Bài 1: Những cô gái xứ dừa ra trận
Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của quân dân ta, tại tỉnh Bến Tre luôn xuất hiện hình ảnh của một đội quân đặc biệt, đó là "Đội quân tóc dài”. Đội quân này tập hợp những người phụ nữ giản dị trong đời thường nhưng can trường, dũng cảm trong chiến đấu và chính họ đã góp phần làm nên lịch sử, góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc.
Ra đời từ phong trào Đồng khởi
Nghị quyết 15 của Trung ương ra đời và đến với tỉnh Bến Tre như "nắng hạn gặp mưa rào”. Theo đó, Đảng chủ trương sử dụng vũ trang để hỗ trợ đấu tranh chính trị, điều này cũng đáp ứng được nhu cầu tình thế và sự mong ước của Đảng bộ và nhân dân xứ dừa. Vì vậy, cuộc Đồng Khởi ngày 17/1/1960 của nhân dân Bến Tre đã được diễn ra tại 3 xã điểm là: Định Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp của huyện Mỏ Cày, sau đó phong trào đã nhanh chóng lan rộng ra toàn tỉnh Bến Tre. Lồng lộn trước sự thất thủ bất ngờ, ngày 26/1/1960, địch huy động nhiều đơn vị vũ trang gồm cả quân chủ lực và bảo an với hơn một vạn tên càn quét, hòng chiếm lại 3 xã là cái nôi Đồng Khởi đã được giải phóng.
Để đối phó lại âm mưu của địch, Tỉnh ủy Bến Tre đã đi đến thống nhất xây dựng kế hoạch phát động nhân dân đấu tranh chính trị trực diện trên toàn tỉnh. Ngày 15/3/1960, hơn 5.000 phụ nữ gồm đủ các thành phần, đủ mọi lứa tuổi, đã được tổ chức tập hợp thành một đoàn quân tóc dài với hơn 200 ghe xuồng kéo vào huyện Mỏ Cày giúp chạy chữa những người bị thương, cung cấp thuốc men, thực phẩm, gạo thóc cho đồng bào khi địch đã rút quân để bà con có thể trở về yên ổn làm ăn…
"Đội quân tóc dài” lúc ra đời do đồng chí Nguyễn Thị Định (cô Ba Định) lãnh đạo đã vận dụng nhuần nhuyễn phương châm 3 mũi giáp công: Chính trị, binh vận và vũ trang để tấn công quân Mỹ - ngụy. Danh xưng "Đội quân tóc dài” cũng bắt nguồn từ chính sự khiếp sợ của viên Đại tá, chỉ huy trưởng cuộc hành quân Nguyễn Văn Y trong phong trào Đồng Khởi tại Bến Tre. Đến nỗi viên đại tá này phải thốt lên: "Thôi đành phải chịu thua đội quân đầu tóc”.
Các má, các cô, các chị trong "Đội quân tóc dài” ngày ấy tuy là những người phụ nữ chân quê, lam lũ với ruộng đồng, nhưng lại là những con người trung kiên, ưu tú, dũng cảm và mưu trí. Mặc cho quân địch nhiều lần dùng thủ đoạn thâm độc với các má, các cô, các chị như: Lấy kéo cắt tóc của các cô, bắt bớ, giam cầm, tra tấn dã man với đòn nham hiểu là ngâm nước, phơi nắng, hãm hiếp, truy bức... nhưng các cô, các chị vẫn nhất quyết không khai ra các cơ sở cách mạng, không khai đồng đội của mình.
Nhớ lại những năm tháng đấu tranh ấy, bà Nguyễn Thị Đời (bà Năm Đời) ở xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm cho biết, hai lần bị giặc bắt khi tham gia đấu tranh chính trị trực diện nhưng bà vẫn làm kẻ địch phải kiếp sợ trước sự kiên trung của mình.
Bà Năm Đời nhớ lại, khi bị địch bắt, chúng tra tấn bắt bà phải dẫn đi tìm cơ sở cách mạng. Bằng sự khéo léo và chấp nhận hy sinh để bảo vệ đồng đội, bà Năm Đời đã dẫn bọn địch vào bãi mìn. Bị mìn nổ, địch tổn thất nặng còn bà chỉ bị thương. Kế hoạch tìm cơ sở cách mạng thất bại, chúng tức tối túm tóc bà lôi đi khoảng 5 cây số khiến da đầu rách toạc, máu chảy đầm đìa, đến nay chỗ bị thương tóc vẫn không mọc trở lại.
Mặc dù phải chịu nhiều nỗi đau da thịt do kẻ địch gây ra nhưng không thể ngăn được tinh thần đấu tranh cách mạng của những nữ chiến sỹ trung kiên, trong đó có bà Năm Đời. Sau khi vừa được ra tù, bà Năm lại đi tiên phong trong các cuộc đấu tranh cách mạng giành độc lập cho dân tộc khi ấy.
"Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”
Với bà Đoàn Thị Tư, tên thường gọi là Tư Tràng, ở xã Bình Khánh Tây, huyện Mỏ Cày Nam, thì con đường gia nhập đội quân tóc dài của bà xuất phát từ chính người cha của mình.
Ở tuổi chưa đầy 20, cô thôn nữ Tư Tràng ngày ấy đã trở thành giao liên và là một trong những nhân vật nòng cốt trong các phong trào đấu tranh chính trị ở huyện Mỏ Cày. Chồng tập kết ra Bắc, một mình bà vừa làm mẹ, vừa làm cha, chăm sóc con thơ trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, nhưng không có cuộc đấu tranh nào vắng mặt bà. Bị giặc bắt, bị tù đày, dù phải chịu muôn vàn nỗi đau xác thịt khi bị bọn ác ôn dùng chông đâm vào người hòng bắt bà chỉ ra địa điểm nuôi giấu cán bộ, nhưng trước sau bà vẫn kiên định với lập trường cách mạng.
"Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” đó là truyền thống, là quyết tâm giữ gìn non sông, đất nước trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc. "Đặc biệt trong thời chiến, người phụ nữ ngoài công việc chăm lo cho gia đình còn tham gia vào phong trào đấu tranh cách mạng rất sôi nổi. Cụ thể tại các xã trong vùng giải phóng, vùng tranh chấp, chị em phụ nữ vừa gài chông, mìn đánh lính đi càn, vừa đấu tranh chính trị trực diện bằng lý lẽ và tình cảm của người mẹ, người chị, làm thức tỉnh ý thức dân tộc, hạn chế hành động khủng bố của giặc”, bà Tư Tràng nói thêm.
Khác với các chị em cùng trang lứa, phương tiện đấu tranh của bà Huỳnh Thị Bùi ở xã Long Hòa, huyện Giồng Trôm lại là cây đàn và những bài ca cách mạng. Với các chị em tham gia đấu tranh trực diện là cây súng chiến đấu với quân thù, thì tiếng hát, tiếng đàn của bà Huỳnh Thị Bùi là vũ khí đánh vào tinh thần binh sỹ ngụy; đây là vũ khí sát thương tinh thần làm nhụt ý chí chiến đấu của kẻ địch. Cũng nhờ giọng ca, tiếng đàn mà trong một lần bà Bùi được gặp bà Ba Định (nữ tướng Nguyễn Thị Định) từ đó bà Bùi đã giác ngộ và đến với con đường cách mạng.
Theo bà Bùi, kể từ ngày được gặp nữ tướng Nguyễn Thị Định, bà đã được nữ tướng giác ngộ tinh thần đấu tranh chống Mỹ. Vậy là từ đó cô gái khiếm thị Huỳnh Thị Bùi được bà Ba Định giao nhiệm vụ là một giao liên trong đội quân tóc dài. Với cây đàn, giọng hát, cô gái trẻ khiếm thị họ Huỳnh đã làm tròn nhiệm vụ giao liên khi giấu thư từ, tài liệu trong chiếc đàn, trong búi tóc, ôm đàn bình thản mò mẫm qua mặt các đồn bốt địch làm nhiệm vụ của một người hoạt động cách mạng bí mật mà địch không hề hay biết cho đến ngày tỉnh Bến Tre được giải phóng.
Bà Bùi kể lại, đó là thời gian ác liệt nhất mà bà từng tham gia và cũng là những năm tháng hạnh phúc, hào hùng, đáng tự hào nhất của bà. "Ban ngày tôi đi đấu tranh, đêm về lại đàn hát cho đồng bào, dân công, chiến sĩ nghe”, bà Huỳnh Thị Bùi nói.
Bài 2: Vang danh nữ "bộ đội Thu Hà”
Theo BaoTintuc.vn