Trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất của Phi đội Quyết Thắng là một trong những dấu ấn không quên của không quân Việt Nam. Trận đánh không chỉ có ý nghĩa trong hiệp đồng tác chiến của Quân đội ta mà còn khẳng định sự mưu trí, sáng tạo của lực lượng Không quân cách mạng trong những ngày quyết định thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sự phối hợp nhuần nhuyễn

Chú thích ảnh
Ngày 28/4/1975, các trận địa pháo của ta nã đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4, lá cờ "Quyết thắng" của quân đội ta đã tung bay trên đỉnh cột cờ Bộ Tư lệnh không quân ngụy. Tuy nhiên, phải tới 14 giờ ngày 30/4, sân bay Tân Sơn Nhất mới thực sự im tiếng súng. Ảnh: Đinh Quang Thành/TTXVN

Những ngày cuối tháng Tư hàng năm, các phi công cùng đội ngũ cán bộ kỹ thuật Phi đội Quyết Thắng lại gặp mặt để ôn lại những ký ức đầy oai hùng của mình. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm nay dự kiến cuộc gặp mặt sẽ không diễn ra. Không được gặp mặt trực tiếp nhưng những người lính năm xưa vẫn sẽ liên lạc với nhau để ôn lại những kỷ niệm không quên.

Phi đội trưởng Nguyễn Văn Lục cho biết: Chúng tôi thường tổ chức gặp mặt truyền thống vào ngày 28/4 hàng năm. Năm nay chúng tôi dự định vào thăm lại chiến trường xưa, thăm sân bay Tân Sơn Nhất, thăm Sư đoàn 370, Quân khu 7 và tổ chức họp mặt phi công Phi đội Quyết Thắng, tham gia một số dự kiện tiếp lửa truyền thống với thế hệ trẻ Trung đoàn 392... nhưng dịch bệnh thế này, mọi  kế hoạch chắc phải tạm hoãn.

Nói về trận ném bom lịch sử vào sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975 của Phi đội Quyết Thắng anh hùng, Phi đội trưởng Nguyễn Văn Lục chia sẻ: Đây là chiến công chung, không chỉ của những phi công trực tiếp tham gia trận chiến mà còn là công sức của các đồng chí chỉ huy và đội ngũ phục vụ. Thành công của trận đánh cũng đến từ đóng góp, hỗ trợ lớn của những phi công, cán bộ kỹ thuật thu dung, những người đã đứng về phía dân tộc, phía chính nghĩa.

Từng là một phi công của Việt Nam Cộng hòa trước đó, sau này đã hỗ trợ Không quân ta rất nhiều, ông Trần Văn On chia sẻ: "Quan hệ giữa chúng tôi với phi công từ miền Bắc vào lúc đó rất tốt. Ban đầu khi được trưng dụng hỗ trợ các anh ấy làm quen với máy bay A-37, tôi cũng hơi e dè, nhất là khi gặp ông Thọ (Nguyễn Văn Thọ - Chủ nhiệm bay Trung đoàn 923 được giao nhiệm vụ huấn luyện chuyển loại máy bay) vì ông ấy vừa là chỉ huy lại là phi công. Dù vậy, sau vài ngày, mọi chuyện thay đổi hẳn. Các anh ấy rất thoải mái, không phân biệt, đối xử. Chúng tôi cùng uống trà, trao đổi, thậm chí còn cùng tán dóc, kể chuyện tiếu lâm”.

Phi Đội trưởng Phi đội Quyết Thắng Nguyễn Văn Lục cho biết thêm, Phi đội lúc đó đều tập hợp những phi công có kinh nghiệm. Việc ném bom mặt đất, ai cũng thành thạo. Tuy nhiên, việc này chủ yếu được thực hiện từ các loại máy bay của Liên Xô - Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên sử dụng máy bay A-37 của Mỹ tác chiến; vì vậy, trước khi lên đường, anh em đã họp bàn, thảo luận phương án và cách thức tấn công rất cẩn thận. Khi giao nhiệm vụ, cấp trên đã yêu cầu chúng tôi bằng mọi giá phải ném bom được vào sân bay Tân Sơn Nhất nhưng cũng phải đảm bảo không ném vào đường băng và trại Davis (cách mục tiêu chỉ khoảng 300m).

Đại tá, phi công Từ Đễ cho biết, không chỉ sử dụng máy bay của địch thực hiện nhiệm vụ "đánh" sân bay Tân Sơn Nhất, Phi dội cũng nhận được lệnh phải xác định chính xác mục tiêu và phải đảm bảo an toàn cho người của ta trong trại Davis. "Một yêu cầu nữa là không được ném bom trúng đường bay bởi chúng ta vẫn có truyền thống nhân đạo, để lại cho địch một đường rút; đồng thời cũng giảm đi thương vong cho người dân trong trường hợp quân địch phản kháng khi bị vây bắt”, ông nhớ lại.
 
Trong tổng kết Chiến dịch Hồ Chí Minh, đánh giá về trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28/4/1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng, Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Đây là một trận phối hợp tuyệt đẹp, một trận đánh hiệp đồng quân chủng, binh chủng đầy đủ nhất từ trước tới nay của Quân đội ta vào thời điểm hết sức quan trọng, có tác động lớn đến diễn biến chiến dịch, đẩy địch đến một cơn hoảng loạn mới”.

Những ký ức khó phai

Chú thích ảnh
Đại tá, phi công Từ Đễ mô tả khoảnh khắc máy bay A-37 bổ nhào ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN

Khi Phi đội Quyết Thắng thực hiện nhiệm vụ, không chỉ hướng mục tiêu đánh sân bay Tân Sơn Nhất mà còn phải tránh pháo kích.

Đại tá Từ Đễ cho biết: "Phi đội lựa chọn đường bay dọc bờ biển tới ngã 3 sông Sài Gòn rồi hướng vào sân bay Tân Sơn Nhất là một sự khôn khéo. Đây là đường bay mà địch vẫn sử dụng hàng ngày nên chúng sẽ không thể xác định đâu là ta, đâu là địch. Theo kế hoạch, lượt đi Phi đội sẽ bay ở độ cao 2.000m để địch khó phát hiện bằng hệ thống rada nhưng do thời tiết xấu nên cả Phi đội phải giảm độ bay xuống cách mặt đất 300 - 500m".

Phi Đội trưởng Nguyễn Văn Lục chia sẻ: "Phương án, kế hoạch bay ban đầu đã được anh em thảo luận kỹ là sẵn sàng chống máy bay địch và hỏa lực phòng không, đảm bảo bằng mọi giá hoàn thành nhiệm vụ ném bom. Tất cả các máy bay đều đeo bom và ném bom nếu không gặp địch. Nếu máy bay địch xuất kích chặn thì hai máy bay số 4,5 ném bom đi, chặn địch để các máy bay số 1,2,3 tiếp tục nhiệm vụ ném bom. Còn về hỏa lực phòng không, chúng tôi xác định mình tấn công bất ngờ, chắc là địch sẽ không kịp trở tay”.

"Vì sử dụng máy bay lẫn đường bay mà địch sử dụng hàng ngày nên khi bay đi và về, máy bay của ta đều bị pháo phòng không của ta bắn. Khi phi đội xuất kích đến đoạn Phan Thiết, Hàm Tân bị pháo ta bắn (lúc đó, các máy bay bay cao khoảng 500m). Bay nhanh nên anh em dưới đất bị bất ngờ, bắn theo đỏ trời. Khi trở về, anh em trong Phi đội bảo nhau hạ độ cao xuống khoảng 50m, pháo 37 ly không thể hạ nòng thấp xuống nhanh nên dù bị bắn nhưng cũng ko thể trúng”, phi công Nguyễn Văn Lục nhớ lại.

Khi đội bay hoàn thành nhiệm vụ, về đến gần Phan Thiết, phi công Từ Đễ thông báo qua vô tuyến chú ý quan sát để tránh pháo cao xạ. Anh Đễ vừa dứt lời, từ mặt đất pháo bắn lên đỏ rực, các phi công hạ thấp độ cao, bay tránh vòng ra ngoài khu vực trận địa pháo. Cả phi đội bay về an toàn.

"Quả đúng như lo lắng, trong suốt lượt đi và về, nhiều đơn vị bộ đội pháo phòng không của ta đã tưởng nhầm và bắn hướng vào các máy bay của Phi đội. Trong đó, Tiểu đoàn bộ đội địa phương 602 tỉnh Ninh Thuận đã dùng toàn bộ lực lượng pháo 37 ly và súng máy 12 ly 8 bắn vào Phi đội. Nhưng thật may mắn, cả Phi đội không bị trúng phát nào”, Phi công Từ Đễ nhớ lại.

"Trận pháo kích của ta vào quân ta” này đã để lại rất nhiều kỷ niệm với những người hùng của Phi đội Quyết Thắng và cả lực lượng pháo binh Ninh Thuận năm xưa, do thiếu úy Mười Thìn, Đại đội trưởng pháo phòng không thuộc Tiểu đoàn bộ đội địa phương 602 của tỉnh Ninh Thuận (ông Trương Xuân Thìn, sau này là Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận) chỉ huy.

Giờ đây cũng như những cựu phi công khác, ông Từ Đễ không quên những năm tháng oai hùng của Phi đội Quyết Thắng, của không quân Việt Nam. Những ký ức đó được ông ghi chép lại cẩn thận, tỉ mỉ. Không những vậy, Đại tá Từ Đễ còn thường xuyên sưu tầm, viết sách về những trận đánh oai hùng, xây dựng những kịch bản phim truyền hình về không quân Việt Nam. Việc làm này sẽ theo ông suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời "để những chiến công ấy âm vang mãi, nhắc nhở các thế hệ mai sau không bao giờ quên những cống hiến, hy sinh của cha anh đi trước cho nền độc lập hôm nay".


                                Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Bộ đội Cụ Hồ thắp sáng niềm tin trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19

(HBĐT) - "Vào đây tôi mới hiểu được sự quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ của các chú bộ đội dành cho những người cách ly… Tôi cảm thấy thật ấm lòng… Trong thời kỳ dịch bệnh hoành hành thì các chú đã quên thân mình để lo cho dân và sự bình yên của cả nước, xứng danh bộ đội Cụ Hồ "vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Tôi yêu các chú bộ đội. Cảm ơn, cảm ơn và cảm ơn…” - Đó là những dòng lưu bút chân thành của bà Nguyễn Thị Oanh đến từ tỉnh Nghệ An trong một ngày đặc biệt gửi "các chú bộ đội thuộc Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình”.

Bài 1 - Phát huy vai trò của báo chí và mạng xã hội phòng, chống dịch Covid-19

(HBĐT) - Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, các cơ quan thông tin trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng kịch bản tổ chức tuyên truyền, thể hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phản ánh toàn diện công tác chỉ đạo, điều hành các giải pháp phòng, chống dịch theo đúng hướng dẫn, chỉ đạo của T.Ư và của tỉnh.

Ký ức của người lính Sư đoàn 9 về những ngày tháng tư lịch sử

(HBĐT) - Mỗi người một quê, nhưng những chàng trai mới 19 tuổi với sức trẻ phơi phới đã hăng hái xung phong tham gia chiến trường miền Nam. Khi chiến tranh kết thúc, người trở về quê hương, người được phân công nhiệm vụ trên vùng đất mới. Những ngày tháng tư lịch sử, tại mảnh đất Tân Lạc, những người lính của Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 năm xưa có dịp bên nhau ôn lại kỷ niệm về một thời sống và chiến đấu kiên cường.

Hồi ức chiến trường của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam

Nhà báo Nguyễn Sỹ Thủy, nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam năm nay đã ngoài 70 tuổi, sức khỏe đôi khi không được tốt, mái tóc hoa tiêu đã rụng quá nửa do di chứng sốt rét rừng từ những năm tháng tham gia đưa tin tại chiến trường. Ông vẫn luôn luôn khắc ghi những kỷ niệm ăn ngủ trong rừng, thâm nhập, đưa tin ở vùng chiến sự và cả thời khắc lịch sử mùa xuân năm 1975.

Màu xanh trên đất mặn

(HBĐT) - Trong chuyến công tác tại đảo Trần và đảo Trà Bản (Quảng Ninh), chúng tôi ấn tượng bởi màu xanh mơn mởn của những luống rau trên mảnh đất cằn của Trạm rada 480 và 485, Tiểu đoàn 151 (Bộ Tư lệnh Vùng I Hải quân).

Đổi thay nơi ghi dấu chiến công đầu của lưới lửa phòng không tầm thấp

(HBĐT) - Xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) hôm nay, ngoài mía và các loại cây màu có giá trị kinh tế cao như dưa hấu, bí xanh, lạc, đậu... còn có màu xanh mát của những vườn cam, bưởi. Màu xanh này đã đem đến những đổi thay cho vùng quê từng ghi dấu chiến công đầu của lưới lửa phòng không tầm thấp, mở đầu cho phong trào "bắn máy bay Mỹ bằng súng bộ binh” của Quân khu 3 trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục