Thông qua chiến thắng đồi Bù, ông Hoàng Văn Chung (người đứng giữa) đã giáo dục cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc.

Thông qua chiến thắng đồi Bù, ông Hoàng Văn Chung (người đứng giữa) đã giáo dục cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc.

(HBĐT) - Gần 40 năm trôi qua nhưng lịch sử vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức ông Hoàng Văn Chung, Chủ tịch Hội CCB xã Hợp Hoà (Lương Sơn). Đó là một ngày mùa đông, giá rét, sương mù dày đặc, cả vùng đất Hợp Hoà đang chìm trong đêm yên tĩnh. Lúc đó khoảng hơn 23h, bỗng có một tiếng nổ lớn vang lên. Chiếc máy bay F111 của không quân Mỹ đã bị tự vệ thủ đô bắn và rơi xuống xóm Suối Cỏ thuộc địa bàn xã Hợp Hoà.

 

Toàn bộ dù, buồng và khoang lái cùng với 2 tên phi công rơi ở rừng vầu đồi ông Mo, thuộc cao điểm 833. Lập tức đồng chí Hoàng Văn Thọ, xã đội trưởng đã điều động lực lượng triển khai nhiệm vụ bắt sống giặc lái, đồng thời chiến đấu bắn trả máy bay phản lực cứu phi công, bảo toàn lực lượng, kiên quyết không cho trực thăng cứu được phi công. Tiến thẳng lên khu vực đồi vầu, các chiến sỹ phát hiện cánh cửa buồng lái đã mở toang, trong đó có 2 mũ phi công, 1 chiếc dù, 2 phích nước, 1 bản đồ tác chiến, sổ tay hướng dẫn ăn uống phòng khi bị rơi hoặc lạc vào rừng của Việt Nam... Ngay trong đêm, quân và dân Hợp Hoà đã ráo riết tìm kiếm, vây bắt. Tiếp sau đó, cả ngày 23 và ngày 24/12/1972, 5 trung đội đã được chia thành các mũi lùng sục từng bụi cây, hốc đá. Kiên trì, bền bỉ, 16h45’ ngày 24/12/1972, tên giặc lái đầu tiên bị phát hiện và bắt sống. Chiến công này là nguồn động viên tinh thần lớn để quân dân Hợp Hoà quyết tâm bắt sống tên giặc lái còn lại.

 

Ngưng dòng kể, giọng ông Chung chùng xuống: Việc vây bắt tên thứ 2 nguy hiểm và khó khăn hơn nhiều vì vừa phải vây bắt giặc lái, vừa phải chống trả với máy bay cứu viện của giặc. Đã có một số cán bộ, chiến sỹ dân quân bị thương, 2 khẩu trung liên và 2 khẩu 12 ly 7 bị phá hỏng. Ngày 26/12, khi chiến dịch vây bắt đang tiếp tục thì xuất hiện 8 chiếc bay F8 lộn nhào xuống vị trí tên phi công thứ nhất bị bắt để ứng cứu. Để giữ bí mật, ban chỉ huy cụm chưa cho nổ súng vì cứ một phút, tên phi công còn sót lại lại bắn pháo hiệu xanh để kêu cứu. Quyết tâm bắt sống tên giặc lái, các vòng vây ngày càng khép chặt hơn.  

 

Chiều 27/12 đã có 4 chiếc phản lực, trong đó có hai chiếc F4 và hai chiếc F8 ném bom, nã đạn, tung hoả mù xuống Hợp Hoà và các xã lân cận. Trước tình hình đó, hoả lực phòng không của ta đồng loạt nổ súng bắn trả quyết liệt máy bay địch. Đến 16h30’ ngày 28/12, các chiến sỹ trinh sát ở sở chỉ huy phát hiện chiếc trực thăng bay thấp qua đồi vầu, dừng lại trên khoảng không độ 10 phút, thả thang dây xuống hòng cứu thoát tên còn lại. Lập tức, tổ hoả lực thuộc đại đội 115 và 3 dân quân đã dùng súng bộ binh AK chỉ cách chiếc trực thăng 30 m đã dũng cảm đồng loạt nổ súng, chiếc trực thăng đã bị trúng đạn và rơi tại biên giới Việt - Lào.

 

Đến 8h sáng ngày 29/12, tiếp tục 2 chiếc F8 ra thả lương thực để duy trì sự sống cho tên còn lại. Lúc này, tên phi công đã bắn pháo hiệu xanh, chiếc F8 bổ nhào thả đồ vật xuống chỗ có pháo hiệu. Xác định được vị trí tên còn lại, các vòng vây khép chặt, lực lượng quân và dân Hợp Hoà quyết tâm bắt gọn tên giặc lái. Khoảng 1 tiếng sau, tên giặc lái còn lại bị bắt sống khi đang ẩn nấp trong một khe núi.

 

Như vậy, qua 7 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, hợp đồng chặt chẽ với tinh thần quyết tâm cao, quân dân Hợp Hoà đã bắn rơi một chiếc trực thăng và bắt sống 2 tên sỹ quan không quân của quân đội Hoa Kỳ. Gần 40 năm đã qua đi nhưng chiến thắng đồi Bù vẫn mãi mãi là niềm tự hào, ký ức lịch sử khó phai mờ trong tâm trí những người dân Hợp Hoà hôm nay.

 

Phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất trong chiến tranh, khi hoà bình lập lại, quân và dân Hợp Hoà cùng chung tay xây dựng cuộc sống mới. Là một xã thuần nông, những năm gần đây, Hợp Hoà đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế. Với tổng diện tích gieo cấy 184 ha, hàng năm, sản lượng lương thực của toàn xã đạt trên 1.000 tấn. Công tác chăn nuôi, thú y khá ổn định, không để xảy ra dịch bệnh lớn. Hiện nay, toàn xã có trên 40 hộ gia đình kinh doanh buôn bán nhỏ, 70 hộ gia đình làm xây dựng. Kinh tế phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư vào giáo dục, văn hoá, y tế của xã. Toàn xã đã xây dựng được 6 nhà văn hoá thôn bản và duy trì tốt các hoạt động sinh hoạt, phấn đấu 100% xóm đạt văn hoá.

 

Những ngày cuối tháng tư lịch sử, về thăm Hợp Hoà để có những cảm nhận trọn vẹn về sự chuyển giao. Dưới chân đồi Bù, các cụ già là nhân chứng sống đang say sưa ôn lại 7 ngày đêm vây bắt giặc. Trên cánh đồng, những người nông dân Hợp Hoà chăm chỉ, cần cù đang vun ngô, vun lạc... Trong lớp học khang trang, tiếng trẻ đọc bài mở ra những tháng ngày mới...

                  

                                                                                      Dương Liễu

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục