hồi ức chiến trường của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam

Nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy, nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam năm nay đã ngoài 70 tuổi, sức khỏe đôi khi không được tốt, mái tóc hoa tiêu đã rụng quá nửa do di chứng sốt rét rừng từ những năm tháng tham gia đưa tin tại chiến trường. Ông vẫn luôn luôn khắc ghi những kỷ niệm ăn ngủ trong rừng, thâm nhập, đưa tin ở vùng chiến sự và cả thời khắc lịch sử mùa xuân năm 1975.

Màu xanh trên đất mặn

(HBĐT) - Trong chuyến công tác tại đảo Trần và đảo Trà Bản (Quảng Ninh), chúng tôi ấn tượng bởi màu xanh mơn mởn của những luống rau trên mảnh đất cằn của Trạm rada 480 và 485, Tiểu đoàn 151 (Bộ Tư lệnh Vùng I Hải quân).

Đổi thay nơi ghi dấu chiến công đầu của lưới lửa phòng không tầm thấp

(HBĐT) - Xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) hôm nay, ngoài mía và các loại cây màu có giá trị kinh tế cao như dưa hấu, bí xanh, lạc, đậu... còn có màu xanh mát của những vườn cam, bưởi. Màu xanh này đã đem đến những đổi thay cho vùng quê từng ghi dấu chiến công đầu của lưới lửa phòng không tầm thấp, mở đầu cho phong trào "bắn máy bay Mỹ bằng súng bộ binh” của Quân khu 3 trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Nhân 45 năm Thống nhất đất nước: Ký ức về 12 ngày đêm mở tung "cánh cửa thép"Xuân Lộc, tiến vào giải phóng Sài Gòn

Cuối tháng 3/1975, khi quân địch thất thủ ở Tây Nguyên và các chiến trường Phan Rang, Phan Thiết rồi Chi khu Dầu Tiếng, Chơn Thành, Di Linh được giải phóng, đã hình thành nên vòng cung siết chặt, buộc quân địch phải co cụm lại và chúng quyết "tử thủ” tại cửa ngõ Xuân Lộc (tỉnh Long Khánh cũ) để bảo vệ Sài Gòn.

Tự hào chiến sỹ Tây Nguyên

(HBĐT) - Tháng 8/1971, tỉnh Hòa Bình đã tiễn hơn 600 thanh niên lên đường nhập ngũ, đây là đợt giao quân đông nhất của năm 1971. Sau khi huấn luyện tại huyện Yên Thủy, các tân binh Tiểu đoàn 647 được đưa vào chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, chủ yếu tham gia chiến dịch Tây Nguyên, sau đó là chiến dịch Hồ Chí Minh. 45 năm đã qua, những chiến sỹ Tây Nguyên năm xưa nay tập hợp trong Ban liên lạc chiến sỹ Tây Nguyên tại Hòa Bình, cùng giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong cuộc sống.

Những ca khúc làm "sống dậy" thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975

Ngày 30/4/1975 là ngày lịch sử của đất nước, Bắc Nam nối liền một dải. Vào thời khắc ấy, đã có nhiều ca khúc ra đời mừng non sông thống nhất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục