(HBĐT) - Khắp các miền quê trải dài màu xanh trù phú; hạ tầng điện - đường - trường - trạm được đầu tư xây dựng; hệ thống thương mại - dịch vụ phát triển... Đó là diện mạo của quê hương Mường Động (Kim Bôi) hôm nay với những bước chuyển mạnh mẽ.


Diện mạo thị trấn Bo (Kim Bôi) nhiều đổi mới, khởi sắc.

Vươn lên từ đất

Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp ghé thăm Kim Bôi – vùng đất sơn thủy hữu tình ôm trọn vào lòng nguồn "vàng trắng” vô tận. Xe lăn bánh êm ru trên con đường bê tông mới nối tới xã Xuân Thủy. Bao quanh những nếp nhà khang trang ở đây là vườn cây trái xanh mướt mắt. Năm 2022 có dấu ấn đặc biệt với bà con nơi đây. Vào trung tuần tháng 8, 1 tấn nhãn Sơn Thủy đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường EU. Niềm vui, phấn khởi sau bao tháng ngày vất vả một nắng hai sương vẫn còn vẹn nguyên.

Chúng tôi dừng chân tại gia đình ông Bùi Văn Lực, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy (nay là xã Xuân Thủy) - một gia đình làm kinh tế giỏi ở Mường Động. Không chỉ làm giàu, ông Lực còn giúp bà con trong xóm, xã từ cây giống đến phương pháp sản xuất. Theo chia sẻ của bà con, trong thập niên 90, đường sá chưa có, điện lưới cũng chưa về đến hết các xóm, đời sống người dân vô cùng vất vả. Ông Lực là người đưa cây nhãn Hương Chi về trồng. Lần đầu tiên trên địa bàn xã có diện tích trồng nhãn được áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh với 2,5 ha. Cùng với những chủ trương, nghị quyết các cấp soi đường, mở lối, diện tích trồng nhãn của xã ngày càng mở rộng, đưa loại cây này trở thành cây chủ lực, mũi nhọn trong sản xuất trồng trọt của địa phương. Cuộc sống người dân Xuân Thủy dần đổi thay. Dân tin theo Đảng, bám đất, vươn lên thoát nghèo trên chính quê hương mình.

Cùng với Xuân Thủy, bước tiến dài của nông nghiệp, nông thôn khắp các vùng quê đã tạo nên những đổi thay ở vùng Mường Động. Trước đây, người dân chỉ chú trọng trồng lúa thì nay, nhiều cây trồng có tiềm năng, lợi thế, giá trị kinh tế cao được đưa vào thay thế. Vùng trồng mía tím mở rộng ở nhiều xã như: Vĩnh Tiến, Tú Sơn. Huyện xây dựng, phát triển được 2 thương hiệu sản phẩm là nhãn Sơn Thủy và cam Mường Động. Đặc biệt, các chuỗi liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, HTX với nhân dân được duy trì hiệu quả. Trong đó phải kể đến chuỗi cây ăn quả có múi 150 ha tại các xã: Tú Sơn, Bình Sơn, Vĩnh Tiến, Đú Sáng, Kim Lập; chuỗi sản xuất cây dược liệu 23 ha tại xã Hùng Sơn; chuỗi rau VietGAP 100 ha tại xã Đú Sáng… Một số mô hình mới đã phát huy hiệu quả như: trồng chuối tiêu tại xã Kim Bôi rộng 3 ha; trồng hơn 1 ha trà hoa vàng tại xã Nuông Dăm… Người dân Kim Bôi bằng sự chịu thương, chịu khó và cách làm sáng tạo, đã từng bước chứng minh sự vươn lên từ đất.

Tạo đà bứt phá

Cùng với nông nghiệp, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Sở hữu cảnh quan thiên nhiên sơn thủy hữu tình, bản sắc văn hóa đậm đà, có nguồn nước khoáng được coi là "vàng trắng", vì lẽ đó, Kim Bôi được xác định là trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh.

Hiện nay, dự án đường liên kết vùng (ĐLKV) Hoà Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hoà Bình - Mộc Châu); dự án quần thể khu đô thị sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp và hệ thống cáp treo Cuối Hạ (Kim Bôi) là 2 dự án trọng điểm của tỉnh đang được triển khai tại huyện, đặt mục tiêu khởi công vào cuối năm nay. Các dự án này được kỳ vọng khai thác tiềm năng, lợi thế, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho vùng đất Mường Động và cả tỉnh.

Dự án ĐLKV Hoà Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hoà Bình - Mộc Châu) tuyến từ xã Mông Hoá (TP Hoà Bình) đến trung tâm huyện Kim Bôi có tổng mức đầu tư 4.120 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 đầu tư đoạn tuyến từ huyện Kim Bôi kết nối với trục cao tốc quy hoạch Hòa Lạc - Hòa Bình tại TP Hòa Bình, chiều dài 32 km, tiêu chuẩn đường cấp III - đồng bằng. Dự án quần thể khu đô thị sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp và hệ thống cáp treo Cuối Hạ là dự án ngoài ngân sách, có tổng mức đầu tư trên 6.600 tỷ đồng, quy mô dân số khoảng 10.900 người, sử dụng khoảng 1.890.100 m2 đất. Dự án được kỳ vọng tạo ra sản phẩm du lịch, dịch vụ chất lượng cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế xanh, bền vững của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Thư, Bí thư Huyện ủy Kim Bôi chia sẻ: Từ một huyện nghèo, nhờ triển khai đồng bộ các chính sách của T.Ư và tỉnh, phát huy hiệu quả nội lực, Mường Động đang từng ngày khởi sắc, vươn lên. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất toàn huyện đạt 14,3%; giá trị sản xuất ước đạt 1.346,3 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng đạt 3,7%; thu ngân sách nhà nước ước đạt 129.000 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người 43,0 triệu đồng/người/ năm... đều vượt chỉ tiêu đề ra. Hiện nay, huyện có 15 sản phẩm OCOP 3 sao, trung bình mỗi xã trên địa bàn thực hiện đạt 13 tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Văn hóa, xã hội được quan tâm, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống Nhân dân được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Hải Yến


Các tin khác


Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Lừa đảo xuất khẩu lao động - cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Lợi dụng việc một bộ phận người dân có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các chiêu lừa XKLĐ khiến không ít người lâm vào cảnh éo le. Thậm chí nhiều trường hợp đứng trước "nanh vuốt” của bọn tội phạm mua bán người...

Sáng mãi màu áo xanh tình nguyện

"Năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thống nhất lựa chọn chủ đề công tác là "Năm Thanh niên tình nguyện”. Đây là năm đánh dấu nhiều sự kiện đặc biệt có ý nghĩa trong phong trào thanh niên tình nguyện, như: kỷ niệm 60 năm phong trào "Ba sẵn sàng”, 10 năm "Năm Thanh niên tình nguyện”, 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè. Vì vậy, tổ chức Đoàn các cấp cần phải xem đây là một năm sôi động các hoạt động thanh niên tình nguyện trên toàn quốc với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp thanh niên Việt Nam" - đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ tư, khoá XII (tháng 1/2024).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục